Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

PHỤ NỮ LÀM ÂM NHẠC


PHỤ NỮ LÀM ÂM NHẠC

Nguyễn Thị Minh Châu

Không chỉ là nguồn cảm hứng sáng tác cho các nhạc sĩ, nữ giới còn “đích thân” làm chủ thể sáng tạo, và hơn thế, họ đã không vắng mặt trong bất kỳ “mảng” nào của hoạt động âm nhạc. Họ để lại dấu ấn của mình trong các lĩnh vực: sáng tác - phát hiện và đưa cái đẹp của cuộc sống vào tác phẩm, biểu diễn - thể hiện và đưa cái đẹp của tác phẩm đến với đời, giáo dục đào tạo - góp phần bảo tồn và truyền bá cái hay cái đẹp của nghệ thuật âm nhạc, nghiên cứu phê bình - phát hiện và tôn vinh cái hay cái đẹp của nghệ thuật âm nhạc.
Như cuộc kiếm tìm hình ảnh phụ nữ trong tác phẩm âm nhạc, hành trình theo vai trò phụ nữ trong hoạt động âm nhạc cũng xuất phát từ nhạc cổ.
Vòng sinh tử một kiếp người trong nhạc dân gian được bắt đầu từ thể loại hát ru. Như người đời vẫn nói, hát ru là khởi nguồn cho mọi bài ca của con người và bài hát của mẹ bao giờ cũng đẹp bởi được cất lên từ tình mẫu tử.
Mẹ ru cho con ngon giấc, mẹ gửi vào câu hát những buồn vui thân phận và bài học làm người. Đó là bài học đầu tiên về lẽ sống, về cái đẹp và về âm nhạc.
Bao nhiêu nhạc sĩ Việt Nam đã đón nhận cùng dòng sữa ấm bài học âm nhạc dân tộc từ người thầy dạy nhạc đầu tiên của mình là mẹ, một “nghệ sĩ nhân dân không tên tuổi”. Không thể phủ nhận công lao của các bà, các mẹ, các chị trong vai trò ứng tác, thể hiện và lưu truyền thể loại hát ru nói riêng và âm nhạc dân gian nói chung.

Cùng tham gia vai trò sáng tạo và diễn xướng với các liền anh để có thể làm nên canh hát quan họ là các liền chị. Làm sao vắng mặt phụ nữ trong hát đối đáp giao duyên được!


Cho dù quan niệm phong kiến trọng nam khinh nữ đến đâu, thì nữ giới vẫn thực sự bình đẳng trong mọi cuộc đối ca nam nữ, một lối hát dân gian vô cùng phong phú với các hình thức hát trong lao động, hát chơi, hát hội hè, với các làn điệu hò, lý, ví, đúm, xoan, ghẹo, giặm, cò lả, sa mạc, trống quân của người Việt, hát khắp của người Thái, lượn của Tày, sli của Nùng…


Một tiết mục Ca Trù

Ngay trong hò đò dọc trên sông Mã tưởng như “độc quyền” của cánh đàn ông cũng vẫn không thiếu những cuộc hát giao duyên giữa trai đò với các nàng khách buôn trên thuyền hoặc với các cô thôn nữ ở dọc ven sông. Giọng hò và tài đối đáp của cô gái trên bờ nhiều khi níu kéo mê hoặc trai đò đến mức thuyền phải cắm lại để hò vài câu với nhau cho đã.

Đối với ca trù, một nghệ thuật tôn vinh giọng người trong sự kết hợp thần tình giữa hát với đàn và nhạc cụ gõ, vai trò phụ nữ rõ ràng nổi trội hơn đàn ông.

Là trung tâm cuộc diễn xướng, ca nương vừa hát vừa gõ phách, tức là kiêm thêm nhiệm vụ diễn tấu nhạc cụ. Khi đục khi trong, khi lơi khi dồn, tiếng phách giòn giã với tiết tấu điệu nghệ tạo thêm nét quyến rũ và sức cuốn hút cho nghệ thuật ca trù.

Tiếng phách còn đưa ra những hiệu lệnh để đàn đáy và trống chầu cùng phối hợp. Như vậy ở đây ca nương còn là người dẫn dắt “ngầm”, quan trọng như một nhạc trưởng điều khiển bản hòa tấu.

Một điểm đặc biệt nữa trong lịch sử ca trù là sự ghi nhận công ơn người phụ nữ được phản ánh trong tên gọi sớm nhất và muộn nhất của bộ môn nghệ thuật này. Không biết trên thế giới có loại hình âm nhạc cổ truyền nào lại được gọi theo tên gọi nữ nghệ nhân như thế không?

Sử sách đã ghi: từ đời nhà Hồ thế kỷ XV có người ca nương họ Đào lập mưu giết giặc nên về sau để nhớ ơn nàng, người ta gọi những người làm nghề ca hát là ả đào, và đây cũng là tên gọi cổ nhất của thể loại ca trù.

Sách còn ghi: đào già dạy nghề được trò tạ ơn bằng món “tiền đầu” trích ra từ tiền thưởng của đào non trong các cuộc hát đình đám, và khi hát ả đào từ thôn quê lan ra tỉnh thành, thì từ “cô đầu” để chỉ ca nương lão luyện bậc thầy trong nghề dần dần biến thành tên gọi mới của nghệ thuật ca hát này.

Việc đào tạo ca nữ trong giáo phường ca trù xưa kia đòi hỏi những chuẩn mực rất gắt gao. Các cô bé phải khổ luyện vài năm cho đến lễ “mở xiêm áo” mới được chính thức hành nghề. Đào nương được tuyển chọn hát cửa đình không chỉ hát hay phách giỏi mà nhất định phải là người đức hạnh.

Tiêu chuẩn của hát thi cũng vậy, người đoạt giải cần có đủ tài năng - nhan sắc - đạo đức, nên các cô hát hay mà kém nhan sắc cũng bị “đánh” tụt hạng, đủ thanh sắc mà thiếu phẩm hạnh thì cũng... “trượt vỏ chuối”!

Cho đến những thập niên đầu thế kỷ XX, khi sinh hoạt ca trù bị đô thị hóa và biến chất, khi các cô đầu hát bị “vơ đũa cả nắm” với các cô đầu rượu, thì từ “cô đầu” lại được hiểu theo nghĩa ám chỉ phường buôn phấn bán hương và hát ả đào bị coi như một thú ăn chơi hư hỏng. Sợ mang tiếng xấu, nhiều cô đào giỏi đã bỏ nghề, thậm chí chẳng dám nhận mình từng hát ả đào.

Sau nửa thế kỷ chịu tai tiếng oan uổng, nghệ thuật ca trù tới nay mới hồi sinh. Các nghệ nhân được vinh danh, đặc biệt nghệ nhân Quách Thị Hồ được phong danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Phong trào ca trù nở rộ dưới hình thức sinh hoạt câu lạc bộ đã đem lại cho các “cựu” đào nương cơ hội trở lại với vai trò “cô đầu” đúng như cái nghĩa ban đầu: người truyền dạy nghề cho thế hệ con cháu. Họ đáng được trân trọng như “vốn di sản sống” của một bộ môn độc đáo, vừa là một nghệ thuật bác học tinh tế, vừa là một thú chơi nho nhã cao sang.


Các thành viên nữ CLB. Tiếng Hát Quê Hương (TP.HCM)
Ảnh: An Dung 

Đã qua lâu rồi nếp nghĩ cầm ca là nghề xướng ca vô loài và những người theo nghiệp cầm ca, các đào kép, các con hát là hạng đầu đường xó chợ. Cũng đã qua đi những định kiến khắt khe về phẩm giá người phụ nữ trong mối liên quan với âm nhạc, kiểu như “làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” hay “nữ đa cầm tắc dâm”. Thoát khỏi quan niệm trói buộc, phụ nữ ngày nay làm âm nhạc trong sự cộng hưởng những ưu điểm vốn có từ xa xưa với những lợi thế của tuổi trẻ thời đại mới như sự hiểu biết và tự tin, tính sắc sảo và chủ động.

Sáng tác nhạc mới vốn là lĩnh vực ít phụ nữ nhất, trước đây chỉ ít ỏi đôi ba tên tuổi được ghi nhận, nhưng vài năm đầu thế kỷ XXI đã nổi lên không ít gương mặt nữ tác giả trẻ, thậm chí quá trẻ. Trong mảng ca khúc quần chúng mới đây còn xuất hiện cả tác giả chưa qua tuổi học trò!

Biểu diễn là nơi chứng tỏ rõ nhất “sức mạnh nữ nhi”. Trong thời chiến có bao câu chuyện diệu kỳ về tiếng hát của các nữ văn công xung kích. Tiếng hát của họ là quê hương, là sức mạnh theo người chiến sĩ ra trận. Tiếng hát của họ chế ngự đau đớn trong cuộc phẫu thuật không thuốc mê thuốc tê ngay giữa chiến trường và khơi dậy khát vọng sống đưa người lính tử thương từ cõi chết trở về.

Trong thời bình, nhất là thời của loại nhạc nghe - nhìn luôn đòi hỏi cái đẹp thấy được bằng mắt, thì dường như ưu thế càng dễ nghiêng về phái đẹp. Một biểu hiện về “quyền lực phụ nữ” là nữ hoàng hay diva nhạc nhẹ có vẻ “sẵn” hơn vua nhạc nhẹ.

Một số hoạt động khác như nghiên cứu và giảng dạy (nhất là dạy đàn cổ truyền, dạy nhạc ở trường phổ thông) xem chừng đang có xu thế “âm” thịnh hơn “dương”. Có lẽ vì tính chất công việc cần đến sự cẩn thận, tỉ mỉ, cân nhắc, kiên nhẫn, khéo léo và nhạy cảm là những bản tính rất phụ nữ?

Có thể thấy rằng trong lĩnh vực âm nhạc, phụ nữ Việt Nam đã và đang tạo cho mình một vẻ toàn mỹ, tựa như chuẩn mực trong cuộc thi ca trù xưa kia, đó là tài, đức và sắc.

3 CommentsChronological   Reverse   Threaded
caibang9 wrote on Sep 21, '10
Xin cảm ơn tác gỉa Nguyễn Thị Minh Châu về 1 bài viết quá xúc tích , gía trị .
Cảm ơn Tếng Hát Quê Hương đã chia sẻ .
phanvan81 wrote on Sep 21, '10
Thanks
tienghatquehuong wrote on Sep 28, '10
Xin cảm ơn các bạn thật nhiều vì đã ghé thăm blog và đọc những bài viết có giá trị về âm nhạc. Mong các bạn luôn yêu quý và cùng chúng tôi giữ gìn những nét đẹp trong âm nhạc Việt nam của chúng ta!

Thân mến,
THQH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét