Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Nhật ký học đàn Tranh của HỌC TRÒ GIÀ (phần 1)


Nhật ký học đàn Tranh của HỌC TRÒ GIÀ 
(phần 1)

TRÒN XOE MẮT

Tôi yêu đàn tranh từ nhỏ, nhưng chưa có dịp được học. Phần vì lúc trẻ phải lo học hành, phải lo có nghề nghiệp để sống, phần thì bận rộn lo cho gia đình với 2 con nhỏ. Do đó không có điều kiện để học cây đàn mình thích. Bây giờ khi con cái đã trưởng thành, các cháu đều có gia đình riêng, tôi đã có thể thực hiện điều mình mơ ước: học đàn tranh.

Tôi tìm đến CLB. Tiếng Hát Quê Hương – Cung Văn Hóa LaoĐộng TP.HCM vì tôi đã được xem nhiều chương trình của ban này trên truyền hình. Điều mà tôi thích nhất là bên cạnh những cô cậu thanh niên, còn có mấy mái đầu bạc như tôi. Thì ra không phải chỉ có thanh niên học, mà còn có cả phụ lão nữa, tôi tự nhủ để lấy thêm can đảm. Tuy nhiên, khi đặt chân lên mấy bực thang dẫn vào lớp học, tim tôi vẫn đập thình thịch. Tôi đứng lại trước cửa phòng, nhìn vào trong quan sát. Ồ, có mấy người trạc tuổi tôi, lại còn có cả người chắc lớn tuổi hơn tôi nữa vì mái đầu đã bạc trắng, họ đang say sưa khảy đàn, người thì khảy đàn bầu, người thì khảy đàn tranh. “Thì ra mình còn trẻ chán!”. Tôi mỉm cười và mạnh dạn bước vào phòng ghi danh. Người Thầy đầu tiên mà tôi được học là Cô Phạm Thúy Hoan, chủ nhiệm của câu lạc bộ, người mà tôi vẫn thường thấy trên TV trong các chương trình âm nhạc dân tộc. Cô dạy rất dễ hiểu và rất vui làm bao nhiêu lo lắng của tôi tan biến. Mới chỉ học một giờ đầu mà tôi đã được thực tập trên đàn. Không thể nói hết những cảm xúc của tôi khi những ngón tay được chạm vào dây đàn. Ôi, thật sung sướng! Thật ngạc nhiên và cũng thật “khâm phục” mình! Ngoài Cô Hoan và vài Thầy Cô khác, tôi còn thấy có nhiều học viên trẻ tuổi, tình nguyện tới giúp những người mới học, giống như trong một gia đình, người học trước giúp người học sau. Một giờ học đàn trôi qua nhanh chóng, đúng 9 giờ, tất cả chúng tôi ngồi vào học hát Dân Ca. Lại một lần nữa “tròn xoe mắt” trước không khí hào hứng và nhiệt tình của tất cả mọi người. Từng câu dân ca vang lên như một sợi dây thiêng liêng vô hình nối liền chúng tôi với cha ông, ai cũng say sưa hát như hát cho chính mình nghe, như hát để tỏ lòng cảm ơn những người đã có công sáng tạo những câu ca tuyệt vời, và hát cũng là phương tiện giúp những người mới học đàn như tôi được vững nhịp hơn. Nhìn người bạn ngồi bên cạnh đang cầm 1 máy cassette nhỏ: “Bác thâu gì vậy?” – “Mình già rồi học trước quên sau, các Thầy Cô khuyến khích đem máy thâu các bài học để về nhà lỡ có quên thì bật lên nghe cho thuộc”.

Lại một lần nữa tôi “tròn xoe mắt”: cho thâu bài đem về nhà?… cho thâu bài đem về nhà?... chuyện khó tin nhưng có thật 100%!!!

Cảm ơn các Thầy Cô của Tiếng Hát Quê Hương, những người đã hết lòng với học trò và với âm nhạc dân tộc. 

Học trò già 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét