Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2012

Hội ngộ những tâm hồn đồng điệu

Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần thứ 2-2008
Hội ngộ những tâm hồn đồng điệu
 
Đây là dịp để các nghệ sĩ đàn tranh các dân tộc có điều kiện phô diễn ngón đàn điêu luyện và độc đáo của mình với công chúng Việt Nam yêu âm nhạc dân tộc 
 
Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần thứ 2- 2008, do Cung Văn hóa Lao động TPHCM, Nhạc viện TPHCM, Trung tâm Văn hóa TPHCM và Báo Người Lao Động phối hợp tổ chức sẽ diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động TPHCM, từ ngày 1 đến 4-9. Nhạc hội quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng về đàn tranh và các nhạc cụ cùng họ với đàn tranh của một số nước và vùng lãnh thổ có loại nhạc cụ này. 
 
Những nghệ sĩ yêu đàn dân tộc từ bé 
 
Trong số nghệ sĩ các nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tham dự Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần 2-2008, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Đặc điểm chung là họ đều yêu nhạc cụ dân tộc từ lúc còn bé. Chính tình yêu này đã cho họ nghị lực để biến ước mơ được học đàn trở thành một nghệ sĩ nhạc cụ dân tộc nổi tiếng của đất nước họ. Giáo sư Ishise Akiko (Nhật Bản) bắt đầu luyện tập đàn koto với cha mẹ từ năm bà lên 6 tuổi. Khi bước vào tuổi niên thiếu, bà đã được huấn luyện bởi nhà soạn nhạc tài ba Yuize Shinichi. Năm nay, bà đã 70 tuổi và là thành viên lớn tuổi nhất Nhạc hội Đàn tranh lần này. Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan kể về bà với tấm lòng ngưỡng mộ: “Năm 2005, Đài Loan tổ chức Nhạc hội Đàn tranh, tôi đã chứng kiến hình ảnh sau khi bà Ishise Akiko biểu diễn xong, cả bà và cây đàn koto của bà được đông đảo khán giả trẻ xúm lại xin được chụp ảnh lưu niệm. Mái tóc bạc trắng, nụ cười nhân hậu và tiếng đàn koto của bà chính là ngôn ngữ của tình hữu nghị dù giữa họ bất đồng tiếng nói”. 
 
Giáo sư Ishise Akiko đã từng nhận được giải thưởng trong cuộc thi âm nhạc Nhật Bản, do cơ quan báo chí tổ chức, tại Tokyo. Bà đã từng tham gia biểu diễn hòa nhạc giao lưu ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Bà được công nhận là nhạc sĩ bậc thầy trong Hiệp hội Âm nhạc Seiha Nhật Bản và là đại diện của hiệp hội này. 
 
Nghệ sĩ Hsing Hsiao Kuan (Đài Loan-Trung Quốc) học đàn guzheng từ năm lên 7 tuổi. Gia đình bà không có ai theo nghề biểu diễn đàn nên qua màn ảnh truyền hình, bà đã mê cây đàn guzheng và quyết tâm theo đuổi ước mơ được trở thành giáo sư dạy đàn và biểu diễn. Bà chính là học trò của giáo sư Tei-Don Wei (người sáng lập và là giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Zheng Xin Zheng, Đài Loan). Tương tự, các nghệ sĩ Chen Dong, Chen Xiaoran, Fu Na, Li Ling (Trung Quốc) cũng đã làm quen với đàn guzheng từ năm lên 6, lên 7 tuổi. Bốn nghệ sĩ đến từ Hàn Quốc gồm: Lee Chae – suk, Seong Ai – soon, Kim Sun – ok, Kim Hee - sun đều được gia đình cho làm quen với đàn kayageum từ những năm tiểu học. 
 
Gặp nhau trên quê hương đàn tranh
 
Năm 2000, nghệ sĩ Hsing Hsiao Kuan đã theo chồng sang Việt Nam sinh sống. Chồng của bà mở một công ty kinh doanh tại TPHCM và bà đã được Trường Đài Bắc tại TPHCM mời dạy đàn guzheng cho các lớp tiểu học và trung học. Bà cho biết: “Tôi đã từng đi biểu diễn ở nhiều quốc gia và không ngờ rằng lại có cơ hội ở trên quê hương của cây đàn tranh Việt Nam hơn 8 năm. Tôi đang học tiếng Việt và đã thử biểu diễn với cây đàn tranh của các bạn. Tôi nghĩ rằng các nghệ sĩ của các đoàn có mặt tại Nhạc hội Đàn tranh năm nay sẽ tìm thấy sự thích thú qua cây đàn tranh. Hiện nay tôi có 30 học trò, tất cả đều rất yêu thích đàn guzheng. Học trò tôi sẽ có mặt trong đêm biểu diễn bế mạc Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần 2-2008 tổ chức tại Nhạc viện TPHCM và sẽ cùng với các đoàn bạn hòa nhạc bài Lý ngựa ô Nam. 
 
Nghệ sĩ Chen Dong, đến từ Trung Quốc, đã giành nhiều giải thưởng xuất sắc trong các cuộc thi trình diễn nhạc cụ dân tộc. Tháng 11-2006, anh đã đoạt giải nhì tại Liên hoan Nghệ thuật Quảng Đông lần thứ 9 và đầu năm 2008, anh đã cùng với Dàn nhạc Cổ truyền Dân gian Quảng Đông thực hiện vòng lưu diễn 8 TP trên 5 quốc gia châu Âu: Đức, Bỉ, Thụy Sĩ, CH Czech và Áo. Chen Dong cho biết anh rất hãnh diện khi có mặt tại Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần 2, vì “đất nước các bạn rất năng động, giàu sáng tạo mà qua nhạc hội này sẽ là dịp để chúng tôi học hỏi”. 

Hướng đến những khám phá mới
 
Giáo sư Ishise Akiko có mặt tại TPHCM lần này còn để bổ sung nhiều giải đáp trong dự án nghiên cứu mối quan hệ giữa đàn koto (Nhật) với đàn tranh Việt Nam, mà theo bà những cuộc trò chuyện với giáo sư-tiến sĩ Trần Văn Khê sẽ giúp bà hoàn thành công trình này. 
 
Nghệ sĩ Hsing Hsiao Kuan cho biết: “Tôi đã thử hòa nhạc giữa đàn guzheng và đàn tranh Việt Nam, nên tôi biết rất rõ những ưu điểm, hạn chế của hai loại đàn này. Với kinh nghiệm giảng dạy nhiều năm, tôi có thể cùng với các học trò mình nghiên cứu để tìm ra những khám phá mới trên cây đàn guzheng thông qua đàn tranh Việt Nam”. Nghệ sĩ Lee Chae - suk cho biết họ đã đeo đuổi việc tìm tòi nghiên cứu cách trình tấu đàn kayagum từ 17 dây lên 25 dây. Giáo sư Ishise Akiko thì mong muốn các nước tham gia sẽ có một cuộc hội thảo để đi đến việc thống nhất quy trình tổ chức nhạc hội này luân phiên giữa các vùng. Tám năm qua là một khoảng cách quá dài. Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan cho biết: “Nhạc hội năm nay hứa hẹn sẽ là dịp để nghệ sĩ các nước trao đổi kinh nghiệm biểu diễn và giảng dạy”. 


Thanh Hiệp
(theo Người lao động)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét