CẢM XÚC VỀ MỘT “HOA QUÊ HƯƠNG” LẦN THỨ 31
Cái
tên “Hoa Quê Hương” đã trở nên quen thuộc đối với những ai say mê làn
điệu dân ca, âm thanh của các nhạc cụ dân tộc, từng mộ điệu và yêu mến
CLB Tiếng Hát Quê Hương. Tuy không phải là chương trình lớn nhưng Hoa
Quê Hương theo định kỳ mỗi lần tái ngộ với khán giả luôn mang màu sắc
mới lạ, hấp dẫn. Trong không khí nhẹ nhàng, thoải mái với tiếng đàn hát
mộc mạc đã giúp cho khán giả có vài phút giây lắng đọng để cảm nhận mùi
vị của quê hương qua âm nhạc dân tộc. Đến đây, bạn có cảm giác như đang
sống trong một gia đình ấm áp, hội tụ những con người tận tình, biết
giúp đỡ lẫn nhau trong học tập cũng như trong công việc. Thật vậy, nếu
đến từ rất sớm chúng ta sẽ tận mắt chứng kiến những gì mà các thành viên
đã làm để chuẩn bị cho buổi biễu diễn. Người diễn viên không chỉ biết
diễn trên sân khấu mà còn biết giúp đỡ nhau, làm được cả những việc của
một người hậu đài. Chưa đầy 2 giờ nhưng Hoa Quê Hương 31 thật sự để lại
dấu ấn trong lòng khán giả với các tiết mục đặc sắc do NGƯT Phạm Thúy
Hoan chọn lọc kỹ lưỡng và các học viên CLB Tiếng Hát Quê Hương đã luyện
tập với tinh thần tích cực và nghiêm túc.
Những
tràng pháo tay ròn rã vang lên sau khi MC Nhật Tân vừa cất giọng giới
thiệu sơ lược chương trình và khách mời. Rồi cả hội trường dường như im
lặng để nhường chỗ cho âm thanh du dương của cây đàn Bầu (do bạn Văn Tấn
độc tấu), tiếng réo rắt của đàn Tranh, tiếng véo von của Sáo Trúc và
tiếng Trống dồn dập,… trong tiết mục hòa tấu “Thoáng Quê” của NSƯT Thanh
Tâm sáng tác, do NS. Hải Phượng chỉ huy.
Tiết
mục tốp ca “Ba Quan Đổi Lấy Nụ Cười” đã đưa khán giả đến vùng Quan Họ
Bắc Ninh với những chiếc áo tứ thân và áo dài khăn đóng đầy màu sắc của
các liền anh liền chị Quan Họ, và nhất là chất giọng ngọt ngào của các
nghệ sĩ đến từ CLB Tình Quê Hương do cô Nguyễn Thị Thanh phụ trách (cô
Thanh cũng là một trong những học viên thành công nhất của CLB Tiếng Hát
Quê Hương trong việc phổ biến dân ca Việt Nam).
Với
chất giọng trầm lắng thiết tha, mượt mà và điêu luyện, NS Đức Tâm đã
làm cho khán giả phải xao xuyến, càng say, càng yêu hơn vẻ đẹp của cô
gái Huế nói riêng, cô gái Việt Nam nói chung trong bài “Lý Tình Tang” -
dân ca Huế, lời ca Mười Thương của nhạc sĩ Bửu Lộc, qua phần phụ họa đàn
Tranh của NS Uyên Trâm và sáo trúc của bạn Huy Vương.
Nếu
bài “Lý Tình Tang” để khán giả tự mình hình dung, tự mình khắc họa lên
nét đẹp của các cô gái nói chung thì bài “Một thoáng quê hương”, biên
đạo học viên Khánh Vân, do nhóm múa Hoa Xuân biểu diễn, gợi lên cho khán
giả một cái nhìn tinh tế về nét đẹp của các cô gái Việt Nam với tà áo
dài thướt tha, chiếc nón lá nghiêng nghiêng che mặt, dáng đi uyển chuyển
và mái tóc dài nhẹ bay trong gió.
Hội trường trở nên sôi động, vui tươi hơn với lời ca dí dỏm, chân tình của bài “Hò Ba Lý” dân ca Quảng Nam, do các học viên lớp dân ca của thầy Quốc Thái trình bày.
Bên
cạnh đó, có lẽ điều mà khán giả thích nhất khi đến dự các chương trình
do CLB Tiếng Hát Quê Hương thực hiện là được tham gia, hòa mình cùng các
nghệ sĩ. Tiết mục cuối cùng trước khi chuyển sang phần II, phần trò
chuyện với GSTS Trần Văn Khê, mọi người được phát tờ giấy nhỏ có in lời
ca bài “Non cao tươi đẹp” (trích trong vở cải lương bất hủ “Tiếng trống
Mê Linh” của soạn giả Ngô Y Linh) để cùng hát theo đàn do các học viên
lớp đàn Tranh biểu diễn.
Không
khí bỗng dưng thật yên lặng khi NGƯT Phạm Thúy Hoan giới thiệu GSTS
Trần Văn Khê, người Thầy đỡ đầu của CLB THQH. Không ai ngăn được xúc
động khi nhìn các học viên dìu Thầy bước chậm rãi lên sân khấu. Từ nhiều
tháng nay, chân Thầy ngày càng yếu đi, đi lại chỉ nhờ vào chiếc xe lăn.
Nhìn Thầy di chuyển khó khăn như vậy, mà Thầy vẫn đến với các khán giả
của THQH, đủ thấy Thầy thương yêu THQH biết chừng nào. Thầy nói qua nhận
xét của Thầy về các tiết mục của THQH vừa diễn, Thầy mong đợi THQH ngày
càng có nhiều tiết mục phong phú hơn, sau đó Thầy hỏi: “Các em muốn
Thầy trả lời về vấn đề gì?”. Tuy đã gần 90 tuổi nhưng khi cất tiếng nói,
âm thanh phát ra vẫn mạnh mẽ và đầy nội lực. NGƯT Phạm Thúy Hoan “tâm
sự” với khán giả trước khi đặt câu hỏi với Thầy “Thưa quí vị và các bạn,
nếu muốn nghe những chuyên đề, chẳng hạn: vài nét về Hát Bội, hoặc nghệ
thuật ngâm thơ trong nhạc truyền thống, hoặc từ bài Dạ Cổ Hoài Lang đến
bài Vọng Cổ… chúng ta có thể tới nghe tại tư gia của GS. Trần Văn Khê,
nhưng tại sân khấu của THQH, vì coi chúng ta là người nhà, nên Thầy sẵn
sàng trả lời những thắc mắc của chúng ta, do vậy mà các câu hỏi không
giới hạn vào một đề tài chuyên biệt nào cả. Vì thế cho nên chúng ta mới
nghe Thầy hỏi câu “các em muốn Thầy trả lời gì?”.
Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra với Thầy Khê:
“Thưa
Thầy, được biết là tuần vừa qua, Thầy đã bay ra Hà Nội để dự hội thảo,
xin Thầy có thể vui lòng nói qua về hội thảo đó được không ạ?”.
Câu
hỏi thứ hai: “Thưa Thầy, đàn Tranh thường thích hợp với phụ nữ, vậy mà
khi nói đến các danh cầm đàn tranh, hầu như không có sách nào nói về các
Cô, theo Thầy thì tại sao có hiện tượng này ạ?”.
Câu
hỏi thứ ba: “Thưa Thầy, Thầy vừa nói rằng sau sự thành công của người
đàn ông, đều có bóng dáng của người phụ nữ. Thầy là người rất, rất thành
công, chắc chắn là có nhiều bóng hồng đằng sau Thầy, vậy Thầy có thể
“bật mí” một chút về các bóng hồng phía sau Thầy được không ạ?” (Câu hỏi
này được khán giả vỗ tay rất nhiều)….
Tuy
gần một giờ trò chuyện nhưng khán giả không tỏ vẻ mệt mỏi chút nào mà
càng nghe càng cảm thấy hào hứng, thú vị. Tất cả các câu hỏi và đáp đều
rất vui, di dỏm và rất đời thường… đã làm mọi người xích lại gần nhau
hơn, hiểu nhau hơn và thương nhau hơn.
Chương
trình khép lại với những tràng pháo tay, những bó hoa tươi thắm tràn
ngập sân khấu. Có cả những đóa hoa của GS. Tăng Kim Tây và của Đoàn Ca
Nhạc Dân Tộc Hướng Việt (Mỹ) tặng cho chương trình. Trong bầu không khí
sôi động, chan hòa tình thân ái, khán giả một lần nữa được cất cao giọng
hát, được thả hồn theo từng cánh cò bay lả:
“Con cò cò bay lả lả bay la
Bay từ từ cửa phủ bay ra ra cánh đồng
(Tình tính tang tang tính tình…)
Mình về có nhớ ta chăng
Ta về ta nhớ hàm răng mình cười…(tình tính tang…)
Ta về ta tắm ao ta
Khơi trong gạn đục ao nhà vẫn hơn…(tình tính tang…)"
* Nếu các bạn muốn biết các câu trả lời của GSTS. Trần Văn Khê xin liên hệ với THQH nhé.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét