Thứ Sáu, 23 tháng 11, 2012

Nhạc hội đàn tranh châu Á lần 2: Vui, buồn đọng lại

Nhạc hội đàn tranh châu Á lần 2: Vui, buồn đọng lại
 

Tối 4-9, sau bốn đêm giao lưu và trình diễn, nhạc hội đàn tranh châu Á lần 2-2008 (diễn ra tại TP.HCM) đã kết thúc mỹ mãn, để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng người mộ điệu. 

Vui là dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tổ chức và kinh phí, nhưng so với lần tổ chức đầu tiên cách đây 8 năm, nhạc hội tưng bừng, hấp dẫn hơn nhiều.

Giáo sư người Nhật Ishise Akiko - vị khách mời lớn tuổi nhất tại nhạc hội lần này - bộc bạch rằng bà rất bất ngờ và xúc động trước sự nồng hậu của nước chủ nhà, từ hàng loạt cờ hiệu quảng bá cho nhạc hội treo dọc đường Nguyễn Du dẫn đến Nhạc viện TP và khu vực trước Cung văn hóa Lao động đến thông tin dày đặc trên báo chí. 

Năm đoàn khách mời Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan mang đến những cây đàn đặc biệt nhất với diễn tấu kỹ thuật tinh tế của các nghệ sĩ thượng thặng. Đáng mừng hơn nữa là khi các nghệ sĩ trẻ xuất hiện bên cạnh những bậc thầy một cách "kẻ tám lạng, người nửa cân". Không chỉ diễn tấu, các nghệ sĩ trẻ còn có khả năng biên soạn, dàn dựng tác phẩm. Nói như giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê thì: "Bên dưới tán cây cổ thụ còn có những đóa hoa tươi. Truyền thống không xơ cứng mà đã được lưu truyền...". Có thể thấy rõ sự kế thừa và phát triển nhạc truyền thống nói chung và đàn tranh nói riêng ở những bản nhạc được các nghệ sĩ chọn trình diễn đợt này: cổ nhạc ít, tân nhạc với những sáng tác mới nhiều. 

Những tác phẩm mới này gắn với cội nguồn không chỉ bằng những "bay bướm" ngày xưa mà còn cả với những nét nhạc tinh tế cùng những gửi gắm tế nhị. Tất cả cho thấy truyền thống không giậm chân tại chỗ mà linh động thay đổi để phù hợp với cuộc sống hiện tại. 

Theo tổng kết của BTC thì điều hạnh phúc nhất chính là tấm lòng khán giả. Tất cả các buổi trình diễn đều không còn chỗ trống. Khán giả rất nghiêm túc và luôn cổ vũ nhiệt tình cho các nghệ sĩ. Khán phòng trang trọng, nồng ấm và lấp lánh những niềm vui. 

Thành công là thế, được chào đón và ủng hộ là thế nhưng lại chưa có lời hẹn tái ngộ. Các đoàn vẫn chưa chính thức trả lời liệu mọi người sẽ cùng nhau luân phiên tổ chức nhạc hội đàn tranh châu Á hay không, hay chỉ một mình VN khởi xướng và chủ trì mỗi khi có điều kiện. Một châu Á đang phát triển mạnh mẽ với bề dày văn hóa và lịch sử lâu đời lại chỉ có thể tổ chức nhạc hội đàn tranh năm năm một lần (theo dự kiến). Nghe sao mà buồn... 

QUỲNH NGUYỄN (Theo Tuổi trẻ)

Ảnh: Khánh Vân THQH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét