Thứ Năm, 29 tháng 11, 2012

ĐÀN CHIM TUNG CÁNH – Hãy bay cao…

ĐÀN CHIM TUNG CÁNH – Hãy bay cao

Lại có thêm những cánh chim bay lên trong đêm nhạc giao lưu đầm ấm của Tiếng Hát Quê Hương tại hành lang Bích Câu – Cung Văn hóa Lao Động. Chương trình chuyên đề đàn tranh lần thứ 3 do CLB.Tiếng Hát Quê Hương thực hiện lần này mang nhiều nét đặc biệt khó quên đối với khán thính giả tham dự. Những cánh chim non dưới sự dạy dỗ tận tình tận lực của “chim mẹ” – nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan – đã vỗ cánh tung bay trong tiếng nhạc năm cung.


“Đàn Chim Tung Cánh” được tổ chức vào một thời điểm đẹp: thứ bảy, ngày 07.07.2007, lại diễn ra lúc 7h00 tối đã khiến cho tâm trạng của khán thính giả và diễn viên thêm phần hào hứng. Đặc biệt hơn nữa, những “cánh chim” tung bay trong chương trình lần này chính là những học viên xuất sắc của Tiếng Hát Quê Hương, đã có thời gian gắn bó lâu dài với câu lạc bộ, và nhất là niềm say mê với tiếng đàn tranh. Trong số những cánh chim đó, bên cạnh các con chim đầu đàn thành tài, thành danh như nghệ sĩ Hải Phượng, nghệ sĩ Kim Tiền còn có những “cánh chim non” tuy “quen” mà “lạ”. Có “cánh chim” đã sải cánh vào đời từ lâu nhưng là sải cánh lo việc áo cơm như học viên Kim Hòa, một thành viên ở độ tuổi trung niên vì yêu mến tiếng đàn mà cố công luyện tập. Có những “cánh chim” còn rất trẻ, chưa đến đôi mươi như 2 “con chim non” Khánh Vân và Phương Thảo, vừa lo nghiệp đèn sách trong trường học vừa không quên dành thời gian cho niềm say mê nhạc dân tộc của mình. Đứng bên cạnh nhau trên sân khấu, khán thính giả không khỏi xúc động trước một hình ảnh đẹp của “đàn chim Việt”:“chim Mẹ” Phạm Thúy Hoan dang rộng đôi cánh che chở bầy con, có “cánh chim đầu đàn” Hải Phượng theo mẹ chăm lo, dẫn dắt các cánh chim non Kim Hòa, Kim Tiền, Khánh Vân, Phương Thảo. Sân khấu giao lưu đêm ấy nào khác chi ngôi nhà đầy ắp tình cảm gia đình!

Dẫn chương trình “Đàn Chim Tung Cánh” là học viên Minh Đoàn, cũng là một thành viên tích cực của Tiếng Hát Quê Hương. Anh hoạt bát vui vẻ trong mỗi phần giới thiệu các “tay đờn” lên sân khấu biểu diễn. 


Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan là một người kể chuyện dẫn dắt khán giả trong suốt chương trình. Mỗi một tác phẩm được các “cánh chim” trình tấu đều có sự dày công o bế và sự hướng dẫn công phu từ tấm lòng của một người Thầy. Ngồi lắng nghe tiếng đàn từ đôi tay của các “cánh chim non”, ta như thấy thấp thoáng đâu đó là tiếng nhấn “nhức xương”, tiếng vuốt ve “dịu ngọt”, tiếng rung “sâu lắng”, tiếng mổ “thở than”… của người vừa là nhà giáo vừa là nghệ sĩ. Mỗi học trò đều học được một chút cái hay cái đẹp trong ngón đàn của Thầy mình. 


Còn gì hạnh phúc bằng khi trò đàn cho Thầy nghe? Tiếng đàn của những người học trò ngày hôm ấy bỗng dưng hay hơn hẳn, duyên dáng hơn hẳn và ngọt ngào hơn hẳn…

Học viên Kim Hòa với bài dân ca Bắc Bộ “Se chỉ luồn kim” gây nhiều ngạc nhiên cho bạn bè và khán giả. Những ngày tập luyện cho chương trình, cái hồn của bài nhạc diễn tả chưa rõ mà sao giờ đây những cung đàn ấy lại khiến ta cảm động thế này? 


Nhìn sự trau chuốt từng phím tơ mà ta hình dung ra được sự “cố công tập luyện” của người học nhạc. Ắt hẳn phía dưới hàng ghế khán giả, không những chỉ có Thầy bạn ủng hộ cô mà còn có niềm hãnh diện từ gia đình nhỏ của cô nữa: đó chính là sự yêu thương trìu mến của phu quân và con gái cô Kim Hòa. Chúc mừng cô và mừng sự tiến bộ của cô trong tiếng đàn dân tộc!


Hai cô bé “học trò nhỏ” Khánh Vân Phương Thảo lại cùng nhau ôm đàn bước lên sân khấu Tiếng Hát Quê Hương, nhưng lần này là trình diễn riêng với sở trường, phong cách của mỗi người. Khánh Vân và Phương Thảo là bạn thân của nhau từ thuở mới lên 6 lên 7, quen nhau trong thời gian theo học đàn tranh với Cô Thúy Hoan. Tuổi thơ của hai cô bạn thân này là những chuỗi ngày học tập vui thích, say mê trong tiếng đàn tranh dưới sự dạy dỗ yêu thương của Thầy mình. 


Có lẽ không ai vui mừng hạnh phúc cho hai cô bé nhiều bằng cô giáo Phạm Thúy Hoan, người đã trực tiếp uốn nắn từng ngón đàn và dõi mắt trông theo từng bước tiến của hai cô học trò “bé bỏng”.
Phương Thảo điêu luyện, lưu luyến trong những câu đàn “Tình ca Đất Bắc”, trong tiếng rao “Anh Khóa ơi, em tiễn chân anh ra tận bến tàu, hai tay em đỡ cái khay trầu…”
 
 

thì Khánh Vân bay bổng, lững lờ với điệu “Hành Vân”, thiết tha trong “Lý giao duyên” của xứ Huế.


Nếu chú ý một chút, khán giả sẽ cảm thấy được “sự hiểu ý nhau” trong phần biểu diễn của ba thầy trò. Ở “Tình ca đất Bắc”, Phương Thảo minh họa những kỹ thuật áp dụng trong bài bản nhạc mới một cách sinh động với sự diễn giải của Thầy mình 


thì trong “Lý giao duyên” tiếng đàn của Khánh Vân tung hứng, hòa quyện cùng tiếng hát của cô Thúy Hoan làm cho không khí thêm thân mật, vui vẻ. 


Trong hai tiếng đàn trẻ ấy luôn chan chứa tình thương của một người Thầy, chẳng thế mà hai cô học trò nhỏ cứ quấn quýt suốt bên Thầy mình nũng nịu: “Cô ơi, tụi con đàn như vậy có được không Cô?”.

Nghệ sĩ trẻ Kim Tiền, cũng là một thành viên gắn bó lâu năm ở THQH, chững chạc duyên dáng với bài nhạc cổ miền Bắc “Tò Vò”.
 

Theo lời cô giáo Thúy Hoan, mới ngày nào Kim Tiền còn là một cô bé tóc tết hai bím, xúng xính váy đầm, nhỏ xíu so với cây đàn tranh mà giờ đây đã trở thành một nghệ sĩ trẻ của nhạc dân tộc. Chuyên môn của chị là đàn tranh và đàn tỳ bà. Dưới sự dẫn dắt của Thầy Cô, Kim Tiền đã xuất sắc hoàn thành chương trình đại học tại Nhạc viện Thành phố với số điểm Thủ Khoa, là niềm vinh hạnh không chỉ của gia đình, Thầy cô, bạn bè mà còn là niềm vui chung cho THQH. Tiếng đàn tranh của Kim Tiền trên sân khấu ngày hôm đó là thành quả của sự khổ luyện bao năm trời và lòng kiên trì trong học tập bộ môn âm nhạc này. 


Cánh chim non Kim Tiền tung cánh bay cao là một niềm hy vọng mới cho THQH nói riêng và nhạc dân tộc nói chung. Có lẽ quãng đường bay còn rất xa, nhưng chúng ta luôn tin ở chị một tinh thần yêu mến sâu đậm với nhạc cổ truyền mà quyết tâm gìn giữ nó thật hết lòng, chị Kim Tiền nhé!

Cánh chim cuối cùng bay trên sân khấu chính là “con chim đầu đàn” Hải Phượng, người nghệ sĩ luôn giữ được chất lửa nhạc dân tộc trong tim mỗi khán giả, mỗi lớp đàn em. Những ngón tay của chị là những ngón tay biết nói, biết cười, biết sầu, biết đổ lệ vào năm cung … những ngón tay đương “làm xiếc trên cung đàn”.
 

Vừa là một nghệ sĩ tài danh, vừa là một giảng viên nhạc dân tộc tại nhạc viện thành phố, vừa là đàn chị “dễ thương, đáng yêu” của lớp đàn em trong THQH, vừa là ái nữ của nhà giáo Phạm Thúy Hoan, “con chim đầu đàn” này đã sát cánh cùng “chim mẹ” đưa THQH đi lên trong phong trào nhạc dân tộc.

Trong chương trình này, chị đã biểu diễn thật tuyệt vời nhạc phẩm “Mùa Thu Quê Hương” của nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan với trình độ kỹ thuật lẫn nghệ thuật tài tình hớp hồn khán giả. Một khán giả vừa đặt tay lên trái tim vừa tròn to mắt ngạc nhiên thích thú: “Trái tim tôi đập thình thịch cực độ như muốn rơi ra ngoài mỗi lúc Hải Phượng nhấn dây, rung phím, tôi cũng nổi hết cả da gà khi Hải Phượng lướt tay như tiếng gió thổi qua đám lá thu đang rơi rụng. Tôi không cầm được nước mắt khi nghe Hải Phượng dạo nhạc dựa trên câu thơ “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau” của đại thi hào Nguyễn Du. Đêm nay về nhà có lẽ tôi mất ngủ mất thôi!”


Người nghệ sĩ như Hải Phượng khi nghe lời nhận định đó còn gì vui hơn nữa, còn gì ngần ngại mà không rút ruột nhả tơ gửi tặng cho đời?

Chương trình càng về sau càng ấm áp và thân tình. Mọi người hoà nhạc cùng nhau, ca hát cùng nhau, vui vẻ cùng nhau… dường như quên cả đêm dài đang tới, mưa tháng bảy đang lất phất bay. Chút tình lưu luyến còn đọng lại trong mỗi người, chưa ai vội chia tay. Có lẽ vì thế mà cái tình của nhạc dân tộc càng đậm đà hơn đó chăng? 


Buổi giao lưu đã kết thúc tự lâu rồi mà tiếng nhạc còn ngân mãi trong tim. Thương chúc cho “Đàn chim tung cánh” hôm nay mãi bay cao để đưa hồn dân tộc Việt Nam đến với tất cả mọi người, để tiếng nhạc năm cung có hy vọng được giữ gìn và phát huy như mong mỏi của những ai còn thương yêu và tâm huyết với văn hóa cổ truyền, với âm nhạc dân tộc.

QUẢNG VINH
Photos by Thế Huân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét