Thứ Hai, 3 tháng 12, 2012

Đàn tranh quê hương


Đàn tranh quê hương



Hôm nay tự dưng nhớ đàn tranh, cũng đã lâu mình không dành tâm huyết nhiều cho nó nữa. Lâu cũng chưa qua thăm cô và ông. Sống trong bối cảnh này tôi cảm thấy thật khó để có thể yêu nó hơn. Không mấy ai thích nghe đàn dân tộc sâu sắc, nghĩ đàn tranh là một thứ xa xỉ phẩm? Sống trong thành phố bụi bặm, thiếu những cánh đồng, rặng tre, phố phường chật hẹp làm cho không ai muốn nghe nó nữa. Tội nghiệp nó thoi thóp vang, nhàn nhạt trong một vài góc nào đó.

Tôi cảm thấy đáng tiếc cho ai chưa được từng nghe mẹ ru vọng cổ, mặc dù không hay lắm, nhưng đẹp lắm, nhớ lắm và buồn lắm. Buồn vì cái tuổi nó đi nhanh quá, nhanh quá mức, cuộc sống trước kia ở quê tôi và bây giờ cứ như hai thế hệ. Làm sao tôi có thể xin một vé đi tuổi thơ khi chỉ có mẹ hát và đài phát mà thôi?

Đã bao giờ bạn tìm mọi ý nghĩ để biện hộ cho bản thân nhằm phủ nhận âm thanh đàn nhạc dân tộc thực sự  lúc trong trẻo, lúc u buồn, sầu não, lúc vang vọng tận đáy tâm hồn?

Hôm nay tôi tìm được bài Vọng cổ (câu 1,2,3) trên youtube, đọc được rất nhiều lời bình luận, khen có , chê có, chế giễu có. Chế giễu là vì chúng nó bảo bắt chước Trung Quốc, không có nét gì đặc sắc, bị đô hộ hơn 1000 năm nên chúng chẳng có gì hay ho cả, VN dùng cả ngôn ngữ TQ…



Tiếng Anh của họ còn mượn từ Latin, Tiếng Nhật mượn cả Hán cả Anh, … mà sao chúng nó không bị chửi nhỉ?

Văn hóa là sự tiếp thu, hòa nhập và cả cải biên mang bản sắc của mình. Không cớ gì có thể gọi nó là mặc cảm tiểu nhược không có quyền tự hào. Chẳng ai dám khẳng định hay biết rõ tổ tiên của con người ai tạo ra văn hóa và dân tộc đầu tiên cả.

Đàn tranh TQ bề thế, to dài, hơn 16 dây, trầm, đanh, dùng 7 móng cào cấu. Tuy hay nhưng nó vẫn là đồ Tàu. Những nghệ sỹ biểu diễn rất chuyên nghiệp, đồng đều (hòa tấu) và có lúc kiêu ngạo tự hào, lúc điệu đà, đôi khi khí phách lẫy lững (cái này không phủ nhận được)!

Đàn Koto có kích thước dài và rộng, được đóng bằng gỗ ngô đồng có 13 dây với nhiều trường phái đánh bằng móng vuông (phái Sanh Điền Lưu Ikuta Ryu) hoặc móng bầu dục (phái Sơn Điền Lưu Yamada Ryu) nên âm thanh rất mạnh, trầm, bi ai, tiếng không trong trẻo.

Đàn Kayagum của Hàn Quốc có 12 dây, không đánh bằng móng mà bằng ngón tay, lại có đàn chữ búng thật mạnh, có trống “trượng cổ” đánh nhịp.

Đàn tranh (thập lục) của dân tộc mình thì nhỏ nhắn với 3 móng thôi, có tiếng nhấn nỉ non, ai oán, âm sắc dịu dàng.

Đấy, mỗi cây đàn có cá tính riêng, nó nói được ngôn ngữ dân tộc của mỗi quốc gia, mình thì bé thì có thế thôi nhưng quá để ai yêu quê hương tự hào rồi.

Giáo sư Trần Văn Khê có nói câu tôi rất thích :

“Bởi lâu nay, khi nói đến việc trao đổi văn hóa, dường như chúng ta chỉ chú trọng đến việc giao lưu với phương Tây trong khi đó không biết gì về âm nhạc những nước láng giềng. Theo tôi, trao đổi là phải đi gần rồi mới đi xa, mà cái gần cũng không phải là tự nhiên dễ hiểu. Nhà văn Romain Rolland đã nói: “Âm nhạc dù ai nói gì cũng không phải là tiếng nói đại đồng, phải cần “cây cung tiếng nói” để bắn “cây tên âm thanh” vào trong lòng mọi người”.

@VIVIAN 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét