Thứ Hai, 10 tháng 12, 2012

“Nói” với thế giới bằng đàn tranh


“Nói” với thế giới bằng đàn tranh


Bây giờ thì Vanessa Vân Ánh có thể đi bất cứ nơi đâu, chỉ với cây đàn tranh. Chị bảo, để cây đàn xưa cũ ấy “nói tiếng nói của ngày hôm nay, của thế hệ này”, cũng là cách chị mang âm nhạc dân tộc đến với bạn bè thế giới.


Vốn là một nghệ sỹ đàn tranh khá nổi tiếng ở Việt Nam, nhưng Vân Ánh theo chồng định cư ở Mỹ nhiều năm nay. Vừa về nước vào dịp cuối năm 2010 trong một chương trình biểu diễn cùng với các nghệ sỹ Nhật Bản tại Việt Nam, Vân Ánh đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện.

Nghe tiếng đàn tranh và ngắm nhìn chị “phiêu” với cây đàn trên sân khấu, rất khác hình ảnh thường thấy của một nghệ sỹ đàn dân tộc. Hiện đại, đầy ngẫu hứng và có phần phá cách.

Tôi học đàn tranh từ năm 6 tuổi, ngấm vào máu những kỹ thuật trình diễn với cây đàn cũng như hiểu cái hay, cái đẹp âm thanh của nó. Hồi nhỏ bố mẹ muốn tôi học cello, nhưng tôi bị mê hoặc bởi hình dáng của cây đàn tranh. Theo học chỉ vì tôi thấy nó đẹp chứ không phải vì nó cổ xưa... Tôi cũng muốn các bạn trẻ, hoặc các bạn nước ngoài nhìn thấy vẻ đẹp hiện đại đó của cây đàn truyền thống. Có lẽ vì thế nên hướng đi của tôi là muốn trình diễn với cây đàn như một nhạc cụ đương đại, không bị gò bó vào khuôn phép nào cả.

Chị chơi được nhiều loại nhạc cụ dân tộc, nhưng người ta biết đến chị nhiều nhất vẫn là cây đàn tranh. Cây đàn đó có ưu thế gì vậy?

Tôi chơi được 5 nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, gồm: đàn tranh, đàn bầu, đàn tam thập lục, đàn t’rưng và trống. Nhưng theo tôi, đàn tranh là cây đàn dân tộc mạnh nhất, nó biểu diễn được nhiều sắc thái tình cảm. Nỗi buồn như một giọt nước mắt rơi, nỗi đam mê hay tức giận như trận cuồng phong bão tố... đều có thể diễn tả được. Khác với đàn bầu hầu như chỉ một giọng buồn, đàn tranh trình tấu được rất nhiều giọng. Hơn thế, không chỉ solo, đàn tranh còn có thể kết hợp với nhiều loại nhạc cụ khác, không chỉ nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình mà có khi của các dân tộc khác không cùng chung tông nền văn hóa. Nó còn có thể kết hợp được với cả nhạc cụ cổ điển và hiện đại phương Tây. Đàn tranh cũng chơi được nhiều thể loại nhạc: từ jazz, rock, R&B. Cây đàn tranh vì thế mà rất được yêu mến trên thế giới.

Nhưng không hẳn ai cũng yêu mến nó ngay từ cái nhìn đầu tiên như chị?

Đúng rồi. Rất ít khi trên thế giới mà người ta lập tức yêu mến ngay một nhạc cụ hay một bản nhạc truyền thống đặc trưng của dân tộc nào đó. Nhạc dân tộc Việt Nam rất hay, nhưng nếu chỉ giữ của mình như ngày xưa thì rất khó để đến được thế giới. Đó chỉ đơn giản là con đường đi. Đó là khác biệt về văn hóa. Như cái cách nói chuyện của mình, vòng vo tam khúc, nói thương thì thương đến “Mười thương”. Văn hóa phương Tây thì khác, trực diện và rõ ràng. Mình phải giữ cái bản sắc văn hóa tốt đẹp cốt lõi của mình, nhưng nếu cứ bao bọc nó khư khư trong một hình thức cổ điển thì sẽ không ai hiểu nổi mình cả. Người ta không hiểu mình thì dù có mình có hay có đẹp đến mấy cũng vô ích. Không thể bắt một người phải đọc cả pho sách để hiểu một bản nhạc hay hiểu về một cây đàn. Có thể có vài người vì quá yêu mình mà họ sẽ làm thế. Nhưng tôi muốn làm khác. Tôi muốn cây đàn dân tộc đến được với quảng đại quần chúng. 


Tiếp cận với âm nhạc đương đại, đó chính là cách làm của chị? 

Tôi làm việc theo suy nghĩ: để người ta hiểu mình, thì mình phải “nói” được tiếng nói của họ. Tôi muốn cây đàn tranh mang tính quốc tế  hơn, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Khi họ nghe một “thứ tiếng quốc tế” nhưng lại đại diện cho một nền văn hóa có chất, có màu riêng thì sẽ tốt hơn. Chỉ có điều, đó là một giấc mơ rất lớn, không thể làm ngay được.

Chính vì suy nghĩ về “tiếng nói quốc tế” cho cây đàn tranh, năm 2008, tôi đã về Việt Nam, tìm một nhạc sỹ đồng cảm, có thể viết những bản nhạc mới dành cho cây đàn. Âm nhạc truyền thống của mình mặc dù là kho tàng phong phú nhưng số lượng bài bản không có mấy. Và tôi đã gặp nhạc sỹ Đỗ Bảo. Tôi nhận thấy Đỗ Bảo có khả năng sáng tác những nhạc phẩm hiện đại mà lại có thể “đẩy” ưu thế của cây đàn dân tộc lên. Đỗ Bảo đồng ý với tôi về dự án viết những bản nhạc đàn tranh mới. Một sản phẩm nho nhỏ trong con đường dài mà tôi đi là CD She’s not she, được đón nhận nồng hậu. Thực ra trước đó, bản nhạc mà tôi sáng tác và chơi trong phim Người con gái Đà Nẵng đã đoạt giải đặc biệt tại LHP Sundance 2002 và đề cử Oscar 2003. Tôi cũng đoạt giải Emmy về âm nhạc trong phim tài liệuBolinao 52. Tôi có thể tự hào là một trong những nghệ sỹ Việt Nam đầu tiên dùng âm nhạc dân tộc để tham gia các sự kiện văn hóa lớn, chính thống của thế giới và giành giải thưởng lớn.

Có lẽ điều khác biệt của chị so với các nghệ sỹ chơi nhạc dân tộc là việc chị đưa âm nhạc dân tộc tiếp cận thế giới đương đại và chị đã thành công. Nhưng làm thế nào chị có thể dùng cây đàn tranh kết hợp với nhiều loại nhạc cụ để thể hiện những nhạc phẩm hiện đại như thế?

Tôi thử nghiệm đàn trong nhiều thể loại đương đại, world music chẳng hạn. Thực ra sự kết hợp cổ kim đông tây không phải là mới. Đã có nhiều người làm rồi. Tôi chỉ làm khác đi là khi kết hợp như vậy, tôi luôn chú tâm để phô diễn được vẻ đẹp của âm thanh cây đàn dân tộc, đẩy nó lên một tầm cao mới. Trong một bản nhạc phối hợp nhiều loại nhạc cụ, phải làm nổi bật tiếng nói của đàn tranh. Tiết tấu và cách thể hiện rất quan trọng. Đó là về nhạc phẩm, còn khi chơi đàn, tôi chơi hết trái tim và tâm hồn mình. Khi âm nhạc là tiếng nói sâu thẳm từ trái tim thương yêu của nghệ sỹ, thì khán giả sẽ cảm nhận được và họ sẽ yêu thương mình, âm nhạc của mình. 

Gs Trần Văn Khê từng rất xúc động khi nghe chị biểu diễn?

Tôi gặp Gs Trần Văn Khê năm 1995, khi tôi tham gia Cuộc thi đàn tranh quốc gia lần thứ hai. Sau này khi tôi theo chồng sang Mỹ, tôi mới có dịp liên lạc với ông nhiều hơn. Tháng 11 vừa rồi, tôi về nước tham gia chương trình Hội ngộ đàn tranh lần thứ nhất. Đó là tiền đề chuẩn bị nhạc hội đàn tranh châu Á lần thứ ba. Khi nghe tôi chơi xong hai tác phẩm của Đỗ Bảo và một tác phẩm do tôi viết, bác Khê đã khóc. Bác nói: “Con đã đem được hơi thở mới của đàn tranh ra thế giới, nhưng vẫn không làm mất đi bản sắc đẹp của nó”.
 
Trong năm 2011, chắc chị đã có dự án với cây đàn mà chị yêu quý?

Tôi sẽ bắt đầu năm mới với dự án kết hợp âm nhạc với nghệ sỹ Nguyên Lê, một người Việt chơi jazz nổi tiếng thế giới. Sau đó là những dự án với các nghệ sỹ nước ngoài, biểu diễn cả ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tôi thấy cây đàn tranh rất có tiềm năng, mở ra cho tôi nhiều ý tưởng. Tôi quan niệm, nghệ sỹ khi chơi nhạc phải nói được tiếng nói (voice) của mình trong đó. Tôi sống ở thế kỷ XXI, tôi muốn những cái hay, cái đẹp của kho tàng âm nhạc Việt Nam mang tính chất của thế kỷ này, để lớp trẻ tìm được mối liên hệ nào đó trong những giá trị truyền thống.

Xin cám ơn chị và chúc chị một năm mới thành công!
NHẬT VŨ thực hiện (Theo Đại biểu nhân dân)

http://daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=78&NewsId=201904

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét