Hơn một ngàn ảnh màu về Việt Nam đầu thế kỷ 20
Đầu thế kỷ 20, một doanh nhân giàu có tại Pháp phá sản mà một phần cũng bởi ông đổ quá nhiều tiền thuê người và mua thiết bị đi chụp ảnh màu khắp thế giới. Trăm năm sau, chính hành động có vẻ điên rồ đó đã lưu giữ cho nhân loại và đất nước Việt Nam nói riêng một kho tư liệu vô giá.
Phố Chanvre nay là phố Hàng Gai. Các cửa hàng bày bán lồng đèn dịp tết Trung thu (ảnh chụp năm 1915).
|
Từ câu chuyện về một doanh nhân
Albert Kahn sinh năm 1860 tại Bas-Rhin, Pháp. Ban đầu ông buôn bán đá quý ở vùng Nam Phi, sau đó trở thành một nhà tài phiệt. Ông thành đạt khi mới 30 tuổi. Albert Kahn có hai niềm đam mê. Khi đã trở thành một người giàu có, ông mua một khu rừng với diện tích 4ha ở vùng thượng sông Seine thành phố Paris, cho xây dựng ba khu vườn tuyệt đẹp theo ba phong cách Nhật Bản, Pháp và Anh. Thú vui thứ hai của ông là những thành tựu công nghệ mới.
Một phụ nữ Hà Nội đang trang điểm (chụp năm 1915).
|
Ông có người bạn thân là Louis Lumière, người thứ hai trong hai anh em nhà Lumière chế tạo ra máy chiếu phim. Vào thời điểm đó, họ là những người đầu tiên chụp và in được ảnh màu autochrome – tức là ảnh được chụp và in tráng theo phương pháp chồng ba tấm kính với nhau, mỗi tấm có một loại hoá chất tạo ra màu sắc khác nhau cho tấm ảnh. Khi được Louis Lumière chia sẻ thành tựu này, Albert Kahn rất thích thú và ngay lập tức bỏ một số tiền rất lớn, thuê rất nhiều người rồi trang bị kỹ thuật cho họ đi khắp thế giới chụp ảnh màu mang về cho ông.
Toàn bộ công việc này được Albert Kahn đặt tên là dự án Thư khố hành tinh (Les Archives de la Planète). Dự án được bắt đầu từ năm 1909 và kết thúc năm 1931, khi sự nghiệp kinh doanh của Albert Kahn xuống dốc nghiêm trọng do ảnh hưởng của cuộc đại suy thoái 1929 – 1930. Cuối cùng, Albert Kahn phá sản và năm 1940 ông mất trong cảnh túng quẫn. Toàn bộ tài sản của ông bị sung công và do chính quyền thành phố Paris quản lý, trong đó có dự án Thư khố hành tinh được chuyển thành viện bảo tàng hình ảnh về hơn 60 quốc gia những năm đầu thế kỷ 20 đặt trong khuôn viên khu rừng 4ha. Viện bảo tàng mang tên Albert Kahn được chính thức mở cửa năm 1986.
Kể với chúng tôi cuộc đời doanh nhân Albert Kahn, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận xét: “Về mặt kinh doanh, Albert Kahn đã phá sản nhưng về mặt văn hoá, ông được ghi danh đến muôn đời”.
Tới 1382 bức ảnh màu autochrome về Việt Nam
Sau 21 năm thực hiện, dự án Thư khố hành tinh đã thu thập và lưu giữ được 72.000 đơn vị ảnh của hơn 60 nước. Tất cả đều là ảnh màu autochrome. Trong kho tư liệu hình ảnh này, có 1.382 bức ảnh chụp tại Đông Dương. Những bức ảnh này được chụp bởi ông Léon Busy, một sĩ quan công binh trong quân đội viễn chinh Pháp thời bấy giờ, đã nhận lời tham gia dự án của Albert Kahn trong khoảng 1915 –1917. Ngoài chụp ảnh, ông Léon Busy còn quay khoảng 20 đoạn phim ngắn về sinh hoạt của dân Việt như hội Gióng, một đám cưới của người dân Bắc bộ, những sinh hoạt Hoa kiều ở Sài Gòn… Có 41 bức trong số đó được treo tại bảo tàng.
Gia đình quan thống sứ Bắc kỳ (chụp năm 1916).
|
Năm 2006, hội đồng tỉnh Hauts-de-Seine và các chuyên gia của bảo tàng khởi động dự án “số hoá” toàn bộ 72.000 đơn vị ảnh. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, người mới được tiếp cận kho tư liệu ảnh này, chỉ còn chưa tới 200 bức về Đông Dương chưa số hoá xong. “Tôi đã biết tới nguồn tư liệu ảnh này cách đây vài năm bởi lác đác đâu đó tôi bắt gặp một vài bức ảnh màu về Việt Nam đầu thế kỷ 20 rất thú vị. Nhưng chuyến đi Pháp vừa rồi thì thực sự được tiếp xúc với những người quản lý bảo tàng cũng như toàn bộ hệ thống tư liệu quý này”, ông Quốc cho biết.
Ngay sau khi bảo tàng mở cửa, một cuốn sách ảnh với tên gọi Làng và dân làng tại Bắc kỳ (Villages et villageois au Tonkin)Albert Kahn và thế giới có màu sắc (Albert Kahn, le monde en couleurs) của nhà báo David Okuefuna. đã được xuất bản trong đó giới thiệu khoảng 60 bức ảnh về Việt Nam. Gần đây nhất là năm 2008, vài chục bức ảnh khác về Việt Nam tiếp tục được công bố trong cuốn sách
“Khi tiếp xúc với những người quản lý bảo tàng Albert Kahn, tôi nhận được sự đón tiếp rất nhiệt tình. Họ biết chúng ta sắp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội và sẵn sàng tặng tôi một số bức ảnh đã số hoá. Tuy nhiên họ chỉ yêu cầu một điều rằng ảnh phục vụ nghiên cứu hoặc giới thiệu rộng rãi với công chúng thì không sao, nhưng nếu thương mại hoá thì không được” – ông Dương Trung Quốc cho biết – “Ngay sau khi về Việt Nam, tôi cũng đã “đánh tiếng” với những người có trách nhiệm tại Hà Nội về một hành động nhanh chóng và có ý nghĩa khi mà phía bạn đã sẵn sàng hợp tác với chúng ta. Nhưng tới nay cũng không thấy ai phản hồi gì…”
Câu chuyện về 1.382 bức ảnh quý còn là câu chuyện gợi mở cho bất cứ ai có trách nhiệm và ý thức xã hội về cách sống, cách cống hiến và cách lưu giữ những giá trị của hôm nay cho ngày sau.
bài: Dung P.
ảnh: bảo tàng Albert Kahn
ảnh: bảo tàng Albert Kahn
|
| ||
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét