Nhạc hội đàn tranh châu Á - Đàn tranh xưa và nay
Tối
mai 1/9, tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, Nhạc hội đàn tranh châu Á
lần thứ hai do Cung Văn hóa Lao động, Nhạc viện Thành phố và Trung tâm
Văn hóa TP.HCM tổ chức. Tham gia nhạc hội này có nghệ sĩ các đoàn Việt
Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, trường Đài Bắc tại
TP.HCM.
TT&VH có cuộc trò chuyện với NSƯT Phạm Thúy Hoan, chủ nhiệm CLB Đàn tranh Tiếng hát quê hương, thành viên ban tổ chức.
*
Bà có thể nói nét đặc sắc của các nhạc cụ trong họ đàn tranh tham gia
nhạc hội lần này như: koto (Nhật Bản), kayagum (Hàn Quốc), guzheng
(Trung Quốc)...
-
Trước chương trình biểu diễn của mỗi đoàn, GS.TS Trần Văn Khê sẽ có lời
giới thiệu về những vấn đề như: nguồn gốc, cấu tạo, tính năng, sở
trường, những tương đồng và dị biệt của các đàn tranh, những cái hay,
cái đẹp, cái độc đáo của mỗi loại đàn tranh để khán giả có những hình
dung trước khi nghe các nghệ sĩ biểu diễn. Vì vậy phần này có lẽ để dành
để khán giả yêu đàn tranh nghe trực tiếp lời giảng giải của GS Trần Văn
Khê trong những đêm diễn ra Nhạc hội.
*
Ở châu Á ngoài những loại đàn tranh như: đàn tranh Việt Nam, kayageum,
koto, guzheng, còn có đàn tranh nào khác nữa không thưa bà?
-
Ở Mông Cổ có một cây đàn thuộc họ đàn tranh đó là đàn yatga, cây đàn
này gần giống với đàn guzheng của Trung Quốc, chỉ có khác là tư thế ngồi
đánh đàn, người nghệ sĩ ngồi trên ghế, một đầu đàn để trên chân và đầu
kia chúi xuống đất, tư thế khi biểu diễn trông khá vất vả... Tuy nhiên,
theo tôi biết đàn yatga của Mông Cổ hiện nay không phổ biến lắm và tại
Mông Cổ nó cũng không được “mạnh” như guzheng Trung Quốc, kayageum Hàn
Quốc...
* Các đoàn đến tham dự nhạc hội đàn tranh lần này phải đáp ứng những tiêu chí gì của BTC?
-
Trong buổi họp đầu tiên để khởi sự Nhạc hội đàn tranh châu Á lần thứ
hai này, GS Trần Văn Khê cũng có nêu ra điều đó. Trước hết là làm sao để
các đoàn thể hiện được bản chất truyền thống về cây đàn của mình. Bên
cạnh đó cũng cần thể hiện những cái mới để chứng minh cho sự phát triển
của cây đàn, có thể nói tóm tắt là “đàn tranh xưa và nay”. Nghĩa là
chúng ta không yêu cầu họ trình diễn toàn những tác phẩm truyền thống
với cây đàn truyền thống, mà có thể có những tác phẩm hiện đại viết cho
cây đàn tranh. Vì vậy trong những chương trình sắp tới sẽ có nhiều đoàn
trình diễn những tác phẩm lớn viết theo hình thức concerto hoặc sonate.
Về nhạc cụ cũng thế, ngoài trình diễn với cây đàn truyền thống, họ cũng
sử dụng những cây đàn cải tiến. Ví dụ kayagum ngoài cây đàn 12 dây
truyền thống còn có cây đàn cải tiến 25 dây...
Riêng
đoàn Việt Nam, ngoài cây đàn truyền thống sẽ có đàn tranh cải tiến 22
dây và sẽ trình diễn tác phẩm khá tiêu biểu cho đàn tranh Việt Nam - Tam
tấu đàn tranh - viết theo hình thức sonate của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đời.
* Cám ơn bà!
Chương trình Nhạc hội đàn tranh
- 19giờ 30 cùng ngày sẽ khai mạc Nhạc hội đàn tranh châu Á cũng tại Cung Văn hóa Lao động, đêm này sẽ là sự trình diễn ra mắt của tất cả các đoàn. Mỗi đoàn sẽ có từ 5-10 phút để biểu diễn 1 hoặc 2 tiết mục - Ngày 2 và 3/9/2008 Nhạc hội đàn tranh sẽ diễn ra tại phòng hòa nhạc Nhạc viện TP.HCM (112 Nguyễn Du, quận 1), mỗi đoàn sẽ trình diễn chương trình trong vòng từ 30-45 phút. |
Bình Minh (thực hiện)
(Theo Thể thao & Văn hóa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét