Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Kỳ nhân võ sáo rừng Yên Thế - Kỳ 1: Nơi phát tích võ sáo


Kỳ nhân võ sáo rừng Yên Thế
Kỳ 1: Nơi phát tích võ sáo

Yên Thế là vùng đất thiêng có truyền thống thượng võ ngàn đời nổi danh với câu ca: Trai Cầu Vồng Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim. Ngày nay, rừng thiêng Yên Thế còn lưu truyền rất nhiều bài võ cổ truyền có giá trị của nhiều môn phái võ lâm khác nhau trong đó võ sáo được coi là một môn đặc dị được nghĩa quân Yên Thế sử dụng khiến quân thù nhiều phen khiếp sợ. Khởi nghĩa tan rã, bài võ dần mai một và tưởng như mất dấu nhưng duyên may đã tìm được truyền nhân duy nhất chính là võ sư Trịnh Như Quân.

Ông Trịnh Như Quân biểu diễn một thế võ với cây sáo

Đón chúng tôi tại cầu Xương Giang (TP Bắc Giang) là một người đàn ông với vóc dáng hơi nhỏ nhưng khoẻ khoắn với khuôn mặt phúc hậu và nụ cười rất tươi. Ít ai có thể ngờ đó là một võ sư đã bước vào tuổi lục tuần nổi tiếng một thời ở TP Bắc Giang.
Ông chính là võ sư Trịnh Như Quân. Đứng trên cầu, chỉ dòng sông, ông tự hào khoe đây chính là dòng sông mà Đặng Thế Phong lấy cảm hứng sáng tác Con thuyền không bến. Bắc Giang vùng đất Kinh Bắc có bề dày truyền thống với tên đất, tên sông và những kỳ nhân lưu dấu trong lịch sử nước nhà.

Bước chân người tầm võ

Ông Trịnh Như Quân cho biết, mình bắt đầu tiếp cận với võ sáo trong một dịp may khi còn làm việc ở sở Thể dục thể thao Hà Bắc cũ. Lúc ấy vào khoảng năm 1989, sở đã có chủ trương sưu tầm những di sản còn tiềm ẩn trong dân gian đặc biệt là những bài võ cổ truyền đã thất lạc. Ông Trịnh Như Quân là một trong những người được cử đi trong đợt ấy. Suốt một năm trời, ông Quân lội bộ qua không biết bao bản làng, len lỏi tới tận các vùng nằm sâu trong rừng Yên Thế nơi còn lưu giữ những câu chuyện, những truyền thuyết của nghĩa quân Đề Thám.

Yên Thế vào giữa thế kỷ 19 trước khi Hoàng Hoa Thám dấy binh khởi nghĩa vốn là vùng đất hoang vu chưa được khai phá. Đây là nơi tá túc của nhiều toán giặc khách, thổ phỉ thường xuyên cướp phá các vùng lân cận đồng thời là nơi nông dân lưu tán hoặc đang bị truy đuổi đến ẩn náu và sinh sống từ những năm 60 và 70 của thế kỷ 19. Họ chọn nơi đây làm nơi cư trú và đã công khai chống lại triều đình. Và khi Hoàng Hoa Thám dấy binh khởi nghĩa chống Pháp thì anh hùng từ nhiều vùng tụ về đây. Chính vì thế mà ngoài những môn võ cổ truyền của vùng, Yên Thế còn du nhập thêm nhiều môn phái võ lâm của anh hùng tứ xứ.

Sở dĩ nghĩa quân Đề Thám khiến giặc Pháp khiếp sợ vì ngoài việc chọn được căn cứ địa hiểm yếu, họ còn được vũ trang nhiều vũ khí. Ngoài những vũ khí như súng ống, thuốc nổ, cung tên, giáo mác, nghĩa quân còn có nhiều vũ khí tưởng chừng như vô hại nhưng gây sát thương cao như quân cờ tướng, đàn, bút, dải lụa, quạt nan sắt, trâm cài đầu… được sử dụng như những ám khí. Trong dân gian vẫn còn truyền miệng nhiều câu chuyện về đôi đũa cả nấu vạc cơm lớn của bà ba Cẩn vợ Đề Thám như một đôi song kiếm dũng mãnh biến ảo khôn lường khi xung trận. Và trong số những vũ khí đặc dị ấy, võ sáo được xem như một di sản văn hoá độc đáo của vùng đất Yên Thế mà ông Trịnh Như Quân đã có duyên may lĩnh hội được.

Già bản rừng Phe

Di ảnh của cụ Triệu Quốc Uý. Ảnh chụp lại tư liệu

Trong hành trình tìm kiếm của mình, ông Trịnh Như Quân đã may mắn gặp được trưởng bản rừng Phe (xã Tam Thế, Yên Thế), người còn giữ được bài võ sáo nổi tiếng thời cụ Đề Thám dấy binh khởi nghĩa là cụ Triệu Quốc Uý. Cụ Uý được kế thừa bài võ sáo từ người cậu ruột vốn là nghĩa quân Yên Thế.

Rừng Phe lúc bấy giờ là một nơi rừng thiêng, nước độc hiểm yếu, bọn thổ phỉ mặc sức tung hoành khắp nơi khiến ai cũng lắc đầu rùng mình ghê sợ nên ngay từ nhỏ cụ Uý đã được người cậu vốn rất quý mến mình dạy võ để phòng thân. Vốn thấy đứa cháu thông minh, lanh lợi lại gan dạ và chăm chỉ luyện tập nên người nghĩa quân năm xưa đã mang hết sở học của mình ra dạy cháu bắn súng, cưỡi ngựa, đặc biệt là các thế võ. Hầu hết những bài võ nổi tiếng cụ Triệu Quốc Uý đều được cậu mình truyền lại, trong đó có bài võ sáo độc đáo của nghĩa quân Yên Thế.

Chính cậu của cụ Uý đã giải thích trong khởi nghĩa Yên Thế, nghĩa quân Đề Thám đã dùng cây sáo sắt vừa làm ám hiệu cho nhau qua từng loại tiết tấu âm thanh, vừa là vũ khí để khi cần có thể biến thành côn, kiếm đánh trả. Không biết bài võ sáo này xuất hiện từ bao giờ nhưng qua một số sách vở còn ghi chép lại ở bảo tàng Bắc Giang thì môn võ sáo đích thực là do những người dân vùng rừng núi Yên Thế sáng tạo ra. Tuy nhiên ông tổ của môn võ này thì đến nay cũng chưa rõ là ai. Võ sáo đã được người dân ở Yên Thế sử dụng từ rất lâu trước khi nghĩa quân của Hoàng Hoa Thám biết dùng nó như một vũ khí lợi hại.

Sau một thời gian chăm chỉ tập luyện, cụ được người dân ở đây vị nể và tôn sùng như một huyền thoại bởi tài bắn súng, đánh võ và có một sức khoẻ phi thường. Tương truyền cụ có thể bắn bách phát, bách trúng cho dù một con chim đỗ ở tít trên ngọn cây cao hay quả treo trên cành cách chỗ đứng rất xa. Nhờ uy danh cụ mà dân bản rừng Phe được sống yên ổn vì bọn phỉ không dám động đến.

Cụ từng tham gia hoạt động cách mạng và khi nghỉ hưu lại về sống ở bản rừng Phe, ngày ngày chăm chỉ luyện tập các thế võ, nhất là bài võ sáo. Khi đã già, cụ Uý luôn canh cánh trong lòng một nỗi buồn vì môn võ sáo không có người kế thừa, khi cụ mất đi sẽ tuyệt tích trong dân gian. Con cháu của cụ, hoặc là không quan tâm hoặc không có khả năng để lĩnh hội cái vi diệu của bài võ sáo độc đáo này. Và việc ông Trịnh Như Quân gặp được cụ Uý không chỉ ông mừng mà chính cụ Uý cũng vui vì cụ đã tìm được người để truyền đạt lại hết cái tinh thần của cây sáo sắt vốn được xưng tụng là “thiết địch thần phong” hay “ngọc tiêu diệu khúc”.

Bài và ảnh Hà Dịu
(Theo Sài Gòn tiếp thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét