Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

VÂN ÁNH: Âm nhạc và lòng từ thiện


VÂN ÁNH: Âm nhạc và lòng từ thiện


Cả thính phòng nín lặng lắng nghe từng nốt nhạc réo rắt từ chiếc đàn tranh, và òa vỡ là những tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt không những từ khán giả người Việt mà cả người bản xứ. Với nhân dáng thanh thoát trong tà áo dài nhung xanh cổ truyền Việt Nam, điểm nét vẽ đính hạt trai cùng kim tuyến mềm mại lượn quanh, và gương mặt khả ái cùng phong cách biểu diễn điêu luyện của cô từ đàn tranh, bầu và T’rưng, Võ Vân Ánh chính là cái đinh của đêm gây qũy Wheel & Grace để gửi 1,000 chiếc xe lăn giúp người nghèo và tàn tật tại Việt Nam. Đây là dự án hợp tác giữa hội từ thiện VNHelp và Wheelchair Foundation trong đêm thứ Bảy 21 tháng 10 tại BlackHawk Museum, thành phố Danville, California.


Khác với vẽ lộng lẫy trên sân khấu, Vân Ánh đến với Việt Tribune trong bộ váy hoa nhỏ đơn sơ lịch sự cùng nụ cười thật tươi, cô trông thật trẻ thơ khi không cần phấn son. Nhìn cô, người ta tưởng đang gặp một nữ sinh viên đại học chứ không là người mẹ với 2 cô công chúa xinh xắn: một vừa mới 10 tháng và bé lớn đã hơn ba tuổi. Với giọng nói ngọt ngào của cô gái Hà Nội, Vân Ánh cho biết: cô làm quen với âm nhạc khi lên bốn. Lên 6, vừa học chữ tại trường, Vân Ánh vừa theo học sơ cấp về âm nhạc cổ truyền, sau đó cô thi tuyển vào trung cấp của Nhạc Viện Quốc Gia Hà Nội. Thường ở bậc trung cấp phải đến bốn năm mới xong, nhưng sau ba năm Vân Ánh đã được thi tốt nghiệp với chứng chỉ ưu hạng cho tất cả những bộ môn mà cô theo học gồm 7 loại đàn: đàn Tranh, đàn Bầu, đàn T’Rưng, Klongput, Tam Thập Lục, đàn Tứ Trầm và Bộ Trống Dân Tộc.

Năm 1995, Võ Vân Ánh tham gia cuộc thi Quốc Gia Đàn Tranh tổ chức tại Sài Gòn và đoạt giải nhất Quốc Gia về môn đàn tranh lúc vừa 21 tuổi, cùng giải đặc biệt dành cho Người Chơi Nhạc Dân Tộc Mới Hay Nhất. Khi được hỏi, như vậy cô có được DNA di truyền từ ai trong gia đình, Vân Ánh cho biết trong nhà, mẹ và chị cô không dính gì đến âm nhạc, chỉ có ba cô là nhạc sĩ về guitar thôi.

Năm 1997, Vân Ánh đứng ra thành lập nhóm Nhạc Đồng Nội, gồm 7 người chơi những nhạc khí cổ truyền dân tộc, trong đó có 5 người đã từng đoạt được huy chương vàng hoặc bạc cho những nhạc cụ mà mình xử dụng. Thanh Hương – cây Sáo nữ duy nhất ở Việt Nam, Trường Giang – đàn Bầu, Lan Hương – Tam Thập Lục, Kiều Anh – Trống, Ngọc Quyền – chơi Tứ Trầm đồng thời cũng phối âm cho cả nhóm, Thùy Anh – đàn Cò, Đức Hà – đàn Cò và Tứ Trung. Ban nhạc đã nổi tiếng trong nước và được mọi giới, nhất là học sinh và sinh viên yêu thích vì tất cả đều còn trẻ và trình độ nghệ thuật cao.

Ngoải việc trình diễn và dạy học ở Quốc Gia Âm Nhạc Hà Nội, thỉnh thoảng Võ Vân Ánh vẫn được các cơ quan nghiên cứu văn hoá văn học và nghệ thuật cổ truyền Việt Nam của các nước khác mời đi biểu diễn. Cô đã trình diễn tại Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Đài Loan, Pháp, Ý, Đức và Mỹ.

Chuyến đi biểu diễn đầu tiên năm 1995 tại thành phố Oakland, California là chuyến đi ấn tượng nhất trong đời Võ Vân Ánh. Có vui, có buồn và cũng là chuyến đi định mệnh. Lúc đó, cô chỉ nói được chút ít Anh ngữ. Vân Ánh trình diễn 5 loại nhạc cụ khác nhau trong đêm diễn nên được mọi người chú ý. Cô lại là người trẻ nhất trong nhóm nên luôn luôn có người theo canh chừng vì sợ cô trốn ở lại. Võ Vân Ánh không trốn, nhưng trái tim của cô đã để lại ở đất nước Hoa Kỳ. Trong những ngày trình diễn chung với đoàn múa rối nước, cô gặp được một thanh niên, ít nói, luôn tình nguyện đưa rước Vân Ánh và các nghệ sĩ trong đoàn đến những nơi cần thiết. Đó là Steven Thu Huỳnh, người bạn đời của cô hiện nay.

Nhắc đến Steven, Vân Ánh cười, hạnh phúc làm mặt cô rực sáng. Vân Ánh nói, chuyện của Steven cũng giống tiểu thuyết lắm đấy. Gia đình của Steven là người Việt gốc Trung Hoa, anh sinh trưởng ở Vũng Tàu, vùng đất biển của miền Nam Việt Nam. Vừa độ tuổi cắp sách đến trường, năm 1979, xảy ra cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung, cậu nhỏ tên Lương bị bạn bè trong trường đuổi đánh vì tội “Tàu phù, xâm lăng”. Mẹ xót con, bắt cậu ở nhà, không dám cho đi học. Mãi đến năm Steven lên 9, thương con ham học cha mẹ của cậu phải mướn riêng một giáo viên đến nhà dạy chữ cho con. Steven cùng ba mẹ qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình năm 1987. Cậu học trò 14 tuổi đi thẳng vào bậc trung học, sau đó anh được nhận vào viện đại học nổi tiếng UC Berkeley. Steven xong phần cử nhân và tốt nghiệp cao học Electronic Engineering. Ra trường, Steven Thu Huỳnh gia nhập công ty Maxim, trong thời gian 6 năm làm việc, Steven là kỹ sư có những sáng chế giỏi nhất cuả hãng. Song song với việc học và đi làm, Steven dành thời giờ còn lại của mình vào những hoạt động xã hội, từ thiện. Đã từng bị đánh đòn nhưng anh không còn nhớ và hờn giận gì Việt Nam cả. Anh vẫn cố gắng làm được những gì anh có thể để giúp đỡ phát triển và giữ gìn nét đẹp của cộng đồng Việt Nam. Steven ở trong nhóm Hướng Việt và là một trong những người dạy tiếng Việt vào cuối tuần. Ngoài ra anh còn giúp các nhóm từ thiện khác trong những sinh hoạt văn hoá và gây quỹ. Nhờ đó anh gặp được Vân Ánh, và chính vì tư cách của Steven mà ngoài tình yêu, anh còn được sự tín cẩn và quý trọng của cô.

Biết nhau từ 1995, đến 2001 Steven đã chính thức đeo nhẫn vào ngón tay áp út của Vân Ánh. Hỏi tại sao kéo dài đến 6 năm, Vân Ánh tự hào: “Đây chính là điểm làm em càng yêu quý anh thêm. Anh phải lo nhà cửa cho ba mẹ xong, rồi mới nghĩ đến việc cưới vợ.”

Vân Ánh theo chồng qua Mỹ, ngoài việc dạy đàn cô còn tham gia vào những chương trình từ thiện và các công tác xã hội như trình diễn tại Milpitas Library, Community Center cô muốn đem làn điệu dân tộc đến với người Việt, nhất là những lứa tuổi lớn lên ở hải ngoại và cả người dân bản xứ cũng như những cộng đồng của các sắc tộc di dân khác.

Năm 2003, gia đình Vân Ánh dọn qua Thượng Hải. Steven thành lập công ty Active-Semi International, Corp. Trụ sở chánh do anh làm Chủ Tịch kiêm Tổng giám đốc nằm ở Sunnyvale, California nhưng hãng sản xuất ở Thượng Hải. Ngoài ra công ty còn có chi nhánh ở Hồng Kông, Đài Loan, Việt Nam, Thẩm Quyến và đang chuẩn bị thêm một vệ tinh nữa ở Hàn Quốc. Cô phụ chồng lo gia đình, các con, và tham gia những chương trình từ thiện.

Khi được hỏi sự khác biệt giữa khán giả ở hải ngoại và trong nước, Vân Ánh cho biết trình độ thưởng thức nhạc dân tộc của khán giả ở nước ngoài rất cao. Chẳng những thưởng thức mà còn rất yêu quí và trân trọng giòng nhạc cổ truyền. Mỗi lần trình diễn là thêm một lần cố gắng đem tất cả những cái hay cái đẹp Vân Ánh đã học hỏi thâu lượm được để cống hiến cho người tham dự. Một điều khác, Vân Ánh nhận xét, người Việt ở nước Mỹ ngay cả giới trẻ điều rất sốt sắng trong những công tác từ thiện hoặc bảo tồn văn hoá văn nghệ nước nhà hơn trong nước. Cô rất khâm phục vì Vân Ánh biết dấn thân làm thiện nguyện cho công tác từ thiện giúp đỡ người nghèo khó, khốn cùng phải có tấm lòng mới có thể làm được thế mà chương trình từ thiện nào khi hô hào lên cũng đều được đáp ứng rất thành công. Cô suy nghĩ và đem điều cô thấy từ cộng đồng Việt Nam về áp dụng trong đời sống của cô. Vân Ánh thành lập một nhóm nhạc nhẹ, đi diễn miễn phí ở các trường đại học để quảng bá nhạc cổ truyền đến với giới sinh viên học sinh, trình diễn lấy tiền giúp các trẻ em bị dị tật.

Ngoài việc bảo tồn và phát huy nhạc cổ truyền, Vân Ánh còn muốn nhạc cổ truyền cũng phải mang theo được hơi thở của thời đại. Vân Ánh đã từng chơi đàn chung với trống Taiko của Nhật. Chơi nhạc nhẹ dân tộc với ban nhạc Rock ở Mission College và biểu diễn nhạc Jazz bằng nhạc cụ cổ truyền lúc cô đang còn dạy ở Quốc Gia Âm Nhạc Hà Nội.

Tuy vậy, Vân Ánh vẫn còn ao ước một điều: chuẩn bị thật chu đáo cho đĩa CD mới của cô. Cô cũng mong công xưởng ở Thượng Hải đi vào được guồng máy chánh, cô sẽ trở về Mỹ tiếp tục những làn điệu quê hương và để có thể phụ một tay trong những công tác thiện nguyện.

Nước Mỹ, bây giờ đã là một quê hương thứ hai, một chốn để đi về của người nữ nhạc sĩ khả ái và tài năng.

Nguyễn Thị Mai Vi

(Theo Viet tribune)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét