Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Có tiếng đàn tranh trong phim Mỹ


Có tiếng đàn tranh trong phim Mỹ

Dùng đàn tranh và các nhạc cụ âm nhạc truyền thống Việt Nam: đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn T’rưng… để làm nhạc cho các phim của Mỹ. Nữ nghệ sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh luôn hướng đến việc quảng bá đàn tranh và nhạc dân tộc ra thế giới.

Nghệ sĩ Võ Vân Ánh cảm giác thích đàn tranh từ lúc bốn tuổi. Theo lời chị kể, thuở bé, bố mẹ muốn chị học đàn cello nhưng khi thấy người nghệ sĩ đàn cello, cô bé Ánh không thích dáng ngồi của họ. Vậy là “Một ngày bố mẹ dẫn đi xem cô Hồng Nhật diễn, tôi thấy dáng ngồi của cô khi đàn đàn tranh quá đẹp, thế là xin bố mẹ học đàn tranh” - chị kể.

Từ duyên với đàn tranh đến duyên đời

Đàn tranh đến với Vân Ánh như một cơ duyên. Từ việc mê dáng người đánh đàn, rồi học, tập đàn cho đến ngày Vân Ánh tốt nghiệp hạng ưu Học viện Âm nhạc quốc gia (nay là Nhạc viện Hà Nội) vào năm 1995. Cũng trong năm này, Vân Ánh đã được giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc và giải nhất độc tấu nhạc dân tộc hiện đại.

Từ cơ duyên đàn tranh đã dẫn chị đến những chuyến lưu diễn qua hơn 20 nước trên thế giới. Và trong lần cùng đoàn múa rối nước Thăng Long sang Mỹ trình diễn vào năm 1995, duyên đời đến khi chị gặp anh Huỳnh Lương (Steven Huỳnh), tình nguyện viên của Tổ chức VNHELP (Vietnam Health, Education & Literature Projects).

Thư đi tin lại và đến năm 2001, Vân Ánh đã lập gia đình cùng anh Huỳnh Lương và định cư ở Mỹ. Sau khi sang Mỹ định cư, tiếng đàn tranh của chị hầu như không còn ở Việt Nam ngoài vài người giữ đĩa đàn tranh Kỷ niệm mà nhóm nhạc Đồng nội do chị sáng lập thâu tặng nhau trước ngày chị sang Mỹ.

Dù trình diễn ở trường học, trên truyền hình hay làm nhạc phim… nghệ sĩ Vân Ánh luôn hướng đến việc quảng bá đàn tranh và nhạc dân tộc ra thế giới. Ảnh: JASON LEW

Không còn là Vân Ánh hôm qua

Cho đến giờ nghệ sĩ Võ Vân Ánh đã có hai album chơi nhạc dân tộc phát hành ở Mỹ là: Twelve Months, Four Seasons (12 tháng, bốn mùa) và She’s Not She (tạm dịch: Cô ấy còn là cô ấy hôm qua?).

Nếu album Twelve Months, Four Seasons với tên gọi thể hiện 16 dây (tượng trưng cho 12 tháng và bốn mùa) của nhạc cụ đàn tranh mà chị yêu mến thì She’s Not She lại là một câu chuyện dài… “Có thời gian tôi muốn chia sẻ về cây đàn, về những nhạc cụ mình yêu quý với người nước ngoài nhưng thật sự không biết bắt đầu như thế nào. Rồi tôi dành thời gian cho gia đình, sinh con; đó cũng là thời gian Steven mở công ty… Vậy là tôi bước lùi lại con đường âm nhạc” - Vân Ánh chia sẻ.

Từ năm 2007, chị quyết định phát triển hơn nhạc cụ dân tộc mà mình yêu mến chính là giữ gốc rễ dân tộc của đàn tranh. Tuy nhiên, “Khi thời đại công nghệ số, mọi thứ chuyển biến rất nhanh, làm sao một bạn trẻ dùng iPod có thể ngồi nghe một bản nhạc mà phải 15 phút sau mới nói ra được anh yêu em. Thế nên tôi rất mong những dự án âm nhạc của mình có thể kết nối được giữa hồn sắc của âm nhạc truyền thống và cuộc sống đương đại. She’s Not She là một thành quả nho nhỏ của con đường rất dài mà tôi phải đi” - Vân Ánh nói.

Ở Mỹ, Vân Ánh cũng là người đầu tiên giới thiệu âm nhạc truyền thống Việt Nam trên kênh truyền hình KTSF 26 (kênh truyền hình châu Á tại khu vực vùng vịnh San Francisco) của Mỹ. Chị cũng là người tay xách nách mang đàn tranh và các nhạc cụ âm nhạc truyền thống khác đến các trường học, thư viện để biểu diễn, chia sẻ đàn tranh với các bạn trẻ.

Nhạc cụ dân tộc trong phim Mỹ

Hỏi về cơ hội nào đưa chị đến làm nhạc phim cho các phim của Mỹ, Vân Ánh cho rằng đó là may mắn. Khi nữ đạo diễn của phim tài liệu Người con gái Đà Nẵng (Daughter from Da Nang) tìm người làm nhạc cho phim thì một số người trong giới âm nhạc đã giới thiệu chị, bởi họ biết chị khi chị mang nhạc cụ dân tộc đến các trường đại học biểu diễn.

Bộ phim Người con gái Đà Nẵng từng đoạt giải đặc biệt tại Liên hoan phim Sundance (Mỹ) và được đề cử Oscar 2003. Chị cũng cùng nghệ sĩ Mark Izu sáng tác nhạc nền cho bộ phim tài liệuBolinao 52. Bộ phim đã đoạt giải Emmy 2009 cho cả nhạc và phim. Giải thưởng này giúp Vân Ánh trở thành nghệ sĩ biểu diễn nhạc truyền thống Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng quan trọng trong dòng âm nhạc chính thống của Mỹ.

Trong năm 2009, chị cũng là người đồng sáng tác nhạc nền cho phim tài liệu Ngôi làng mang tên Versailles (A village named Versailles). Bộ phim này đã đoạt nhiều giải tại các liên hoan phim ở Mỹ và trong Liên hoan phim châu Á-Thái Bình Dương, phim đã được giải bình chọn của khán giả.

Dù trình diễn ở trường học, trên truyền hình hay làm nhạc phim… Vân Ánh luôn chung một suy nghĩ “Quảng bá đàn tranh và nhạc dân tộc ra thế giới”.

Tối nay, 30-10, hội ngộ đàn tranh

Tối nay (30-10), nghệ sĩ Võ Vân Ánh sẽ có mặt trong chương trìnhHội ngộ đàn tranh toàn quốc lần 1-2010 tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM. Ngoài Vân Ánh, chương trình còn có sự tham gia của 120 nghệ sĩ, ban đàn tranh của TP.HCM và bảy tỉnh, thành khác. Vào tối 31-10, nghệ sĩ Vân Ánh sẽ có buổi sinh hoạt văn nghệ tại tư gia GS-TS Trần Văn Khê (TP.HCM). Và tối 2-11, nghệ sĩ Vân Ánh tham gia biểu diễn trong đêm nhạc hướng về miền Trung “Là người con đất Việt”, diễn ra tại Cung văn hóa Lao động hữu nghị Việt Xô (Hà Nội).

Vân Ánh đờn đờn tranh với hướng đi đương đại

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, GS-TS Trần Văn Khê cho biết sở dĩ ông giới thiệu nghệ sĩ Võ Vân Ánh trong chương trình sinh hoạt văn nghệ tại tư gia, bởi cô là người từng đoạt giải nhất Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc năm 1995. Với giải thưởng này, GS-TS Trần Văn Khê đã từng giới thiệu hai nghệ sĩ đàn tranh: Hải Phượng và Thu Thủy.

Thứ đến, “Tôi giới thiệu Vân Ánh bởi con đường cô đi mong muốn mang đờn tranh ra thế giới. Và ở đó, đờn tranh mang cốt dân tộc, hồn dân tộc nhưng bằng ngôn ngữ khác. Vân Ánh là người đờn đờn tranh Việt Nam với hướng đi đương đại. Hướng đi này chưa chắc là sai nhưng chưa chắc là đúng. Buổi giới thiệu cũng có thể có thảo luận, thậm chí tranh luận về con đường lựa chọn của cô” - GS Trần Văn Khê nói


QUỲNH TRANG
(Theo Pháp Luật)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét