Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Kỳ nhân võ sáo rừng Yên Thế - KỲ 2: Truyền nhân duy nhất của võ sáo


Kỳ nhân võ sáo rừng Yên Thế 
Kỳ 2: Truyền nhân duy nhất của võ sáo

Ông Trịnh Như Quân (thành phố Bắc Giang) chính là truyền nhân duy nhất của môn võ sáo. Vốn có nòi con nhà võ lại có máu nghệ sĩ nên từ nhỏ ông đã mê cây sáo như điếu đổ. Và chính sự kết hợp ấy đã khiến ông may mắn lĩnh hội được cái thần và cái hồn của môn sáo đặc dị vùng Yên Thế.


Ông Quân thả hồn theo “Bóng trăng Phồn Xương” với cây sáo sắt

Bước vào nhà của ông Trịnh Như Quân tại thành phố Bắc Giang, hình ảnh đập vào mắt chúng tôi đầu tiên là ba cây sáo sắt đen như ba cây xà beng được đặt trang trọng tại một góc phòng khách.

Ông giải thích lẽ ra phải là bốn nhưng cây sáo có tên Thăng Long dài 2,1m, nặng 5,1kg hiện đang được bảo tàng Mỹ thuật Hà Nội mượn đem đi khắc hình con rồng nhà Lý để cho ông biểu diễn trong đại lễ 1.000 năm Thăng Long. Lấy cây sáo “Thích tiêu tương” dài 1,6m, nặng 4kg, ông Quân múa cho chúng tôi xem vài đường cơ bản của bài võ sáo bất hủ mang tên “Bóng trăng Phồn Xương”.

Cây sáo sắt nặng như thế nhưng ông cầm nhẹ nhàng như một cây gậy trúc. Ông cười bảo để múa thành thục và dẻo dai như thế này là cả một quá trình khổ luyện rất công phu.

Bái sư luyện võ

Ông Trịnh Như Quân được sinh ra trong một gia đình có truyền thống võ học, là con trai của võ sư Trịnh Như Hiền một thời nổi danh ở đất Kinh Bắc nên từ nhỏ đã cùng cha luyện võ, đồng thời ông lại có máu nghệ sĩ và rất đam mê âm nhạc. Vốn say mê cây sáo trúc nên ông đã tỉ mẩn tìm tòi và học thổi sáo bằng được. Lớn lên, đi bộ đội ông từng tham gia vào đoàn văn nghệ xung kích và đã nhiều lần dùng cây sáo tấu lên những khúc nhạc làm say lòng người. Vừa biết thổi sáo lại am hiểu võ thuật nên ông Quân chính là người mà cụ Triệu Quốc Uý cần để truyền lại môn võ đặc biệt của mình.
Đầu năm 1991, bỏ cả công việc ở sở Thể dục thể thao Hà Bắc cũ, ông Trịnh Như Quân từ biệt vợ con để vào rừng Phe bái sư học võ. Mặc dù đã có căn cơ về võ và sáo nhưng cũng phải mất hai năm trời ròng rã, thầy cùng trò luyện ngày luyện đêm, ông Trịnh Như Quân mới nắm hết được cái tinh tuý cũng như sự vi diệu của “Thiết địch thần phong”, cây sáo có sức mạnh như cơn gió thần. Năm 1993, lần đầu tiên “Thiết địch thần phong” đã ra mắt công chúng tại hội đền Suối Mỡ, Lục Nam và ngay lập tức được ghi tên vào “Sổ tay võ thuật toàn quốc”. Khi đã lĩnh hội hết tinh tuý của môn võ sáo từ sư phụ, ông Trịnh Như Quân mới từ biệt thầy để trở về ngôi nhà của mình. Còn cụ Triệu Quốc Uý, sau khi truyền hết mọi “ngón nghề”, cụ vô cùng mãn nguyện và yên tâm nhắm mắt về nơi chín suối.

Theo ông Quân, để lĩnh hội được võ sáo, người luyện phải có khí lực sung mãn, thân hình mềm dẻo. Để chơi được bài sáo đến mức tuyệt kỹ, người chơi phải có thân pháp uyển chuyển, linh hoạt, động tác phải chính xác vừa thể hiện được sự mạnh mẽ ào ạt như vũ bão nhưng cũng phải hư ảo như ánh trăng loang trên mặt nước và phải thổi được những khúc nhạc rung động tâm can đối phương. Võ và âm nhạc phải kết hợp làm một nhuần nhuyễn bổ trợ cho nhau mới có được sức mạnh để tiêu diệt quân thù. Chỉ cần nghe tiếng sáo là quân địch có thể biết đối phương có công lực thâm hậu hay không mà kiêng dè.

“Bóng trăng Phồn Xương”






Những vũ khí đặc dị mà nghĩa quân Đề Thám từng sử dụng. Ảnh chụp lại tư liệu 

Bài võ này lúc đầu vốn có tựa là “Thiết địch thần phong” hay “Ngọc tiêu diệu khúc”, cây sáo có khúc nhạc diệu kỳ. Sau khi Hà Bắc tách tỉnh, Yên Thế thuộc về Bắc Giang, bài võ được đổi tên thành “Bóng trăng Phồn Xương” gắn liền với địa danh lịch sử của vùng. Nói về “Bóng trăng Phồn Xương”, ông Quân luôn trầm trồ thán phục sự vi diệu của điệu võ cổ truyền. Ông lấy cây sáo “Thích tiêu tương” biểu diễn cho chúng tôi xem bài võ độc đáo ấy. Dáng ông linh hoạt lúc như vũ bão, lúc lại uyển chuyển tựa nước chảy hoa trôi nhưng vẫn ngầm chứa trong sự mềm mại ấy một kình lực thâm hậu.

“Bóng trăng Phồn Xương” gồm sáu thế tấn, 13 đặc dị kiếm pháp và 51 chiêu thức được chia làm ba đoạn và biểu diễn trong thời gian từ 8 – 10 phút. Đoạn một bắt đầu bằng màn tả cảnh trăng di chuyển theo các thế tấn của võ thuật. Ông Quân biểu diễn bằng một thế đứng hạc tấn với ngón tay trỏ chỉ chếch lên như dẫn mọi người cùng thưởng thức vầng trăng trên đỉnh núi nhưng khi hạ chân xuống lại thành trảo mã tấn, mắt nhìn dưới chân, bàn tay đưa ra như khoả nước, đồng thời ánh mắt trải rộng ra xa như đang thưởng thức bóng trăng loang trên mặt hồ. Ông Quân giải thích động tác thì thế thôi nhưng nếu thao tác nhanh và võ sĩ có đủ kình lực thì đó chính là những đòn tấn công rất lợi hại vào kẻ thù.

Đoạn hai có 60 thức, được bắt đầu bằng đường “Tiên nhân chi lộ” rồi “Tam hoàn sáo nguyệt” và kết thúc bằng “Thượng bộ hiệp địch”. Ở đây có sự kết hợp giữa sáo và các động tác của chưởng, quyền, cước cùng các động tác mô phỏng kiếm pháp. Bài võ thể hiện nhiều phong cách biểu cảm khác nhau. Nó dũng mãnh phi thường như “Hoàng phong nhập động” (Gió vàng nhập động); hay uyển chuyển lãng tử như “Mãng xà truy mãnh hổ” (Mãng xà đuổi hổ dữ); thể hiện sự khát vọng như “Thuỷ tề du nguyệt” (Thuỷ tề đi dạo chơi dưới trăng); chuyển thể nhanh gọn, sắc bén như “Tinh băng thiên vị” (Sao băng đổi ngôi) và lãng mạn kênh kiệu như đường “Bạch hạc hoàn dương” (Hạc trắng gọi mặt trời)… Đoạn ba, là những đường tả cảnh ngược lại với đoạn thứ nhất. Đây là đoạn khó nhất đòi hỏi người nghệ sĩ – võ sĩ phải có tài nghệ rất cao. Từ thực đến mơ, từ mơ đến thực và kết thúc có hậu là điểm mấu chốt mà người nghệ sĩ muốn thể hiện. Cái độc đáo của bài võ là sự hiểm hóc lợi hại của các thế võ được nguỵ trang bằng sự lãng mạn, hư ảo khiến “Bóng trăng Phồn Xương” trở nên nguy hiểm khôn lường với kẻ thù.

Theo ông Quân, “Bóng trăng Phồn Xương” có rất nhiều thế, nhiều chiêu khó, khiến người học phải có một kiến thức nhất định, một tâm hồn trong sáng, nhiều thế võ khi tập phải hết sức linh hoạt, tâm hồn phải sáng như trăng rằm, thân hình mềm dẻo như tơ lụa. Chính vì thế, để biểu diễn hoàn thiện bài võ sáo đòi hỏi rất nhiều sức lực và sự khéo léo tinh vi nên những người non nớt về võ công và yếu về âm nhạc sẽ không bao giờ thực hiện được.

Bài và ảnh Hà Dịu
(Theo Sài Gòn tiếp thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét