Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

NHỮNG CẢM XÚC CHO MỘT MÙA HỘI NGỘ

NHỮNG CẢM XÚC 
CHO MỘT MÙA HỘI NGỘ




Một buổi sáng thứ bảy trời nhẹ và se lạnh, tôi nhẹ nhàng mở cửa và một làn gió nhẹ tràn vào nhà. Nhắm mắt lại, tôi hít một hơi thật sâu cái không khí trong lành của buổi sớm tinh sương trong làn mưa mỏng cuối thu, tâm hồn bỗng thấy sảng khoái lạ thường. Tôi nở một nụ cười rồi trở vào nhà sửa soạn đồ đạc cho buổi diễn tối hôm ấy - Hội ngộ đàn tranh toàn quốc lần 1 năm 2010.

Đúng 7h30 phút, cô Khánh Vân và chị Việt đến, chúng tôi bắt đầu đến Cung văn hóa Lao Động để dự buổi tọa đàm về “Phát triển đàn tranh” lúc 8h30. Cô Khánh Vân chở tôi. Ngồi phía sau tôi dễ dàng quan sát khung cảnh xung quanh. Hôm nay, trời không nắng và tâm trạng tôi thì lâng lâng nhẹ nhàng, thỉnh thoảng cái không khí nhẹ nhàng ấy lại gợi lên vẻ đượm buồn nho nhỏ. Dường như tiết trời ấy đã khơi mạch cảm xúc trong tôi, giữa tình và cảnh như bắt được nhịp với nhau - tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này. Tôi thường hay có tâm trạng hơn mỗi khi trời mưa vì thế tôi thích thú khi được ngắm mưa rơi hay được đi dưới làn mưa mỏng. Mấy ngày trước, tôi đã sắp xếp công việc học tập và đời sống đâu vào đó để hôm nay không bận tâm về chúng nhiều và chỉ có sự thanh thản “ngự trị” trong lòng, cũng giống như khi ta bước vào chùa, những muộn phiền, buồn vui của cuộc sống đều gởi lại trước cổng. Chơi nhạc cũng như thế, nhạc sư Vĩnh Bảo đã từng nói: “khi tôi đờn cũng giống như lúc tôi ngồi thiền”.

Mất khoảng 30 phút để đi từ nhà đến cung văn hóa. Vừa đến nơi, chúng tôi sắp xếp lại đồ đạc, rồi cô Vân bảo tôi vào chụp hình với GS Trần Văn Khê. Được ôm lấy Thầy, tôi vô cùng xúc động và vui sướng ngỡ mình là những loài cây nhỏ bé, non nớt được đứng dưới bóng râm vĩ đại của cây đa, cây đề. Và rồi loài cây nhỏ ấy được vây quanh và ôm lấy cây đại thụ kia, như có một dòng nhựa sống đầy sinh lực truyền vào, như lời động viên giúp tôi an tâm hơn cho buổi diễn tối hôm đó. Đây là lần đầu tiên tôi tham dự một chương trình lớn như thế này. Cô Phạm Thúy Hoan đã cử tôi và anh Kim Long biểu diễn tiết mục song tấu liên khúc 3 bài Lý lu là, Lý ngựa ô và Lý con Sam. Cô đã tận tâm tập dợt kỹ càng cho anh em chúng tôi. Cô nói đây là tiết mục “đặc biệt” của chương trình này vì trong 10 đoàn tham dự tất cả đều là những bông hoa sắc thắm, duy chỉ có đoàn chủ nhà thì ngoài hoa còn có 4 “cây tre” : thầy Minh Luận, chú Tuấn Anh, anh Kim Long và tôi. Hai anh em chúng tôi sẽ đại diện để góp vui vì thế cả hai đều rất hồi hộp.

Buổi tọa đàm bắt đầu lúc 8h30. Tuy ngoài trời mưa rơi, gió lạnh nhưng trong hội trường ai cũng cảm thấy ấm áp, thân mật vì mọi người đến đây, ai cũng mang theo một ngọn lửa nhiệt huyết cháy bỏng với cây đàn tranh, với âm nhạc dân tộc. Ban đầu, mọi người còn hơi e ngại, nhờ Cô Thúy Hoan làm cầu nối, bắt nhịp làm quen với nhau. Và rồi không khí sôi động hẳn lên với phần mở đầu là những kinh nghiệm và phương pháp dạy học đàn tranh của Nhà văn hóa thiếu nhi TP.HCM. Rồi lần lượt các đoàn phát biểu. Có những ý kiến và phương pháp rất hay cần được học hỏi và phổ biến. Khi nghe Cô Thúy Hoan hỏi “Chúng ta có nên tổ chức Hội ngộ đàn tranh lần 2, 3… không? Và bao lâu thì tổ chức một lần?”, mọi người đồng thanh hô “có”, và có người thì bảo là nên tổ chức 2 năm/lần, có người bảo 1 năm, có người lại muốn 3 tháng/ lần. Như thế, rõ ràng ai cũng thích thú và ủng hộ việc này và tôi biết trong lòng Cô cũng cảm thấy rất vui. Ai ai cũng nhiệt tình chia sẻ mà quên cả giờ giấc. Tuy nhiên, để các đoàn nghỉ ngơi, ăn trưa, chuẩn bị cho buổi chạy chương trình lúc 2h30 chiều, buổi tọa đàm đành phải tạm dừng lúc 11h45.

Đúng 7h30 tối, chương trình bắt đầu với tiết muc hòa tấu “Bình Bán Vắn” và “Việt Nam quê hương tôi”. Sau đó là lần lượt các tiết mục độc tấu, song tấu, tam tấu, hòa tấu đàn tranh rất đặc sắc. Hôm đó, tôi có mời ba tôi đến tham dự. Ba tôi cũng rất thích thú và khen tặng chương trình làm rất hay, rất công phu. Cuộc hội ngộ với các anh tài đàn tranh trong cả nước, giống như trong những tác phẩm của nhà văn Kim Dung , có thể coi đây như là “Đại hội các môn phái võ lâm”. Mỗi đoàn đều có những phong cách trình diễn khác nhau, những tâm tư tình cảm phong phú thể hiện vào trong từng nét nhạc, cung điệu. Đặc biệt nhất có lẽ là phần trình diễn của nghệ sĩ Võ Vân Ánh. Cô đã biểu diễn thật “xuất thần” những nhạc phẩm mang tính đương đại với cây đàn tranh do chính cô cải tiến. Đây là cây đàn được đo đạc, tính toán kĩ lưỡng đến từng milimet về khoảng cách để có được một chất lượng tuyệt vời: dây khó đứt và không bị lạc điệu khi trình tấu những bài sôi động, mạnh mẽ. Đó là một điều mà những nghệ sĩ đàn tranh hằng mong ước. Nghệ sĩ Vân Ánh đã tặng cho Cô Thúy Hoan một cây đàn như thế. Mọi người ai cũng lấy làm hân hoan, vui mừng, tình cảm càng thân thiết, gắn bó hơn giữa quê hương với người viễn xứ.

Phía dưới khán đài đông nghịt khán giả, tôi cảm thấy vẻ hài lòng, thích thú thể hiện trên từng gương mặt, ánh mắt của họ. Những ánh mắt chăm chú, những hơi thở tuôn theo nhịp đàn, những tràng pháo tay xuất phát từ đáy lòng, những nụ cười mãn nguyện như một lời tán thưởng lớn cho tất cả, xóa tan đi những khó khăn, nhọc nhằn của các nghệ sĩ. Trong lòng tôi cảm thấy nhẹ nhàng và mừng thầm cho Cô Thúy Hoan, vậy là công sức mấy tháng qua của Cô giờ đã có được kết quả mĩ mãn. Vì phải lo chu toàn cho tất cả các khâu mà Cô đã ngã bệnh trước đó mấy hôm, ai cũng hết sức lo lắng. Nhưng nhờ lòng yêu âm nhạc dân tộc và tinh thần trách nhiệm cao đã giúp Cô vượt qua tất cả. Tiết mục khán giả cùng bài hát dân ca Cò Lả được mọi người nhận xét là rất độc đáo, thú vị, giúp cho khán giả có thể cùng tham gia “cuộc chơi”, người nghệ sĩ và khán giả trở nên gần gũi hơn. Đó cũng là tiết mục cuối cùng. Chương trình kết thúc trong tiếng vỗ tay vang lên không ngớt. Mọi người ra về, ai cũng hẹn nhau ở lần hội ngộ thứ hai.

ĐỖ HỒNG PHƯỚC (Lớp Đàn Tranh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét