GSTS Trần Văn Khê: “Từ nghe đến thương là chặng đường dài”
04/09/2008 15h14
“Nhạc
hội đàn tranh lần này không chỉ chuyên về cổ nhạc mà còn là nơi học
hỏi, giao lưu của những người trẻ” - GSTS Trần Văn Khê mở đầu buổi trò
chuyện cùng VTC News.
Phóng viên: - Xin Giáo sư cho biết những điểm mới trong Nhạc hội đàn tranh châu Á lần thứ hai này?
GSTS Trần Văn Khê:
- Nhạc hội lần này có cái mới là không chỉ mời người chuyên về cổ nhạc
mà còn có nhiều người trẻ, không chỉ nghĩ đến người xưa mà còn là nơi
gặp gỡ của người nay, nghĩa là có xưa có nay. Nhạc hội là nơi gặp gỡ của
nghệ sĩ đàn tranh các nước để mỗi người cất lên tiếng nói của dân tộc
mình, thông qua đó cho người Việt Nam biết chúng ta có cái gì và nước
khác có cái gì, mở rộng tính giao lưu học hỏi.
GSTS Trần Văn Khê trả lời phỏng vấn tại nhà riêng
|
- Xin Giáo sư cho biết vì sao chúng ta chọn Lý ngựa ô làm bài chào kết thúc cho Nhạc hội?
- Bài Lý ngựa ô thuộc loại những bài nhỏ, hơi Bắc, một bài dân ca được giới nhạc tài tử cải lương miền Nam dùng phổ biến, khắp nước ai cũng quen thuộc, nhạc điệu dễ nhớ, tiết tấu nhanh nhẹn.
Thời
gian tổ chức Nhạc hội không dài, phải viết ký âm, tổng phổ gửi trước
đến các nước cho họ tập nên phải chọn bài dễ nhớ, dễ hát và quen thuộc
với người dân cả nước.
-
Một số ý kiến cho rằng so với các nước tham gia (Nhật Bản, Trung Quốc,
Hàn Quốc, lãnh thổ Đài Loan), đời sống kinh tế và mặt bằng dân trí của
chúng ta còn thấp nên chưa có sự quan tâm đến âm nhạc dân tộc, thưa Giáo
sư?
-
Dân Việt Nam mình dám bỏ hàng triệu đồng mua vé xem cuộc thi hoa hậu
hoặc xem những chương trình ca nhạc lớn nhưng nhạc dân tộc thì không ai
nghe, thậm chí có vé mời cũng không buồn đi nên không thể đổ lỗi cho
kinh tế được.
Nhưng
cũng không nên trách khi thực tế cho thấy âm nhạc dân tộc hầu như bị
lãng quên, đài truyền hình phát toàn nhạc trẻ, nhạc nước ngoài, nhạc
truyền thống thì phát vào giờ ít ai xem; báo chí cũng thường đăng tin
về nhạc trẻ, nhạc nước ngoài; người chơi nhạc dân tộc chỉ được trả vài
chục ngàn trong khi chơi nhạc tây được trả hàng trăm ngàn.
Đoàn Việt Nam hòa tấu đàn tranh trong đêm khai mạc 1/9
|
- Vậy theo giáo sư thì vì sao dân mình không có thói quen thưởng thức âm nhạc dân tộc?
- Ngắn gọn có thể nói rằng, muốn âm nhạc dân tộc phát triển trong nhân dân thì phải hội đủ điều kiện thuận lợi, chính quyền phải có chính sách ủng hộ và giúp đỡ cụ thể cho âm nhạc dân tộc; đưa âm nhạc vào học đường, giáo dục thế hệ trẻ đầu tiên bằng những lời ru ngay từ thuở còn nằm nôi, dài theo cuộc đời bằng những câu hò, điệu lý... Phải nghe mới hiểu, phải hiểu mới thương, mà từ nghe đến thương là cả một chặng đường dài.
Thanh Phúc (thực hiện)
Khai mạc từ tối 1/9, Nhạc hội đàn tranh châu Á lần 2 sẽ kéo dài đến ngày 4/9. Tham dự Nhạc hội lần này có các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan và Việt Nam. Trừ đêm khai mạc tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, ba đêm còn lại diễn ra tại Nhạc viện TP.HCM. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét