GS Ishise Akiko tại buổi triển lãm ngày 01.09.2008 (Ảnh Hoàng Thạch Vân)
Giáo sư Ishise Akiko:
Mọi người đều có thể học đàn tranh
Trong
chương trình khai mạc Nhạc hội đàn tranh châu Á lần 2-2008 vào tối 1-9
tại Cung văn hóa Lao động (TP.HCM), rất nhiều khán giả VN đã tỏ lòng hâm
mộ và cảm kích trước sự xuất hiện của giáo sư người Nhật Ishise Akiko
(71 tuổi).
Bà
là thành viên lớn tuổi nhất của đoàn Nhật và cũng là vị khách lớn tuổi
nhất trong năm đoàn tham dự nhạc hội. Giáo sư đã dành cho Tuổi Trẻ cuộc
trò chuyện ngắn sau đêm khai mạc:
-
Tôi rất vui mừng khi nhận được lời mời của các bạn. Tôi nghĩ rằng tất
cả các nước châu Á chúng ta đều gặp nhiều khó khăn trong việc bảo tồn,
phát triển và phổ biến những tinh hoa của âm nhạc cổ truyền. Việc các
bạn tổ chức được một nhạc hội như thế này là quý lắm!
*
Thưa giáo sư, giáo sư vừa nhắc tới sự khó khăn trong việc gìn giữ và
phát triển âm nhạc truyền thống Á Đông nói chung và đàn tranh nói riêng.
Ở Nhật, việc lôi kéo sự chú ý của công chúng, đặc biệt là công chúng
trẻ, với âm nhạc dân tộc có phải là một thách thức?
-
Tôi nghĩ là có đấy! Các bạn trẻ bây giờ chịu ảnh hưởng nhiều bởi các
loại hình văn hóa, nghệ thuật Âu - Mỹ. Nhiều người đã quay lưng hoàn
toàn với nghệ thuật truyền thống. Rất khó để mời gọi các bạn trẻ quay
lại dù chúng tôi luôn chủ động tìm đến giới trẻ và nỗ lực để âm nhạc dân
tộc, đàn tranh hiện diện trên các phương tiện đại chúng.
Ở
Nhật, mỗi năm các trường tiểu học đều cố gắng tổ chức bốn chương trình
giới thiệu, biểu diễn đàn tranh. Ở đó, các em nhỏ sẽ được nghe về lịch
sử của đàn, nghe những bậc tiền bối đàn, ngắm đàn và cả nghịch đàn nữa.
Hầu hết đều tỏ ra thích thú nhưng khi được hỏi “con có muốn học không?”
thì phần lớn câu trả lời là không.
* Và giáo sư đã lý giải về thực tế này thế nào?
-
Có rất nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, theo tôi, vì học đàn tranh (người
Nhật gọi là đàn koto - NV) rất tốn kém. Một cây đàn trình diễn mà các
bạn thấy ở đây khoảng 1 triệu yen đấy. Có những cây đàn lên tới 7-8
triệu yen là chuyện bình thường. So với đàn tranh VN, đàn koto Nhật mất
công bảo trì hơn. Mỗi năm người nghệ sĩ phải mang đàn đi bảo trì và chi
phí cũng không nhỏ.
Thứ
hai là các loại hình truyền thống của chúng ta thiếu sự trẻ trung và
mới mẻ - điều mà giới trẻ luôn hướng tới. Ở Nhật, vào mỗi dịp lễ, tết,
chúng tôi đều biểu diễn đàn tranh ở các sân khấu và truyền hình. Nhưng
nếu theo dõi, bạn sẽ thấy quanh đi quẩn lại cũng ngần ấy nghệ sĩ và phần
lớn đều đã có tuổi. Về mặt hình thức rõ ràng khó thu hút giới trẻ.
Thứ
ba, chúng tôi vẫn giữ gìn và phát triển tốt loại hình này. Bằng chứng
là chúng tôi luôn có những tác phẩm mới dành cho biểu diễn đàn tranh.
Tuy nhiên, những sáng tác mới trong thời hiện đại đã cho thấy tính hòa
nhập của nó. Không chỉ đàn tranh mà ngay cả violon, piano... cũng có thể
thể hiện rất hay tác phẩm. Vì vậy, nếu thích tác phẩm, bạn có thể chơi
bằng những nhạc cụ phương Tây khác chứ không nhất thiết phải là đàn
tranh.
* Như vậy, không có cách nào để đàn tranh gần với cuộc sống hơn chăng?
-
Đàn tranh xuất hiện ở Nhật cách đây hơn 1.400 năm và đã được lưu truyền
không biết bao đời. Đó đã là một thành công! Dù quyết tâm giữ gìn nhưng
cũng đừng đòi hỏi hay kỳ vọng quá nhiều vào sự hùng mạnh của nhạc dân
tộc hay đàn tranh như nhạc pop thời nay. Ngày xưa, đàn tranh cũng đâu
dành cho đại chúng. Ở Nhật thời xưa chỉ có nam giới hoặc những người
thuộc gia đình quý tộc mới có cơ hội tiếp xúc với cây đàn này. Còn ở
những quốc gia châu Á khác, sự uyển nhã của đàn tranh cũng chỉ dành cho
những ai thuộc dòng dõi quyền quý.
Chúng
ta phải mừng vì đến hôm nay, nếu thích mọi người đều có thể học đàn
tranh hay các nhạc cụ dân tộc dễ dàng. Học trò của tôi cũng có những em
chơi tốt cả đàn tranh và các nhạc cụ phương Tây khác. Tôi thường đến
thăm các trường cấp III ở Nhật và xem các em trình diễn đàn. Các em chơi
đúng kỹ thuật và đều răm rắp hệt... người máy gảy đàn (cười).
Rất
khó để đòi hỏi các em phải chơi có hồn bởi các em chưa có nhiều vốn
sống và tính lịch sử của tác phẩm (thời điểm, hoàn cảnh sáng tác...)
cũng quá xa vời với các em. Những kỹ thuật rất khó của đàn tranh được
các học trò nhỏ thực hiện tròn trịa đã là niềm vui lớn đối với một nhà
giáo như tôi.
*
Xin cảm ơn những chia sẻ của giáo sư và chúc bà cùng tám thành viên còn
lại của đoàn Nhật có được những ngày tuyệt vời tại VN!
QUỲNH NGUYỄN thực hiện
(Theo Tuổi Trẻ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét