Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Tấm lòng một nghệ sĩ

Tấm lòng một nghệ sĩ

Lâu rồi không được tham dự chương trình sinh hoạt nghệ thuật định kỳ tại nhà GS-TS Trần Văn Khê ở quận Bình Thạnh, TPHCM, tôi tự hỏi, không biết dạo này sức khỏe của ông thế nào? Rồi tôi chợt nhớ, hôm nay 24-7 là ngày sinh nhật của ông. Ông đã bước qua tuổi 90!


Hôm rồi điện thoại đến nhà ông, tôi nghe giọng ông mới hay, dạo này ông bệnh nhiều, sức khỏe không tốt lắm! Trong tôi chợt buồn một nỗi niềm rất riêng tư mà tôi biết đó cũng là nỗi niềm chung của những nghệ sĩ cao niên: tuổi đời đã cao, sức khỏe có hạn… Nói thế thôi, những ai biết ông đều hiểu, hiện nay ông vẫn tiếp tục làm việc, ông đã và đang vượt qua những cản trở về sức khỏe để nuôi dưỡng tình yêu lớn dành cho nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam.
 
GS-TS Trần Văn Khê hòa điệu cùng các nghệ sĩ trong một buổi sinh hoạt nghệ thuật ở tư gia của ông. Ảnh: L.T.B.

Tôi không tính được những buổi sinh hoạt nghệ thuật định kỳ tại nhà ông ở số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TPHCM bao năm qua, nhưng tôi và rất nhiều người nhớ hoài những buổi sinh hoạt nghệ thuật đầy ấn tượng, bổ ích mà ông và các nghệ sĩ là đồng môn, bạn hữu, học trò, con trai ông… đem lại cho khán giả.

Các chương trình thường được tổ chức đơn giản nhưng lại đạt hiệu quả cao, thu hút đông đảo khán giả đủ lứa tuổi, du khách nước ngoài đến theo dõi, tìm hiểu, mở rộng kiến thức. Khán phòng nơi thực hiện các buổi sinh hoạt nghệ thuật thật không lớn lắm nên lúc nào cũng chật khán giả đứng ngồi. Dù vậy, ông vẫn muốn thực hiện các buổi nói chuyện tại căn phòng ấy bởi sự ấm cúng, gần gũi, thân quen.

Chính những buổi sinh hoạt nghệ thuật theo từng chuyên đề: vài nét đặc thù về hát bội, nghệ thuật bài chòi, giới thiệu các loại trống và nhạc lễ Việt Nam, nghệ thuật đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam bộ, rao và ngẫu hứng trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhạc sư Vĩnh Bảo – người thầy lớn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, giới thiệu công trình âm nhạc của GS Trần Quang Hải… do ông thuyết trình, kết hợp với các tiết mục biểu diễn đã giúp cho các bạn trẻ, công chúng mộ điệu mở rộng sự hiểu biết và cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị quý giá, độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Nhưng, để có được những buổi trò chuyện, lý giải cặn kẽ về nguồn gốc, sự tồn tại và phát triển của các loại hình nghệ thuật dân tộc, ông thường làm việc không nề hà đến cả sức khỏe của mình. Có lúc, buổi sáng phải đi gặp bác sĩ vì những căn bệnh mãn tính đang mang, nhưng đến tối, ông đã có mặt tại căn phòng thân thương của mình để tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút bao bạn trẻ say mê dõi theo nội dung: Từ dạ cổ hoài lang đến vọng cổ 32 nhịp.

Khi khác, trước 3 ngày diễn ra chương trình chủ đề đàn tranh, ông bị gãy chân, thế nhưng, khi hội ngộ với khán giả, ông như quên cả nỗi đau, say sưa giọng diễn thuyết truyền cảm, trầm ấm, lôi cuốn.

Tình yêu nghệ thuật của người nghệ sĩ sâu sắc là thế, nó vượt qua mọi trở ngại để bay bổng, thăng hoa, giúp bao trái tim cùng rộng mở, ôm trọn những mong mỏi, ước mơ dành cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Và theo năm tháng, ông vẫn luôn là người nghệ sĩ tài hoa chung thủy với lý tưởng, với nghề, dành trọn cả đời vào việc sưu tầm, giữ gìn, bảo tồn, phát huy vốn văn hóa âm nhạc truyền thống của dân tộc, thông qua các công việc nghiên cứu, giảng dạy, viết báo và tham luận về đề tài âm nhạc dân tộc Việt Nam, tham dự hàng trăm hội nghị quốc tế về âm nhạc và âm nhạc học, tham dự liên hoan quốc tế về âm nhạc khắp năm châu, thực hiện các đĩa hát 33 vòng và CD về âm nhạc Việt Nam và âm nhạc một số nước châu Á…

Và mỗi khi nghĩ đến ông – người nghệ sĩ lớn, trong tôi lại đầy xúc cảm! Tôi cũng như những khán giả yêu mến ông luôn hy vọng và cầu chúc cho ông có thêm nhiều nghị lực, ý chí, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống để vượt qua những thử thách về sức khỏe, để tiếp tục có những đóng góp quý giá cho đời, cho nghề.

THÚY BÌNH
(Theo Sài Gòn Giải Phóng online)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét