Việc bảo tồn và phát triển nền âm nhạc truyền thống của dân tộc là cả một quá trình lâu dài và khó khăn. Hiện nay, khi các loại âm nhạc khác đang dần chiếm ưu thế trong thị trường âm nhạc Việt thì âm nhạc truyền thống vẫn luôn là một dấu hỏi lớn: Làm thế nào đưa âm nhạc truyền thống gần với giới trẻ?
“Dạy con từ thuở còn thơ”
Mô hình đưa âm nhạc truyền thống vào thành một môn học của học sinh đã nhận được nhiều sự quan tâm, nhưng việc thực hiện đến nay vẫn còn gặp khá nhiều khó khăn. Hiện nay ở TP.HCM, việc thí điểm đưa đàn Tranh vào trường học bước đầu đã có hiệu quả. Đi đầu trong thử nghiệm này là Trường Tiểu học Thực hành sư phạm Phan Đình Phùng. Sự phối hợp giữa nhà trường và Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương là một bước đột phá lớn. NGƯT Phạm Thúy Hoan - Chủ nhiệm câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương cho biết: “Việc đưa âm nhạc truyền thống vào giảng dạy cho các em tuy bước đầu gặp nhiều khó khăn và thách thức lớn, nhưng được sự giúp đỡ nhiệt tình của nhà trường cùng với sự yêu thích của các em, lớp học đàn Tranh đã diễn ra được hơn một năm nay”.
Một buổi học đàn Tranh tại trường Phan Đình Phùng
Đưa âm nhạc truyền thống vào giảng dạy trong học đường là một điều tất yếu và cần được phổ biến rộng rãi. Đặc biệt là phải biến nó thành một môn học chính bên cạnh các môn học khác. Bởi lẽ hiện nay việc đưa đàn Tranh vào dạy trong trường học mới chỉ áp dụng ở môn tự chọn. Cô Phạm Thúy Hoan còn cho biết: “Điều khó khăn lớn nhất khi giảng dạy cho các em là thời gian quá ít, mỗi tuần chỉ có một buổi chiều thứ 5. Về nhà các em không có đàn để luyện tập nhớ lại bài. Hơn nữa, đây mới chỉ là môn học tự chọn nên phụ huynh các em chưa đầu tư đúng mức”. Hầu hết các em sau khi tham gia khóa học đàn, được tìm hiểu và tự tay gẩy những phím đàn đã tạo sự thích thú và ham học.
Với các hình thức giải trí rất đa dạng hiện nay, các em cũng có nhiều sự lựa chọn về nhu cầu giải trí, đặc biệt là về âm nhạc. Tuy nhiên không phải các em không quan tâm đến âm nhạc truyền thống mà chính việc tiếp cận và tìm hiểu về loại hình này không dễ dàng. Nếu như được biết cái hay cái đẹp của nó thì tất yếu sẽ hình thành trong các em tình yêu với âm nhạc truyền thống. Bằng chứng là trong các buổi nói chuyện về âm nhạc Việt Nam của GS.TS Trần Văn Khê từ các loại đàn truyền thống trong đờn ca tài tử của Nam Bộ đến di sản phi vật thể Nhã nhạc Cung đình Huế... đều được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt và tỏ ra thích thú. Chính vì sự tâm huyết, muốn truyền lại cho thế hệ mai sau hiểu về âm nhạc nước mình, GS.TS Trần Văn Khê đã làm cho giới trẻ thêm yêu và hiểu phần nào giá trị của âm nhạc truyền thống.
Nên mở rộng hơn nữa
Nói về việc đưa đàn Tranh vào giảng dạy trong trường tiểu học, GS.TS Trần Văn Khê cho rằng: “Việc đưa âm nhạc truyền thống vào trường học là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Nó không chỉ giúp cho các em làm quen dần với cây đàn dân tộc, giúp cho các em thấy được cái đẹp của từng âm thanh mà thông qua đó nó còn nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc của các em. Vì thế, việc mở rộng đưa âm nhạc truyền thống vào tiểu học là điều cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết”.
Cô Nguyễn Thị Lương Thanh - Hiệu trưởng trường Tiểu học Thực hành Sư phạm Phan Đình Phùng tâm sự: “Đưa âm nhạc truyền thống vào trường học là một điều mới mẻ. Hơn một năm trường đưa cây đàn Tranh vào làm môn học tự chọn cho các em bước đầu đạt hiệu quả. Các em đã biết được từng cung điệu của tiếng đàn, có thể chơi được những bài đơn giản”. Cô Thanh cho biết thêm, tuy nhiên, việc đưa đàn vào giới thiệu cho các em cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Không phải em nào cũng có điều kiện mua cho mình một cây đàn để tự học ở nhà, ở trường hiện nay cũng chỉ trang bị được 20 cây đàn. Trước đây cũng có trường đã từng đưa mô hình dạy đàn Tranh vào trường học, nhưng vì không “nuôi” nổi nên đã dừng lại.
Cô Hiệu Trưởng trường tiểu học Phan Đình Phùng đang trả lời phỏng vấn trong một chương trình Âm nhạc dân tộc do Đài Truyền Hình TP.HCM thực hiện (Ảnh: THQH)
Đối với việc dạy âm nhạc truyền thống cho các em phải kiên trì. Vừa qua nhà trường cũng đã phối hợp với Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương tổ chức cuộc thi vẽ với chủ đề “Em yêu đàn Tranh” nhằm giới thiệu và giúp các em làm quen với loại nhạc cụ dân tộc này.
Cuộc thi vẽ tranh "Em Yêu Đàn Tranh" do nhà trường & CLB. Tiếng Hát Quê Hương tổ chức trung tuần tháng 05/2010 vừa qua.
Cô Hải Phượng – giảng viên Khoa Âm nhạc của Nhạc viện TP.HCM cho rằng, không chỉ đưa đàn Tranh mà nên đưa nhiều hơn nữa các loại nhạc cụ dân tộc vào cho các em. Điều này không chỉ có tác dụng giáo dục các em biết về âm nhạc của dân tộc mà còn giúp cho các em sau này lớn lên có sự lựa chọn cho mình theo học một loại nhạc cụ nào đó, không chỉ là đàn Tranh. Muốn làm được điều đó thì rất cần sự ủng hộ của Ban giám hiệu trường và phụ huynh của các em.
Việc đưa âm nhạc truyền thống vào trường học là một việc làm hết sức có ý nghĩa. Nó không chỉ giúp cho các em làm quen dần với cây đàn dân tộc, giúp cho các em thấy được cái đẹp của từng âm thanh mà thông qua đó nó còn nuôi dưỡng tâm hồn âm nhạc của các em. Vì thế, việc mở rộng đưa âm nhạc truyền thống vào tiểu học là điều cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
(GS.TS Trần Văn Khê) |
Hà Trần
(Theo báo Văn Hóa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét