Xa quê nhớ một tiếng đàn
TTXuân:
Cũng là người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, khi có được
những cơ hội tiếp xúc và giới thiệu về âm nhạc dân tộc VN tại một số
quốc gia, nghệ sĩ đàn tranh Nguyễn Thị Hải Phượng đã thật sự cảm phục sự
cố gắng không mệt mỏi của những người đam mê và sống cùng âm nhạc dân
tộc VN ở hải ngoại. Ghi chép của chị gửi cho Tuổi Trẻ cũng là cách bày
tỏ một sự đồng cảm của những người mang nặng một tình yêu...
|
Từ trái sang: Hoa Xuân, Hiền Trang, Mai Thảo - sinh viên khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM - Ảnh: Nguyễn Á
|
Yêu
mến là một việc, sống hết mình với niềm đam mê của mình thì không phải
điều đơn giản, nhất là đối với những người sống xa quê hương. Những nhóm
nhạc dân tộc tại hải ngoại phần lớn là do sự tự nguyện sinh hoạt của
mọi người, mọi tầng lớp khác nhau nhưng có chung niềm yêu thích, mong
muốn gìn giữ nét độc đáo của văn hóa VN và truyền ngọn lửa yêu thương đó
đến nhiều người.
Những
chương trình biểu diễn lớn tại Mỹ, Pháp… do các ban nhạc dân tộc thực
hiện thật sự là những chương trình có chất lượng, là những dấu son đẹp
đẽ mà cộng đồng người Việt tại hải ngoại ghi dấu ở đất nước sở tại.
1. Câu chuyện một cái tên: Hướng Việt
Việt
Hải là một trong những người đam mê âm nhạc dân tộc VN. Bên cạnh công
việc đang là bác sĩ thực tập về đông y của Bệnh viện Bastyr University
Clinic, anh còn là trưởng đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại TP
Everett - Seattle, tiểu bang Washington... Lý giải về cái tên Hướng
Việt, Việt Hải cười vui cho biết:
Đầu
tiên các bạn trong nhóm đều nhất trí chọn cái tên Hương Việt. Cái tên
đó vừa xác định đường đi của nhóm là mang tâm hồn và hương sắc của VN
thông qua những làn điệu dân ca, những nhạc khí dân tộc, vừa mang ý
nghĩa giữ mãi hương sắc VN trong lòng những người con xa quê.
Nhưng
rồi tình cờ một lần vào siêu thị, bỗng thấy những chai nước mắm ghi
nhãn Hương Việt bày đầy trên kệ hàng, Hải bỗng giật mình. Thôi chết, mai
mốt ban mình đi diễn mà giới thiệu Hương Việt người nghe lại liên tưởng
đến nước mắm thì... Thế là cả nhóm họp lại, thêm vào một dấu sắc và tên
Hướng Việt ra đời.
Đúng
như cái tên mới, đoàn ca nhạc dân tộc Hướng Việt với những hoạt động
hướng về nguồn cội đã tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa
và giới thiệu những chương trình mang đậm bản sắc VN. Bên cạnh những
hoạt động biểu diễn, đoàn còn mở những lớp học đàn tranh, bầu, nguyệt,
tì bà, tam thập lục, hát dân ca và múa dân tộc.
Đến
thăm nhà của trưởng nhóm cứ ngỡ đi lạc vào kho phục trang của một đoàn
nghệ thuật nào đó. Căn nhà đầy phục trang cho các tiết mục nhóm từng
biểu diễn và các loại nhạc khí dân tộc VN.
Đặc
biệt, các bạn thành viên, hầu hết là học sinh sinh viên ở các trường
đại học, đã tự đóng góp quỹ chung, tự thuê hội trường, lên chương trình
và bán vé cho những buổi biểu diễn lớn mỗi năm một lần. Những hoạt động
tích cực này góp phần không nhỏ vào việc mang âm nhạc dân tộc đến khán
giả trẻ.
2. Lạc Hồng: độc đáo dàn nhạc khí VN
Đoàn ca nhạc Lạc Hồng
|
Có
lẽ đối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài, nhất là ở Mỹ, đoàn ca
nhạc dân tộc Lạc Hồng - California không còn là cái tên xa lạ.
Với
sự dẫn dắt của GS Nguyễn Châu, cựu giảng viên Trường quốc gia Âm nhạc
(nay là Nhạc viện TP.HCM), cùng sự cộng tác của nhạc sĩ Đỗ Mạnh Chu,
nhạc sĩ Chính Mung và vũ sư Lưu Hồng... Lạc Hồng đã trở thành đoàn ca
nhạc có nhiều tiếng vang lớn, ra mắt nhiều chương trình có chất lượng
nghệ thuật.
Trong
những dịp gặp gỡ GS Nguyễn Châu vẫn thổ lộ ông mong muốn được góp phần
gieo những hạt giống văn hóa dân tộc nói chung thông qua âm nhạc để nuôi
dưỡng tâm hồn và tình cảm của người Việt ở hải ngoại, nhất là đối với
những đứa trẻ được sinh ra và nuôi dạy tại đây.
Đối
với chúng tôi, ban nhạc dân tộc mới là nét độc đáo của đoàn ca nhạc Lạc
Hồng. Bởi không như bộ môn hát hay múa… để có được một ban nhạc với đầy
đủ nhạc khí dân tộc như: tranh, sáo, bầu, tì bà, nguyệt, nhị, trống,
phách… là cả một quá trình đào tạo và tập luyện miệt mài.
Có
nhìn thấy những người trẻ miệt mài kéo từng tiếng đàn nhị, gảy từng
tiếng đàn tranh… mới thấy tấm lòng của những người thầy đã dìu dắt. Có
cảm thấy sự háo hức của rất nhiều em từng học các nhạc khí phương Tây
giờ lại hãnh diện khi cầm các nhạc khí VN mới thấy yêu quý sức sống mãnh
liệt của âm nhạc dân tộc trong tận sâu thẳm tâm hồn của mỗi người…
Nhận xét về sự thành công của các ban nhạc dân tộc tại hải ngoại, GS.TS Trần Văn Khê đã nói: Nhu cầu mong muốn con cái biết đến văn hóa dân tộc là có thật và xuất phát từ sự yêu thương nguồn cội của các bậc cha mẹ sinh sống tại nước ngoài. Họ mong muốn con cái hiểu được văn hóa của tổ tiên và ý thức được mình là người VN dù sống ở bất cứ nơi đâu. Điều đó chính là động lực để các chương trình về VN ngày càng phát triển và các hội đoàn ngày càng có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng hơn. GS cũng bày tỏ mong muốn các ban nhạc không nên bằng lòng với những cái mình đã có mà nên có hướng phát triển để ngày càng trở nên hay hơn và đi vào chiều sâu hơn. Việc phát triển âm nhạc dân tộc VN ra nước ngoài càng cần thiết trong thời đại ngày nay, khi con người ngày càng mong muốn tìm về và gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình, để luôn biết mình là ai. |
3. Nam Giao: yêu quê hương qua những tiếng đàn
Giữa cái lạnh của mùa đông nước Bỉ, có những người thắp lên ngọn lửa làm ấm lòng người xa xứ bằng những giai điệu quê hương.
Cô
Ngọc Lam, mẹ một thành viên nhí trong nhóm Nam Giao, tâm sự: “Chúng tôi
mong muốn con mình biết đến tổ tiên, nguồn cội và hiểu được nền văn hóa
của cha ông. Chúng tôi đã cho con theo học cô Đoan Vinh và tham gia
nhóm Nam Giao tại Bỉ. Rất mừng khi thấy cháu ngày càng gắn bó với cây
đàn tranh và bắt đầu yêu quê hương qua tiếng đàn, tiếng hát”.
Nhóm
Nam Giao hiện nay có mười thành viên thường xuyên tập luyện trong ban
đàn tranh, ngoài ra còn có các em nhỏ trong đội múa, đội ca. Các thành
viên thường xuyên tập luyện và góp mặt trong những chương trình giao
lưu, giới thiệu văn hóa VN tại các trường học và là nòng cốt trong các
chương trình lễ hội văn hóa VN trên đất Bỉ.
4. Phượng Ca: một chỗ đứng trong cộng đồng Việt - Pháp
Chúng tôi đến thăm nhóm Phượng Ca (Pháp) khi cô Phương Oanh - trưởng nhóm - đang chuẩn bị cho một chương trình biểu diễn.
Với
nhạc khí chính là cây đàn tranh bên cạnh những nhạc khí dân tộc khác,
cô Phương Oanh cùng các cộng sự của mình đã mở nhiều lớp dạy tại các
nhạc viện cũng như tổ chức nhiều chương trình biểu diễn tại Pháp và các
nước châu Âu.
Nhìn
vào lịch dạy học hằng tuần của Phượng Ca chúng tôi cảm nhận được những
đóng góp tích cực trong việc mang âm nhạc dân tộc đến với cộng đồng
người Việt và Pháp tại Paris:
- Nhạc viện Antony học ngày thứ ba bắt đầu từ 15g.
- Nhạc viện Sevran học ngày thứ sáu bắt đầu từ 15g.
- Paris 13 học ngày thứ tư và thứ bảy.
- Giáo xứ Việt Nam Paris 17 học chiều thứ bảy lúc 19g với cô Mỹ Ly.
- Trung tâm Vincent VIGNERON, Taverny học chiều thứ hai và thứ năm lúc 16g30.
- Lognes học chiều chủ nhật với cô Ngọc Dung.
- Octaves - Orsay học chiều thứ bảy với cô Nguyệt Ánh.
Với
sự tận tâm của các giáo viên, các thành viên ban Phượng Ca, âm nhạc VN
ngày càng tạo được chỗ đứng mạnh mẽ trong cộng đồng Việt - Pháp.
5. Midori Thúy trót yêu cây đàn bầu
|
Cô Midori Thúy (thứ hai từ phải qua) và lớp học đàn bầu tại Nhật Bản |
Các
chương trình giao lưu văn hóa VN thường xuyên được tổ chức tại Nhật
Bản. Cộng đồng người Việt ở đây không đông như những nước khác nên chưa
có những tổ chức, hội đoàn dạy âm nhạc VN. Thế nhưng, những người Nhật
yêu văn hóa VN vẫn có thể tìm học đàn ở cô giáo Midori Thúy, một người
trót yêu cây đàn bầu VN và muốn truyền tình yêu đó cho những ai cùng
chung sở thích. Cô Shino Midori, tên VN là Thúy, vốn là cô giáo dạy
tiếng Nhật nhiều năm tại Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn
TP.HCM. Những ngày ở VN, song song với việc dạy học cô còn đi học thêm
đàn bầu tại CLB Tiếng Hát Quê Hương - Cung văn hóa Lao động TP.HCM và đã
viết một quyển sách nhỏ tìm hiểu đàn bầu. Sau khi về nước, cô được mời
đi biểu diễn đàn bầu ở nhiều nơi. Ngày càng có nhiều người tìm đến cô
học đàn bầu, mỗi tuần cô dành khoảng năm buổi để dạy đàn bầu.
Cô
tâm sự: nhiều người rất thích học đàn bầu nhưng không có điều kiện sang
VN để học, vì vậy cô mong muốn mình sẽ là người giúp đỡ những bước đầu
tiên để mọi người có thể tiếp cận và yêu thích cây đàn bầu độc đáo của
VN hơn. Cô cũng khoe rằng trong số những người học đàn bầu với cô có cả
người VN nữa.
Ngoài
những ban nhạc kể trên, còn rất nhiều nghệ sĩ hoặc ban nhạc vẫn âm thầm
đóng góp công sức cho việc phổ biến âm nhạc dân tộc. Như GS.TS Trần
Quang Hải cùng vợ là ca sĩ Bạch Yến (Pháp), GS.TS Nguyễn Thuyết Phong
(Mỹ), ban nhạc Tiếng Tơ Đồng của nghệ sĩ Hồ Thụy Trang (Pháp), ban Tiếng
Vọng Quê Hương của GS Ngọc Dung (San José, Mỹ), GS Lê Thị Kim tại
Canada, GS Tuấn Hùng và GS Kim Hiền ở Úc, ban đàn tranh Hương Xưa tại
Houston, Texas...
Nhạc dân tộc quảng bá văn hóa Việt Tuy chỉ chiếm vị trí khiêm tốn trong thị trường âm nhạc VN nhưng xem ra nhạc dân tộc lại có đời sống khá đều đặn, ổn định và trường kỳ hơn cả nhạc nhẹ. Tại TP.HCM có khoảng mười nhóm nhạc dân tộc đang hoạt động hằng tuần, thậm chí hằng ngày tại các nhà hàng, khách sạn, tụ điểm ca nhạc và câu lạc bộ nhạc dân tộc như: Đoàn ca múa nhạc Bông Sen, CLB Tiếng Hát Quê Hương, Phù Sa, Âu Cơ, Trúc Mai, Hương Sen, Trúc Vàng, Phù Đổng... Ngoài những nhóm chơi theo phong cách âm nhạc dân tộc thuần túy kể trên, TP.HCM còn có hai nhóm chơi nhạc cụ dân tộc trên nền nhạc nhẹ cùng phong cách trình diễn nhiều “tung tẩy” rất được bạn yêu nhạc gần xa yêu mến là Mặt Trời Mới và Mặt Trời Đỏ. Tại Hà Nội, số lượng nghệ sĩ nhạc dân tộc tuy đông đảo hơn nhưng “đầu ra” cho các nhóm lại ít hơn vì các hoạt động nghệ thuật và dịch vụ ở miền Bắc không dày đặc như miền Nam. Vì vậy, ngoài các đơn vị nhà nước như: Đoàn ca múa nhạc nhẹ trung ương, Đoàn ca múa nhạc dân tộc trung ương, Đoàn ca múa nhạc Hà Nội thì chỉ có khoảng bốn, năm nhóm nhạc dân tộc được nhiều người biết đến như nhóm gia đình Đồng Minh - Mai Lai, Bá Phổ - Mai Liên, nhóm bè bạn Hoa Tràng An hoặc Cỏ Lạ (kết hợp dân tộc - hiện đại)... Tuy hơi lặng lẽ so với đời sống náo nhiệt xung quanh nhưng có thể coi các nghệ sĩ nhạc dân tộc là một trong những nhân vật hoạt động hiệu quả nhất trong việc quảng bá văn hóa VN ra thế giới và gìn giữ được vẻ đẹp riêng qua những “tuyệt kỹ” đàn ca mà họ luyện thành.
Q.N.
|
HẢI PHƯỢNG (Tuoitre Online)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét