Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

NHỮNG GIÂY PHÚT KHÓ QUÊN


NHỮNG GIÂY PHÚT KHÓ QUÊN

Những ngày cuối năm, sau khi đã thi môn cuối cùng, bạn bè nô nức khăn gói về quê, nhưng tôi cố nán lại, để chờ đợi một sự kiện đặc biệt – buổi liên hoan cuối năm của Câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương.

Sáng chủ nhật hôm ấy, vẫn cái se lạnh của tiết cuối đông, và tôi đến câu lạc bộ sớm hơn thường lệ. Lớp hôm nay vắng hơn mọi ngày, có lẽ nhiều anh chị học viên đã về quê hoặc bận rộn chuẩn bị Tết. Nhưng cái không khí vắng vẻ đó không kéo dài lâu. Một lúc sau Cô đến, cùng với một số anh chị, tay xách nách mang lỉnh kỉnh đồ đạc. Hỏi ra mới biết vì sao hôm nay Cô không đến sớm như ngày thường. Cô và các chị đã tất bật mua đồ cho ngày hôm nay, và việc chuẩn bị đã bắt đầu cách đây hơn một tuần. Tự nhiên thấy mình hơi buồn một chút, vì cả tuần qua mình vẫn chưa thi xong nên không phụ giúp được gì cho Cô. Thôi kệ, hôm nay mình cố gắng hết mình để bù lại những ngày qua, góp chút sức mình vào buổi tiệc. Ngay sau giờ học kết thúc, mỗi người một tay, kê bàn ghế, trải khăn bàn, xếp chén dĩa. Với tiêu chí “Ngon, bổ, rẻ, nhanh, gọn, nhẹ”, nên tất cả chén dĩa ly đều bằng nhựa, dùng một lần rồi vứt, không mất quá nhiều thời gian cho việc dọn dẹp. Lớp học mỗi lúc một đông hơn, tiếng nói cười rộn rã, những dáng người tất bật. Tôi bỗng cảm thấy vui và hạnh phúc vì được sống trong một trường thật chan hòa, đầm ấm, ai cũng vui vẻ cùng nhau để lo cho việc chung.

Đúng 10h45, mọi thứ đã sẵn sàng. Trong lúc chờ khách đến, thầy Thái Hòa tổ chức cho cả CLB hát vài bài để hâm nóng không khí. Tuyệt vời nhất là một bác cao tuổi trong lớp dân ca đã cống hiến cho lớp hai bài quan họ, với chất giọng mộc mạc và truyền cảm. Chính những người như bác là người góp thêm chất lửa để những thế hệ trẻ như chúng tôi thêm yêu, thêm trong những giá trị cổ truyền của dân tộc. Phần văn nghệ càng lúc càng sôi nổi, càng hăng hơn với tiếng trống của anh Cảnh xen với tiếng vỗ tay hết mình của chúng tôi. Chúng tôi như quên hết cái đói mà chỉ ít phút trước còn gào thét khi những đĩa thức ăn “trêu ngươi” trước mặt. Những giai điệu dân ca quen thuộc mà hàng tuần ban nhạc vẫn đệm cho lớp dân ca. Vừa nghe, đôi khi tôi lại “ngứa tay”. Gần 70 con người, trình độ khác nhau, quê quán khác nhau, nghề nghiệp khác nhau, nhưng khi đã đến đây như hòa làm một, cùng vổ tay, lắc lư, hòa giọng ca, tiếng trống.

Mười lăm phút qua nhanh, và khách đã đến. Sau khi Cô giới thiệu lý do buổi tiệc và các vị khách mời, bữa tiệc bắt đầu. Rượu được khui ra, nước ngọt được rót cho từng người. Ly rượu (cũng là ly nhựa. :D) được chuyền cho từng người, có người uống được, có người chỉ nhấp môi. Nhưng có lẽ không cần men rượu, men tình trong mỗi người đã nhóm tự khi nào. Bữa tiệc chắc chắn sẽ còn kéo dài hơn nữa nếu Cô không nhắc đã hết giờ cho tiết mục “ăn” và bắt đầu tiết mục “chơi”. Cô Khánh Vân bận việc về sớm, nên giao cho Phước một “nhiệm vụ hết sức cao cả”: “Quyên góp” xương gà cho món lẩu “xí quách” cho mấy con kiki nhà cô. Mọi người kháo nhau “ Ở đây 70 người thì phải gom cho đủ 70 cục xương nhe, thiếu một cục là coi chừng...”. Chàng ta chỉ biết bẻn lẽn  đi làm “nhiệm vụ” của mình. Còn hoàn thành xuất sắc hay không, thì để tôi hỏi lại anh ta. laughing

Phần trò chơi là phần sôi động nhất. Mở đầu là rút thăm trúng thưởng. Những lá thăm được chuẩn bị từ đầu giờ, có tên của tất cả những người có mặt, được cho vào một cái hũ hình con gấu (cái này chắc của bé Thỏ đóng góp nè. big grin). Từng cái tên được xướng lên, và Cô đích thân trao từng bao lì xì kèm những lời chúc, và “khuyến mãi” thêm một dây lộc lấp lánh nữa. Mỗi người tự đọc lời chúc của mình. Và cả lớp được một phen cười nghiêng ngả khi thầy Luận đọc lời chúc của mình. Nguyên nhân vì sao thì xin mọi người liên lạc với thầy để biết thêm chi tiết. clown. Tiếp tục là những trò chơi như cặp đôi ôm bóng, hò dài hơi (cái này mình giải nhất nè, chắc mình có tương lai đi hát vọng cổ được đó. Hehe), ngậm muỗng. Và trò vui nhất vào phút cuối, mỗi người buộc một trái bóng vào chân, và cố gắng đạp bể bóng của người khác. Đây là trò chơi thu hút nhiều người nhất (năm sau nếu tổ chức lại trò này, đề nghị cô chống chỉ định với giày cao gót – vũ khí ưu thế tuyệt đối của chị em phụ nữ tongue). Bé Thỏ cũng chạy vô đeo một trái bóng vào chân, nhưng đành tiu nghỉu  bước ra vì trò này “chống chỉ định” luôn với trẻ em cao dưới 1m3. Sau tiếng hô bắt đầu, một cảnh hỗn chiến cực “tàn khốc” đã diễn ra, xen giữa tiếng cười và tiếng bóng bể. Và 2 bạn thắng giải lại là hai bạn nữ mang giày “xẹp”. Đó gọi là “phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi”. :))

Sau tán cuộc chơi, hiện ra trong lớp học là một bãi chiến trường. Trước khi dọn dẹp ra về, mọi người ngồi lại cùng hát một bài như trao nhau những lời chúc một lời chúc Tết thật mộc mạc và chân thành. “Vui là vui quá, vui là vui ghê”... waveMỗi người góp một tay, dọn dẹp để trả về căn phòng gọn gàng, sạch sẽ. Mọi người chia tay nhau, từng cái vẫy tay, từng nụ cười như muốn nói:

“Hãy tận hưởng một màu Xuân mới thật tuyệt vời nhé, hẹn gặp lại.”

Kim Long 

(Học viên lớp Đàn Tranh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét