Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

ÂM VANG NHẬT BẢN VỚI VẺ ĐẸP CỦA ĐÀN KOTO, BIWA VÀ SÁO SHAKUHACHI

ÂM VANG NHT BN VI V ĐP CA ĐÀN KOTO, BIWA VÀ SÁO SHAKUHACHI


Trong không khí chan hòa tình thân ái, hữu nghị và đoàn kết của giảng đường D trường Đại học Sư Phạm Thành Phố Hồ Chí Minh, chúng tôi được tận mắt chiêm ngưỡng, được nghe và được học hỏi những ngón đàn điêu luyện của các nghệ sĩ đến từ xứ sở hoa Anh Đào với chương  trình “Năm Giao Lưu Nhật Bản – Mekong 2009”, lúc 10g ngày 5/3/2009. Giảng đường tuy không quá lớn, khoảng chừng hơn 200 chỗ ngồi nhưng lại đầy ắp những con tim say mê nghệ thuật, yêu vẻ đẹp âm nhạc dân tộc. Diễn ra chưa đầy 2 giờ nhưng bầu không khí của buổi diễn lúc nào cũng nóng bỏng. Trên sân khấu, hai nghệ sĩ Nakai Tomoya và Nagasu Tomoka đã thể hiện hết bản lĩnh mà họ có được để đáp lại tấm lòng mà khán giả Việt Nam trân trọng dành tặng. Còn dưới khán phòng, mọi người luôn háo hức chờ nghe những tiếng đàn, điệu sáo với những bản nhạc thú vị, đầy ý nghĩa.
 
Người ta không chỉ tán dương bởi cái hay của tiếng đàn, tiếng sáo mà còn ở cách bố trí nhạc cụ và cách trình diễn của nghệ sĩ. Chị Nagasu Tomoka uyển chuyển thân hình theo tiếng đàn Biwa, một loại đàn Tỳ Bà nhưng điều đặc biệt là đầu đàn nằm ngang chứ không phải thẳng đứng như đàn của Việt Nam. Phím khẩy đàn tựa hình chiếc quạt được làm bằng gỗ, còn dây đàn chỉ là những sợi tơ mỏng manh nhưng khi đánh lên âm thanh phát ra tựa hồ tiếng thép, tiếng sắt hùng mạnh mà không kém phần du dương, quyến rũ. Sáo Shakuhachi, được làm bằng tre có 5 lỗ, 4 lỗ phía trước và một lỗ phía sau, âm thanh rất trầm lắng, êm ái. Anh Nakai Tomoya nhịp nhàng, điệu nghệ với đàn Koto và Shamisen. Cách biễu diễn của anh cũng rất hấp dẫn nhưng điều đáng nói nhất ở đây chính là cách đặt đàn. Đàn Koto 13 dây cổ truyền được đặt giống như đàn Tranh của Việt Nam nằm song song với mặt đất. Còn đàn Koto 25 dây hiện đại được đặt trên một cái giá nghiêng khoảng 45 độ và nghệ sĩ đánh đàn ở vị trí đó mà không chút gì khó khăn. Hơn thế nữa, điều mà cả nghệ sĩ cũng như khán giả lấy làm thú vị nhất chính là cây đàn Tam của Việt Nam và cây đàn Shamisen của Nhật Bản lại rất giống nhau: cùng có 3 dây, cùng một cách khẩy, nhưng phím khẩy của đàn Shamisen cũng to giống như phím khẩy của đàn Biwa, mặt đàn Tam thì được làm bằng da trăn hoặc da rắn còn đàn Shamisen được làm bằng da chó. Điều đặc biệt nữa là khi đánh đàn người nghệ sĩ còn hát theo. Cả anh Nakai Tomoya và chị Nagasu Tomoka hứng thú vừa đàn vừa hát những bài dân ca cổ, chất giọng lúc thì thánh thót lúc thì hùng hồn hòa với tiếng đàn trầm bổng thật tuyệt làm sao!


     
Các bạn trẻ Việt Nam giao lưu thử đàn và sáo cùng các nghệ sĩ Nhật Bản

Buổi biểu diễn còn sôi động hơn với phần giới thiệu về nhạc cụ của các nghệ sĩ. Tuy không là những bài giảng thâm thúy của các chuyên gia âm nhạc nhưng khán giả cũng phần nào hiểu được nguồn gốc cũng như cấu tạo của từng loại nhạc cụ. Thêm vào đó là phần giao lưu với khán giả, các bạn trẻ được mời lên sân khấu để thử thổi sáo, chơi đàn. Những bước khởi đầu đơn giản như cách cầm sáo làm sao cho đúng, cho thổi ra được thành tiếng và những cái gẩy dễ dàng của các loại đàn, nhưng cả giảng đường ai ai cũng đều rất thích thú.



Đàn Koto truyền thống 13 dây (nằm phía dưới) và đàn Koto 25 dây để diễn tấu nhạc mới (nằm phía trên)

                           
Đàn Biwa Nhật Bản (thuộc loại Satsuma Biwa)

Buổi biểu diễn kết thúc với những tràng pháo tay vang dội cả giảng đường. Mọi người ra về với vẻ tiếc nuối và không ngớt lời khen ngợi hai nghệ sĩ. Chắc chắn rằng, để có được phong cách biễu diễn cuốn hút hồn người như vậy, các nghệ sĩ đã phải trải qua một thời gian dài luyện tập hết sức nghiêm túc và khó khăn. Thành tựu mà họ có được là một sự thật hiển nhiên, một phần thưởng đáng trân trọng cho những ai biết đầu tư đúng và đầy đủ vế sức lực và thời gian.  
 
Giảng đường Sư Phạm rộng thênh thang
Tiếng đàn tiếng sáo thổi tình tang
Khán giả hăng say ngồi đông đúc
Pháo tay từng đợt nổ vang vang.

Bài & Ảnh: học viên TIẾN VŨ (Tiếng Hát Quê Hương)


Tác giả bài viết Tiến Vũ (áo trắng) cùng với cô Thúy Hoan trong ngày Tết Kỷ Sửu 2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét