Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Mê mẩn với thanh âm nhạc dân tộc


Mê mẩn với thanh âm nhạc dân tộc

TTO - Hiện nay, nhạc cụ dân tộc vẫn thu hút một số bạn trẻ tuổi mới lớn ngày ngày theo học. Với các bạn ấy, mỗi nhạc cụ dân tộc là một thế giới hấp dẫn lạ thường và khi đã tiếp xúc thì khó có thể tách ra được. Cùng khám phá xem những nhạc cụ dân tộc nào đang làm các bạn này mê tít nhé.

Mỗi sáng chủ nhật, Hoàng Châu - học sinh lớp 4/3 Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3, TP.HCM - lại đến câu lạc bộ và chăm chỉ luyện đàn - Ảnh: Minh Trung

Réo rắt với sáo trúc

Nếu có một ngày bạn thổi được sáo và thổi cho mẹ nghe bài Lòng mẹ, hẳn mẹ bạn sẽ rất vui. Và bạn Mai Phước Tài, 18 tuổi, sinh viên năm nhất ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM), đã làm được điều đó.

Thổi sáo đã trở thành niềm vui hằng ngày của Phước Tài - 18 tuổi, sinh viên năm 1 ĐH Tôn Đức Thắng (TP.HCM) - Ảnh: Võ Tuyết
Phước Tài đam mê sáo từ năm lớp 8 bởi những âm điệu mộc mạc, gần gũi của nó. Để có thể thổi thành thục một bài hát, bạn phải bỏ ra mỗi ngày hai giờ tập luyện. Tài kể: “Những ngày đầu tập sáo mình thấy rất đuối hơi và chóng mặt. Nhưng khi đã thổi thành bài thì cực kỳ vui”. Bây giờ với Tài, cây sáo là người bạn thân thiết cùng chia sẻ niềm vui với mọi người.

“Mỗi khi học hành căng thẳng mình lại đem sáo ra thổi. Khi đó nó không còn là giải trí nữa mà giúp mình kiên nhẫn hơn và biết cảm nhận âm thanh, nhạc điệu tốt hơn”. Đó là tâm sự của bạn Cao Lê Tấn Phát, lớp 11 Trường THPT Lý Tự Trọng, Q.Tân Bình, TP.HCM, theo học sáo được bốn năm. Năm sau Phát sẽ thi vào Nhạc viện TP.HCM với mong muốn trở thành giáo viên dạy sáo trúc giỏi.

Lướt trên cung đàn

Đôi bàn tay còn ngập ngừng trên những dây đàn tranh, bạn Đỗ Thu Hằng, sinh viên năm nhất Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, chăm chú gảy từng nốt trong bài Long hổ hội.

Để thành thạo một đoạn nhạc, các bạn phải mất hàng giờ luyện tập trên đàn tranh - Ảnh: Minh Trung
Hằng cho biết từ bé bạn thích nghe những âm điệu của đàn tranh và thường xuyên được xem biểu diễn đàn tranh. Với Thu Hằng, đàn tranh mang vẻ đẹp văn hóa, vẻ đẹp tự nhiên của người châu Á. Đàn tranh đem đến cho người nghe những cung bậc tình cảm yêu, ghét, giận, hờn khác nhau. Thu Hằng nói: “Mình thường gửi gắm vào tiếng đàn những suy nghĩ, tâm sự của mình".

Cũng tham gia sinh hoạt tại CLB Tiếng hát quê hương như bạn Thu Hằng, cô bé Nguyễn Hoàng Châu - học sinh lớp 4/3 Trường tiểu học Phan Đình Phùng, Q.3, TP.HCM - kể: "Lúc đầu chơi mình thấy đau tay lắm nhưng rồi cũng quen và càng chơi càng thích, nên dù tập ở nhà rồi nhưng sáng chủ nhật nào mình cũng nhờ mẹ đưa đến đây tập với các anh chị”.

Lê Thị Thu Thảo, học sinh lớp 12, đang theo học khoa âm nhạc dân tộc, tổ đàn bầu, Nhạc viện TP.HCM.

Kiên tâm từng nốt nhạc trong giờ học - Ảnh: Minh Trung

Vào học ở Nhạc viện TP.HCM từ năm lớp 8, nhưng từ năm lớp 1, Thảo đã bắt đầu làm quen với các loại nhạc cụ dân tộc. Thảo nói: “Nhiều bạn nghĩ rằng học nhạc cụ dân tộc là cổ lỗ sĩ, lạc hậu nhưng các bạn hãy thử tìm hiểu xem có nhiều điều thú vị lắm đó. Đàn bầu chỉ có một dây nhưng bạn có thể chơi được nhiều loại nhạc và nó có thể biểu hiện những cung bậc tình cảm rất khác nhau”.

Với Thảo, chơi đàn bầu vừa là đam mê vừa là khám phá, tìm hiểu làm sao để có thể chuyển tải tâm tư, tình cảm vào tiếng đàn một cách sâu sắc nhất.

Hiện nay, mỗi tuần hai buổi tối Thảo chơi đàn tại các nhà hàng, khách sạn và bạn ấy cũng đã kiếm được một ít tiền để chi phí cho việc học. Mong muốn lớn nhất của cô bạn là trở thành giáo viên dạy đàn bầu.

Đam mê cùng nhịp trống

Với Nguyễn Hoàng Minh Chiến, lớp 8 Trường THPT Phan Tây Hồ, Q.Gò Vấp, TP.HCM, trống lân là cách thư giãn và rèn luyện sức khỏe hiệu quả sau những giờ học căng thẳng mà không bị sa đà vào game hay chat. Chiến đang sinh hoạt trong Câu lạc bộ lân sư rồng Thanh Nghĩa Đường.

Mỗi tuần câu lạc bộ của bạn ấy đi biểu diễn ở các sân khấu và nhà văn hóa, số tiền kiếm được từ việc đi diễn Chiến gửi hết cho mẹ.

Mỗi nhạc cụ dân tộc là một phần tinh hoa văn hóa của cha ông để lại. Nhiều bạn sau khi học đã cảm nhận rất rõ đó là một thế giới âm thanh yên bình, rất đẹp và thật sự thú vị - khi dành thời gian và nhiệt tình cho một khám phá!

VÕ TUYẾT - MINH TRUNG
(Theo Tuổi Trẻ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét