Kỳ tài đàn tranh lại hội ngộ "chay"
E-mail của NSƯT Phạm Thúy Hoan ngoài tiêu đề “Hội ngộ đàn tranh lần II – 2011” chỉ vỏn vẹn tấm ảnh poster của chương trình và dòng nhắn gửi nhờ thông tin hỗ trợ. Điều đó hoàn toàn khác so với những liveshow ca nhạc tràn ngập thông cáo báo chí với lắm lời văn hoa và hình ảnh nghệ sĩ như dội bom hộp thư của giới phóng viên.
Cũng dễ hiểu, bởi xưa nay các nghệ sĩ thuộc nhánh âm nhạc dân tộc dù đã gặt hái không ít thành công trên thế giới vẫn cứ luôn khiêm tốn, nhỏ nhẹ thế. Đến mức, nếu không hiểu nhiều về nhạc dân tộc, người ta sẽ chẳng thể hình dung phía sau những cái tên nghệ sĩ, tên tác phẩm là những sáng tạo biến hóa đến mức nào.
Các nghệ sĩ tham gia chương trình Hội ngộ đàn tranh lần II |
Trở lại Việt Nam trong lần hội ngộ thứ hai của các kỳ tài đàn tranh, danh cầm Võ Vân Ánh vẫn theo trường phái kết hợp nhạc dân tộc với jazz trên cây đàn mà chị đã cất công nghiên cứu cải tiến, qua nhiều sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Bảo, hòa âm của Nguyên Lê và cả sáng tác riêng của chị. Ở phía đối trọng, nghệ sĩ Hải Phượng vẫn trung thành với những bài bản cổ theo trường phái tinh tuyền và cũng đóng góp vào chương trình bài Thoáng hương quê là sáng tác riêng. Thế nhưng, khi nghe đến cụm từ “cuộc đối đầu cổ-kim”, Hải Phượng giãy nảy: “Trời ơi, đừng có câu khách vậy cậu ơi! Cậu muốn quảng cáo thì cứ viết là cơ hội thưởng thức kỹ thuật đóng đàn của hai loại đàn (tạm gọi là) nổi tiếng nhất hiện nay - đàn Vĩnh Bảo và đàn Vân Ánh”, rồi cười. Ừ thì là đàn Vĩnh Bảo và đàn Vân Ánh – kiểu đóng đàn, chơi đàn theo những phong cách riêng biệt của những nghệ sĩ miền Bắc và miền Nam. Âm hưởng Bắc bộ của quan họ, chầu văn như Qua cầu gió bay, Phong cảnh quê em qua phần thể hiện của Vân Ánh khi đặt bên cạnh nhạc tài tử miền Nam như Song phi hồ điệp, Bình sa lạc nhạn do Hải Phượng trình bày sẽ như thế nào có lẽ cũng chính là điều khán giả (nhiều người ở tỉnh xa) đang chờ đợi khi quyết định đặt vé tham dự chương trình.
Dẫu đêm nhạc được dự báo sẽ rất đặc sắc khi có thêm phần góp mặt của nhóm Mặt trời đỏ và CLB Tiếng hát quê hương, nghệ sĩ Hải Phượng vẫn không khỏi trầm ngâm khi nói về ước mơ quảng bá âm nhạc dân tộc. Hoàn toàn không được tài trợ, những con người đầy tâm huyết ấy đã dốc túi làm Hội ngộ đàn tranh lần I, rồi lần II với sự giúp sức đáng quý của Cung văn hóa Lao Động và toàn bộ kinh phí từ bán vé (sẽ không nhiều) cũng sẽ được dành lại để tiếp tục làm Đại hội đàn tranh châu Á - chương trình từng được thực hiện trong cảnh eo hẹp kinh phí, chưa thể tươm tất, dù người đi vận động tài trợ, xin kinh phí khi ấy là GS-TS Trần Văn Khê. “Cái hay của nhạc dân tộc thì không cần phải bàn nữa. Các chương trình nhạc dân tộc cũng rất được truyền thông ủng hộ, nhưng xin tài trợ thì gian nan quá. Mà, nếu cứ phải gồng mình như thế này, thì khó mà có những đêm nhạc trọn vẹn như mình muốn” - Hải Phượng chia sẻ. Nhưng ngay sau đó, cũng chính chị lại đầy tự tin: “Cứ làm thôi! Ai biểu yêu quá làm chi!”.
Trước khi chia tay để chị trở lại tập luyện cho đêm nhạc, Hải Phượng dặn với theo: “Khi nào báo ra cho chị xin một tờ nghen, để chị làm hồ sơ đi… xin tài trợ”.
Phạm Thành Nhân
(Theo Phunuonline)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét