Thứ Ba, 4 tháng 12, 2012

Võ Vân Ánh với nhạc cụ cổ truyền dân tộc

Võ Vân Ánh với nhạc cụ cổ truyền dân tộc

vva 1 M.jpg

vva 2 M.jpg

vva 3 M.jpg
LONG BEACH - “Không nghe được chương trình này là điều đáng tiếc...” - Hầu hết các khán thính giả tham dự chiều nhạc cổ truyền Việt Nam do tổ chức văn hóa sinh viên “Mosaic Cultural Encounter” thực hiện ở thính đường Daniel Recital Haul của trường Ðại Học CSU Long Beach chiều Chủ Nhật vừa qua với nữ nhạc sĩ đàn tranh Võ Vân Ánh và dàn nhạc, đều cho biết cảm tưởng như vậy. Một số người còn cho rằng đây là một bất ngờ, bởi vì trước khi dự buổi nhạc, ai cũng nghĩ đàn tranh chỉ được trình tấu như những lần họ đã từng nghe ở hải ngoại, nhưng ở chiều nhạc này, nhạc sĩ Võ Vân Ánh đã làm nhiều người kinh ngạc bởi lối trình diễn đầy những biến thể và canh tân trên cây đàn tranh 16 giây và 22 giây, đàn bầu, k'longpút và t'rưng.
 
Buổi trình tấu có lời giải thích từng bản khúc nhạc và từng bước đi trong quá khứ của nhạc dân tộc của các MC Hoàng Việt Khanh và Ông Thị Như Ngọc. Ngoài Võ Vân Ánh, dàn nhạc phụ họa gồm những nghệ sĩ với kiến thức rất sâu và trình diễn hoàn hảo các nhạc cụ cổ truyền cũng như các nhạc cụ tân thời như: Chris Brague (trống) vốn là giáo sư nhạc gõ tại trường Ðại Học UC Berkeley, Vũ Thịnh - một giáo sư về nhạc dân tộc và là tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu nhạc cụ cổ truyền, nhất là công trình nghiên cứu đàn nguyệt và cồng, Bảo Văn - một kiến trúc sư, chơi keyboard tài tử nhưng rất điêu luyện và có nghiên cứu nhạc cổ truyền, Quốc Vũ - một dương cầm thủ và keyboard già dặn và từng chơi cho rất nhiều câu lạc bộ trong cộng đồng Nam California, Huy Phan - học nhạc tại trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn sử dụng bass để giữ nhịp cho những cung điệu cổ, Mỹ Thuận Trần, Sông Mỹ Trần và Thùy An Trần vốn là những chị em ruột và là học trò của nhạc sĩ Võ Vân Ánh về đàn tranh, đàn bầu. Riêng Thùy An Trần và Sông Mỹ Trần còn là dương cầm thủ và vĩ cầm thủ trong dàn nhạc giao hưởng San Jose Youth Symphony Philharmonic Orchestra.
Riêng Võ Vân Ánh, với một quá khứ học tập chứng tỏ được tài năng và được xác nhận qua những buổi trình diễn quốc tế tại Bắc Mỹ, Âu Châu và Á Châu, đã là trụ cột trong buổi trình diễn có tính chất vinh danh nền âm nhạc cổ truyền này. Với khả năng trình diễn tuyệt vời các loại đàn tranh, đàn bầu, đàn t'rưng và đàn k'longpút của đồng bào sắc tộc thiểu số cao nguyên Trung Phần Việt Nam, trong suốt 3 giờ đồng hồ, cô đã dẫn được khán thính giả trở lại với thời kỳ huy hoàng nhất của nhạc cổ truyền Việt Nam và làm nổi bật được phong cách trình diễn rất cách tân của cô. Với tài năng, sự sáng tạo, Võ Vân Ánh đã cho khán thính giả thấy rằng, kho tàng văn hóa dù có huy hoàng đến đâu đi nữa trong quá khứ mà người đào bới nó ngày nay không không phủi được hết lớp bụi thời gian và không thổi vào nó một sinh khí với cách trình bày mới mẻ và có sáng kiến, nó vẫn chỉ là kho tàng nằm sâu dưới lòng đất.
Từ tác phẩm “Hoa Thơm Bướm Dạo”, “Mùa Xuân Ðến”, “Hương Sen Ðồng Tháp”, “Cây Trúc Xinh”, cho đến “Vọng Cổ”, “Ðất Nước Lời Ru”, “Ru Con Nam Bộ”, “Suối Ðàn t'rưng”, “Lý Qua Cầu”... “Lý Cái Mơn”, rồi đến “Ngồi Tựa Mạn Thuyền”, “Quê Ta”, “Bèo Dạt Mây Trôi” và cuối cùng là “Ngõ Chiều”... nhạc sĩ Võ Vân Ánh và dàn nhạc đã dẫn người nghe đi từ quan họ Bắc Ninh đến vọng cổ, các điệu dân ca Miền Nam, các điệu lý với các loại đàn, khi thì tranh, khi thì bầu, với ngón đàn mới mẻ, điêu luyện, biến ảo và hấp dẫn. Những ai từng sống ở cao nguyên Trung Phần Việt Nam, chắc hẳn đã hơn một lần nghe tiếng đàn k'lôngpút hay đàn t'rưng do chính những nghệ nhân đồng bào thiểu số trình bày, khi nghe phần trình bày cũng loại đàn này của Võ Vân Ánh, hẳn sẽ thấy rõ rằng, thang âm của những loại đàn này căn bản vẫn thế, nhưng với sáng kiến và sự khéo léo của Võ Vân Ánh, bài “Mùa Xuân Ðến” đã bộc lộ hết chiều sâu của niềm vui và hạnh phúc núi rừng hoang dã. Ở phần biểu diễn đàn t'rưng cũng vậy. Qua tác phẩm “Suối Ðàn T'rưng”, người nghệ sĩ này đã cho người nghe thấy chất tài hoa trong tác phẩm của nhà soạn nhạc Nhật Lai dựa theo nhạc dân gian của một dân tộc thiểu số ở Kontum. Sự hài hòa của bộ gõ này được nhân lên rất cao nhờ tài năng của người trình diễn là Võ Vân Ánh.
Những tràng pháo tay hoan nghênh khó dứt được sau mỗi phần trình diễn và khi tác phẩm “Ngõ Chiều” kết thúc, khán giả đã đứng lên và những tràng pháo tay ngưỡng mộ kéo dài khiến Võ Vân Ánh đã trình bày thêm 2 tác phẩm ngoại quốc trong đó đáng chú ý nhất là bài “Sakura” của Nhật Bản được chơi với đàn tranh 22 giây thay vì phải chơi bằng đàn samisen của dân tộc Nhật. Nhưng điều gây ngạc nhiên và thích thú là khi “Sakura” được Võ Vân Ánh trình bày bằng đàn tranh, nó vẫn bộc lộ được “chất Nhật” không thua gì những âm trầm của samisen. Nhưng trên hết, “Sakura” đã được Võ Văn Ánh mài giũa thanh hơn, mênh mang hơn.
Những tràng pháo tay, những bó hoa đã được đem lên sân khấu như một lời vinh danh Võ Vân Ánh, dàn nhạc và những người còn nặng lòng văn hóa dân tộc như các bạn trẻ trong tổ chức Mosaic Cultural Encounter trong đó có những khuôn mặt quen thuộc và nhiệt tình như Nguyễn Ðan Chi, Ông Thị Như Ngọc, Hoàng Việt Khanh.
Mosaic Cutural Encounter (MCE) là một tổ chức bất vụ lợi đã tạo nhiều sự kiện văn hóa đáng kể từ năm 2000 đến nay bằng những chương trình nhạc, diễn thuyết, hội họa. Buổi trình diễn của Võ Vân Ánh được kể là một khám phá mới của MCE.

(Theo NGƯỜI VIỆT)

http://nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=5276&z=17

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét