Chủ Nhật, 2 tháng 12, 2012

Kỳ nhân võ sáo rừng Yên Thế - KỲ CUỐI: Nỗi buồn của cây thiết bảng


Kỳ nhân võ sáo rừng Yên Thế

Kỳ cuối: Nỗi buồn của cây thiết bảng

Ông Trịnh Như Quân lĩnh hội được một môn võ độc đáo của đất Yên Thế. Bằng tài nghệ của mình, ông đã sáng tạo nâng võ sáo lên mức tuyệt kỹ, nhưng điều ông lo lắng nhất là nếu mai này ông chết đi thì ai sẽ là người thay ông giữ và tiếp lửa cho môn võ truyền thống này.

Nếu không tìm được truyền nhân, những thế võ này sẽ tuyệt tích trong thiên hạ.
Đầu tiên, khi tiếp chúng tôi, ông Quân cầm cây “Thích tiêu tương” thổi ngay bài Con thuyền không bến, một ca khúc lấy cảm hứng từ dòng sông quê mình mà từ nhỏ ông đã rất thích và nhập tâm. Tiếng sáo cất lên cao vút lúc bổng lúc trầm, da diết, khắc khoải như nỗi niềm của người lữ khách trên sông Thương. Giữa buổi trưa tĩnh mịch, âm thanh cất lên thuộc âm vực cao xoáy vào trong tai mê hoặc khiến đầu óc chúng tôi có cảm giác mụ mị, chân tay bủn rủn…

Cây xà beng biết “khóc”

Thổi xong bài Con thuyền không bến, ông Quân lại cầm sáo, đắm đuối thổi liền một mạch mấy ca khúc của Đặng Thế Phong, Văn Cao như: Buồn tàn thu, Giọt mưa thu, Thiên thai, Trương Chi… Tiếng sáo như than, như khóc xoáy vào lòng người những điệu buồn thê lương. Ông Quân gọi những cây sáo này là “cây xà beng biết khóc”. Ông bảo, nếu chỉ gọi là xà beng biết hát thì bình thường quá, vì nó không chỉ biết phát ra âm thanh mà còn lay động lòng người, diễn tả được rất thân tình tiếng lòng của nhạc sĩ trong mỗi giai điệu. Mỗi âm thanh là một tiếng đời thổn thức, lúc réo rắt, nhẹ nhàng, nhưng lúc bi ai, thảm thiết như cấu xé vào lòng người khiến cho đau mà không thốt nên lời, chỉ biết rơi lệ mà thôi.

Thổi sáo sắt đòi hỏi phải có kỹ thuật cao trong vận khí, tức là phải biết lấy hơi liền một mạch, khí lực phải khoẻ và thăng bằng mới đủ hơi để thổi. Cái thú vị nổi trội của sáo sắt so với sáo trúc là âm thanh sáo sắt rất vang, khiến người nghe có cảm giác như tiếng vọng từ núi rừng. Cây “Thích tiêu tương” nặng hơn 4kg, với người thường chỉ cầm thôi đã nặng tay nhưng ông Trịnh Như Quân cầm nhẹ như không và thổi liền một mạch mấy ca khúc đủ thấy khí và lực của người đàn ông ngót 60 tuổi này dồi dào đến cỡ nào. Ông Quân cho biết, ông muốn nâng cây sáo lên một bậc trở thành một kỳ vật trong thiên hạ. Cây sáo truyền thống sử dụng trong bài võ mà cụ Triệu Quốc Uý truyền dạy vốn chỉ có kích thước 60 phân và nặng 0,3kg nhưng ông Quân đã thay đổi bằng cách nâng kích thước cũng như độ nặng của cây sáo lên. Ông chọn vật liệu bằng sắt và nhờ người đúc thành một cây xà beng rỗng ruột có chiều dài một mét và nặng 2,8kg. Rồi ông tỉ mỉ ngồi đục các lỗ cho cây sáo. Nghe thì có vẻ đơn giản, bình thường, nhưng để thay đổi về độ dài và trọng lượng, việc chỉnh cho âm thanh chuẩn là rất phức tạp, đòi hỏi người nghệ sĩ phải vô cùng tỉ mỉ. Ông đã thành công và rất mãn nguyện khi cây sáo sắt của mình cho âm thanh chuẩn có thể hoà tấu được với dàn nhạc điện tử.

Làm xong cây sáo mà ông đặt tên là “Giọt mưa thu”, ông làm thêm ba cây sáo nữa là “Cõi thiên thai” dài 1,3m, nặng 3,5kg, “Thích tiêu tương” dài 1,6m nặng 4kg và đặc biệt cây “Thăng Long” dài 2,1m, nặng 5,1kg. Để làm được bốn cây sáo đó, ông phải tìm một lò rèn nổi tiếng ở đất Bắc Ninh rèn giúp, chữ Nho viết trên sáo ông nhờ nhà nghiên cứu Trần Văn Lạng, giám đốc nhà bảo tàng tổng hợp tỉnh Bắc Giang thảo rồi nhờ một nghệ nhân cao tay từng đục bia ở Văn Miếu khắc lên. Còn các lỗ sáo thì đích thân ông ngày ngày khoan đục mất nhiều năm ròng mới hoàn thành. Và để có thể “chế ngự” được những cây sáo đặc dị ấy, ông Quân phải mất tám năm trời, ngày nào cũng kiên trì luyện tập mới biến chúng thành những cây thiết bảng vừa như một thứ vũ khí, lại vừa biết tấu lên những khúc nhạc làm say lòng người.

Biết tìm đâu ra truyền nhân

Mỗi âm thanh là một tiếng đời thổn thức, lúc réo rắt, nhẹ nhàng, nhưng lúc bi ai, thảm thiết như cấu xé vào lòng người khiến cho đau mà không thốt nên lời, chỉ biết rơi lệ mà thôi.
Ông Quân chia sẻ, điều ông lo lắng nhất bây giờ là không tìm được người để truyền lại môn võ độc đáo này. Theo ông Quân thì đánh võ không khó, nó cũng chỉ là những chiêu thức của các môn phái võ khác, chỉ cần người có căn cơ võ học một chút là có thể lĩnh hội được. Nhưng cái khác của trường phái võ sáo là phải kết hợp âm nhạc với võ thuật.

Ông Quân cũng đã từng thu nhận nhiều đệ tử nhưng người có khả năng về võ thuật thì lại không có khả năng thổi sáo còn người có khả năng thổi sáo thì lại không đủ công phu để có thể múa cây sáo sắt cũng như có đủ khí lực. Học trò võ thuật của ông ít nhiều cũng có người rất nổi tiếng trong giới võ thuật nhưng phần lớn trong số họ, không có niềm đam mê âm nhạc, mà lại thiếu tính kiên trì vì học võ một thì học nhạc phải mười nên không thể trở thành truyền nhân tiếp theo của võ sáo.

Cách đây gần 20 năm, nhờ duyên mà ông được võ sư Triệu Quốc Uý truyền lại môn võ trước khi nhắm mắt. Liệu bao nhiêu năm sau nữa ông mới có được một cuộc hạnh ngộ như sư phụ của mình năm xưa? Câu hỏi đó cứ canh cánh trong lòng người võ sư khiến nhiều đêm ông mất ngủ. Cứ nghĩ đến lúc mình nằm xuống mà vẫn chưa tìm được truyền nhân khiến môn võ độc đáo này tuyệt tích thiên hạ là ông lại thở dài. Nhiều đêm mất ngủ, ông cầm cây sáo ra cầu Xương Giang, một mình đứng giữa bao la trời đất tấu lên những ca khúc da diết đầy nỗi niềm bi ai. Trong tiếng sáo đó, không chỉ chứa đựng nỗi sầu vạn cổ của tiền nhân, mà còn chất chứa cả tâm trạng cô đơn của một người lữ khách độc hành đang đi về phía cuối đường mà chưa tìm thấy người tiếp bước mai sau.

BÀI VÀ ẢNH: HÀ DỊU
(theo sài Gòn tiếp thị)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét