Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần II – 2008
Giao lưu văn hóa quốc tế
Tối
mai (1-9), Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần thứ 2 – 2008 do LĐLĐ TPHCM,
Cung Văn hóa Lao động TPHCM kết hợp với Nhạc Viện TPHCM và Trung tâm Văn
hóa TPHCM tổ chức sẽ được khai mạc tại Hội trường A Cung Văn hóa Lao
động TPHCM.
Một cuộc triển lãm ảnh về các loại nhạc cụ cùng họ với đàn tranh Việt Nam sẽ được khai mạc vào chiều 1-9.
Hội ngộ sau 8 năm
So
với lần tổ chức cách đây 8 năm, cuộc hội ngộ lần này của các nghệ sĩ
tài năng biểu diễn nhạc cụ dân tộc cùng họ với đàn tranh Việt Nam đều
háo hức chờ đợi cuộc biểu diễn mang tính giao lưu văn hóa mang tầm quốc
tế. Giáo sư-tiến sĩ Trần Văn Khê nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ
chức Nhạc hội Đàn tranh lần II là giới thiệu với bạn bè quốc tế về nền
âm nhạc truyền thống của nước mình cũng như tiếp cận những sáng tạo mới,
làm phong phú thêm cho nghệ thuật diễn tấu đàn tranh thông qua các nhạc
cụ như: koto (Nhật Bản), kayagum (Hàn Quốc), guzheng (Trung Quốc),
gu-zheng (lãnh thổ Đài Loan). Giáo sư đã nói: “Tất cả những người quan
tâm đến nhạc hội đều xúc động vì sau 8 năm mới có cuộc hội ngộ đầy ý
nghĩa này. Ban tổ chức đã rất khó khăn trong việc tìm kinh phí tài trợ
cho nhạc hội, chính vì hiểu được điều đó mà các đoàn bạn đến với chúng
ta không ai đặt nặng quyền lợi cá nhân cả, điều này càng làm ấm lòng đối
với những người góp phần làm nên Nhạc hội Đàn tranh châu Á lần II”.
Những mái đầu xanh bên cạnh cội mai già
Cuộc
hội ngộ năm nay của những tâm hồn yêu âm nhạc dân tộc sẽ diễn ra từ
ngày 1 đến 4-9 với sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ đến từ các nước:
Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và lãnh thổ Đài Loan. Nhà giáo ưu tú Phạm
Thúy Hoan (chủ nhiệm CLB Tiếng hát Quê hương Cung Văn hóa Lao động
TPHCM) cho biết: “Nhạc hội năm nay sẽ có nhiều mái đầu xanh xuất hiện
bên cạnh những cội mai già. Đó là những học sinh tiểu học của Trường Đài
Bắc tại TPHCM, cùng với cô giáo của mình xuất hiện bên cạnh những nghệ
sĩ đã 60, 70 tuổi mái tóc đã bạc trắng. Điều này cho thấy sức hút mạnh
mẽ của cây đàn tranh đối với các thế hệ được sinh ra và lớn trên các
quốc gia có nền văn hóa lâu đời”.
Phía
Việt Nam có sự tham gia của ba nghệ sĩ Hải Phượng (giải nhất Concours
Đàn tranh lần I – 1992), Phạm Trà My (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt
Nam), Mai Thị Hồng Nga (Học viện Âm nhạc Huế). Giáo sư-tiến sĩ Trần Văn
Khê, tiến sĩ Nguyễn Thành Rum (Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
TPHCM), giáo sư-tiến sĩ NSND Quang Hải, ông Nguyễn Huy Cận (Chủ tịch
LĐLĐ TPHCM), ông Huỳnh Văn Nam (Tổng Giám đốc HTV) là những thành viên
trong Ban Chỉ đạo. Điều đặc biệt của nhạc hội năm nay là đêm bế mạc, tất
cả các nghệ sĩ đàn tranh của các nước sẽ cùng hòa tấu bài dân ca Nam Bộ
Lý ngựa ô, HTV 9 sẽ truyền hình trực tiếp chương trình đêm bế mạc lúc
20 giờ 30.
Nhà
giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan cho biết: “Trong bốn đoàn nghệ sĩ của: Trung
Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan tham dự Nhạc hội đàn tranh châu Á
lần II – 2008, có nhiều nghệ sĩ nổi tiếng. Họ không chỉ là nghệ sĩ biểu
diễn mà còn là giáo sư đã có nhiều năm nghiên cứu, giảng dạy đàn của họ
với đàn tranh Việt Nam. Tôi rất xúc động khi gặp lại các đồng nghiệp đến
từ lãnh thổ Đài Loan. Họ đã từng tổ chức Nhạc hội Đàn tranh châu Á năm
2005 với tinh thần tự nguyện. Đó là những con người yêu mến các nhạc cụ
dân tộc, họ tự vận động người thân, bạn bè và các nhà tài trợ để tổ chức
không định kỳ nhạc hội nhằm tìm kiếm, khám phá và hệ thống một cách
khoa học những điều mới mẻ về đàn tranh. Mơ ước của tất cả những ai đến
với nhạc hội năm nay đều muốn rằng mỗi nước sẽ nhận được sự giúp đỡ
chính thức của quốc gia mình để tổ chức luân phiên 2 năm một lần, từ đó
nhân rộng ra các nước trong khu vực châu Á, để những tâm hồn yêu âm nhạc
dân tộc thông qua nhạc cụ của họ với đàn tranh sẽ tìm được sự đồng cảm
rộng lớn hơn trên thế giới”.
Ông
Lê Hồng Triều, Giám đốc Cung Văn hóa Lao động TPHCM, cho biết: “Đặc
điểm chung của các lần nhạc hội là tất cả các nghệ sĩ đều thể hiện tình
yêu nhạc cụ dân tộc thông qua nhiều khám phá mới trong biểu diễn. Qua
những thông tin ban đầu mà chúng tôi cập nhật, lần này, đoàn nghệ sĩ Hàn
Quốc sẽ trình bày việc khám phá mới trong áp dụng biểu diễn đàn kayagum
từ 17 đến 25 dây. Giáo sư Ishise Akiko (Nhật Bản) năm nay đã 70 tuổi sẽ
cùng biểu diễn với các thế hệ học trò mình. Giáo sư Ishise Akiko đã
từng nhận giải thưởng tại cuộc thi âm nhạc Nhật Bản do cơ quan báo chí
tổ chức tại Tokyo trao tặng. Bà đã từng tham gia biểu diễn hòa nhạc giao
lưu ở các nước Đông Á”.
Được
biết, hiện nay vé của chương trình khai mạc tại Hội trường A Cung Văn
hóa Lao động TPHCM và Nhạc Viện TPHCM (các đêm 2, 3 và 4-9) đang chờ
những tâm hồn đồng điệu. Bạn đọc có thể nhận vé các đêm diễn này tại hai
địa chỉ: Cung Văn hóa Lao Động TPHCM (55B Nguyễn Thị Minh Khai, quận
1-TPHCM - ĐT:08.9309254) và Nhạc Viện TPHCM (112 Nguyễn Du, quận
1-TPHCM).
Bài và ảnh: Thanh Hiệp
(theo Người Lao Động)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét