Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Tốt và hay trong âm nhạc

Tốt và hay trong âm nhạc

"Hay!” – một từ ngắn gọn  đủ gói trọn lý do xác đáng khiến người thưởng thức yêu thích một nhạc phẩm. Tác phẩm “đánh gục” trái tim người nghe trước hết vì nó hay, rồi từ đó các nhà này nhà nọ mới tán lý lẽ dông dài về những gì làm nên cái hay đó. 
 
Một tác phẩm hay có thể độc đáo nhờ bản sắc dân tộc, có thể ấn tượng nhờ những yếu tố hiện đại, có thể bền lâu nhờ chủ đề muôn thuở liên quan tới chữ “nhân” – nhân đạo, nhân quyền, nhân văn, nhân sinh, nhân ái... Song, đậm đà bản sắc dân tộc, hoặc cực kỳ mới tới mức “sốc!”, hoặc được đánh giá “tốt!” theo tiêu chí định hướng, chưa chắc đã thực sự hay, chưa chắc đã làm nên cái để đời cho nền nghệ thuật nước nhà.

Định hướng trong sáng tác cốt để có tác phẩm “tốt” theo chuẩn mực của ta trong hoàn cảnh nhất định và “đúng” với tiêu chí đặt ra cho thời điểm nào đó. Nhìn xa hơn với ước muốn sản phẩm nghệ thuật “made in Vietnam” không chỉ có ý nghĩa trong cộng đồng dân tộc mà còn vươn tới cộng đồng nhân loại, hẳn ta phải tính đến những chuẩn mực trên cả “tốt” cho ta và không chỉ “đúng” với ta. Một khi điều kiện sống đang đổi thay theo hướng đi lên, thì hà cớ gì mà không đưa món ăn tinh thần từ mức tốt hướng tới đẹp và hay theo tầm nhìn không hạn định bởi biên giới quốc gia?

Khái niệm “hay” dù mênh mông bể sở thế, nhưng vẫn có một điểm chung: làm ra cái hay chính là người sáng tạo. Sự sáng tạo trước hết thuộc về nhạc sĩ sáng tác, tiếp đến nghệ sĩ biểu diễn và cuối cùng, một phần sự sáng tạo vẫn tiếp diễn trong quá trình cảm nhận của công chúng thưởng thức. Trong hoàn cảnh chiến tranh trước đây, giới sáng tác luôn được ghi nhận đã làm ra nhiều tác phẩm tốt, phản ánh đúng thời cuộc qua mảng ca khúc đa dạng. Còn khí nhạc ít được công chúng biết đến nhưng vẫn có những tác giả không hề nản chí, tiếc là phần lớn kết quả đó chỉ để tăng thêm số lượng tổng phổ “cất ngăn kéo”.

Viết khí nhạc tốn nhiều công sức hơn viết bài hát nhưng lại ít đến được với công chúng. Vì thế các nhạc sĩ trẻ được đào tạo chính quy lại tìm đường kiếm sống bằng viết ca khúc hoặc phối khí giùm các “ca khúc gia” không tự viết phần đệm, trong đó có không ít ca khúc thị trường.

Như vậy sự thiếu hụt đáng ngại đâu phải là cái tâm nhạc sĩ mà là môi trường sáng tạo. Môi trường lý tưởng nhất là sự đảm bảo cho người sáng tác điều kiện tốt cả tinh thần lẫn vật chất. Được quyền tự do sáng tạo, được tin tưởng và khích lệ, họ càng phải giữ chữ tín bằng chất lượng tác phẩm gắn với tên tuổi họ. Và rất tự nhiên, mỗi cái tôi đều cho thấy theo cách của mình những phẩm chất được hấp thụ qua môi trường sống. Về vật chất, với thù lao đảm bảo điều kiện sống, hẳn người viết không buộc phải “làm hàng chợ” và toàn tâm toàn ý hơn trong sáng tạo nghệ thuật.

Về giới biểu diễn, thật hồ đồ nếu lấy cátxê ngất ngưởng của các nàng diva làm chứng cho sự hiện hữu môi trường tuyệt hảo đối với nghề diễn. Chỉ cần liếc qua các mặt báo cũng thấy rõ mối quan tâm dành cho nghệ sĩ nặng về hình thức, thời trang, sinh hoạt, lối sống... Tóm lại, quá nhiều câu chuyện bên lề của các ngôi sao ca nhạc giải trí, quá ít những vấn đề bức thiết như thù lao của nghệ sĩ biểu diễn các loại hình âm nhạc không ăn khách.

Lại nói thêm về cái tâm, trong giới biểu diễn loại nhạc kén khách, ai mà chẳng mơ tới đỉnh cao niềm tự hào dân tộc trong việc đưa nhạc truyền thống Việt Nam, nhạc cổ cũng như nhạc mới, tới công chúng “nội” cũng như “ngoại”. Việc duy trì thường xuyên các chương trình nhạc cổ hoặc giao hưởng thính phòng Việt Nam không thể lệ thuộc vào doanh thu, mà trông vào kinh phí bao cấp thì... Thế là dù có tâm vẫn cứ lâm vào cảnh “cái khó bó... tay!”.

Công chúng cũng là đối tượng bị trách cứ nhiều vì “cái tội” quay lưng lại với nhạc cổ truyền và nhạc giao hưởng. Không biết, không hiểu, làm sao có thể yêu thích được những thể loại cứ phải động não khi nghe, trong lúc người ta chỉ muốn được giải trí đơn thuần để giảm bớt áp lực của nhịp sống hối hả này. 

Thực ra vẫn có những người muốn tiếp cận nhạc cổ truyền dân tộc, cũng như nhạc giao hưởng thính phòng một cách tự giác. Chẳng công bằng chút nào nếu chỉ biết đổ lỗi cho công chúng, khi mà họ sinh ra và lớn lên không trong một môi trường thuận lợi cho sự phát triển khả năng cảm thụ những loại nhạc đang ngày càng trở nên khó cảm thụ. Môi trường ấy không được tạo dựng vì vô số thiếu hụt trong mọi phương diện, từ chương trình giáo dục phổ thông đến sân khấu “nhạc sống”, phát thanh truyền hình, mạng internet, phát hành báo chí, văn hóa phẩm... 

Xét đến sự tác động vào cảm thụ âm nhạc của công chúng, các nhà lý luận âm nhạc – cầu nối giữa tác phẩm và người nghe – khó mà “thoát tội”. Nhưng thử ngẫm xem họ đã thực sự được cần đến chưa?
Báo chí chỉ chuộng những bài viết trước sự kiện theo kiểu cập nhật thông tin (nhiệm vụ của phóng viên, nhà báo), còn bài đánh giá sau chương trình biểu diễn (công đoạn của phê bình chuyên ngành) luôn bị gạt đi với lý do quá ư là dễ hiểu: diễn rồi, chuyện qua rồi còn đăng làm gì! 

Dù biết có quá nhiều thứ cần làm đi nữa, đa số các nhà lý luận chuyên ngành vẫn tặc lưỡi: viết làm gì vì không dễ đăng tải và nhuận bút chất xám thì cứ như một nghịch lý.

Trong môi trường thuận ít nghịch nhiều, các đối tượng sáng tạo – người viết, người diễn, người nghe và cả người dẫn – thực ra đều có thiện chí. Song những cố gắng không đồng bộ khó đem lại hiệu quả mong muốn, giống như dàn nhạc không thể chơi hay nếu thiếu cây đũa chỉ huy và chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ mạnh ai nấy làm. Khỏi bàn nhiều lời về vai trò nhạc trưởng, tức người quản lý, vì hiển nhiên như một chuỗi phản ứng dây chuyền: nhà quản lý có tài, có tâm, có tầm luôn tìm cách tạo ra môi trường tốt cho người sáng tạo, có môi trường tốt mới sinh ra nhân tài để có được tác phẩm xuất chúng.

Muốn có nhạc phẩm hay chẳng cách nào hơn là đem đến cho người sáng tạo môi trường thuận lợi nhất. Và sự trông đợi vào các nhà quản lý trong việc định hướng cho tác phẩm tốt không nhiều bằng tạo môi trường tốt cho tác phẩm hay. 
 
NGUYỄN THỊ MINH CHÂU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét