Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Trước thềm FESTIVAL ĐÀN TRANH CHÂU Á 2008 - 1

Cơ hội để biết mình, biết người...



Chỉ còn ít ngày nữa Nhạc hội đàn tranh châu Á lần 2 sẽ diễn ra tại TP.HCM, lời hứa sau tám năm sắp trở thành hiện thực. Vui mừng xen lẫn lo lắng là tâm trạng của biết bao người cùng chung tay cho cuộc hội ngộ ngày hôm nay. 

Giấc mơ 8 năm

Còn nhớ những ngày đầy bận rộn năm 2000, sau thành công của Nhạc hội đàn tranh châu Á lần 1 tổ chức tại TP.HCM, chúng tôi - tất cả nghệ sĩ và những người trong ban tổ chức - đều vui mừng và hẹn nhau vào những dịp gặp gỡ kế tiếp một vài năm nữa. Thế nhưng, ở đời không phải việc gì mình muốn là được, hẹn hò mãi thấm thoát đã qua tám năm. 

Trong tám năm đó, không phải chúng tôi - những người đã trót gắn bó với đàn tranh - không có dịp để gặp gỡ nhau. Những chuyến giao lưu biểu diễn đàn tranh và kayagum Hàn Quốc, đàn tranh và guzheng Đài Loan, đàn tranh và 100 cây guzheng Singapore, đàn tranh và koto Nhật Bản... làm dày thêm kinh nghiệm, thắt chặt thêm mối quan hệ giữa các nghệ sĩ cùng chơi đàn tranh. để đến hôm nay, khi bắt tay tổ chức nhạc hội đàn tranh thì nghệ sĩ của các nước đã nhiệt tình hưởng ứng. 

Không chỉ ở VN, tất cả các dân tộc đều tìm cách giữ gìn vốn văn hóa quý báu của mình trước làn sóng hội nhập văn hóa toàn cầu. Các chương trình tài trợ của chính phủ, những hiệp hội bảo vệ di sản văn hóa ở các nước luôn có những kế hoạch phổ biến văn hóa sâu rộng trong nhân dân. Âm nhạc dân tộc cũng được gìn giữ và phát triển trong giới trẻ. Chính vì thế, các chương trình giao lưu văn hóa ở các nước đều được xem như những cơ hội để quảng bá cho văn hóa dân tộc, trước hết cho giới trẻ của chính nước sở tại. 

Thầy, trò và ước mơ bảo tồn vốn cổ

* Nguyễn Thị Hải Phượng: Thưa thầy, vậy là ban tổ chức đã quyết định vẫn tiến hành Nhạc hội đàn tranh châu Á lần 2 bất chấp mọi khó khăn về tài chính? 

- GS Trần Văn Khê: Thầy thật tình mong muốn chính quyền các cấp, Bộ Ngoại giao, Bộ Thông tin - truyền thông, các doanh nhân VN, những cơ quan truyền thông đại chúng, báo chí quan tâm, giúp đỡ cụ thể cho việc tổ chức những festival loại này, không chỉ ủng hộ tinh thần mà rất cần tài chính, cấp ngân quỹ, giúp tiền bạc, phổ biến rộng rãi tin tức về festival đàn tranh trên các đài truyền thanh, truyền hình, trên báo chí, Internet... để chúng ta tổ chức được tốt hơn. 

* Con nghe nói GS Lee Chae Suk và GS Kim Sun Ok của đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc cũng sẽ biểu diễn trong nhạc hội đàn tranh lần này? 

- Hai vị GS, đặc biệt là GS Lee Chae Suk, là bạn thân của thầy từ nhiều năm rồi. Sau festival lần 1 về đàn tranh năm 2000, GS Lee Chae Suk trở thành bạn thân của nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan. Hai nhà giáo nhưng cũng là nghệ sĩ đã cùng đứng trên một sân khấu, tại VN và sau đó, năm 2002 cùng diễn chung trên sân khấu Hàn Quốc. GS Lee Chae Suk và GS Kim Sun Ok rất có cảm tình với đất nước và dân tộc VN, vì vậy dù rất bận nhưng hai GS cũng có mặt trong nhạc hội lần này.

* Trong chương trình lần này có nhiều đoàn trình tấu những bản nhạc sáng tác sau này với nhiều kỹ thuật mới. Thưa thầy, con có nên chọn cho mình những tác phẩm theo dạng đó không?

- Mới như thế nào và mới để làm gì. Cái quan trọng không phải là kỹ thuật như thế nào mà phải hỏi rằng nó còn mang bản sắc dân tộc mình hay không, còn nói được tiếng nói của dân tộc mình hay không. Thầy nhận thấy những tác phẩm của mẹ con - nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan và nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Đời vừa có kỹ thuật cao vừa mang đậm đường nét, giai điệu của dân tộc VN, đó chính là phát triển mà không mất đi bản sắc đó thôi. 

Ngoài ra, con nên nhớ rằng người VN ta thường nói: bàn tay mặt sinh ra âm thanh, còn bàn tay trái nuôi dưỡng và làm đẹp âm thanh. Với thẩm mỹ nghệ thuật của người VN, một nốt nhạc phải có nhấn nhá, luyến láy... mới có thể đi sâu vào lòng người được. Thầy rất mong sẽ được thưởng thức những tác phẩm mới của các đoàn, vừa đậm đà bản sắc dân tộc, vừa mang hơi thở hiện đại của cuộc sống.
 
* Thầy có ước mơ gì sau nhạc hội không ạ?

- Ước mơ thì không phải bây giờ mới có. Thầy đã nhắc đến nhiều lần rồi. Ước mơ được sự quan tâm của chính quyền, của các tổ chức xã hội để gìn giữ vốn quý của cha ông. Ước mơ mọi người có cơ hội để biết mình, biết người và từ đó trân trọng những gì mình đã có. Ước mơ mọi giới, nhất là giới trẻ, hiểu rằng trong thời kỳ hội nhập, chúng ta nên biết bảo vệ và gìn giữ di sản văn hóa. Bởi vì khi mở cửa giao lưu với nước ngoài, điều mà người nước ngoài muốn tìm hiểu chính là những nét đặc thù của chúng ta. Vì vậy chúng ta cần phải bảo tồn những gì đã làm nên bản sắc văn hóa VN, trong đó có đàn tranh, các nhạc khí trong cổ nhạc và cả nền âm nhạc truyền thống dân tộc VN. 

Tuy nhiên, bảo tồn vốn cổ không phải là bảo thủ và nệ cổ. Truyền thống không phải bất di bất dịch, nhưng phát triển vốn cổ không phải là vay mượn những yếu tố văn hóa bên ngoài bừa bãi, vô ý thức. Phát triển không đồng nghĩa với Âu hóa, biến nhạc dân tộc VN thành một loại nhạc lai căng. 

Có hiểu thì mới thương

Dẫu biết rằng âm nhạc dân tộc chỉ là một dòng suối nhỏ hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, đóng góp lặng thầm trong việc tạo nên bản sắc dân tộc VN, nhưng những người nghệ sĩ trót đam mê nghệ thuật này đôi khi không tránh khỏi một chút chạnh lòng.

Cuộc sống hiện tại với xu hướng đề cao những giá trị vật chất, sự bắt chước máy móc những giá trị văn hóa của nước ngoài càng làm văn hóa dân tộc nói chung, âm nhạc dân tộc nói riêng, trở nên lạ lẫm với giới trẻ. 

Điều này không thể trách họ. Có hiểu thì mới thương, có nặng lòng thì mới day dứt. Khi nào những người trẻ hiểu rằng bản sắc văn hóa chính là điều làm mình tự tin và tự hào khi bước ra thế giới rộng lớn thì họ sẽ không còn thờ ơ với di sản văn hóa của dân tộc. 

Mong rằng nhạc hội đàn tranh lần này sẽ đem lại niềm thích thú để bớt đi những thờ ơ...

NGUYỄN THỊ HẢI PHƯỢNG


Nếu Nhạc hội đàn tranh châu Á lần 1 có bốn đoàn tham gia (VN, Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore), lần 2 sẽ có năm đoàn (VN, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan). Về chương trình, ngoài các bài bản truyền thống, lần này sẽ có cả những hình thức lớn như concerto (đoàn Nhật), sonate...

Bên cạnh những đàn tranh cổ truyền, lần này các đoàn cũng mang thêm những đàn tranh mới với số lượng dây nhiều hơn như koto 17 dây (koto cổ truyền có 13 dây), kayagum 25 dây (kayagum cổ truyền 12 dây), đàn tranh VN 25 dây (cổ truyền 16 dây)...

Vì là chương trình quan trọng nên chúng tôi đã kết hợp với các nhạc viện để mời một số giảng viên trẻ biểu diễn trong chương trình như Phạm Trà My (Học viện Âm nhạc Hà Nội), Mai Thị Hồng Nga (Học viện Âm nhạc Huế), Nguyễn Thị Hải Phượng (Nhạc viện TP.HCM) và CLB Tiếng hát quê hương - Cung văn hóa Lao động cùng một số nghệ sĩ nổi tiếng của TP. Chương trình của đoàn VN sẽ bao gồm một số bài bản cổ truyền Bắc - Trung - Nam và một số sáng tác mới cho đàn tranh. Đặc biệt, trong đêm bế mạc sẽ có màn trình diễn của tất cả nghệ sĩ tham gia liên hoan. Để chuẩn bị cho tiết mục hòa tấu với sự tham gia của nghệ sĩ các nước, chúng tôi đã gửi phân phổ bài Lý ngựa ô (dân ca Nam bộ) cho tất cả các đoàn và sẽ có một buổi tổng duyệt trước khi biểu diễn. 

NS - Nhà giáo ưu tú PHẠM THÚY HOAN
(thành viên ban tổ chức)

------- Bài viết trích từ báo Tuổi Trẻ ngày 24/08/2008 -------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét