Vợ chồng nhà khoa học Việt kiều tài danh và nhân hậu
Xa quê hương từ khi còn học trung học, là những sinh viên xuất sắc ở những trường Đại học danh tiếng của Pháp, hoàn thành luận văn tiến sĩ ở tuổi 30, có hàng trăm công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên nhiều tạp chí khoa học nổi tiếng, hiện nay ở tuổi 75, vợ chồng giáo sư Trần Thanh Vân vẫn đang bận bịu với công việc khoa học và làm từ thiện ở quốc tế và ở quê nhà. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng Bằng khen để ghi nhận những đóng góp to lớn của ông-bà. Buổi lễ đã diễn ra ngày 21 tháng 7 năm 2008.
Thành tài trên đất Pháp
Là
một nữ tiến sĩ khoa học làm việc tại Trung tâm khoa học quốc gia Pháp
(Centre national de la recherche scientifique - CNRS), sống ở Pháp hơn
nửa thế kỷ, bà Lê Kim Ngọc không bao giờ quên đất nước Viet Nam, nơi
chôn rau cắt rốn của bà. Và chính bà là chủ tịch Hội cứu trợ trẻ em Việt
Nam tại Pháp (Aide à l’enfance du Vietnam - AEVN). Cứ vào tháng 9 hàng
năm, từ năm 1993 bà và phu quân, giáo sư vật lý Trần Thanh Vân, lại có
mặt tại Việt Nam với kế hoạch của AEVN tại Việt Nam trong mỗi lần về
nước. Đó luôn luôn là những hành động mới mang đậm tính nghĩa cử vì trẻ
em mồ côi, vì trẻ em bất hạnh.
Sinh
năm 1934, bà Lê Kim Ngọc là người con của đất Vĩnh Long. Thuở nhỏ, bà
học ở trường Trung học Gia Long - Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí
Minh). Sau đó, bà đã được gia đình đưa sang Pháp du học và hoàn thành 3
năm cuối của hệ trung học tại trường Marie Curie. Chính ở nơi đây, bà là
một học sinh với phần lớn các môn học đều đạt điểm xuất sắc. Người nữ
sinh trung học Việt Nam thời đó từng được vinh dự nhận được Giải thưởng
danh dự của trường (Prix d’honneur). Với kết quả học tập tốt, bà Hiệu
trưởng trường trung học Marie Curie đã tìm mọi cách giúp cô học sinh tên
Kim Ngọc lên Paris để học tiếp Đại học. Năm 21 tuổi, bà Kim Ngọc đã
hoàn thành chương trình đại học và trở thành cử nhân ngành Khoa học tự
nhiên. Luận văn của bà đã được bảo vệ một cách xuất sắc năm 1955. Mười
năm sau, nhờ sự giúp đỡ của giáo sư Pierre Chouard, bà Kim Ngọc đã bảo
vệ thành công luận văn tiến sĩ tại đại học Sorbonne - Paris, một trong
những trường đại học danh tiếng của nước Pháp và châu Âu. Trong quá
trình thực hiện luận văn, bà Kim Ngọc đã có nhiều cơ hội tìm hiểu kỹ hơn
về nguyên lý hoạt động của cây cỏ. Và dần dần bà đã làm chủ được sự
phát triển của chúng.
Dang tay nâng đỡ những mảnh đời bất hạnh
GS. Trần Thanh Vân trao học bổng O.Vallet cho sinh viên ĐHQGHN năm 2006.
Ảnh:http://js.vnu.edu.vn/ttsk/Vietnamese |
“Tiền
bạc và danh vọng chỉ là những thứ phù phiếm. Một lúc nào đó, chúng có
thể biến mất, nhưng lòng nhân ái, tình yêu thương giữa con người thì sẽ
vẫn còn mãi mãi”. Đây là câu nói mà vị nữ tiến sĩ khoa học 74 tuổi đã
nhắc đi nhắc lại khi nói về mục đích của AEVN, một tổ chức được thành
lập năm 1970 và trực thuộc Liên hiệp các làng SOS quốc tế.
Là
những nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung tâm khoa học quốc gia Pháp
(CNRS), là tác giả của hàng trăm bài báo khoa học và hàng trăm cuốn sách
chuyên khảo, thế nhung bà Kim Ngọc và chồng, giáo sư Trần Thanh Vân,
không phải là những người ưa tự nhốt mình trong “tháp ngà”, biệt lập với
“cõi đời bụi bặm” ! Cảm thương cảnh ngộ của hàng trăm trẻ em bất hạnh,
nạn nhân của bao nhiêu năm chiến tranh đẫm máu đã thôi thúc ông, bà
quyết tâm làm “từ thiện”. Và bán thiếp Giáng sinh in tranh làng quê Việt
Nam là cách mà ông bà đã chọn để quyên góp tiền để xây làng trẻ em SOS;
Trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề cho trẻ em bất hạnh Thủy Xuân, ngoại
thành Huế... Mỗi gói 10 tấm thiếp bán 2 USD, lãi 1 USD; hàng trăm nghìn
gói thiếp của ông-bà Trần Thanh Vân đã được bán ở Pháp và cả ở Mỹ do
được sự góp sức của những người tình nguyện là sinh viên người Việt và
người bản xứ Âu, Mỹ.
AEVN
đã dành gần 1triệu USD tiền bán thiếp đầu tiên để góp phần duy trì hoạt
động của làng SOS ở thành phố cao nguyên Đà Lạt, và tiếp theo là Trung
tâm nuôi dưỡng và dạy nghề cho trẻ em bất hạnh Thủy Xuân (ngoại thành
Huế). Đây cũng chính là một trong những chương trình trợ giúp đầu tiên
của AEVN.
Năm
2006, làng trẻ em SOS Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng đã được xây dựng
nhờ sự giúp đỡ của AEVN, của Liên hiệp các làng trẻ em SOS của quốc tế
và của tổ chức các làng trẻ em SOS của Pháp, cùng sự đóng góp của các
nhà hảo tâm nước Pháp. Trung tâm Thủy Xuân, cách thành phố Huế 4 km, đã
trở thành chỗ nương thân của khoảng 60 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
“Hoạt động như một mái ấm gia đình, Thủy Xuân sẽ góp phần bù đắp những
mất mát (tưởng như không thể bù đắp nổi) để ngày mai, các cháu trở thành
công dân tốt của đất nước, thành những người lao động lương thiện”, bà
Kim Ngọc chia sẻ.
Nói
về công lao của ông-bà Trần Thanh Vân, chị Ngô Thị Thu Hồng, Giám đốc
trung tâm Thủy Xuân, không giấu được xúc động : “Không những nổi tiếng
thế giới về những công trình khoa học xuất sắc, ông-bà Kim Trần Thanh
Vân còn nổi tiếng với tấm lòng yêu trẻ em vô bờ bến”.
Chắp cánh cho nhân tài đất Việt
Vợ chồng Gs Trần Thanh Vân tại “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 5 ở Hà Nội, tháng 8-2004. Ảnh: T.B http://www.sggp.org.vn
|
Cùng
với phu nhân hướng về quê mẹ Việt Nam trong việc làm từ thiện để xây
dựng các làng trẻ em SOS và trung tâm hỗ trợ trẻ em bất hạnh, giáo sư
Trần Thanh Vân đã hợp tác với người đứng đầu Cơ quan nghiên cứu khoa học
tự nhiên của Viet Nam, Giáo sư-Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, sáng lập
“Rencontre du Vietnam” (Gặp gỡ Việt Nam), nhằm góp phần phát triển nhân
tài khoa học Việt Nam.
Giáo
sư sinh năm 1936 tại thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Mồ côi cha mẹ từ
nhỏ, cậu bé Trần Thanh Vân đã phải trải qua tuổi thơ với bao khó khăn
vất vả. Sau khi hoàn thành chương trình tiểu học ở Đồng Hới, Trần Thanh
Vân tiếp tục học trung học ở Huế. “Vì trường học cách nhà 180 cây số,
nên 1 năm chỉ có cơ hội về thăm nhà duy nhất 1 lần”, ông nhớ lại.
Năm
17 tuổi, Trần Thanh Vân lên đường sang Pháp. Lăn lóc kiếm sống ở thị
trấn nhỏ Montargis, lang thang trôi giạt đến tận vùng Orléans, ông thi
đỗ tú tài trước khi theo học Đại học Sorbonne. Là sinh viên giỏi, anh
may mắn được cấp bổng để đi vào ngành khoa học mũi nhọn rất “hiểm hóc”
của thế kỷ 20 : Vật lý hạt (particle Physics).
22
tuổi, Trần Thanh Vân bắt đầu làm việc tại Trung tâm Quốc gia nghiên cứu
khoa học (CNRS) của Pháp, rồi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ quốc
gia tại Đại Học sư phạm Paris, một trường lớn của Pháp được cả thế giới
biết đến khi mới 27 tuổi.
Từ
năm 1966, ông Trần Thanh Vân có sáng kiến – cùng 2 bạn đồng nghiệp
người Pháp- tổ chức các cụôc gặp gỡ hàng năm của các nhà Vật lý hạt cơ
bản tại làng Moriond, một ngôi làng xa vắng bên dãy núi Alpes, với cái
tên Rencontres de Moriond (Gặp gỡ Moriond), để cùng nhau trao đổi kinh
nghiệm và lắng nghe phản biện cho những công trình nghiên cứu của mình.
Sau
Hội nghị quốc tế về vật lý hạt cơ bản ở Sienna, miền bắc nước Ý tổ chức
năm 1963, ý tưởng tổ chức Rencontres du Vietnam về vật lý hạt và vật lý
thiên văn đã được hình thành. Bắt đầu từ năm 1993 đến nay, Rencontres
du Vietnam, do giáo sư Trần Thanh Vân làm chủ tịch, đã được tổ chức 6
lần ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, với sự tham gia của các nhà Vật
lý đến từ hơn 40 quốc gia, trong đó có cả những người được giải Nobel.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định: “Sự có mặt của các nhà khoa
học quốc tế mang đến cho các nhà khoa học Việt Nam những thông tin mới,
đồng thời cũng là dịp để Việt Nam bày tỏ mối thiện cảm, tinh thần đoàn
kết giữa các dân tộc “. Chủ tịch nước cũng mong muốn giáo sư Trần Thanh
Vân tiếp tục giới thiệu để nhiều nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về
nước nghiên cứu, góp phần phát triển nền khoa học & công nghệ nước
nhà. Rencontres du Vietnam còn nhận được sự bảo trợ tối cao của các đời
Tổng thống Pháp như François Mitterrand, Jaques Chirac.
Giáo
sư Trần Thanh Vân đã có công tìm kiếm một nguồn học bổng rất lớn, mang
tên Học bổng Odon Vallet, có giá trị hàng chục tỉ đồng. Số học bổng này
được trao cho các học sinh, sinh viên xuất sắc ở khắp 3 miền ở Việt Nam.
Học bổng được trao hàng năm, bắt đầu tư năm 2001 ; tính đến nay đạt
hàng chục tỉ đồng cho khoảng 10.000 suất. Nguồn học bổng lớn này là kết
quả của tình bạn thân thiết giữa giáo sư Trần Thanh Vân và giáo sư về
Triết học và Tôn giáo Odon Vallet. Được thừa hưởng một gia tài rất lớn,
có giá trị 100 triệu USD từ người cha, vị giáo sư của trường của trường
Đại học Sorbonne (Paris), Odon Vallet, không dùng số tiền này để cho mục
đích cá nhân, mà đã quyết định gửi ngân hàng. Số tiền lãi hàng năm,
giáo sư đã dành cho mục đích khuyến học cho các tài năng trẻ của Pháp và
của Việt Nam.
Cuối
năm 1997, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống cộng hòa Pháp Jacques
Chirac đã mời Giáo sư Trần Thanh Vân tháp tùng như một “nhịp cầu hữu
nghị”.
THANH TUỆ - HÀM CHÂU (TTXVN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét