Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Sơ lược về cây Đàn Tranh Việt Nam

Sơ lược về cây Đàn Tranh Việt Nam


Có lẽ đàn tranh là cây đàn được nhiều người Việt biết đến nhiều nhứt và có đông người học nhứt trong số các nhạc khí cổ truyền Việt Nam. Thật ra đàn tranh không phải bắt nguồn từ Việt Nam mà đúng ra là từ Trung Quốc. Có một giả thuyết cho rằng tiếng đàn khi đánh lên nghe giống như âm từ "tranh". Nhưng giả thuyết này không đứng vững. Về sau có một số giả thuyết khác cho rằng đàn tranh là do chữ "tranh" có nghĩa là "tranh luận thêm một bộ trúc phía trên. Giả thuyết này có đưa ra một huyền thoại nói rằng ngày xưa có hai người tranh nhau một cây đàn "sắt” có 25 dây. Mông Điềm, một vị quan thời nhà Tần, mới chặt cây đàn sắt ra làm hai, một cây đàn 12 dây và một cây đàn 13 dây. Từ đó người ta mới gọi là đàn tranh. Một huyền thoại khác nói rằng dưới thời nhà Tần có hai chị em nhà kia tranh nhau một cây đàn sắt có 25 dây. Dành qua dành lại, cây đàn rớt xuống bể làm hai. Người chị lấy cây đàn có 13 dây, còn người em lấy cây đàn 12 dây. Từ đó mới phát xuất tên đàn tranh. Điều chắc chắn là đàn tranh Trung Quốc đọc là zheng được xuất hiện giữa khoảng thế kỷ thứ ba trước công nguyên vào cuối nhà Tần. Ở Việt Nam, đàn tranh xuất hiện đầu tiên vào lúc nào, không ai biết rõ. Có thể vào cuối thế kỷ thứ 9. Nhưng có điều chắc chắn là đàn tranh được nhắc đến lần đầu tiên trong dàn tiểu nhạc dưới thời nhà Trần (1225-1400) trong quyển Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ. Ông Phạm Đình Hổ kể rằng cây đàn tranh chỉ có 15 dây chứ không phải 16 dây. Người đánh đàn mang móng bằng bạc để khảy hoặc dùng hai khúc cây sậy nhỏ đánh lên dây theo kiểu đánh đàn tam thập lục ngày nay. Cách dùng cây sậy khỏ lên dây không còn được truyền tụng nữa.


Đàn Tranh ngày xưa

Đàn Tranh còn được gọi là Đàn Thập Lục (16 dây). Thùng đàn dài khoảng từ 100cm tới 110cm. Một đầu rộng từ 17cm tới 20cam, và một đầu nhỏ cỡ 12cm tới 15cm. Mặt âm bảng làm bằng cây ngô đồng hình cầu vồng. Thành đàn làm bằng gỗ trắc. Đáy đàn làm bằng một miếng ván có khoét ba cái lỗ: lỗ hình bán cầu ở phía dưới đầu đàn để có chỗ cột dây đàn cho đừng bị tuột; lỗ thứ nhì hình chữ nhựt ở giữa đáy đàn dùng để cho người đàn có nơi để xách đàn, và lỗ thứ ba tròn và nhỏ dùng để treo đàn trên vách tường sau khi hết muốn đàn nữa. Đầu đàn có một sợi dây bằng đồng uốn cong gọi là "cầu đàn" dùng làm điểm tựa cho 16 dây đàn bằng thép. Mỗi sợi dây căng từ cầu đàn tới trục đều chạy trên một con nhạn (còn gọi là "ngựa đàn" - chevalet theo tiếng Pháp hay bridge theo tiếng Anh). Nhạn có thể di chuyển tùy theo cách lên dây đàn theo điệu Bắc, Nam, Xuân, Ai, Đảo, Oán, vv... Âm vực của đàn tranh cổ truyền là ba bát độ hay quãng 8 (octave). Theo truyền thống miền Trung và Bắc, người đàn sử dụng ngón tay cái, trỏ và giữa của bàn tay mặt hoặc với móng tay thật để dài mà khảy nhưng âm thanh phát ra không được trong trẻo) hoặc với móng gẩy (onglet / plectrum) đeo vào. Ở miền Nam chỉ dùng có hai ngón tay mặt: ngón cái và ngón trỏ mà thôi. Có nhiều thủ pháp cho tay mặt rất được phổ thông cho đàn tranh. Cách gẩy lướt trên các dây đàn tạo thành một chuổi âm dài. Có hai cách đàn chữ Á. 


Móng đàn Tranh và trục chỉnh âm thanh


Đuôi đàn với những hàng trục nối dài


Thân đàn - Mặt đàn với hàng nhạn có thể di chuyển được khi lên dây


Đầu đàn với cầu đàn làm điểm tựa để mắc dây

Á xuống gẩy với ngón cái từ các âm cao đến âm thấp khoảng 7 hay 8 dây liên bậc. 

Á lên gẩy với ngón tay trỏ từ âm thấp tới âm cao. Kỹ thuật này rất được ưa thích tại Việt Nam và nhứt là các nhạc sinh thế hệ trẻ sau này thường đàn trong các nhạc phẩm mới sáng tác. Đánh chồng âm, hợp âm thường được thấy trong nhạc đàn tranh, có nghĩa là hai âm thanh cùng đánh một lúc tạo thành hai âm cách nhau một quãng tám, gọi là song thanh (miền Nam), hay song long (miền Bắc), có khi liên bậc hay có khi cách bậc. Đánh song huyền là cách đánh hai dây cùng một lúc nhưng âm thanh không cách nhau một quãng tám như song long/song thanh mà có thể là quãng 2, 3, 4, 5 vv… 


 

 


Đội Đàn Tranh của CLB. Tiếng Hát Quê Hương từ xưa đến nay

Đánh nhiều dây là đánh cùng một lúc ba hay bốn dây tạo thành một hợp âm. Kỹ thuật này mới được áp dụng sau này có chiều hướng tây phương. Ngón vê là dùng các ngón tay mặt gẩy liên tục thật mau trên một dây. Có thể vê hai dây. Một số thủ pháp như ngón láy rền, ngón vuốt, vv... làm tăng thêm sự phong phú của kỹ thuật đàn tranh Việt Nam. Thủ pháp của bàn tay trái góp phần để tạo rõ hiệu quả âm thanh tính qua các ngón rung, ngón nhấn, ngón vỗ… Mấy lúc sau này tay trái còn được sử dụng phối hợp với bàn tay mặt để đánh các chồng âm hay một vài kỹ thuật khác. Thủ pháp tay trái gồm có:
Ngón rung là dùng 2 hay 3 ngón tay trái rung nhẹ trên sợi dây tạo một âm thanh phát ra dao động như làn sóng nhỏ. 

Ngón nhấn thể nhấn nửa bậc, một bậc hay một bậc rưỡi. Ngón nhấn láy được dùng rất thường ở đàn tranh.

Ngón vỗ dùng ngón tay mặt gẩy dây cùng một lúc ngón tay trái vỗ và nhấc lên ngay.

Ngón vuốt dùng tay mặt gẩy đàn, tiếp theo dùng 2 hay 3 ngón tay trái vuốt trên dây đàn đó làm tăng sức căng của dây đàn một cách đều đều, liên tục âm thanh được nâng cao lên nửa cung hay một cung là thủ pháp của tay trái mà trước đây quá ít người biết sử dụng. Có thể gẩy bằng hai tay để tạo thêm chồng âm. Thường là tay trái gẩy những âm rải trong khi tay mặt phải sử dụng ngón vê, hoặc trong khi tay mặt nghỉ. Đôi lúc có thể gẩy giai điệu trong bản nhạc, đặc biệt là những đoạn nhạc êm dịu, trữ tình. 


Bồi âm là kỹ thuật mới bắt nguồn từ kỹ thuật đàn bầu, nghĩa là chạm cạnh bàn tay trái lên giữa dây đàn tính từ cầu đàn tới con nhạn trong khi tay mặt gẩy dây đó.
 
Cách lên dây đàn

Có nhiều cách lên dây đàn tranh tùy theo điệu. Sau đây là một số cách lên dây căn bản:

Dây Bắc, Quảng: Sol - La - Do - Re - Mi - Sol
Dây Đảo: Sol - La - Do - Re – Fa - Sol
Dây Nam Ai, Xuân: Sol - Sib - Do - Re - Fa- Sol
Dây Vọng cổ: Sol - Sib + Do - Re - Mi - Sol
Sa Mạc: Sol - Sib+ Do - Re - Fa- Sol
Tây Nguyên: Sol - Si Đo - Re - Fa#- Sol

Bài bản căn bản

Về bài bản cho nhạc sinh học đàn tranh, tôi chỉ ghi lại đây một số bài căn bản theo truyền thống miền Trung và miền Nam mà thôi.

Theo truyền thống miền Trung, dây Bắc có 10 bài ngự:

1. Phẩm tuyết
2. Nguyên tiêu
3. Hồ quảng
4. Liên hoàn
5. Bình nguyên
6. Tây mai
7. Kim tiền
8. Xuân phong
9. Long hổ
10.Tẩu mã

Về bài bản theo dây Nam thì có:

1. Nam ai (còn gọi là ai giang)
2. Hành vân
3. Nam xuân (còn gọi là Hạ giang hay Nam chiến)
4. Nam bình (còn gọi là vọng giang)
5. Chinh phụ
6. Tứ đại cảnh
7. Tương tư khúc

Truyền thống miền Nam trong nhạc đàn tài tử gồm có một số bài dây Bắc:

* bài nhỏ:

1. Lưu thủy đoản
2. Bình bán
3. Kim tiền Huế
4. Tây thi vắn
5. Khổng Minh tọa lầu
6. Mẫu tầm tử
7. Long Hổ hội
8. Thu hồ

* 6 bài lớn:

1. Lưu thủy trường
2. Phú lục
3. Bình bán chấn
4. Xuân Tình
5. Tây thi
6. Cổ bản

* 7 bài lớn trong nhạc lễ:

1. Xàng xê
2. Ngũ đối thượng
3. Ngũ đối hạ
4. Long đăng
5. Long ngâm
6. Vạn giá
7. Điệu khúc

* Các bài điệu Quảng gồm có:

1. Ngũ điểm
2. Bài tạ
3. Khốc hoàng thiên
4. Xang xừ líu

* Dây Nam gồm có:

1. Nam ai
2. Nam xuân
3. Đảo ngũ cung
4. Tứ đại oán
5. Văn Thiên Tường
6. Vọng cổ

(Trích: “Các loại Đàn Tranh ở viễn đông” – GS Trần Quang Hải trình bày)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét