Tiếng đàn tranh giữ hồn quê
Thông qua tiếng đàn tranh, những nét đẹp của Việt Nam đến với bạn bè nước ngoài.
Với khoảng 12.000 người, Bỉ là một trong những quốc gia châu Âu có khá đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống. Một số tổ chức của người Việt Nam đã được thành lập tại Bỉ như Hiệp hội Hoa Sen, Hội người Việt Nam, Tráng sĩ đạo, Thủy Pháp, Tấm lòng vàng, nhóm Nam Giao… Bằng những cách thức khác nhau, các tổ chức này đã đóng góp vào việc kết nối người Việt với quê hương cũng như hỗ trợ bà con hội nhập với đời sống bản địa.
Bà Đoan Vinh xa quê hương từ năm 1971, nhưng nét văn hoá Việt Nam thì vẫn lưu giữ trong sâu thẳm tâm hồn bà. Chẳng thế mà cả cuộc đời bà luôn gắn bó với nghệ thuật dân tộc Việt Nam, thấm thoắt đã 35 năm, từ năm 1976 tới nay. “Ngày trước, tôi biểu diễn múa cùng với các chị đồng nghiệp, khi họ lập gia đình và không múa nữa. Sau này, đến khi họ có con thì tôi vẫn tiếp tục dạy các con họ múa. Giờ đây, tôi đã đồng hành với nghề múa đã 3 thế hệ!”- Bà Đoan Vinh vui vẻ kể.
Đối với những người làm nghề múa thế hệ của bà Đoan Vinh khi ấy, mọi việc không hề đơn giản như bây giờ, bởi vì việc giao lưu giữa trong nước với nước ngoài rất hạn chế. Nên hầu hết các đạo cụ múa đều thiếu, để có đạo cụ diễn bà Đoan Vinh và đồng nghiệp phải tự làm.
Bà Đoan Vinh nhớ lại: “Hồi ấy, để có áo tứ thân biểu diễn, chúng tôi phải đi mua vải về cắt may. Đi tìm những chiếc tràng mây về mày mò làm thành nón quai thao”.
Ở Bỉ, nhiều người Việt Nam và người Bỉ còn biết đến bà Đoan Vinh qua tiếng đàn tranh. Người dạy cho bà biết về kỹ thuật đàn tranh là nghệ sỹ Phạm Thuý Hoan, mẹ đẻ của nghệ sỹ Hải Phượng.
Bà Đoan Vinh đã truyền tình yêu nghệ thuật đàn tranh cho cô con gái lớn, và giờ đây là những đứa trẻ con người Việt, cũng như những người Bỉ đam mê văn hoá Việt Nam. Những buổi nói chuyện về cây đàn tranh- một loại nhạc cụ của người Việt được bà truyền dạy cách đánh, cách hoà ấm không chỉ thế hệ trẻ người Việt mà người Bỉ cũng rất thích thú say mê học.
Trong những hoạt động của nhóm Nam Giao, ngoài các hoạt động như múa, hát, đàn, dạy nấu ăn… bà Đoan Vinh còn chú trọng việc dạy và thực hành tiếng Việt. Bà có 3 con và dù sống ở trời Tây, cả 3 con bà đều nói tốt tiếng Việt.
Theo bà Đoan Vinh, điều quan trọng đối với việc duy trì tiếng Việt trong các gia đình Việt kiều là vai trò của các bậc cha mẹ. Nhưng bên cạnh đó, bà cũng cố gắng tạo môi trường tiếng Việt bằng cách thường xuyên nói tiếng Việt và khuyến khích nói tiếng mẹ đẻ trong các hoạt động của nhóm Nam Giao.
Hiện nay, bà Đoan Vinh và nhóm Nam Giao đang tích cực chuẩn bị cho phần tham gia của Việt Nam trong Tuần lễ về châu Á do Bảo tàng Hoàng gia Bỉ tổ chức đầu tháng 3/2011. Trong chương trình này, người Bỉ sẽ được khám phá nghệ thuật vẽ tranh Đông Hồ, các loại nhạc cụ cổ truyền như đàn tranh, đàn bầu, đàn T’rưng... và được mời tham gia màn múa sạp truyền thống của Việt Nam. “Xưa nay, khi nhắc đến Việt Nam, người nước ngoài thường nói đến chiến tranh. Thông qua hoạt động này, tôi muốn giới thiệu những nét đẹp của Việt Nam đến với bạn bè nước ngoài”- bà Đoan Vinh cho biết.
Trước đó, các “nghệ sỹ nhí” của nhóm Nam Giao sẽ đóng góp một tiết mục đặc sắc trong chương trình nghệ thuật mừng Xuân do Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ tổ chức.
Bằng những hành động đầy ý nghĩa của mình, nhóm Nam Giao cùng các tổ chức hội đoàn khác của người Việt ở Bỉ đang góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hoá của người Việt và giúp cho người dân Bỉ hiểu biết hơn về một đất nước Việt Nam tươi đẹp và giàu bản sắc văn hoá./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét