Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Trước thềm Festival Đàn Tranh Châu Á 2008 - 4

NHẬT KÝ ĐÀN TRANH CỦA TÔI
Mùa thu năm 2000

KỶ NIỆM ĐẸP BAO GIỜ GẶP LẠI?


Ngày… tháng… năm…

Tôi vẫn còn thơ bé, nhưng cũng vừa đủ lớn để biết rằng sắp tới những học trò nhỏ như chúng tôi lần đầu tiên sẽ được tham dự vào một chương trình nhạc truyền thống mang tầm quốc tế. “Nhạc Hội Đàn Tranh Châu Á”, cái tên mới nghe qua thật là hấp dẫn! Các truyền thống đàn tranh của các nước Á Châu đang tụ hội về đây, về dải đất Sài Gòn trên quê hương Việt Nam này để cùng cất lên những giai điệu ngọt ngào sâu lắng, những cung bậc duyên dáng êm đềm. Một ngày đặc biệt, chị em họ hàng đàn tranh mừng mừng tủi tủi nắm tay nhau, rồi hòa nhịp cùng nhau, những điều muốn nói, những mơ ước hay những nguyện cầu đều hóa thành lời vô ngôn trong cung tơ, ý nhạc. Không cần nói đã hiểu, không cần giải bày mà có thể cảm nhận một cách tinh tế qua tiếng nhấn, tiếng rung… bấy nhiêu thôi là tôi đã cảm thấy thích thú trong lòng! Ngày đặc biệt ấy chưa đến, nhưng tôi có thể nhiều lần nhắm mắt tưởng tượng thấy hình ảnh sân khấu đàn tranh đầy nhạc đầy tình đang diễn ra trong cái đầu ưa mơ mộng của mình. Với một người nhỏ bé ít khi đi xa biết rộng như tôi, “Nhạc Hội Đàn Tranh Châu Á” là cái gì đó thật lớn lao, thật quan trọng, thật quyến rũ, thật tuyệt vời đến đắm say! Ngày xưa chỉ vì một thiếu nữ mặc áo dài đỏ đàn tranh trên truyền hình mà tôi đã đòi gảy cho bằng được cây đàn giống người nghệ sĩ đó, và từ đó cây đàn tranh trở thành người bạn đường thân thiết của tôi mỗi khi tôi cần chia sẻ những chuyện vui buồn. Còn ngày nay, với cái tin được tham gia “Nhạc Hội Đàn Tranh Châu Á”, tôi sung sướng còn hơn là được phần thưởng nữa! Mọi người không biết là tôi nhảy dựng lên thế nào đâu! Chỉ vì được tham gia Nhạc Hội mà tôi mỗi ngày mỗi tập đàn, khiến cả nhà điếc tai không khi nào được nghỉ ngơi thoải mái hết…

Ngày… tháng… năm…

Áo dài của Thảo may xong rồi mà áo của tôi còn chưa vẽ xong nữa. Áo dài màu đỏ có thêu chim hạc màu nhũ vàng trên cổ áo và hai cổ tay. Đơn giản nhưng rất đẹp, rất trang nhã. Cô còn chuẩn bị cho các diễn viên chúng tôi khăn đóng nhũ vàng phù hợp với màu sắc của áo dài. Vậy là nguyên cả bộ, từ đầu xuống chân, đều rực rỡ tươi tắn. Tôi đợi ngày được mặc chiếc áo dài đó trên sân khấu cùng cây đàn tranh, hòa lên những khúc nhạc réo rắt yêu đời. Bỗng nhớ tới người thiếu nữ mặc áo dài đỏ đàn tranh trên truyền hình năm nào, tôi thấy tim mình thêm rộn rã… Hôm nay tới nhà Cô tập “Duyên kỳ ngộ”, không biết P.Thảo, M. Thảo và Hiền đã tập kỹ chưa? Cô trả bài từng cây mà đứa nào chưa thuộc chắc bị la quá! May mà tôi đã thuộc kỹ rồi…

Ngày… tháng… năm…

Mọi người cũng đã dợt xong lần cuối cùng bài “Duyên Kỳ Ngộ”. Phù, nghỉ mệt một chút. Úi chà, chị Phượng vừa gõ trống giữ nhịp vừa la quá chừng, vì trống chưa vô mà đàn đã vô. Mọi người phải đàn đi đàn lại để nghe cho kỹ hơn, lạng quạng rớt nhịp là nguyên bài đi đứt! Vậy mà ai cũng tập không than một lời, hay ghê! Tất cả vì Nhạc Hội mà! 

Ngày… tháng… năm…

Trước giờ mở màn, tôi và các cô, các chị, các bạn tập trung để chỉnh dây đàn. Khâu này rất quan trọng nên ai cũng cẩn thận so dây từng chút một. Mấy đứa nhỏ như chúng tôi thì có mấy chị lớn kiểm tra lại giùm. Vì thế mà đám 4 đứa chúng tôi có dịp… đi chơi vòng vòng để xem các nghệ sĩ ở đoàn khác chuẩn bị ra làm sao. Tôi rất có cảm tình với ông Thum Soon Boon ở đoàn Singapore, trông ông ấy có vẻ rất thân thiện dù là thầy của hai nghệ sĩ tài năng Chou Hui Ming và Low Guan Yi. Cô Kim Sun Ok bên đoàn Hàn Quốc cũng vậy, cô cũng là một nghệ sĩ dễ thương mà tôi thích. Kể cả Giáo sư đàn Koto là cô Miyagi Kanami cũng vậy. Vóc dáng cô nhỏ nhắn, mái tóc loăn xoăn ngang vai cộng với cặp kính cận có nét gì đó đặc biệt thu hút người đối diện. Nụ cười của cô là điểm mà tôi rất ưa nhìn. Còn hai chị Vân Ánh và Thanh Thủy ở đoàn Việt Nam tôi chỉ có thể thấy từ xa mà chưa gặp trực diện để chào hỏi vài câu. Ở chị Vân Ánh toát ra vẻ sắc sảo, lanh lợi thông minh, phong cách có vẻ phóng khoáng; chị Thanh Thủy thì nhu mì điềm đạm, nhẹ nhàng êm ái như nước chảy. Đó là những người nghệ sĩ tôi gặp lần đầu tiên trong Nhạc Hội Đàn Tranh, hình ảnh của những người ấy thật khó mà quên trong ký ức của tôi.

… Màn sân khấu đã kéo ra rồi, tiếng đàn tranh Việt Nam réo rắt vang lên thật trong sáng, vui tươi đầy hứng khởi. Tiếng trống gõ bài “Duyên kỳ ngộ” (Nhạc cổ miền Nam) càng làm ban Tiếng Hát Quê Hương chúng tôi phấn chấn, thêm tinh thần để đàn cho thật hay. Kết thúc bài, tiếng vỗ tay rào rào không ngớt từ phía dưới khán giả vang lên, chúng tôi đứng dậy chào thật trân trọng. Riêng tôi, giờ phút ấy tiếng đàn tranh vẫn còn quanh quẩn trong đầu chưa dứt, tôi quá vui, hay quá hồi hộp mà chưa thoát ra khỏi giấc mộng đẹp vừa rồi?...


Khánh Vân (nhỏ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét