HÌNH ẢNH TỔNG DỢT CHƯƠNG TRÌNH KHAI MẠC FESTIVAL ĐÀN TRANH CHÂU Á 2008
08h30 sáng 01.09.2008 tại Hội trường A – Cung Văn hóa Lao Động TP.HCM
5 đoàn tham gia: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan
Chúng
tôi có mặt đông đủ lúc 8h30 sáng thứ hai đầu tháng 9/2008, tiết trời
dìu dịu nhưng vẫn mang bên mình kiểu cách thay đổi thất thường của khí
hậu Sài Gòn. Khi mọi người tập trung chạy chương trình thì không khí
xung quanh có vẻ nóng thêm lên. Đoàn Việt Nam
là đoàn tới sớm nhất. Sau đó là đoàn Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài
Loan. Đoàn nào cũng lỉnh kỉnh khiêng vác đủ thứ dụng cụ, đồ đạc phục vụ
cho buổi tổng duyệt. Riêng nói về các cây đàn tranh thì thật phức tạp.
Đàn của nước bạn cây nào cũng to, cũng nặng, cũng dài, xách leo lầu
muốn… bở hơi tai! Với đoàn Việt Nam, có lẽ do “khỏe” hơn các đoàn nước ngoài khác về việc xách đàn (đàn tranh Việt Nam
vừa nhỏ gọn, vừa nhẹ có thể di chuyển nhanh) nên chỉnh dây đàn xong
trước nhất. Sau đó Cô Thúy Hoan phân chia đội hình chỗ ngồi trên sân
khấu cho các thành viên Tiếng Hát Quê Hương theo một sơ đồ đã chuẩn bị
sẵn (nhờ đó mà càng thấy được tinh thần trách nhiệm và tính chu đáo cẩn
thận của Cô). Đội hình dàn đàn tranh bao gồm 4 hàng: 2 hàng ngồi ghế và 2
hàng ngồi dưới đất. Ba nghệ sĩ chính của Việt Nam
là chị Hải Phượng, chị Trà My và chị Hồng Nga cũng đã có mặt trong đội
hình. Yên vị xong đâu đấy, âm thanh đã ổn định thì đoàn Việt Nam được chạy thử tiết mục đầu tiên: hòa tấu bài Xàng Xê (nhạc lễ miền Nam).
Đặc biệt lần này có dàn nhạc gõ phụ họa nghe ra rất đúng chất “lễ” của
bài nhạc, đồng thời cũng làm các diễn viên “nhập tâm” hơn! Sau câu rao
và hồi trống gài, tiếng đàn tranh cao vút vang lên. Nhiều nghệ sĩ ở các
đoàn bạn lắng nghe chăm chú và tỏ vẻ thích thú. Cô Akiko & nghệ sĩ
Hideki bên đoàn Nhật, nghệ sĩ Chen Xiao Ran & Fu Na của Trung Quốc,
nghệ sĩ Kim Hee Sun của Hàn Quốc… liên tục bấm máy. Rất tiếc đoàn Việt Nam
không có ai đứng chụp hình cho đoàn của mình vì lớp đang bận lo công
việc hậu đài, lớp đang biểu diễn trên sân khấu… Hy vọng sau nhạc hội
đoàn Việt Nam sẽ có được những tấm hình tập luyện ngày đầu tiên để dành làm kỷ niệm cho lần gặp gỡ này.
Sau đoàn Việt Nam
là đoàn Nhật Bản. Nhìn những cây đàn Koto xinh đẹp trước mắt, mọi người
không khỏi ngẩn ngơ. Chỉ cần lướt qua vài sợi dây đàn, tiếng nhạc sẽ
vang lên thật thuần chất “Nhật”, chưa dạo khúc mà cảm thấy thoảng bóng
hoa anh đào đâu đây. Nếu bạn có dịp gảy thử vài dây như tôi, bạn sẽ có
cùng cảm giác cho mà xem! Những đường vân gỗ trên thân đàn, mặt đàn quả
rất đẹp, màu nâu nhạt, nâu đậm của sớ gỗ hòa với nhau, làm nền cho từng
con nhạn (ngựa đàn) màu trắng to bản làm bằng ngà voi (theo lời cô Ueda
Ayako giải thích). Chưa nghe một bài nhạc nào mà hình thức của cây đàn
đã khiến tôi mê mẩn. Chưa kể hai cuộn dây được để ở phía đuôi đàn càng
làm cho câu chuyện mà cô Thúy Hoan kể về “đuôi rồng”, “râu rồng” khi đi
biểu diễn ở Nhật thêm hấp dẫn. Cô Ueda Ayako còn cho tôi và các bạn xem
móng đàn mà các nghệ sĩ trong đoàn sử dụng. Móng đàn (Nhật gọi là Tsume)
được làm bằng loại nhựa cứng, đầu móng hình vuông (biểu trưng cho
trường phái Ikuta) rất khác với loại móng của Việt Nam.
Đoàn Nhật rất lịch sự, tuy đông người nhưng họ vô cùng trật tự và có ý
thức giữ im lặng. Cách tập luyện cũng chuyên nghiệp mặc dù các giáo sư
bên đoàn Nhật ít ai còn trẻ tuổi. Có một nét êm đềm, ôn hòa mang phong
cách “Thiền trà” Nhật Bản lan tỏa trong tôi. Các giáo sư đoàn Nhật ai
cũng dễ thương, và gặp ai cũng cúi đầu chào, miệng nở nụ cười thân
thiện. Tôi cũng không ngờ GS Ishise Akiko đã 70 tuổi mà còn
mạnh khỏe đến vậy! Bà là một “Daishihan” (Nhạc sĩ bậc Thầy) trong Hiệp
hội Âm nhạc Seiha Nhật Bản, có ngón đờn Koto tuyệt hảo. Bà nổi bật giữa
đám đông các nghệ sĩ Nhật bởi mái tóc trắng đặc biệt, mặc dầu nhìn kỹ
gương mặt, tôi thấy bà vẫn còn nhiều nét trẻ hơn tuổi thật của mình.
Đầu đàn Koto & móng đàn (tsume) đầu vuông trường phái Ikuta
Đàn Koto 17 dây
Đầu đàn Koto 17 dây
Thân đàn Koto 17 dây
Con nhạn (cầu đàn hay ngựa đàn/ bridge) bằng ngà voi
Đuôi đàn Koto 17 dây với 2 cuộn dây dự trữ cột phía sau (như đuôi rồng)
Đuôi đàn Koto 17 dây
Đoàn
Nhật bước vào phần tổng duyệt bài. Góp mặt cùng với dàn Koto còn có hai
loại nhạc cụ cũng rất nổi tiếng. Đó là đàn Shamisen (loại đàn ba dây
giống như đàn tam của Việt Nam nhưng khảy bằng một miếng khảy to bản gọi
là “bachi” – giống miếng khảy của đàn tỳ bà Nhật Bản “biwa”) mà các bạn
thường thấy trong các bộ phim Nhật, được gảy bởi các geisha. Shamisen
do GS Kawagoe Setsuko sử dụng. Thứ hai là ống sáo shakuhachi do GS
Tanabe Hideki sử dụng. Hai nhạc cụ này hòa cùng đàn Koto nghe thật quyến
rũ. Ngoài đàn Koto 13 dây thông thường ra, lần này đoàn Nhật còn đem
theo cây đàn Koto 17 dây cải tiến để đàn những bài Concerto hay Sonate
soạn riêng cho Koto nữa (cũng giống như đàn Tranh Việt Nam
cải tiến 21, 22 dây dành cho diễn tấu nhạc sáng tác). Tôi nhắm mắt lại
để tận hưởng từng giai điệu sâu lắng mà đoàn Nhật mang lại, thật thú vị
biết bao!
Tiếp
theo là đoàn Hàn Quốc với các nghệ sĩ bậc thầy: Lee Chae Suk, Kim Hee
Sun, Seong Ai Soon cùng xuất hiện trên sân khấu qua tiếng đàn Kayageum
với kỹ thuật đàn búng tay độc đáo kết hợp cùng tiếng trống Janggu
(Trượng cổ) do GS Kim Sun Ok đệm theo. Đã tám năm không gặp lại hai vị
GS dễ mến tham dự nhạc hội lần trước là GS Lee Chae Suk và GS Kim Sun
Ok, tôi thấy rằng càng ngày họ càng trẻ ra, nhất là cô Kim Sun Ok. Lúc
trước cô để tóc tém, còn bây giờ kiểu tóc đã thay đổi, gương mặt có vẻ
bầu bĩnh hơn nhưng vẫn không mất đi vẻ đẹp dịu dàng pha chút nét trẻ thơ
vốn có. Tôi thích thú đứng ngắm người nghệ sĩ tôi yêu mến và tỏ lòng
khâm phục GS Kim Sun Ok vì cô là bậc thầy về đàn Komungo (một loại đàn
tranh dùng que khảy chứ không dùng móng để đàn, ít có nữ giới sử dụng,
phần nhiều là nam giới vì phải dùng lực nhiều), loại đàn muốn chơi hay
không phải dễ! Tiết mục gảy đàn Komungo của GS Kim Sun Ok với phần đệm
trống của GS Kim Hee Sun gây ngạc nhiên cho nhiều người về hình thức
diễn tấu kỳ lạ đó. Cây đàn tranh của Hàn Quốc cũng rất đẹp về hình thức,
kể cả cây đàn Kayageum 25 dây đặc sắc. Tôi thích nhất con nhạn trên cây
đàn tranh Hàn Quốc vì nó có khắc những câu chữ hay hình vẽ rất đẹp, gợi
nét sang trọng, cổ điển. Chẳng những vậy, màu sắc cây đàn nhìn vào cũng
vô cùng thích mắt. Tôi đang dự một buổi tiệc nào mà kỳ diệu quá vậy?
Đàn Kayageum 25 dây của Hàn Quốc
Đầu đàn Kayageum 25 dây
Dãy con nhạn được trang trí công phu
Đàn Komungo 6 dây của Hàn Quốc
Đuôi đàn Komungo với 3 con nhạn nằm ở vị trí dây số 1, 2 và 6
Phần thân đàn Komungo
Đầu đàn Komungo & que khảy
Đoàn
Trung Quốc nối tiếp sau đoàn Hàn Quốc. Phải nói rằng kỹ thuật và hình
thức trình diễn guzheng của Trung Quốc quá tuyệt vời, nhất là kỹ thuật
tay phải linh hoạt sống động, như gió thổi, bướm lượn, gươm khua… Đến
Việt Nam lần này đoàn Trung Quốc gồm có 4 nghệ sĩ trẻ: Li Ling
(guzheng), Fu Na (guzheng), Chen Dong (ống sáo, ống tiêu), Chen Xiao Ran
(nhị hồ - erhu). 4 nghệ sĩ đều có sắc vóc lý tưởng và tài năng âm nhạc
xuất sắc. Đoàn Trung Quốc ngoài độc tấu đàn guzheng còn có tam tấu, tứ
tấu hòa chung với sáo/tiêu và nhị hồ. Khi nghe một vài tác phẩm mang hơi
hướng cổ điển của đàn guzheng, ta có cảm giác đang ngồi trước một áng
thơ Đường tuyệt đẹp:
Mộc lan chi duệ sa đường châu,
Ngọc tiêu kim quản toạ lưỡng đầu.
Mỹ tửu tôn trung trí thiên hộc,
Tái kỹ tùy ba nhiệm khứ lưu.
Tiên nhân hữu đãi thừa hoàng hạc,
Hải khách vô tâm tùy bạch âu…
Ngọc tiêu kim quản toạ lưỡng đầu.
Mỹ tửu tôn trung trí thiên hộc,
Tái kỹ tùy ba nhiệm khứ lưu.
Tiên nhân hữu đãi thừa hoàng hạc,
Hải khách vô tâm tùy bạch âu…
(Chèo lan, thuyền gỗ sa đường,
Hai đầu, sáo ngọc, tiêu vàng giúp vui.
Ngàn bình rượu đã sẵn rồi,
Chở theo kỹ nữ, mặc trôi con thuyền.
Có người cỡi hạc lên tiên;
Vô tâm, khách biển theo chim quên đời…)
Hai đầu, sáo ngọc, tiêu vàng giúp vui.
Ngàn bình rượu đã sẵn rồi,
Chở theo kỹ nữ, mặc trôi con thuyền.
Có người cỡi hạc lên tiên;
Vô tâm, khách biển theo chim quên đời…)
- Thơ Lý Bạch -
Nếu là chương trình biểu diễn thật sự thì chắc rằng khán giả cũng “vô tâm, khách biển theo chim quên đời” ngay lập tức thôi…
Đoàn
Đài Loan cũng sử dụng guzheng, nhưng điểm đặc biệt là các GS như ông
Wei Tei Don, bà Chang Sheng Ping, ông Huang Ming Shan và cô Isabelle
Hsing cùng diễn với các em học sinh trường Đài Bắc đang học tập tại Việt
Nam. Do một vài sơ suất, đến gần 12h trưa đoàn Đài Loan mới có thể ráp
chương trình trên sân khấu với âm thanh, ánh sáng. Còn lại các đoàn khác
đều ra về để chuẩn bị cho buổi chiều khai mạc và đêm trình diễn. Mong
cuộc triển lãm thành công và buổi biểu diễn mang lại nhiều ấn tượng đẹp
trong lòng mỗi người.
Ra
về… tuy mệt vì thơi gian kéo dài nhưng buổi tổng duyệt đã đem lại cho
tôi nhiều điều mới lạ học hỏi từ các nước bạn, và mở ra một chân trời
nhiều ước vọng ngày mai, cho Việt Nam, cho cây đàn tranh, cho âm nhạc
dân tộc…
Hình ảnh & tường thuật: Khánh Vân
ĐOÀN VIỆT NAM
Cô Phạm Thúy Hoan & anh Lộc đang làm việc
Sân khấu Khai mạc Festival ở Hội trường A - Cung VHLĐ
Đoàn Việt Nam chỉnh dây đàn
Không khí của các đoàn bạn
ĐOÀN NHẬT BẢN
Đàn Shamisen & Sáo Shakuhachi
Giáo sư Ishise Akiko
Toàn đoàn Nhật
GS Hashiba Naoko & GS Hirano Megumi
GS Kawagoe Setsuko
GS Tanabe Hideki
ĐOÀN HÀN QUỐC
GS Kim Sun Ok (đàn Komungo) & GS Kim Hee Sun (trống Janggu)
GS Kim Sun Ok với phong cách đàn Komungo (thân đàn để nghiêng)
Cách khảy và nhấn dây đàn Komungo
GS Kim Hee Sun đệm trống Janggu
GS Lee Chae Suk & GS Seong Ai Soon đàn Kayageum
GS Kim Hee Sun đàn Kayageum 25 dây & GS Kim Sun Ok đệm trống Janggu (Trượng cổ)
GS Lee Chae Suk với Kayageum 25 dây
GS Seong Ai Soon
GS Kim Sun Ok với gương mặt khả ái
ĐOÀN TRUNG QUỐC
Tam tấu của các nghệ sĩ Li Ling (guzheng), Chen Dong (ống tiêu) & Chen Xiao Ran (nhị hồ)
Nghệ sĩ trẻ Chen Xiao Ran
Nghệ sĩ trẻ Li Ling với cách trình diễn điêu luyện
ĐOÀN ĐÀI LOAN
Các GS & học trò chuẩn bị chỗ ngồi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét