Thứ Sáu, 30 tháng 11, 2012

Tốt và hay trong âm nhạc

Tốt và hay trong âm nhạc

"Hay!” – một từ ngắn gọn  đủ gói trọn lý do xác đáng khiến người thưởng thức yêu thích một nhạc phẩm. Tác phẩm “đánh gục” trái tim người nghe trước hết vì nó hay, rồi từ đó các nhà này nhà nọ mới tán lý lẽ dông dài về những gì làm nên cái hay đó. 
 
Một tác phẩm hay có thể độc đáo nhờ bản sắc dân tộc, có thể ấn tượng nhờ những yếu tố hiện đại, có thể bền lâu nhờ chủ đề muôn thuở liên quan tới chữ “nhân” – nhân đạo, nhân quyền, nhân văn, nhân sinh, nhân ái... Song, đậm đà bản sắc dân tộc, hoặc cực kỳ mới tới mức “sốc!”, hoặc được đánh giá “tốt!” theo tiêu chí định hướng, chưa chắc đã thực sự hay, chưa chắc đã làm nên cái để đời cho nền nghệ thuật nước nhà.

Định hướng trong sáng tác cốt để có tác phẩm “tốt” theo chuẩn mực của ta trong hoàn cảnh nhất định và “đúng” với tiêu chí đặt ra cho thời điểm nào đó. Nhìn xa hơn với ước muốn sản phẩm nghệ thuật “made in Vietnam” không chỉ có ý nghĩa trong cộng đồng dân tộc mà còn vươn tới cộng đồng nhân loại, hẳn ta phải tính đến những chuẩn mực trên cả “tốt” cho ta và không chỉ “đúng” với ta. Một khi điều kiện sống đang đổi thay theo hướng đi lên, thì hà cớ gì mà không đưa món ăn tinh thần từ mức tốt hướng tới đẹp và hay theo tầm nhìn không hạn định bởi biên giới quốc gia?

Khái niệm “hay” dù mênh mông bể sở thế, nhưng vẫn có một điểm chung: làm ra cái hay chính là người sáng tạo. Sự sáng tạo trước hết thuộc về nhạc sĩ sáng tác, tiếp đến nghệ sĩ biểu diễn và cuối cùng, một phần sự sáng tạo vẫn tiếp diễn trong quá trình cảm nhận của công chúng thưởng thức. Trong hoàn cảnh chiến tranh trước đây, giới sáng tác luôn được ghi nhận đã làm ra nhiều tác phẩm tốt, phản ánh đúng thời cuộc qua mảng ca khúc đa dạng. Còn khí nhạc ít được công chúng biết đến nhưng vẫn có những tác giả không hề nản chí, tiếc là phần lớn kết quả đó chỉ để tăng thêm số lượng tổng phổ “cất ngăn kéo”.

Viết khí nhạc tốn nhiều công sức hơn viết bài hát nhưng lại ít đến được với công chúng. Vì thế các nhạc sĩ trẻ được đào tạo chính quy lại tìm đường kiếm sống bằng viết ca khúc hoặc phối khí giùm các “ca khúc gia” không tự viết phần đệm, trong đó có không ít ca khúc thị trường.

Như vậy sự thiếu hụt đáng ngại đâu phải là cái tâm nhạc sĩ mà là môi trường sáng tạo. Môi trường lý tưởng nhất là sự đảm bảo cho người sáng tác điều kiện tốt cả tinh thần lẫn vật chất. Được quyền tự do sáng tạo, được tin tưởng và khích lệ, họ càng phải giữ chữ tín bằng chất lượng tác phẩm gắn với tên tuổi họ. Và rất tự nhiên, mỗi cái tôi đều cho thấy theo cách của mình những phẩm chất được hấp thụ qua môi trường sống. Về vật chất, với thù lao đảm bảo điều kiện sống, hẳn người viết không buộc phải “làm hàng chợ” và toàn tâm toàn ý hơn trong sáng tạo nghệ thuật.

Về giới biểu diễn, thật hồ đồ nếu lấy cátxê ngất ngưởng của các nàng diva làm chứng cho sự hiện hữu môi trường tuyệt hảo đối với nghề diễn. Chỉ cần liếc qua các mặt báo cũng thấy rõ mối quan tâm dành cho nghệ sĩ nặng về hình thức, thời trang, sinh hoạt, lối sống... Tóm lại, quá nhiều câu chuyện bên lề của các ngôi sao ca nhạc giải trí, quá ít những vấn đề bức thiết như thù lao của nghệ sĩ biểu diễn các loại hình âm nhạc không ăn khách.

Lại nói thêm về cái tâm, trong giới biểu diễn loại nhạc kén khách, ai mà chẳng mơ tới đỉnh cao niềm tự hào dân tộc trong việc đưa nhạc truyền thống Việt Nam, nhạc cổ cũng như nhạc mới, tới công chúng “nội” cũng như “ngoại”. Việc duy trì thường xuyên các chương trình nhạc cổ hoặc giao hưởng thính phòng Việt Nam không thể lệ thuộc vào doanh thu, mà trông vào kinh phí bao cấp thì... Thế là dù có tâm vẫn cứ lâm vào cảnh “cái khó bó... tay!”.

Công chúng cũng là đối tượng bị trách cứ nhiều vì “cái tội” quay lưng lại với nhạc cổ truyền và nhạc giao hưởng. Không biết, không hiểu, làm sao có thể yêu thích được những thể loại cứ phải động não khi nghe, trong lúc người ta chỉ muốn được giải trí đơn thuần để giảm bớt áp lực của nhịp sống hối hả này. 

Thực ra vẫn có những người muốn tiếp cận nhạc cổ truyền dân tộc, cũng như nhạc giao hưởng thính phòng một cách tự giác. Chẳng công bằng chút nào nếu chỉ biết đổ lỗi cho công chúng, khi mà họ sinh ra và lớn lên không trong một môi trường thuận lợi cho sự phát triển khả năng cảm thụ những loại nhạc đang ngày càng trở nên khó cảm thụ. Môi trường ấy không được tạo dựng vì vô số thiếu hụt trong mọi phương diện, từ chương trình giáo dục phổ thông đến sân khấu “nhạc sống”, phát thanh truyền hình, mạng internet, phát hành báo chí, văn hóa phẩm... 

Xét đến sự tác động vào cảm thụ âm nhạc của công chúng, các nhà lý luận âm nhạc – cầu nối giữa tác phẩm và người nghe – khó mà “thoát tội”. Nhưng thử ngẫm xem họ đã thực sự được cần đến chưa?
Báo chí chỉ chuộng những bài viết trước sự kiện theo kiểu cập nhật thông tin (nhiệm vụ của phóng viên, nhà báo), còn bài đánh giá sau chương trình biểu diễn (công đoạn của phê bình chuyên ngành) luôn bị gạt đi với lý do quá ư là dễ hiểu: diễn rồi, chuyện qua rồi còn đăng làm gì! 

Dù biết có quá nhiều thứ cần làm đi nữa, đa số các nhà lý luận chuyên ngành vẫn tặc lưỡi: viết làm gì vì không dễ đăng tải và nhuận bút chất xám thì cứ như một nghịch lý.

Trong môi trường thuận ít nghịch nhiều, các đối tượng sáng tạo – người viết, người diễn, người nghe và cả người dẫn – thực ra đều có thiện chí. Song những cố gắng không đồng bộ khó đem lại hiệu quả mong muốn, giống như dàn nhạc không thể chơi hay nếu thiếu cây đũa chỉ huy và chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ mạnh ai nấy làm. Khỏi bàn nhiều lời về vai trò nhạc trưởng, tức người quản lý, vì hiển nhiên như một chuỗi phản ứng dây chuyền: nhà quản lý có tài, có tâm, có tầm luôn tìm cách tạo ra môi trường tốt cho người sáng tạo, có môi trường tốt mới sinh ra nhân tài để có được tác phẩm xuất chúng.

Muốn có nhạc phẩm hay chẳng cách nào hơn là đem đến cho người sáng tạo môi trường thuận lợi nhất. Và sự trông đợi vào các nhà quản lý trong việc định hướng cho tác phẩm tốt không nhiều bằng tạo môi trường tốt cho tác phẩm hay. 
 
NGUYỄN THỊ MINH CHÂU

Trả cho văn hóa bản sắc nguyên

Trả cho văn hóa bản sắc nguyên

Lễ hội giao lưu tuần lễ văn hóa Việt - Nhật lần thứ bảy được tổ chức ở Hội An vừa khép đã để lại nhiều dư âm trong lòng người xem. Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, có mặt với tư cách là khách mời của ban tổ chức, có những ghi nhận từ góc độ văn hóa gửi về Diễn đàn.

 Sự kiện đúc trống đồng trong lễ hội văn hóa Việt - Nhật được đánh giá cao. Trong ảnh, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng cùng nhà báo Nguyễn Hữu Hương, thành viên ban tổ chức bên chiếc trống vừa đúc xong. (Ảnh: Đông Dương)
Tôi đang ở Hội An sau “dư chấn” bội thực vì báo chí tổng kết, ghi nhận đã viết về lễ hội vừa qua quá nhiều thì đọc được bài Hình nộm của văn hóa? (Thể thao & Văn hóa cuối tuần số 34 ra ngày 21/8/2009) trên mục Diễn đàn văn hóa của nhà văn Nguyên Ngọc. Khi đọc đến câu: “Đã làm văn hóa điều đầu tiên, tuyệt đối không được làm văn hóa giả. Sẽ là cái giả tệ hại nhất trong các thứ giả ở đời” thì đan xen hai cảm giác: sung sướng và bàng hoàng. Sung sướng vì qua nhà văn Nguyên Ngọc, tôi biết ông đã điểm đúng huyệt, trả lời giúp ban tổ chức và nhiều người, trong đó có tôi, vì sao lễ Việt - Nhật đã kích thích, lôi cuốn được nhiều khán giả và được dư luận quan tâm đến thế! Liệu có phải đã có một cái gì âm ỉ đổi mới và đổi khác (nhưng thực sự thì có mới và khác không?) đang âm thầm diễn ra? Bàng hoàng là, liệu có phải từ lâu nay bản thân đã sống và đối phó với quá nhiều “cái giả” mà như thói quen, nỗi sợ hãi hay sự “uế tạp hiện đại” đã mặc nhiên chấp nhận cái hư hỏng, suy đồi như “bản chất”, là một “chân giá trị”? Các lễ hội thường nghiêng về “sân khấu hóa”, trình diễn, xếp đặt, bày bừa nhiều món trò cốt để “lượm tiền”, báo công, lượng nhiều hơn chất nên thường là nhếch nhác, luộm thuộm. Vì thế khi nhận diện lại những gì bản sắc, hồn cốt, đúng với quy chuẩn của nó thanh tẩy tâm hồn thì cảm giác như đang làm một cuộc cách mạng lớn lao khai phóng cho nội thể trước những biên thùy tự do.

Tại lễ hội văn hóa Việt - Nhật có lẽ ban tổ chức thành công nhất ở một việc: chống sân khấu hóa. Trả về cho văn hóa bản sắc nguyên của nó. Cụ thể, có bao nhiêu người Việt nhìn thấy được trống đồng Đông Sơn định dạng thế nào? Tại sao có 14 nhánh? Giới thiệu cho bạn Nhật văn hóa nguyên thủy hồn Việt qua trống phải chăng là giải pháp toàn bích? Vậy tại sao không đúc trống đồng bằng phương pháp thủ công truyền thống trong “không gian Việt” mường tượng “đạo nhà” dựng khá hoành tráng bên bờ sông Hoài? Với sự tìm tòi mạnh dạn, được sự hỗ trợ của UBND tỉnh Thanh Hóa, lần đầu tiên người ta được sống với không gian con dân Âu Lạc tế thiêng, đúc trống diễn ra bên phố cổ. Chưa bao giờ tôi có một cảm xúc mạnh thế! Việc tái hiện lại những vũ điệu dân gian, trang phục, nhịp trống từ thời cổ sử có lẽ sẽ là vấn đề còn nhiều tranh cãi. Nhưng bước đầu những nhịp đi từ âm bản đến phiên bản là điều đáng khích lệ. Nghiên cứu văn hóa Việt cổ mấy nghìn năm trước mà rất ít tư liệu vì thời đó chữ viết hay ký tự chưa ra đời để chép lại nên còn nhiều điều nan giải song không có nghĩa là không nghiên cứu được. Bởi các dấu nối, dấu lặng, diễn dịch đã có mặt dưới nhiều sắc vóc, hình thái văn hóa khác nhau trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng, đời sống. Dưới lăng kính dân tộc học, nhân chủng học kết hợp sử học, văn hóa học... thận trọng từng bước, tôi tin rằng chúng ta có thể phục hiện dần. Vì thế, việc đúc trống đồng trong tuần lễ văn hóa Việt - Nhật đã làm nức lòng nhiều người tham dự. Khán giả đến xem đúc trống như tìm một sự liên hệ, một khí phách dẫn truyền ngày hôm nay với hôm qua. Đáng qúy trong sự kiện này có mặt giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê. Trong bài nói chuyện của mình, ông đã có những ví dụ âm dương ngũ hành về trống và tiếng trống, tìm hiểu, giải mã các ký hiệu trên mặt trống, đời sống tinh thần và vật chất của cư dân Lạc Việt huyền sử. Giáo sư cho rằng bản sắc văn hóa dân tộc đã phát triển rất cao từ thời đó đã lưu lại trên mặt trống đồng. Vì thế, khi tận mắt được sờ tay lên mặt trống được đúc tại chỗ như nghe được nguồn mạch tự hào dâng lên từ huyết quản.

"Liệu có phải từ lâu nay bản thân đã sống và đối phó với quá nhiều "cái giả" mà như thói quen, nỗi sợ hãi hay sự "uế tạp hiện đại" đã mặc nhiên chấp nhận cái hư hỏng, suy đồi như "bản chất", là một "chân giá trị"?
Sự xuất hiện của võ Bình Định trong những ngày này ở Hội An cũng khiến du khách nước ngoài không hết trầm trồ ngạc nhiên vì sự uyển chuyển vi diệu của nó. Ngay cả một người nghiên cứu về văn hóa âm nhạc truyền thống như giáo sư Trần Văn Khê cũng tấm tắc khen. Ông tâm sự với tôi trong võ có văn. Những thế đánh, múa roi, quất trượng... đều tiềm tàng cách đối nhân xử thế, là cái gốc, cái đạo của văn hóa. Xưa nay mỗi lần nhất đến “tinh võ môn” đa số đông vẫn thường nghĩ đến võ Trung Quốc. Nhưng với võ Bình Định được đúc kết qua nhiều tầng lớp thời gian mà đặc biệt phát triển rực rỡ dưới triều đại Quang Trung, như thế Kê Gà do Nguyễn Lữ sáng tạo ra khi nghiên cứu, quan sát từ thế đá của con gà, múa đại đao của danh tướng Võ Văn Sở... cho thấy những “sở đắc” tuyệt luân, biến hóa, sáng tạo không thua kém gì võ Trung Quốc. Dưới sự xuất hiện “người thật việc thật” của các võ sư các trường phái, lần lượt các thế võ Việt được giới thiệu lớp lang, bài bản. Rễ của võ chính là gốc văn hóa. Định nghĩa không còn là mớ lý thuyết khô xám mà uyển chuyển bay lên  trước những thế đánh đẹp. Nó khuất phục được ngay cả những khán giả khó tính nhất.

Không sân khấu hóa còn được tìm thấy trong tranh hàng Trống, không gian Truyện Kiều Hà Tĩnh, gốm Chu Đậu, hát bài chòi, dân ca Quảng, thư pháp Trịnh Tuấn, hiên trà Trường Xuân, múa Tây Giang, gạo nương Điện Biên... và đặc biệt là ươm lụa xe tơ do Quảng Nam Silk đảm trách. Được tận mắt chứng kiến bản sắc văn hóa vùng đất Duy Xuyên qua từng cái kén, con tằm, lá dâu... người xem như mê mẩn trước một nguyên bản về nghề lụa mà trước đây chỉ từng nghe qua mô tả sách vở.

Xu hướng hội nhập một mặt dẫn tới chủ nghĩa quốc tế trên mọi lĩnh vực, mặt khác làm nổi rõ nhu cầu về bản sắc dân tộc. Bởi vì nếu không có những điểm chung nhất định (tính quốc tế) thì không thể giao lưu, nhưng nếu không có cái riêng (bản sắc dân tộc) thì không có nhu cầu về trao đổi.
Một bàng hoàng hay nỗi tâm tư khác của tôi trong những ngày cuối cùng của lễ hội chính là suy nghĩ về giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê. Năm nay thầy đã 89 tuổi. Được là người giúp việc, đẩy xe lăn, trợ lý cho thầy suốt tuần lễ văn hóa, tôi mới biết ngoài giọng nói sang sảng, nét mặt uy nghiêm, quắc thước phúc hậu thì bên trong sức khỏe thầy đã rất yếu. Từ đầu năm đến nay, đôi chân của thầy đã có dấu hiệu bất động, phản kháng không còn nghe lời nữa. Đôi chân ấy, của một người là thành viên danh dự Hội đồng quốc tế âm nhạc UNESCO, viện sĩ thông tấn Hàn lâm viện châu Âu, tinh thông khoa học, văn chương, nghệ thuật, đã từng đi hơn 60 nước trên thế giới để quảng bá, nói chuyện, giới thiệu về âm nhạc và văn hóa Việt Nam với quốc tế. Với bộ óc kiệt xuất, thông tấn, cách nói chuyện tài nghệ do nghiên cứu sâu rộng nhiều lĩnh vực và có thể diễn thuyết bằng nhiều thứ tiếng vì giỏi nhiều ngoại ngữ... gần như thầy chưa tìm thấy “truyền nhân”. Ngạn ngữ cổ Ba Tư có câu “một người già mất đi như một thư viện bị cháy”. Những đêm hai thầy trò nằm chung phòng trong khách sạn Vĩnh Hưng bên dòng sông Hoài, nghe từng chuỗi ho xé phổi, cũng như những tâm tình trăn trở của thầy, tôi thật đau lòng. Liệu có sự sụp lở nào lớn hơn khi mỗi cây cổ thụ văn hóa uyên thâm đổ xuống? Chúng ta bàn về bản sắc, về văn hóa, về hình nộm và các chân giá trị thực liệu sẽ cứu vãn khoảng trời trống vắng này như thế nào đây?

Hội An, 26/8/2009

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã có nhiều tác phẩm thơ chuyển ngữ tiếng Đức, Pháp, Hàn Quốc. Là diễn giả, khách mời của một số festival văn hóa, thơ quốc tế. Ngoài thơ, anh còn làm báo và viết tiểu luận phê bình. Đã xuất bản: Giọng nói mơ hồ, Tháo đáy, Vỉa từ, Chất trụ & những bài thơ khác...

Nguyễn Hữu Hồng Minh

Nguồn tin: Thể thao & Văn hóa
 

Lời cảm tạ từ những đóa hoa

 
Giỏ hoa chúc mừng của Đoàn ca nhạc dân tộc Hướng Việt (USA) tặng CLB. Tiếng Hát Quê Hương


 
Giỏ hoa THQH tặng mạnh thường quân - học bổng Huỳnh Thị Dương

 
 
Giỏ hoa CLB dân ca Tình Quê Hương tặng CLB. Tiếng Hát Quê Hương

 
Và những lẵng hoa tuyệt đẹp mà cô Đào Thị Thân (lớp Dân Ca) nồng hậu tặng cho chương trình của Tiếng Hát Quê Hương

Hoa vốn dĩ không lời...
Nhưng những ý tình hoa muốn nói gởi đi không biết bao nhiêu là thông điệp...

Hoa bề ngoài vô ngôn
Mà thực sự hàm ngôn...

Lời thầm thì của hoa đem lại những phút giây tươi đẹp và ý nghĩa trong cuộc sống. Với Tiếng Hát Quê Hương, những đóa hoa trong mỗi buổi diễn luôn là sự thay lời muốn tri ân đến tất cả những ai đã và đang thương mến THQH, thương mục đích và công việc mà THQH đang làm. Đồng thời, lẵng hoa đến từ các CLB, đội, nhóm bạn trong và ngoài nước cũng là sự thay lời chúc mừng đến chương trình hoạt động của THQH, chung vai sát cánh với THQH gầy dựng phong trào nhạc dân tộc phát triển. Thương những đóa hoa, càng thương thêm những tấm lòng luôn quý mến hỗ trợ nhau...

Hoa ơi, hoa dẫu không lời
Mà đem trải khắp tình người trong nhau!

Kỷ niệm buổi diễn ở trung tâm Mandapa 1997

Kỷ niệm buổi diễn ở trung tâm Mandapa 1997





Ảnh chụp ở Trung tâm Mandapa hôm 17.04.1997 (Photos by Võ Quang Yến)

Đây là một buổi trình diễn đặc biệt của chúng tôi khi chị Phạm Thúy Hoan từ Việt Nam sang.

Trên sân khấu chỉ có 4 người, Thầy TRẦN VĂN KHÊ, PHẠM THÚY HOAN, QUỲNH HẠNH và PHƯƠNG OANH.

Lời dẫn giải rất lôi cuốn của Thầy, phần trình diễn điêu luyện của trò, mà đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất thầy trò từ Pháp và học trò từ Việt Nam gặp gỡ, mặc dù đã liên lạc từ hơn 40 năm qua...

Năm 1969, tôi đi trình diễn ở Âu châu, khi tới Pháp, đã đến thăm Thầy và chuyển lời Hoan vấn an Thầy, khi Thầy còn đang nằm điều trị trong nhà thương...

Thời gian trôi, thỉnh thoảng tôi được gặp Thầy, nhưng... chưa được dịp cùng Thầy hoà đàn...

Ba chúng tôi quen biết nhau từ bé, cùng học chung trong nhạc viện Saigon, cùng dạy chung khi tốt nghiệp, và giờ đây, cũng vẫn cùng hoạt động chung trong lãnh vực nghệ thuật, âm nhạc dân tộc, nhưng người ở trong nước, người ở ngoại quốc... tình bạn vẫn tràn đầy như bát nước.

Được đón Hoan tại đây, chúng tôi cùng chia sẻ những kinh nghiệm vui buồn trong cuộc sống cũng như trong nghề nghiệp.

Ngày nay, sự miệt mài phụng sự nghệ thuật của Hoan đã có kết quả tốt đẹp. Hải Phượng, con gái đã nối tiếp bước chân mẹ giảng dạy ở nhạc viện khi Hoan đã nghỉ hưu, nhưng bước chân vẫn tiếp tục đi, gieo rắc tiếng đàn cho học trò tại Cung Văn Hóa.

Nếu trong nước có Câu Lạc Bộ TIẾNG HÁT QUÊ HƯƠNG, thì tại Pháp có PHƯỢNG CA DÂN CA QUỐC NHẠC đã và đang tiếp tục phổ biến để nền âm nhạc dân tộc vẫn lưu truyền cho thế hệ trẻ,và hy vọng âm nhạc truyền thống luôn được tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới gìn giữ và bảo tồn để truyền thống NHẠC VIỆT luôn sống mãi với thời gian.

Phương Oanh
29/8/2009

Link bài viết & hình ảnh blog GS Phương Oanh: http://phuongoanh.multiply.com/photos/album/208/208
THQH thân cám ơn GS Phương Oanh đã đưa hình ảnh và viết về kỷ niệm đặc biệt này giữa Thầy Trần Văn Khê và các thành viên nhóm "Hoa Sim" một thời trên đất khách quê người, đang cùng hòa chung những điệu nhạc truyền thống Việt Nam ấm áp thân thương cũng như hòa vang tiếng lòng của những người đồng chí hướng. Không dễ gì có được khoảnh khắc đẹp ấy trong cuộc đời, nhìn lại gốc rễ "Hoa Sim",  giờ đây đã mọc biết bao cành nhánh, trổ biết bao hoa trái đẹp đẽ, xanh tươi dâng tặng và phụng sự cho nhạc dân tộc mới thấy truyền thống vẫn được tiếp nối. Những Tiếng Hát Quê Hương (Việt Nam - GS Phạm Thúy Hoan phụ trách), Phượng Ca Dân Ca Quốc Nhạc (Pháp quốc - GS Phương Oanh phụ trách), Tiếng Vọng Quê Hương (Hoa Kỳ - GS Ngọc Dung phụ trách)... chính là những trái ngọt, hoa thơm lớn lên từ "Hoa Sim" ngày nào. Mỗi nhóm bằng khả năng của chính mình đã đem tiếng nhạc dân tộc ngân vang khắp mọi nơi, đưa tâm hồn của bao người trở về với cội nguồn quê mẹ. Thương làm sao!
2 CommentsChronological   Reverse   Threaded
tranquanghai wrote on Sep 18, '09
Đây là một kỷ niệm hi hữu giữa nhóm HOa Sim và thân phụ tôi (GS Trần Văn Khê) taị Paris năm 1997. Chỉ còn thiếu Ngọc Dung là đủ mặt Hoa Sim hội ngộ tại Paris .
Có một thiếu sót trong phần nhắc tới sinh hoạt của những cựu giáo sư HOan Sim là Quỳnh Hạnh cũng có lập một trường dạy nhạc cổ truyền tại Paris (Ecole de Musique traditionnelle du Vietnam) . Có thể xem những sinh hoạt tại trang nhà của Quỳnh Hạnh :
http://ethnomusicvn.vnparis.net/index.htm

Tran Quang Hai

tienghatquehuong wrote on Sep 18, '09
Rất cảm ơn GS Trần Quang Hải đã bổ sung thêm về hoạt động của cô Quỳnh Hạnh tại Pháp quốc kèm theo link trang nhà để mọi người cùng biết đến một trong những thành viên "Hoa Sim" kỳ cựu ngày xưa. THQH rất vui vì từ những hình ảnh kỷ niệm trên đã gợi lại một không khí truyền thống, mà sau này các nhóm nhạc dân tộc do các thành viên Hoa Sim phụ trách đã có được những thành công nhứt định trong công việc làm có ích của mình đối với nhạc dân tộc quê hương.

Kính chúc GS mạnh khỏe và có nhiều thành công mới!

Thân mến,
THQH

Lưu luyến điệu bài chòi

Lưu luyến điệu bài chòi


 
Ở Hội An, thông thường bài chòi chỉ được tổ chức vào tối thứ bảy hằng tuần và vào những ngày rằm, khi đó phố cổ sẽ được thắp đèn lồng, bài chòi vang lên trong một khung cảnh thơ mộng, yên bình. Nhưng những ngày diễn ra lễ hội Việt - Nhật (từ 14 đến 16-8) vừa qua, bài chòi được tổ chức hăng đêm.
 
Một người bạn nghe chúng tôi sắp đi xem bài chòi thì cười và nói: “Muốn chơi bài chòi hả? Ít nhất phải có bằng A tiếng Quảng đó nha!”. Chúng tôi cũng bật cười vì câu nói đùa ngộ nghĩnh. Không ngờ đúng là như vậy, ván đầu tiên của bài chòi, hầu như chúng tôi chỉ có thể nghe được tên của những quân bài đã ra mà không nghe rõ những câu hát của người hiệu. Phải mất mấy ván chơi và suốt ba ngày chơi chúng tôi mới tạm hiểu những câu hát thú vị của bài chòi.

Làn điệu của quê hương
Đã có nhiều hội thảo về đề tài làm thế nào để âm nhạc dân tộc không bị mai một, làm cách nào để giáo dục âm nhạc dân tộc cho trẻ em... Chúng tôi nghĩ bài chòi trên phố cổ Hội An chính là một trong những cách bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc. Hãy mang âm nhạc, mang những giá trị văn hóa phi vật thể ấy đến nơi mà nó được sinh ra, đến gần hơn nữa với cộng đồng, nhất là với trẻ em. Làn điệu dân ca quê hương sẽ nuôi dưỡng và lớn lên theo tâm hồn, tình cảm của các em, tạo nơi các em một tình yêu đối với quê hương, đất nước.
Bài chòi có 30 quân bài, trên mỗi quân có ghi tên như: nhất trò, nhì bí, tam quăng, tứ móc, nhất nọc, nhì nghèo, ba gà, tứ xách... Chòi ở đây cũng có đủ chín cái, mô phỏng những chiếc chòi canh nương rẫy xưa kia nhưng làm đơn giản hơn, lợp lá và quây quần trong một không gian vừa phải nên có cảm giác rất gần gũi giữa người chơi và ban quản trò. 
 
Ban hô bài chòi ở Hội An gồm hai người quản trò được gọi là anh hiệu và cô hiệu, một người đàn nhị, một người đánh trống và hai người chạy cờ. Khi anh hiệu, cô hiệu hát và xướng lên quân bài nào thì người chạy cờ có nhiệm vụ mang quân bài đó đi vòng quanh cho mọi người thấy và phát những lá cờ vàng, xanh... cho những ai đang cầm thẻ bài có ghi quân bài đó ở trên. Khi nào người chơi có đủ ba quân đã được ra thì thắng cuộc.

Điều mà chúng tôi cảm thấy rất thú vị là làn điệu đặc trưng của bài chòi. “Hơi xuân nữ, hơi ai” ở đây không mang nét buồn sâu thẳm mà được pha trộn với tiết tấu nhanh tạo nên nét độc đáo. Không chỉ những câu hát cổ (như Không ngon cũng bánh lá gai/Dù anh có dại cũng trai học trò...), người hiệu còn thêm vào những câu hát mới pha lẫn những điệu lý, những bài nhạc mới sáng tác mà không làm mất đi cái cốt lõi của bài chòi, tạo nên sự tò mò, quyến rũ của một trò chơi mang đầy tính nghệ thuật.

Có lẽ nhờ kết hợp với những ngày lễ hội nên số lượng người chơi khá đông, cả người Hội An, người nơi khác đến và du khách nước ngoài. Do vậy bài chòi ở đây còn có nét khác biệt là sau các câu hát và gọi ra quân bài, người chơi sẽ được nghe thêm tiếng Anh, đánh vần tên của quân bài.

Có thật sự sống với không gian bài chòi mới thấy được sức hấp dẫn và lôi cuốn của một trò chơi không mang nặng tính chất ăn thua như thế này. Những người lớn tuổi say mê theo dõi từng câu hát, cười thoải mái với những câu pha trò dí dỏm của anh hiệu, cô hiệu; những em bé tròn xoe mắt nhìn lá cờ... Có thể các em chưa hiểu gì về những câu hát nhưng làn điệu bài chòi thì chắc rằng đã bắt đầu thấm đượm vào tâm hồn các em.

Ra về mà chúng tôi vẫn còn như lưu luyến theo điệu bài chòi:

Hoa nhớ bướm hoa chờ hoa đợi
Người thương ai lưu luyến từng giờ
Người đi vạn dặm sương mờ
Năm canh có kẻ đợi chờ năm canh...



Theo các nhà nghiên cứu thì bài chòi - một trong những loại hình diễn xướng dân gian thịnh hành ở miền Trung VN, nhất là ở Bình Định và Quảng Nam - xuất phát từ lối hát của những người gác trên những chòi canh nương rẫy. Khi đó để đỡ buồn người ở chòi này hát đối đáp với chòi bạn, lâu dần trở thành điệu hát phổ biến và người ta đã đặt ra những quy định để bài chòi trở thành một lối chơi dân gian. Hiện nay loại hình này cũng như một số trò chơi dân gian khác dường như chỉ còn tồn tại trong các lễ hội mà thôi.
 HẢI PHƯỢNG

Giá như đến được các trường phổ thông khắp nước...

Nhìn lại một thập kỷ sân khấu học đường

Giá như đến được các trường phổ thông khắp nước...

(TT&VH) - LTS: “Nhiều em tham gia dự án ở Nghệ An và một số thành phố khác cũng đã chính thức nhập học tại các trường văn hóa - nghệ thuật. Thật tuyệt vời, mong rằng dự án sẽ đưa các em đi xa hơn, tôi tin là trong số học sinh tham gia dự án, có nhiều em sẽ thành nghệ sĩ tài năng trong tương lai như các em ao ước”.
Đó là tin vui do TS- NSND Phạm Thị Thành (PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa dân tộc, người khởi xướng Dự án Sân khấu học đường đưa ra khi nhìn lại một thập kỷ triển khai dự án này). TT&VH xin giới thiệu bài viết của bà.

Từ công trình thử nghiệm…
 TS-NSND Phạm Thị Thành
Hôm được mời về tổng kết dự án tại Hải Phòng, tôi băn khoăn lo lắng, chờ đợi... hồi hộp gần sáng mới chợp mắt được vì dự án này là do tôi sáng tạo ra. Đã một thập kỷ trôi qua từ ngày tôi viết và xin tài trợ của Quỹ Ford để thực thi dự án này trong 2 năm 1999-2000 tại Hà Nội, Nam Định và Nha Trang (Khánh Hòa).

Đối với tôi, đây là công trình nghệ thuật thử nghiệm, vì tôi thấy thời gian gần đây khán giả VN, nhất là thế hệ trẻ, không thích xem chèo, tuồng - 2 thể loại sân khấu đặc sắc mang đậm đặc trưng văn hóa dân tộc VN. Đây là một nguy cơ có thể dẫn đến sự thất truyền, nguy hại cho văn hóa dân tộc; việc thu hút tầng lớp trẻ đến với nó để hiểu nó, thấy cái hay, cái đẹp để yêu nó, thích xem nó, thích biểu diễn để bảo vệ, giữ gìn nó không phải là dễ!

Sau 14 tháng thực hiện tại 9 trường THCS, THPT, đến tháng 7/2000, trong buổi lễ báo cáo tổng kết tại Hà Nội cho Quỹ Ford, Bộ VH-TT, Bộ GD&ĐT cùng các thầy cô, các học sinh của 3 thành phố, các nghệ sĩ, các nhà báo... xem các cháu biểu diễn nhiều trích đoạn chèo, tuồng, hòa tấu một số bản nhạc dân tộc. Mọi người đều đánh giá cao, Đài TH VN và các địa phương xin ghi hình và phát liên tục, hơn 20 báo đã ca ngợi dự án.

Viết đề án gửi lên Phó Thủ tướng
Nhưng dự án do Quỹ Ford tài trợ đến đó là kết thúc. Không có kinh phí thì không thể làm được. May sao! Một buổi chiều mùa Xuân năm 2001, anh Hoàng Chương - GS, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, nói với tôi: "Thành ơi! Dự án Sân khấu học đường hay lắm, mình phải làm tiếp tục đi. Tôi cười trả lời: Tiền đâu ra mà làm hả anh? - “Ta sẽ đi xin, Thành cứ viết lại đề án, rồi tôi và Thành đi xin. Chúng ta sẽ đi xin Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm (lúc ấy phụ trách công tác văn xã) rất hiểu và ưu ái với nghệ thuật dân tộc, Thành ạ”.

Tôi viết lại dự án ngay, nhưng không tin lắm vào việc sẽ xin được kinh phí. Viết xong, tôi và anh Chương cùng ký, rồi mạnh dạn gửi lên Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm. Tưởng sẽ phải chờ đợi lâu, ngờ đâu tháng 4/2001 chúng tôi nhận được công văn phúc đáp số 1479/VPCPVX về việc xin cấp kinh phí để thực hiện Dự án Sân khấu học đường do Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản ký. Trong công văn có ghi rõ là giao cho Bộ VH-TT phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét và giải quyết theo thẩm quyền, đồng thời thực hiện dự án.

Diễn tuồng cho dự án Sân khấu học đường ở Đông Anh năm 1999.
Ảnh: Phạm Thị Thành

Với sự kết hợp giữa Cục NTBD và Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, cùng các kinh nghiệm đã làm, dự án được thực hiện bài bản hơn, kết quả ngày một nâng cao. Dự án chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 từ 2001 đến 2005, giai đoạn 2 từ 2006 đến 2010...

Từ năm 2007 đến nay, dự án đã được thực thi ở 11 tỉnh, thành, chủ yếu là ở miền Nam, với các thể loại sâu khấu khác. Riêng ở Cần Thơ, TP.HCM và Hải Phòng thì thực hiện dự án cải lương. Các cuộc thi thực hiện dự án thường do Cục NTBD chủ động tổ chức, cục báo cho trung tâm để đi cùng, rất tiếc là nhiều lần tôi bận nên không đi được.

Kết quả vượt cao hơn mục tiêu
Vừa qua, khi được báo đi nghiệm thu ở Hải Phòng là tôi thu xếp đi ngay. Sở dĩ tôi lo ngại vì nghĩ đưa cải lương vào các trường ở miền Bắc thì khó thành công. Vậy mà khi xem học sinh của 3 trường: THCS Đông Phương, THCS Lê Chân và THPT Đồng Hòa - chỉ mới được các cô chú nghệ sĩ của Đoàn Cải lương Hải Phòng dạy dỗ huấn luyện có 2 tháng thôi mà các em đã hát được các bài: Dạ cổ hoài lang, Lý đại tứ, Cao phi, Lý con sáo, Thu hồ, Trăng thu dạ khúc, Vọng cổ... Nhất là khi xem các em biểu diễn các trích đoạn thì tôi vô cùng xúc động, bởi vì các em vừa có duyên sân khấu, xinh đẹp mà diễn cũng tốt nữa. Ba em nữ là Lương, Linh và Anh đóng trong trích đoạn Cánh hạc chiều Đông (trích đoạn từ vở Dệt gấm); các em Hoàng, Linh, Thường của Trường THCS Đông Phương đóng trong trích đoạn Nhân quả, các em của Trường THCS Lê Chân, nhất là em Linh trong vai Trần Quốc Toản hát, múa diễn tốt, hợp vai.

Vừa mới đây chúng tôi có nhận được nhiều bức thư của các em: Phạm Văn Sáng, Phạm Thị Mai Linh, Nguyễn Thị Thùy Linh, Nguyễn Thanh Đạt, Vũ Thị Hương và cô Chung Thị Hường từ Trường THCS Đông Phương với lời lẽ chân thành, tình cảm quyến luyến với Dự án Sân khấu học đường. Chúng tôi xúc động bởi thấy việc chúng tôi làm đã tác động đến thế hệ trẻ.

Hôm tổng kết dự án tại Hải Phòng tôi cũng cảm kích khi thấy các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc của Sở VHTT& DL và Sở GD&ĐT, các thầy hiệu trưởng của 3 trường, các đồng chí phụ trách ở các quận, phường đều vui vẻ đến dự và xem các em biểu diễn. Các đồng chí ngành giáo dục đã nói: Các đồng chí ở ngành văn hóa đưa ra dự án này là rất thích hợp!

Khi tôi về đến Hà Nội lại nhận được tin vui qua điện thoại của NSƯT Nguyễn Đăng Toàn, cho biết là hiện đã có 30 trường mời các em đến biểu diễn cho các bạn học sinh xem, kết quả đang là cấp số nhân. Nhiều em tham gia dự án ở Nghệ An và một số thành phố khác cũng đã chính thức nhập học tại các trường văn hóa - nghệ thuật. Thật tuyệt vời, mong rằng dự án sẽ đưa các em đi xa hơn, tôi tin là trong số học sinh tham gia dự án, có nhiều em sẽ thành nghệ sĩ tài năng trong tương lai như các em ao ước.

Nhờ sự đóng góp tích cực của các đồng chí lãnh đạo Cục NTBD, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc như; NSND Lê Ngọc Cường, GS Hoàng Chương, bà Ngô Thị Thanh Hòa, các cán bộ nghệ thuật, các nghệ sĩ, các đồng chí có trách nhiệm của ngành GD&ĐT, đặc biệt là các em học sinh của các trường thực hiện dự án có lòng đam mê nghệ thuật truyền thống đã tạo nên sự thành công lớn vượt hơn cả sự mong tưởng của tác giả dự án.

Giá như dự án được thực hiện tiếp trên tất cả các trường THCS, THPT của khắp cả nước thì tốt biết mấy cho việc tham gia bảo tồn văn hóa VN.

TS-NSND Phạm Thị Thành
 

“Báu vật trăm năm” và chuyện chưa kể về câu hò Đâm Bắc...

Từ chân cầu Trường Tiền đi dọc bờ sông Hương về phía phố cổ Bao Vinh (Huế) chừng dăm cây số sẽ gặp con đường nhỏ Đặng Tất. Nơi đây xưa kia thuộc rìa làng Thế Lại thượng, vốn chỉ dành cho dân ngụ cư. Căn nhà mái tôn đơn sơ số 250 Đặng Tất nằm khiêm tốn bên bờ sông, bề ngang độ 3 mét. Bên cửa nhà, một cụ ông râu ria và lông mày bạc trắng, thong dong hút điếu thuốc cuộn sâu kèn ngồi nhìn ra đường. Trông vẻ người còn quắc thước nhưng răng cụ đã rụng hết từ... 40 năm trước!
Cụ già ấy là cụ Lữ Hữu Thi, nghệ nhân Nhã nhạc cung đình Huế, năm nay tròn một trăm tuổi (cụ sinh năm 1910)...

Gian nan nghề lính nhạc cung đình

Cụ Lữ Hữu Thi trong ngôi nhà nhỏ

Tui học trống từ năm 10 tuổi - cụ Thi kể - đến năm 15, 16 tuổi thì học các loại đờn. Học khổ lắm, cha tui dạy rất nghiêm, đập chừng mô tui sáng ra chừng đó, nhưng trẻ con vẫn sợ bị đập phát kinh. Cha tui đập tui tới chừng mạ tui ngồi một bên khóc vì thương quá. Cả ông và cha tui đều biết nhạc, nghề nhạc là nghề nhà, các ổng chơi nhạc ở làng xóm và đi chơi các vùng xung quanh Hương Trà. Nhưng không thể vô Nội (Đại Nội) chơi được. Muốn vô phải có 20 quan tiền đem nộp ông Đội lo lót thì mới được (Ông Đội là người phụ trách đội nhạc cung đình). Tới năm 17, 18, là tui đã biết chơi 3, 4 loại nhạc cụ. Nhà nghèo lấy đâu ra tiền. Cái việc vô Nội cũng là duyên cơ, không tốn một đồng một cắc. Số là tôi còn học thêm một nghề nữa là nghề làm vàng bạc ở chỗ ông Nghè Tường. Ông Nghè Tường chuyên sửa những đồ trong Nội do Bộ Công đưa ra. Có một lần, Bà Chúa Nhất là o ruột của vua Khải Định truyền cho ông Nghè Tường tới nhà để sửa đồ. Bà dữ lắm nên ông Nghè sợ không dám đi, sai tui đi. Vào tới phủ Bà Chúa Nhất, tui thấy 10 cô nhỏ đang tập múa hát. Tui mới hỏi là tui qua chầu Ngài, các cô ấy mới bày cách biểu tui muốn vào chầu Ngài thì đi vô phòng đó, phòng đó, đến trước cửa rồi bò vô lạy năm lạy. Tui làm thế, mà không dám ngửng mặt lên nhìn. Bà Chúa Nhất hỏi tui làm chi, tui nói ông Nghè bị cảm nên tôi qua sửa đồ thay. Bà nói mi cạy cho tau cái ni, rồi lấy vàng bịt vô. Hóa ra là bà muốn tui lấy vàng bịt góc một cái chén ngọc. Tui cúi đầu nhận cái chén rồi dỡ đồ ra làm. Lúc đó bà đang nghe mấy cô vừa đờn vừa ca. Tui mới cạy được hai miếng, ngó qua bên kia thấy mấy cô vừa đờn sai vừa ca trật. Bà Chúa Nhất ngoảnh qua nói sai là tau chặt đầu đó nghe làm mấy cô sợ xanh mặt. Rùi bà quay qua quát tui: Mi không làm đi mà nhìn cái chi. Tui thưa với bà rằng cái nghề đờn ca là nghề của tui. Bà mới bảo: Mi qua đờn tau coi. Tui dạ rồi qua chơi nhạc, một lúc tui chơi liên tiếp ba bốn thứ liền là đờn nhị, đờn nguyệt, sáo, kèn. Bà nghe một lúc, có vẻ ưng tai, không nói gì liền kêu nhà bếp làm thêm cơm cho tui ăn. Tới trưa, tui làm xong cái chén, bèn dâng lên bà xem. Bà nhận cái chén, có vẻ hài lòng, liền hỏi tui đã ăn cơm chưa? Tui thưa tui ăn rồi. Sau đó bà lại hỏi tên tuổi, quê quán rồi cho tôi về. Xong đó tôi được trong Nội truyền đích danh vô. Khi vô đội Hòa Thanh, những trẻ khác phải học thêm ông Đội. Riêng tui thì tui đã biết chơi cả rồi. Đến bây chừ thì tui chơi được 9 loại nhạc cụ khác nhau...

Làng vạn chài nhìn từ cầu Bao Vinh

Cụ Thi kể tới đây thì dừng lại, nhấp ngụm bia, mắt ngó xa xăm.

Gõ tên Lữ Hữu Thi trên Google, chắc thấy cả trăm bài viết về cụ, liên quan đến Nhã nhạc. Nhưng những chuyện cũ thời cụ làm lính nhạc thì ít người biết. Từ khi Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại năm 2003, thì cụ và những người chơi nhã nhạc còn lại mới được tôn vinh là nghệ nhân. Mỗi tháng cụ còn được bồi dưỡng 1,5 triệu. Chứ còn trước đây, người chơi nhã nhạc được gọi là lính nhạc (tựa như đội quân nhạc của chính phủ bây giờ), sống khổ lắm. Một đội cổ nhạc có 30 người, ông Đội (đội trưởng) mới có hàm Bát Phẩm. Lính trơn mới vào đội nhạc thì được gọi là Áng Thập (chỉ hơn lính thường ở chỗ là không phải đi gác), ba năm sau được phong lên Tùng Cửu, ba năm nữa được lên Chánh Cửu. Chánh Cửu thì được về làng ăn ba sào ruộng tốt nhất, tế lễ đình làng được đứng giữa, ngồi chiếu trên. Nếu cứ thế thì đến 65 tuổi được về hưu, có lương hưu hẳn hoi. Tiếng tăm ở làng thì oai vậy, nhưng làm thân lính tráng phục dịch thì rất cực nhọc. Ngày thì lính nhạc phải vào chầu, trưa tối về ăn cơm nhà, chứ trong Nội không nấu cơm cho ăn. Một người lính nhạc như cụ Thi mỗi tháng được 4 đồng lương, không có gì thêm. Một ngày phải tiêu hết 13 xu, 10 xu tiền gạo, 3 xu tiền thức ăn. Phải tiết Thánh thọ (sinh nhật vua) hay Vạn thọ (kỷ niệm ngày vua lên ngôi) thì có đại xá thiên hạ, tha tù, miễn thuế chợ, thuế đò. Những người lính nhạc chỉ được thưởng thêm 1, 2 đồng. Đến lễ tế Nam giao thì mỗi người lính nhạc cũng được chia một phần xôi thịt nho nhỏ. Đến khi về hưu có lương đấy nhưng lương hưu cũng chỉ có... 45 xu một tháng mà thôi. Hỏi cụ, khi chơi nhạc có nhớ trông thấy khung cảnh buổi lễ thế nào không, có nhớ vua Bảo Đại trông như thế nào không? Cụ kể: Ví dụ có quan khách các nước tới, vua gọi đội Thanh Bình vào tấu nhạc và hát. Dàn nhạc cứ đứng nghiêm mà chơi thôi. Mắt không có dám ngó ngang. Các ngài có đi ra đi vô, hoặc tới ngay đứng bên cạnh mình cũng phải giả vờ như không biết. Hồi đó muốn vô trong Nội phải có dấu “mệ kiểm”, là các mệ trong cung kiểm soát. Ngay cả các quan lại đeo thẻ bài, mà vô cung không có dấu mệ kiểm thì cũng không được vô...

Cụ Thi nhà nghèo, không có 20 quan tiền “lễ lạt” nên năm 30 tuổi (1940) do “duyên kiếp” nên mới được vô Nội làm lính nhạc (mới hay cái chuyện tham nhũng đút lót đã có từ “truyền thống”...). Em trai cụ Thi là cụ Lữ Hữu Cử (năm nay 90 tuổi), sau đó cũng theo anh vào dàn nhạc. Chơi được năm năm trong Nội thì thế thời đổi thay, hết vua tàn quan. Cụ lại trở về nhà theo nghề cũ là nghề chạm khảm vàng bạc để nuôi vợ nuôi con, đến 65 tuổi mắt mờ, tay chậm, răng rụng mới nghỉ. Nhưng nghề nhạc đã ăn vào trong máu thì cụ vẫn nhớ nằm lòng, dạy cho con cháu, thi thoảng vẫn dùng để chơi cúng đám phục vụ cho nhân dân xung quanh vùng. Sau 1975, cổ nhạc chơi cúng cấp, đình đám vẫn còn hạn chế. Phải sau 1990 thì cổ nhạc Huế mới phát triển. Nghề nhạc của cụ Thi có chỗ dùng lại. Bốn người con trai của cụ là các ông Lữ Hữu Minh, Lữ Hữu Thiện, Lữ Hữu Thành, Lữ Hữu Bảo đều biết nghề. Sáu cháu nội trong 30 cháu chắt của cụ cũng được học cổ nhạc, hiện có ba người là các anh Lữ Hữu Ngọc, Lữ Hữu Quang, Lữ Hữu Tài đang chơi trong dàn nhạc Đại Nội của TT Bảo tồn di tích cố đô Huế. Riêng gia đình cụ, bố con, ông cháu chia nhau ra đã có thể lập được vài “ban” cổ nhạc, phục vụ cho các thuyền du lịch trên sông Hương, hoặc bất cứ nơi nào có yêu cầu...

(Còn tiếp)
 
Xem tiếp trên TTVH Cuối tuần số 33
Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam.

Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.
Vũ Lâm
 

Thương gởi Cô Hoan của chúng con

THƯƠNG GỞI VỀ CÔ YÊU DẤU VỚI TẤT CẢ LÒNG TẬN TỤY HY SINH

NGƯỜI THẦY ĐƯA CHÚNG CON ĐẾN BỤC VINH DỰ NHẬN HỌC BỔNG ODON VALLET


Cô yêu dấu của chúng con ơi,

Giờ phút này đây chúng con chỉ muốn đến gần bên Cô để lau những giọt mồ hôi trên trán, để xiết chặt bàn tay người thầy – người mẹ hiền luôn thương lo, bảo ban cho chúng con bấy lâu nay. Chúng con biết Cô đã lo lắng cho các học trò từng chút một từ chuyên môn âm nhạc cho tới những vấn đề về tinh thần, tình cảm, trang phục, cách đối đãi với mọi người… Cô luôn là người thầm lặng nép đằng sau tấm màn sân khấu hỗ trợ chúng con khi biểu diễn, đốc thúc chúng con việc học hành cũng như uốn nắn chúng con từng bước đi tiếp cận với âm nhạc dân tộc. Nhưng trên tất cả là tấm lòng tận tụy của một người thầy, sự hy sinh của một người mẹ dành cho chúng con. Không nhờ Cô chăm lo chu đáo, chúng con chỉ như những con chim non nhỏ bé chưa xác định được hướng bay, muốn chao cánh lên bầu trời cao rộng mà sức còn hạn hẹp. Nhờ Cô chắp cánh và động viên trong niềm tin tưởng thương yêu, những con chim non đã tự tin tung cánh lên trời. Thành quả hôm nay chúng con đạt được luôn có hình bóng của Cô và sự thương lo không ngừng nghỉ trên suốt quãng đường dài học tập.

Chương trình biểu diễn trong lễ trao học bổng Odon Vallet của chúng con sẽ thế nào nếu thiếu vắng Cô dẫn dắt? Tiếng đàn giọng hát của chúng con sẽ biết nhờ ai nhận xét, vun bồi? Cô ngược xuôi với chương trình, Cô bận rộn với chúng con, Cô đứng đằng sau để nâng đỡ chúng con lên phía trước… Cô ơi, nhìn Cô chỉ biết nói hai tiếng “thương Cô!” và lòng càng thêm hãnh diện vì mình được làm học trò của một người thầy vô cùng tâm huyết. Thấy Cô cười nhẹ nhõm sau chương trình, tay xách nách mang những nhạc cụ về nhà mà chúng con bâng khuâng trong lòng: dáng hao gầy ấy như cái cò lặn lội, biết khi nào chúng con đền đáp hết ơn Cô?


Chúng con nhận được học bổng khích lệ từ tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” là phần thưởng rất quý giá để trau dồi việc học tập của mình, những thành tích đó cũng là món quà chúng con muốn gởi tặng đến Cô vì sự tận tâm dìu dắt, yêu thương không bờ bến đối với các học trò. Chúng con sẽ cố gắng tập luyện, học hỏi để trở thành những người trợ giúp Cô đắc lực nhất trong việc giữ gìn và phổ biến âm nhạc dân tộc. Những giọt mồ hôi ngày hôm nay của Cô, những cực nhọc hy sinh mà Cô đã dành trọn cho chúng con và âm nhạc dân tộc Việt chính là động lực cho chúng con tiếp tục phấn đấu mỗi phút mỗi giây. Khi chúng con còn có thể nói những lời yêu thương trong cuộc đời này, chúng con luôn muốn nói thật nhiều hai tiếng “thương Cô!”, “thương Cô!”, “thương Cô!” – người thầy, người mẹ tuyệt vời của chúng con. Cô hãy giữ gìn sức khỏe thật tốt để chúng con luôn được thấy nụ cười hiền dịu của Cô mỗi khi đến lớp, nha Cô!

Chúng con ôm hôn Cô thật lâu!

Những học trò nhỏ của Cô

Thương gởi Thầy Trần Văn Khê kính yêu (về học bổng Odon Vallet 2009)


THƯƠNG GỞI THẦY TRẦN VĂN KHÊ KÍNH YÊU CỦA CHÚNG CON VÌ TẤT CẢ NHỮNG GÌ THẦY LÀM CHO ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC VIỆT NAM

TRI ÂN THẦY VỀ HỌC BỔNG ODON VALLET 2009


Thầy thương yêu của chúng con,

Có lời nào có thể nói hết niềm hạnh phúc và xúc động của chúng con khi Thầy đã trao hết bao tình thương vô vàn đối với những học trò nhỏ học nhạc truyền thống? Có lời nào đủ để diễn tả hết lòng biết ơn Thầy trong tim của chúng con? Những gì Thầy làm dành cho nhạc truyền thống Việt Nam, cho học trò học nhạc dân tộc Việt Nam, cho quê hương Việt Nam khiến chúng con quí thương đến chảy nước mắt. Thầy ơi, còn sung sướng nào bằng khi Tiếng Hát Quê Hương chúng con may mắn có được người Thầy đỡ đầu tuyệt vời đáng kính, đã luôn là lá chắn chở che, giúp đỡ mỗi khi chúng con loay hoay tìm hướng đi phát triển âm nhạc dân tộc; làm kim chỉ nam cho chúng con trên bước đường giữ gìn văn hóa truyền thống; là người ông, người cha kính quí ôm trọn chúng con vào lòng mà dạy bảo, thương yêu? Chúng con có cơ hội nhận được học bổng Odon Vallet dành cho âm nhạc dân tộc bao năm nay là nhờ vào công lao rất lớn của Thầy. Nếu không có sự gặp gỡ giữa Thầy và Giáo sư Odon Vallet, nếu không có buổi trao đổi về nhạc dân tộc Việt Nam thì trên sân khấu Nhà hát lớn ngày nay không thể vang lên những tiếng đàn bầu, đàn tranh, sáo trúc nỉ non réo rắt, tiếng gõ trống oai hùng, giọng hát dân ca ngọt ngào… trong một buổi lễ trao học bổng mà những sinh viên đa phần thuộc về các lãnh vực khoa học tự nhiên. Nhờ Thầy, chúng con đã có dịp đưa tiếng nhạc quê hương đến với mọi người, buổi trao học bổng vì thế thêm phần gần gũi và ấm cúng. Đứng bên cạnh các anh chị, các bạn sinh viên khác, chúng con quá đỗi tự hào về bộ môn âm nhạc của mình Thầy ơi!

Năm nay sức khỏe của Thầy có phần yếu hơn những năm trước, nhưng không vì vậy mà Thầy vắng mặt trong ngày trọng đại của chúng con. Thầy ngồi xe lăn, chống gậy đến dự, vui sướng nhìn chúng con tươi đẹp trong những chiếc áo dài khăn đóng, hòa lên những điệu nhạc cổ truyền Lưu Thủy – Kim Tiền, những bài dân ca tình tứ Lý Áo Vá Quàng, Trống Cơm… để báo cáo kết quả học tập. Chúng con thương quá, chỉ muốn chạy đến ôm Thầy thật chặt mà bày tỏ lòng yêu quý của mình với người Thầy vĩ đại đã luôn có mặt bên cạnh chúng con, theo dõi từng bước đi của chúng con không phút giây nào rời. Niềm thương này chúng con sẽ giữ mãi trong suốt cuộc đời. Nhớ ơn Thầy, chúng con chỉ biết cố gắng học hỏi, học hỏi, trau dồi và học hỏi thật nhiều để đi tiếp con đường Thầy đã vạch sẵn, hiểu và thương âm nhạc cổ truyền như Thầy đã từng thương và mãi mãi thương.

Thầy ơi, chúng con cầu mong Thầy luôn mạnh khỏe, an vui để dìu dắt chúng con trên bước đường học tập. Chúng con cũng nguyện cho Thầy đạt được những mong ước của mình đối với âm nhạc cổ truyền. Ngọn đuốc Thầy đã thắp, chúng con sẽ cố gắng giữ nó cháy mãi không ngừng, và nhất là luôn tâm niệm với điều Thầy dạy: “Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua và ngày mai phải hơn ngày hôm nay”, có phải không Thầy?

Chúng con thương Thầy và ôm hôn Thầy nhiều lắm!

TIẾNG HÁT QUÊ HƯƠNG

Thư cám ơn Giáo sư TRẦN THANH VÂN & LÊ KIM NGỌC (Học bổng Odon Vallet 2009)


Kính thưa Giáo sư Trần Thanh Vân và Giáo sư Lê Kim Ngọc,

Năm nay chúng con lại có vinh dự đứng trên sân khấu Nhà hát lớn Thành phố nhận học bổng Odon Vallet lần 9 với sự hỗ trợ của tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam”, mà trong đó hai Giáo sư là những ân nhân kính mến nhất đối với các học trò Việt Nam nói chung và các học viên CLB. Tiếng Hát Quê Hương nói riêng. Nhìn thấy các Giáo sư không quản ngại thời gian và đường sá xa xôi về nước trao tặng những suất học bổng khích lệ công việc học tập của sinh viên Việt Nam, chúng con xúc động vô cùng. Chúng con không thể nào quên mái tóc bạc phơ của hai vợ chồng Giáo sư cùng nụ cười dễ mến mỗi khi gặp chúng con, chính nụ cười gần gũi đó đã động viên chúng con rất nhiều trên bước đường học tập.

Học viên Tiếng Hát Quê Hương chúng con rất muốn cất lên những tiếng đàn điệu hát mà chúng con rèn luyện được bao tháng năm qua để gởi tặng các Giáo sư, như một niềm biết ơn sâu sắc đến sự quan tâm của các Giáo sư đối với những học trò học nhạc truyền thống. Đứng bên cạnh các bạn sinh viên xuất sắc về các bộ môn khoa học chính xác, chúng con cũng có niềm tự hào của riêng mình khi âm nhạc dân tộc truyền thống đứng ở một vị trí quan trọng. Không chỉ biểu diễn báo cáo kết quả học tập, chúng con còn được thể hiện khả năng của mỗi người khi cùng nhau tham gia biểu diễn văn nghệ giúp vui cho buổi lễ trao học bổng. Sự tin tưởng của ban tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” và các Giáo sư để cho Tiếng Hát Quê Hương chúng con đảm trách phần văn nghệ đã là một món quà quí giá mà chúng con nhận được cùng với học bổng Odon Vallet. Thương mến cám ơn các Giáo sư vì tất cả những gì vợ chồng Giáo sư đã làm, đã giúp đỡ cho sinh viên Việt Nam.

Tình thương và sự quan tâm của vợ chồng Giáo sư đối với các học trò học nhạc truyền thống Việt Nam sẽ khắc sâu mãi trong lòng chúng con. Chúng con sẽ cố gắng học tập thật tốt để đáp lại sự thương mến của các Giáo sư, đồng thời đem tài sức của mình giúp ích cho nghệ thuật dân tộc một cách đắc lực nhất. Lời tri ân này chúng con gởi đến các Giáo sư với tất cả tấm lòng quí mến, kính chúc vợ chồng Giáo sư dồi dào sức khỏe, thân tâm an lạc để làm nhiều việc có ích cho xã hội, cho quê hương.

Nhóm học viên CLB. Tiếng Hát Quê Hương nhận học bổng Odon Vallet lần 09 - 2009

Thư cám ơn Giáo sư ODON VALLET 2009


Avec notre profonde gratitude veuillez agréer, très cher Prof. Odon Vallet, nos hommages respectueux et affectueux.
Giáo sư Odon Vallet kính mến!

Nếu như âm nhạc có thể nói được những cảm xúc kỳ diệu nhất của tình cảm con người thì chính âm nhạc dân tộc là chiếc cầu nối thần kỳ giữa giáo sư và chúng con – những sinh viên đã và đang theo học bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Chính âm nhạc dân tộc đã đưa Giáo sư lại gần chúng con hơn, biết rõ về việc học tập của chúng con hơn và trong suốt những năm qua đã luôn giúp đỡ chúng con có điều kiện để tiếp tục trau dồi khả năng âm nhạc đối với nghệ thuật truyền thống. Chúng con xem đó như “sứ mạng” của mình trong việc bảo tồn và phát huy vốn văn hóa dân tộc, chúng con cũng vô cùng tự hào về điều ấy, có hạnh phúc nào bằng người công dân Việt Nam đem tài lực ra giúp ích cho nước nhà? Chúng con đã được Giáo sư động viên, khích lệ thông qua việc trao học bổng Odon Vallet hằng năm, cùng với sự thương yêu quan tâm của Giáo sư Trần Văn Khê – người Thầy âm nhạc kính yêu vô vàn của chúng con và hai vị Giáo sư Trần Thanh Vân – Lê Kim Ngọc ở tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam”. Niềm vui của chúng con mỗi năm mỗi thêm được nhân rộng, tinh thần học tập của chúng con mỗi lúc mỗi được nâng cao vì được sự ủng hộ hết sức nhiệt tình của các Giáo sư, tổ chức “Gặp gỡ Việt Nam” cũng như thầy cô, cha mẹ và bè bạn của chúng con. Chúng con trân trọng tri ân Giáo sư và sẽ cố gắng học tập hết mình trong niên học sắp tới để có thể đạt được những thành quả tốt đẹp nhất mà chúng con mong muốn.

Âm nhạc truyền thống dân tộc đã nói lên tiếng nói tình cảm Việt Nam tràn đầy, chúng con sẽ cùng nhau tiếp tục đưa tiếng nói diệu kỳ ấy lan tỏa ở khắp mọi nơi bằng tình yêu nghệ thuật truyền thống và tinh thần học tập không mệt mỏi. Kính chúc Giáo sư luôn khỏe mạnh, bình an và luôn được mọi người thương quí.

Nhóm học viên CLB. Tiếng Hát Quê Hương nhận học bổng Odon Vallet lần 09 - 2009