Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Réo rắt đàn tranh

Réo rắt đàn tranh

Cơn mưa bất chợt tối 23/7 đã không đủ sức ngăn những bước chân yêu thích đàn tranh tìm đến Cung văn hóa Lao Động để thưởng thức chương trình Hội ngộ đàn tranh lần II - 2011. Không như cuộc biểu dương lực lượng năm 2010, cuộc hội ngộ lần II có ít nghệ sĩ (NS) hơn nhưng chất lượng nghệ thuật được đánh giá cao hơn nhiều - đúng như cam kết của BTC.

Xuất hiện trong chiếc áo dài xanh kiểu cổ, NS Hải Phượng đã không chỉ giới thiệu đến khán giả hai tác phẩm âm nhạc tài tử miền Nam là Song phi hồ điệp và Bình sa lạc nhạn mà còn trình bày cả một thủ pháp chơi đàn Nam bộ - thâm trầm, chững chạc, an nhiên. Kết thúc tiết mục, chị vào thay một bộ áo dài cổ thuyền hiện đại để diễn tấu Thoáng hương quê với những giai điệu mới. Chi tiết rất nhỏ đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của người NS đối với dòng nhạc mình đang chơi. Rồi chị lại đổi đàn để chơi bản Cơn lốc của Minoru Miki. Bằng những động tác vỗ dây, nhấn, mổ mạnh mẽ, dứt khoát, Hải Phượng đã tái hiện trên sân khấu cả một trận cuồng phong khiến khán phòng òa vỡ những tràng vỗ tay tán thưởng. Tác phẩm được sáng tác cho đàn koto của Nhật, song đúng như Hải Phượng đã hứa - chị sẽ yêu cầu đàn tranh “nói tiếng Nhật” hầu chuyện khán giả. Đó không chỉ là câu chuyện tài năng NS mà còn cho thấy khả năng biến hóa đa dạng của cây đàn tranh.


Hai nghệ sĩ Hải Phượng - Vân Ánh song tấu Gió phương Nam trong đêm Hội ngộ đàn tranh 2011 - Ảnh: P.T.N.


Vừa hát, vừa nhảy vừa chơi tam thập lục, t’rưng, violon, cồng, các NS nhóm Mặt trời đỏ tiếp tục làm bùng nổ sân khấu bằng sự trẻ trung, sinh động của mình. Ai đã bảo nhạc dân tộc chỉ biết sầu bi, ảo não? Không! Nó hoàn toàn có thể tươi vui và rất hiện đại. Cây đàn tranh, như lời NS Võ Vân Ánh, cũng không chỉ bó hẹp trong những bài bản cổ truyền Việt Nam. Nó không chỉ biết nói tiếng Nhật như trong tiết mục của Hải Phượng. Đàn tranh còn biết nói cả ngôn ngữ châu Phi khi Vân Ánh tung tăng bản Bụi đường vó ngựa đậm chất new age của Đỗ Bảo. Vẫn với tác phẩm She’s not she (Cô ấy không là cô ấy hôm qua) từng được thể hiện trên sân khấuHội ngộ đàn tranh năm trước, lần này Vân Ánh đã thêm vào phần biểu diễn của mình những tiếng ngân nga khắc khoải khi cô ấy vẫn là cô ấy nhưng không còn là cô ấy của ngày hôm qua. Rồi chị lại tiếp tục gây ngạc nhiên cho khán giả khi hát chầu văn ngay trên sân khấu CVH Lao Động.

Bằng thủ pháp chặn dây điêu luyện, Vân Ánh tái hiện trên sân khấu Vũ điệu của nắng và cuộc “đối đầu cổ-kim” giữa Hải Phượng và Vân Ánh đã diễn ra thể theo nguyện vọng của nhiều khán giả. Tuy Hải Phượng chơi đàn bầu và Vân Ánh chơi đàn tranh (Hải Phượng giải thích đây là tiết mục ngẫu hứng, chỉ được tập luyện với nhau trong thời gian ngắn) nên “cuộc đấu” vẫn chưa rõ nét (giá như cả hai cùng chơi đàn tranh hẳn sẽ thú vị hơn nhiều) nhưng tiếng đàn hòa điệu của hai nghệ sĩ tài danh cũng đã giúp khán giả mãn nhãn, mãn nhĩ.

500.000đ mỗi chiếc vé VIP là con số không nhỏ tại một show nhạc dân tộc. Thật bất ngờ khi khán giả đến chật kín khán phòng và lưu lại cho đến tận tiết mục cuối cùng. Đó chính là thành công không thể chối cãi của Hội ngộ đàn tranh lần II - khác nhiều so với hình ảnh khán giả lục tục ra về ở gần cuối chương trình Cầm tay mùa hè diễn ra cùng đêm tại Nhà hát Hòa Bình.

Hoàng Hưng
(Theo Phụ Nữ online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét