Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

Mong sao...

Mong sao...

Tin 81 nhạc cụ hiện đại bậc nhất có giá trị 47 tỉ đồng được nhập về VN cho Nhà Hát Giao Hưởng TPHCM làm tôi thực sự mừng và buồn. Tại sao vậy? Mừng vì nhà nước đã bắt đầu quan tâm, đầu tư cho mảng âm nhạc nhưng buồn vì hai lẽ: (1) một số nhạc cụ trong số đó có giá trị 250 nghìn đô đang phải nằm trong kho, không được bảo quản kỹ lưỡng, và (2) ngành âm nhạc dân tộc chẳng được ngó ngàng đến dù chỉ là một chút...

Mỗi nhạc cụ đều cần có một nơi thật tốt để bảo quản, chống mốc, chống mọt... Làm vậy thì tiếng đàn của nhạc cụ đó mới tròn trịa, mới đẹp và bền theo thời gian, vậy mà Nhà hát Giao hưởng chẳng thể có được 1 nơi để "trao thân". Bỏ ra số tiền lớn như vậy mua nhạc cụ rồi để đó "trùm mền" liệu có phải là hoang phí không?

Trong khi đó ở mảng nhạc dân tộc, ai cũng ao ước được một phần nhỏ của sự hào phóng này. Vài ngàn đô dư sức mua được rất nhiều nhạc cụ dân tộc, đưa âm nhạc phổ biến rộng rãi đến công chúng, bảo tồn được những vốn hiếm qúi của các Nghệ nhân... Mỗi khi có dịp lưu diễn trao đổi nghệ thuật với các nước bạn trong khu vực, bản thân tôi và các đồng nghiệp cũng không thể giấu nỗi buồn "thầm kín" của người "tự mang chuông đi đánh xứ người!" Khi một nhạc sĩ tham gia thi nhạc cụ Piano, guitar, violon, hay hát hò ở nước ngoài thì báo chí, đài... đều thông báo, chạy tin ra rả mấy ngày nhưng với 1 nhạc sĩ, hay nhóm dân tộc thì dường như chẳng ai buồn quan tâm đến; lủi thủi xách đàn đi, lặng lẽ xách đàn về cho dù trong hành trang có những huy chương, những kỷ niệm đẹp, những kinh nghiệm học hỏi, những tình cảm với bạn bè các nước... Những đồng nghiệp từ Trung Quốc, từ Nhật, từ Mông Cổ... họ may mắn có được sự ưu ái, quan tâm, đầu tư từ nhà nước, và từ sự tự hào, quyết tâm bảo tồn âm nhạc của chính người dân nước họ.

"Việc đầu tư mạnh dạn của chính quyền TP cho dự án thay nhạc cụ mới này được tiến hành sau khi các vị lãnh đạo nhận thấy TP.HCM đang có một dàn nhạc giao hưởng với đội ngũ nghệ sĩ có trình độ chuyên môn cao, được bạn bè quốc tế đánh giá tốt, nhất là sau chuyến tham gia Tuần dàn nhạc châu Á diễn ra tại Nhật Bản cuối tháng 9-2008. Mặt khác, nhạc giao hưởng tuy chưa có được lượng công chúng lớn tại Việt Nam nhưng đây là loại hình nghệ thuật cao cấp, cần thiết cho bộ mặt văn hóa đối ngoại của TP.HCM trong thời kỳ hội nhập...". Trích bài viết của nhà báo Hữu Thân (báo NLĐ).

Theo tôi hiểu thì thông thường khi khách đến nhà, mình đem những văn hóa tinh túy nhất ra "đãi" khách chứ ai lại đem văn hóa của khách ra "diễn" cho khách coi (!) Nếu đem ra nước ngoài thì mình lại càng phải đem văn hóa đậm bản sắc ra phô trương... Hiện nay, ngoài Nhà Hát Ca Múa Nhạc Trung Ương, Nhà Hát Bông Sen được nhà nước hỗ trợ 100% (nhưng cũng chẳng thấm tháp gì so với số tiền TỈ cho Nhà Hát Giao hưởng) thì các đoàn, các nhóm dân tộc khác đều phải hoạt động tự túc vì sự yêu nghề, yêu âm nhạc dân tộc với mong muốn giữ được những gì ông cha để lại. Những nhóm Tiếng Tơ Đồng, Trúc Vàng, Phù Sa, Mặt Trời Mới, Mặt Trời Đỏ, Tiếng Hát Quê Hương, Cỏ Lạ.... ít nhiều vẫn âm thầm góp sức để bảo tồn nền âm nhạc dân tộc trong nước, tiếp cận với công chúng trẻ và làm họ yêu thích ANDT hơn.
 
 
Nhóm Tiếng Hát Quê Hương
 
Nhóm Mặt Trời Mới
 
Nhóm Mặt Trời Đỏ
 
Nhóm Cỏ Lạ
 
Ước gì các đoàn, các nhóm dân tộc tư nhân này cũng được đầu tư đầy đủ để mỗi khi cầm đến cây đàn, những nghệ sĩ thả hết tâm hồn vào đó thay vì phải biểu diễn như "cái máy kiếm tiền" ở các nhà hàng, khách sạn hàng đêm...

Vài phần trăm của số tiền 47 tỉ sẽ chẳng nghĩa lý gì với các nhà quản lý, nhưng nó có ý nghĩa rất thiết thực và rất lớn đối với nền âm nhạc dân tộc nước nhà trong lúc này... Mong sao...

@YN 
 
Bài báo về 81 nhạc cụ cho nhạc giao hưởng đang bị "trùm mền" được đăng ở link sau:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=309888&ChannelID=10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét