Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Giáo sư Ishise Akiko (Nhật Bản) và nghệ sĩ Trần Đông (Trung Quốc): Ấn tượng đẹp về Việt Nam

Giáo sư Ishise Akiko (Nhật Bản) và nghệ sĩ Trần Đông (Trung Quốc): Ấn tượng đẹp về Việt Nam

Sau hai ngày diễn ra “Nhạc hội đàn tranh châu Á lần II – 2008” ở TPHCM, những hình ảnh về một đất nước Việt Nam thân thiện, mến khách, đã tạo được ấn tượng đẹp trong lòng nhiều đoàn nghệ sĩ quốc tế. Bên lề nhạc hội, chúng tôi có cuộc trò chuyện cùng nữ giáo sư Ishise Akiko (Nhật Bản) và nghệ sĩ Trần Đông (Trung Quốc)…  

Giáo sư Ishise Akiko: “Người dân thành phố rất thân thiện” 
 
* Chào Giáo sư Ishise Akiko! Đây là lần đầu tiên giáo sư đến Việt Nam trình diễn, cảm nhận của giáo sư về đất nước, con người Việt Nam?
 
Giáo sư Ishise Akiko
* Khi đặt chân đến TPHCM, tôi rất ngạc nhiên về xe cộ lưu thông trên đường phố đông đúc. Người dân thành phố rất thân thiện. Tôi cảm nhận được nụ cười luôn rạng rỡ trên gương mặt của mỗi người Việt Nam. 

* Còn công chúng đến với nhạc hội? 
 
* Tôi rất vui khi được biểu diễn trong một khán phòng có đông đảo khán giả đón xem. Tôi nhận thấy khán giả Việt Nam rất nhiệt tình với âm nhạc.


* “Cái duyên”đưa giáo sư mình đến với âm nhạc - đàn Koto?
 

* Tôi sinh ra trong một gia đình, cha mẹ đều dạy đàn Koto. Năm lên 6 tuổi, tôi được cha dạy học nhạc và ngày tôi đến với âm nhạc là ngày 6-6. Bởi theo quan niệm, nếu mọi điều bắt đầu từ ngày 6-6 sẽ rất may mắn… Lúc mới đến với nghề, tôi mong ước mình sẽ phấn đấu trở thành một nghệ sĩ nổi tiếng. Nhưng rồi lập gia đình, sinh con, tôi lại thay đổi suy nghĩ của mình, cố gắng trở thành một người thầy của nhiều học trò. 

* Hơn 60 năm theo nghề, giáo sư đã truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò? 

* Hiện nay, ở Nhật Bản, số bạn trẻ theo học đàn truyền thống Koto cũng giảm nhiều theo thời gian. Bởi học đàn Koto rất tốn kém. Nhưng với một tình yêu nghệ thuật, cái tâm của một người thầy muốn truyền đạt những kinh nghiệm của mình, tôi luôn sẵn sàng tạo mọi điều kiện để bạn trẻ có thể học đàn Koto. Chẳng hạn như giảm học phí đến mức thấp nhất cho những bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn mà yêu thích học đàn Koto… Trong đoàn nghệ sĩ của Nhật Bản đến Việt Nam tham dự nhạc hội lần này có một học trò rất giỏi của tôi – đó là Sato Joji.

* Với con cháu trong gia đình, giáo sư có truyền nghề cho ai?
 

* Tôi có duy nhất cậu con trai, vả lại con trai tôi bảo: “đàn Koto dành cho nữ” nên không theo mẹ học nghề. (cười) 

Nghệ sĩ Trần Đông: “Tôi ấn tượng với múa rối nước của Việt Nam”  

* Những ngày tham dự “Nhạc hội đàn tranh châu Á lần II – 2008”, anh có đi xem loại hình nghệ thuật truyền thống nào của Việt Nam?

Nghệ sĩ Trần Đông
* Ngày 2-9, tôi đã đi xem nghệ thuật múa rối nước (ở Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng – PV) và chúng tôi thật sự ấn tượng. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được xem múa rối nước. Điều mà chúng tôi ấn tượng nhất là dàn nhạc, các nghệ sĩ chơi nhạc – thuyết minh hai bên sân khấu, còn ở dưới hồ nước các con rối diễn rất nhuần nhuyễn. Thật độc đáo. Tuy về nội dung, câu chuyện của múa rối nước, chúng tôi chưa hiểu lắm, nhưng qua âm nhạc, chúng tôi đã “cảm” được nghệ thuật múa rối nước của Việt Nam.

* Anh đã từng biết đến quê hương, đất nước Việt Nam? 

* Tôi đã biết Việt Nam qua mạng internet với chợ Bến Thành, rồi các chợ nổi trên sông ở miền Tây. Tôi rất thích.

* Sau chuyến đi này, anh sẽ trở lại Việt Nam tham quan? 

* Đương nhiên rồi. Tôi nghĩ, sắp tới, nếu có dịp, nhất định tôi sẽ trở lại Việt Nam để đi tham quan, về miền Tây xem chợ nổi… 

* Cảm nhận của anh về đàn tranh Việt Nam? 

* Đàn tranh của Việt Nam nhỏ, gọn và âm thanh rất thanh.

* Xin cảm ơn Giáo sư Ishise Akiko và nghệ sĩ Trần Đông về cuộc trò chuyện này! 

ĐỖ HẠNH (Theo Sài Gòn Giải Phóng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét