Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012

Nhạc hội đàn tranh châu Á lần II – 2008: Hứa hẹn hấp dẫn

Nhạc hội đàn tranh châu Á lần II – 2008: Hứa hẹn hấp dẫn

Từ ngày 1-9 đến 4-9-2008, tại Cung Văn hóa Lao động (VHLĐ) TPHCM và Nhạc viện TPHCM sẽ diễn ra “Nhạc hội đàn tranh châu Á lần II-2008” do Nhạc viện TPHCM, Trung tâm Văn hóa TPHCM, Cung VHLĐ TPHCM và Báo Người Lao Động phối hợp tổ chức. Lần này, ngoài các nghệ sĩ của nước chủ nhà Việt Nam, còn có nhiều nghệ sĩ đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), hứa hẹn một mùa nhạc hội hấp dẫn, thắm tình hữu nghị…

Nghệ sĩ Mai Thị Hồng Nga (Việt Nam).
Theo Ban tổ chức, đến nay số vé xem chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ tham gia nhạc hội đều đã phát hành hết. Điều này cho thấy, công chúng yêu thích nghệ thuật ở TPHCM đang rất quan tâm đến nghệ thuật đàn tranh… và hứa hẹn, nhờ sự cộng hưởng của khán giả, các nghệ sĩ đàn tranh sẽ mang đến nhạc hội nhiều tiết mục độc đáo, hấp dẫn.

So với Nhạc hội đàn tranh châu Á lần I diễn ra cách nay tám năm, lần này số lượng nghệ sĩ các đoàn tham gia cũng đông hơn. Đoàn có số lượng nghệ sĩ tham gia đông nhất là Nhật Bản với 9 người. Trong đó, đáng chú ý nhất là nghệ sĩ Ishise Akiko – người bắt đầu luyện tập đàn koto với song thân từ lúc mới 6 tuổi. Ishise Akiko là nhạc sĩ bậc thầy trong Hiệp hội Âm nhạc Seiha Nhật Bản, từng tham gia và tổ chức thành công các buổi hòa nhạc giao lưu Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). 

Ở nhạc hội lần này, ngoài phần tham gia triển lãm và giới thiệu nhạc cụ dân tộc vào lúc 15 giờ ngày 1-9 (tại Cung VHLĐ TPHCM), các đoàn còn biểu diễn nhiều tiết mục diễn tấu độc đáo trong suốt thời gian diễn ra nhạc hội. Trong đó, đoàn nghệ sĩ Trung Quốc sẽ trình diễn các tiết mục: tam tấu đàn Guzheng với tác phẩm Crows playing in water, độc tấu đàn Guzheng – Xuân về trên dòng sông Xiang, tứ tấu đàn Guzheng – Cảm xúc mùa thu bên bàn trang điểm...

Đoàn nghệ sĩ Nhật Bản biểu diễn: Concerto for Koto và Sangen số 10, Hiiro no Futsuka – Zuki, Midare; đoàn nghệ sĩ Hàn Quốc với: độc tấu đàn Geomungo – Mái chùa trên cao, tam tấu đàn Geomungo – Tháp chuông đồng hồ... Đoàn nghệ sĩ Đài Loan (Trung Quốc) với: hòa tấu đàn Guzheng – Đài Loan tuyệt đẹp, độc tấu – Bài hát buồn giữa đêm khuya, tam tấu – Bản tình ca Heng – Chun, hòa tấu – Giai điệu mùa thu…

Đoàn nghệ sĩ của nước chủ nhà Việt Nam với sự góp mặt của GS-TS Trần Văn Khê, Nhà giáo ưu tú (NGƯT) Phạm Thúy Hoan, nghệ sĩ Nguyễn Thị Hải Phượng, nghệ sĩ Phạm Trà My (Học viện Âm nhạc quốc gia) và Mai Thị Hồng Nga (Học viện Âm nhạc Huế) sẽ trình diễn các tiết mục: độc tấu đàn tranh – Hương sen Đồng Tháp, Tứ đại cảnh, Lý chim quyên… Trong suốt thời gian diễn ra nhạc hội, GS-TS Trần Văn Khê sẽ là người đảm trách công việc giới thiệu đôi nét về nhạc cụ đàn tranh của từng dân tộc và nghệ thuật diễn tấu.
Theo NGƯT Phạm Thúy Hoan, trong đêm bế mạc diễn ra vào tối ngày 4-9 tại Nhạc viện TPHCM sẽ có một tiết mục thật độc đáo, thắm tình hữu nghị giữa các đoàn là tất cả các nghệ sĩ tham gia nhạc hội sẽ cùng diễn tấu chung bài Lý ngựa ô, dân ca Nam bộ của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội để các nghệ sĩ tiếp cận với những sáng tạo mới, làm phong phú thêm cho nghệ thuật diễn tấu đàn tranh và cống hiến cho công chúng yêu thích âm nhạc truyền thống nhiều tiết mục hay.

Vân An
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét