Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG LÀ CHIẾC CẦU NỐI


ÂM NHẠC TRUYỀN THỐNG LÀ CHIẾC CẦU NỐI

Đối với Vân Ánh, mối tình dành cho âm nhạc truyền thống từ hơn 30 năm nay chưa bao giờ nguôi ngoai, chị tâm sự: "Trên cây đàn tranh của mình, tôi có thể biểu diễn hình ảnh của một giọt sương buổi sớm mai, một hạt mưa tí tách, một dòng suối nhỏ róc rách, cũng có khi là cả một trận cuồng phong"...

- Là nghệ sĩ đam mê nhạc cụ truyền thống, ngoài đàn tranh, chị còn có thể biểu diễn nhiều loại nhạc cụ khác nhau như đàn bầu, đàn tam thập lục, trống... Khi quyết định theo đuổi con đường này, chị có đắn đo gì không? Phải chăng nhạc cụ truyền thống có sức lôi cuốn quá mãnh liệt?

Tôi bắt đầu sự nghiệp âm nhạc từ khi lên 4 tuổi. Bố của tôi là người thầy dạy nhạc đầu tiên và cũng là người giúp tôi trên con đường theo đuổi sự nghiệp âm nhạc sau này. Ông hướng cho tôi học đàn cello nhưng tôi đã từ chối chỉ vì cây đàn ấy quá to và dáng ngồi đàn hơi... xấu. Nhưng khi lần đầu tiên được nhìn thấy cây đàn tranh, tôi đã "phải lòng" nó và chẳng bao giờ dứt ra được nữa.

Niềm đam mê trong tôi có lẽ cũng bắt đầu từ lúc ấy, tôi thực sự bị cuốn hút bởi sự duyên dáng và âm thanh thánh thót của cây đàn. Qua một thời gian học và chơi đàn, tôi được hiểu sâu hơn về văn hóa và truyền thống Việt Nam (VN).

- Được biết khi còn ở Việt Nam chị đã đoạt nhiều giải thưởng âm nhạc, nổi bật hơn cả là giải Nhất quốc gia về đàn tranh năm 1995 và đoạt giải đặc biệt cho Người chơi nhạc dân tộc mới hay nhất. Vì sao chị không tiếp tục phát triển sự nghiệp tại đây?

Sau khi đạt giải Nhất quốc gia về đàn tranh năm 1995, tôi cũng nhiều lần tham gia trình diễn trên 24 nước cùng nhóm nhạc dân tộc "Đồng nội" do tôi sáng lập. Nhóm nhạc "Đồng nội" lúc đó bao gồm những nghệ sĩ trẻ hàng đầu trong làng âm nhạc dân tộc VN như nghệ sĩ sáo trúc Vũ Thanh Hương, nghệ sĩ đàn nhị Dương Thùy Anh, nghệ sĩ đàn bầu Nguyễn Trường Giang... Nhưng sau khi kết hôn, tôi đã chuyển sang Mỹ sống cùng chồng và từ đó cũng "vắng bóng" tại VN.

- Môi trường học tập và làm việc ở nước ngoài đã mang đến cho chị những thuận lợi gì đặc biệt?

Khi sống tại nước ngoài, tôi có nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển con đường âm nhạc. Tôi có nhiều dịp để chơi nhạc, chia sẻ kiến thức của mình, với nghệ sĩ đến từ các nước khác nhau. Tôi cũng được thử sức đem âm nhạc dân tộc VN kết hợp với các thể loại âm nhạc thế giới khác như Jazz, Rock, Blue, Pop... Những năm sống tại nước ngoài đã giúp tôi có thời gian tìm và khẳng định thể loại âm nhạc mình muốn theo đuổi và phát triển, đó là thể loại nhạc Contemporary Instrumental music, tạm gọi là nhạc đàn đương đại.

- Khi biểu diễn ở nước ngoài, chị thấy khán giả quốc tế đón nhận những tiết mục nghệ thuật truyền thống Việt như thế nào?

Khán giả quốc tế luôn hoan nghênh đón nhận những tiết mục nghệ thuật truyền thống của VN. Vì thế, tôi quyết tâm phải tập luyện và chơi nhạc như thế nào để khán giả phải quay lại xem thêm chứ không dừng lại ở lần đầu. Tôi muốn chơi và sáng tác những bản nhạc mang đậm sắc màu của người Việt, nhưng vẫn có một chút gì đó gần gũi với văn hóa phương Tây, hòa cùng nhịp sống của thế kỷ 21.

Với tinh thần âm nhạc đó, tôi thấy mình được khán giả tại nước ngoài đón nhận nhiệt tình. Năm 2003, tôi đã thu nhạc và đóng góp phần chính cho bộ phim đạt giải Nhất trong Liên hoan phim Sundance Film Festival và đề cử cho giải Oscar 2003 "Daughter From Danang". Trong năm nay, cũng với thể loại nhạc Contemporary Instrumental, tôi đã đồng sáng tác và thu nhạc cho phim đoạt giải Emmy Awards  2009 cho cả phim và nhạc "Bolinao 52". Tôi cảm thấy tự hào vì là nghệ sĩ VN duy nhất tham gia và thành công trong những giải thưởng nghệ thuật lớn nhất tại nước ngoài.

 
Nghệ sĩ đàn tranh Vân Ánh

Mong ước vẽ nên một bức tranh âm nhạc dân tộc

- Vì sao chị quyết định quay lại Việt Nam?

Với những thành công tương đối đáng kể ở nước ngoài, tôi trăn trở rất nhiều, làm sao có thể làm cho nhạc dân tộc được phổ biến và yêu thích hơn tại quê nhà. Chính vì vậy, tôi đã dành thời gian về VN để tìm hiểu những cơ hội phát triển nhạc dân tộc. Tôi đang cộng tác với nhạc sĩ Đỗ Bảo, một người cũng có chung suy nghĩ về việc phát triển nhạc dân tộc.

Ngoài mục tiêu quảng bá nhạc dân tộc tới khán giả VN, tôi cũng lấy cơ hội này để tìm dữ liệu cho những sáng tác mới của mình. Thời gian làm việc tại VN trước đây đã giúp tôi gom góp được nhiều "chất liệu" để bây giờ có thể “vẽ” một bức tranh âm nhạc dân tộc trong thế kỷ 21. Tôi luôn mong muốn có dịp quay về, củng cố lại cái "gốc" của mình để có thể phát triển và chơi nhạc hay hơn, dễ gần hơn với khán giả VN.

- Chị có nghĩ rằng con đường âm nhạc chị đang theo đuổi rất đặc biệt và hơi "kén" khán giả không? Chị cũng biết đấy, không ít khán giả trẻ bây giờ mải chạy theo trào lưu được du nhập từ nước ngoài mà quên mất nền âm nhạc nước nhà.

Đúng là âm nhạc của tôi hơi "kén" khán giả. Tuy nhiên, truyền thống của người VN là rất yêu âm nhạc. Hơn nữa, âm nhạc của tôi tuy cái gốc là nhạc dân tộc, nhưng cái hồn và ngôn ngữ trình bày lại rất dễ hiểu và gần với cuộc sống hiện đại. Tôi tin âm nhạc của mình sớm muộn sẽ được đón nhận bởi nhiều tầng lớp khán giả.

- Tuy nhiên, vẫn có những bạn trẻ đam mê nhạc cụ truyền thống, là người đi trước, chị có lời khuyên nào dành cho các bạn sinh viên đang theo đuổi âm nhạc truyền thống?

Tôi nghĩ, là con người ai cũng phải có cái "gốc". Tôi mong các bạn luôn có gắng học và nắm cho thật chắc cái "gốc" này, tức là những thể loại nhạc dân tộc cơ bản. Đồng thời, không ngừng luyện tập để có được kỹ thuật chơi đàn thật tốt.

 Dù chơi thể loại nhạc nào hay cây đàn nào đi chăng nữa, các bạn hãy dành hết tâm ý, sức lực thì sẽ luôn thành công. Nhạc dân tộc VN không chỉ dừng lại ở những nốt nhạc, thông qua âm nhạc truyền thống, các bạn còn được biết thêm rất nhiều về truyền thống, văn hóa, và lịch sử của VN. Âm nhạc dân tộc sẽ là chiếc cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai.

- Theo chị, làm thế nào để những khán giả trẻ nâng niu và tôn trọng âm nhạc truyền thống?

Để khán giả trẻ nâng niu và yêu âm nhạc truyền thống VN thì phải có những bản nhạc mang được tình cảm và suy nghĩ hiện đại cùng với họ.

Tôi đã chọn con đường phát triển và quảng bá âm nhạc dân tộc qua thể loại nhạc Contemporary Instrumental. Với tôi, âm nhạc không có biên giới. Thể loại nhạc Contemporary Instrumental cho phép tôi kết hợp được nhạc dân tộc với rất nhiều thể loại nhạc nước ngoài khác nhau để tạo nên ngôn ngữ âm nhạc hiện đại. Đây sẽ là cách tốt nhất để tôi đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình, giúp khán giả trẻ thông hiểu, nâng niu và tôn trọng âm nhạc truyền thống hơn.

- Được biết chị mới thành lập nhóm nhạc "Breath of Asia" với sự tham gia của các nghệ sĩ hàng đầu trong làng nhạc dân tộc VN? Vì sao chị lại có ý tưởng này? Hướng phát triển của "Breath of Asia" sẽ như thế nào?

Tôi thành lập nhóm nhạc "Breath of Asia - Nhịp thở châu Á" cũng là vì muốn thúc đẩy sự quan tâm của khán giả trẻ và các tầng lớp khán giả khác tại Việt Nam cũng như nước ngoài. Với những thành viên là các nghệ sĩ hàng đầu trong làng nhạc dân tộc Việt Nam, đặc biệt là sự đóng góp về âm nhạc của nhạc sĩ Đỗ Bảo, nhóm "Breath of Asia - Nhịp thở Châu Á" sẽ chơi nhạc dân tộc VN nhưng mang âm hưởng, ngôn ngữ, và tinh thần của thế kỷ 21.

Từ sự kết hợp Âu-Á ngay trong cấu trúc của nhóm nhạc, tôi tin "Breath of Asia" sẽ đóng góp tích cực vào sự phát triển, giới thiệu, và làm cho nhạc dân tộc VN không chỉ được khán giả nước nhà yêu thích, mà còn chiếm được thiện cảm của khán giả quốc tế.

- Xin cảm ơn chị!

Thủy Kiều (thực hiện)

(Theo suckhoedoisong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét