Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

Hội ngộ đàn tranh 2011: Âm nhạc truyền thống thăng hoa và hội nhập

Hội ngộ đàn tranh 2011: Âm nhạc truyền thống thăng hoa và hội nhập

Chương trình chưa bắt đầu, khán phòng Cung Văn hóa Lao động TPHCM đã chật khán giả. Lúc ánh đèn sân khấu bừng sáng, ai cũng ý tứ, khẽ khàng, nhẹ nhàng, cố gắng giữ sự yên tĩnh gần như tuyệt đối để thưởng thức tiếng đàn dân tộc bay bổng cùng sự thăng hoa của nghệ sĩ.


Với nỗ lực giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, chương trình đã và đang cố gắng tạo nên sức bật cho nghệ thuật âm nhạc cổ truyền, đồng thời thúc đẩy sự phát triển âm nhạc dân tộc trong thời kỳ hội nhập, với những tiến bộ về kỹ thuật trình diễn và nâng cao chất lượng biễu diễn của nghệ sĩ.

Qua đêm nhạc 23-7 đầy ấn tượng này, khán giả TP đã được chứng kiến sự mới mẻ, độc đáo trong phong cách trình tấu đàn tranh của các nghệ sĩ: Hải Phượng, NS Vân Ánh Vanessa Võ… Đó cũng là sự kết hợp nhuần nhuyễn, hòa quyện giữa truyền thống và hiện đại, có biến tấu, đã giúp tiếng đàn gần gũi hơn với thế giới.

GS-TS Trần Văn Khê chia sẻ: “Tôi biết các nghệ sĩ từ nhỏ, theo năm tháng, các nghệ sĩ đã có sự tiến bộ rất nhiều về kỹ thuật biểu diễn”. Điều đó được minh chứng bằng tài năng, nghệ thuật trình diễn của các nghệ sĩ vốn quen thuộc với khán giả trong và ngoài nước như: NS Hải Phượng, nhóm nhạc Mặt Trời Đỏ, CLB Tiếng hát quê hương (Cung Văn hóa Lao động).

T.Bình
(Theo Sài Gòn Giải Phóng)


Photobucket

90 chưa phải là già!

90 chưa phải là già!

Tối 24-7, trời Sài Gòn đổ mưa tầm tã và lạnh lẽo nhưng trong không gian cổ xưa của FaiFoo Boutique Hotel, buổi lễ mừng thượng thọ giáo sư Trần Văn Khê tròn 90 tuổi vẫn ấm cúng lạ thường.


Giáo sư Trần Văn Khê (bìa trái) lắng nghe Kim Hải hát chầu văn trong buổi lễ mừng thọ mình - Ảnh: Hải Triều

Hình ảnh sống động, rõ nét và xuyên suốt trong không gian ấy là: vị giáo sư ngồi trên chiếc xe lăn, người mặc một chiếc áo dài dân tộc, đầu đội khăn đóng, tay nâng niu cây đàn.
Hình ảnh ấy gây xúc động cho hầu hết những vị khách mời có mặt tại buổi lễ, trong đó có những nhân vật đặc biệt như bà Tôn Nữ Thị Ninh, tổng lãnh sự các nước Hoa Kỳ, Singapore, Indonesia, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, nhạc sĩ Miên Đức Thắng, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, nhà thiết kế Sỹ Hoàng, á hậu Dương Trương Thiên Lý...
Cùng với người bạn là nhạc sĩ Vĩnh Bảo, giáo sư Trần Văn Khê đã song tấu một bản nhạc mà cách đây nhiều chục năm họ đã từng thu tại Paris. Bây giờ cả hai đều đã trên 90 tuổi, tai không còn nghe rõ và ngón tay không còn linh hoạt như trước nhưng tiếng đàn vẫn trầm bổng dặt dìu, đủ để gợi lại cả một vùng ký ức.
Trong những năm tháng ấy, giáo sư đã đem tiếng đàn của mình đi khắp năm châu bốn bể để nói với thế giới rằng VN có một nền âm nhạc lâu đời và kỳ diệu. Đó cũng là khoảng thời gian mà ông miệt mài gieo mầm và nuôi dưỡng trong nhiều thế hệ học trò của mình một tình yêu âm nhạc dân tộc vô hạn.
Và cũng là thời gian mà, tình cờ gặp vài người bạn ở nơi đất khách quê người, ông bảo: “Đừng gọi anh là giáo sư nữa, gọi là “anh Hai” đi, cho đỡ nhớ nhà!”.
Tiệc sinh nhật, nhưng giáo sư Trần Văn Khê đề nghị mọi người không tặng quà vật chất cho mình. Vậy nên những học trò của ông “đành” tìm cách khác: thể hiện vốn hiểu biết và niềm đam mê nhạc dân tộc như một món quà ý nghĩa tặng thầy. Những âm thanh của các loại nhạc cụ như đàn tranh, đàn bầu, đàn kìm, sáo... mà cả đời ông đã nghe nằm lòng, đã thuộc đến từng cung, nhịp vẫn khiến ông lặng người xúc động.
Đặc biệt, cô gái trẻ Kim Hải - một kỹ sư tin học vừa đoạt giải cao nhất trong cuộc thi hoa hậu FPT - xúng xính trong bộ lễ phục rồi lắc lư múa chén và hát chầu văn, như góp thêm một niềm tin nho nhỏ vào con đường mà giáo sư đã và đang miệt mài mở lối: làm cho người trẻ biết đến và yêu thương nhạc dân tộc mình.
Ở tuổi 90 đã vào hàng xưa nay quá hiếm. Nhưng 90 tuổi mà mỗi ngày vẫn vào mạng lướt net xem tin tức và chat với học trò bốn phương của mình thì có lẽ khó ai được như giáo sư Trần Văn Khê. Rồi cả việc nhớ như in những chuyện của năm nảo năm nào, đến nỗi nhắc lại mà nhiều học trò của ông có người nhớ người quên.
Hay như cái cách ông trò chuyện lưu loát bằng tiếng Anh, tiếng Pháp với những người bạn  nước ngoài về những vấn đề sâu rộng của cuộc sống và nghệ thuật, đủ khiến bất kỳ ai chứng kiến cũng phải cúi đầu thán phục.
Có mặt tại buổi lễ mừng thọ, ông Lê Thành Ân - tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM - đã gửi tặng giáo sư một món quà nhỏ từ Tổng thống Obama và nói: “Tôi cho rằng giáo sư Trần Văn Khê chính là một báu vật sống của VN. Đừng nghĩ 90 tuổi là già (“90 years old”), tôi thấy như giáo sư thì là “90 tuổi trẻ” (“90 years young”) mới đúng!”.
HOÀNG OANH
(Theo Tuổi Trẻ online)

Mừng thượng thọ Giáo sư Trần Văn Khê

Mừng thượng thọ Giáo sư Trần Văn Khê

Tối 24-7 tại Faifoo Boutique Hotel (TP.HCM) đã diễn ra buổi tiệc mừng thượng thọ giáo sư Trần Văn Khê nhân dịp ông tròn 90 tuổi.

Giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: Hải Triều
Dù trời mưa rất lớn và kéo dài nhưng đông đảo khách mời đã có mặt từ sớm để chúc thọ giáo sư, trong đó có những vị khách đặc biệt như nhạc sĩ Vĩnh Bảo, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bà Tôn Nữ Thị Ninh, tổng lãnh sự quán các nước Hoa Kỳ, Singapore, Indonesia, nhà thiết kế Sỹ Hoàng, nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng, á hậu Dương Trương Thiên Lý…
Trong không gian ấm cúng của gian nhà cổ, mọi người đã quây quần bên vị giáo sư già nhưng vẫn rất minh mẫn để nghe ông kể chuyện ngày xưa, nhắc về những kỷ niệm với âm nhạc, với dân tộc trong suốt 90 năm qua. 
Người tham dự được nghe ông ngẫu hứng chơi đàn cùng người bạn vong niên là nhạc sĩ Vĩnh Bảo hay ứng tấu đọc thơ trên nền tiếng đàn tranh của nghệ sĩ Hải Phượng. Sau đó là nhiều tiết mục văn nghệ được các học trò gọi giáo sư Khê bằng thầy trình diễn với các loại nhạc cụ dân tộc.
Chiếc bánh mừng thọ Giáo sư Trần Văn Khê - Ảnh: Hải Triều
Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (bìa trái) và vợ chồng kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái chúc mừng GS Trần Văn Khê - Ảnh: Hải Triều
Để mừng thọ giáo sư, bà Tôn Nữ Thị Ninh đem đến môt chiếc bánh sinh nhật và mọi người đã cùng nhau hát vang bài hát Chúc mừng sinh nhật của nhạc sị Trịnh Công Sơn trong lúc giáo sư thổi nến.
H. OANH (Theo Tuổi Trẻ online)
-------------------------------------------------------------------------------------

NHỮNG LỜI CHÚC CỦA BẠN ĐỌC BÁO TUỔI TRẺ KÍNH MỪNG THỌ GS TRẦN VĂN KHÊ:

Chúc mừng sinh nhật 90 GS.TS Trần văn Khê
26/07/2011 8:31:29 SA
Rất hào hứng mỗi khi con được nghe Cụ diễn thuyết về đề tài âm nhạc dân tộc dù trong tâm nguyện được một lần đến hầu Cụ nhưng chưa có thiện duyên. PHẠM BÁ QUANG
Chúc thọ thầy
25/07/2011 9:53:12 CH
Con chưa bao giờ vinh dự được trực tiếp nghe thầy giảng dạy, chỉ xem qua truyền hình nhưng rất kính nể. Dù tuổi đã cao nhưng giọng thầy vẫn còn mạnh mẽ và lôi cuốn. Xin chúc thầy luôn dồi dào sức khỏe và cống hiến cho nền văn hóa nước nhà.HUU QUAN
Mừng thượng thọ GS Trần Văn Khê
25/07/2011 4:24:38 CH
Mừng sinh nhật Gs. Xin gửi đến Gs lời chúc thọ chân thành cùng với lòng kính trọng sâu sắc vì những gì gs đã làm cho dân tộc. Kính chúc GS Trần Văn Khê luôn mạnh khỏe và đồng hành với âm nhạc và văn hóa dân tộc Việt.VÕ NGỌC TOÀN
Chúc giáo sư trường thọ
25/07/2011 3:25:52 CH
Nhân ngày thượng thọ của thầy, con chúc thầy trường thọ, vạn sư cát tường.HỒ TẤN NGUYÊN MINH
Chúc thọ Giáo sư Khê
25/07/2011 3:05:51 CH
Chúc anh lược thao tận hư không pháp giới, biến thành thinh âm vi diệu qua tiếng đàn giọng hát, xua tan đau khổ, giúp đời an vui.NGUYỄN VĂN HOÀN
Chúc mừng thọ GS.TS. Trần Văn Khê
25/07/2011 2:30:48 CH
Kính chúc Thầy vạn niên trường thọ.NGUYỄN HOÀN LÊ MINH
Chúc ông sống khỏe và minh mẫn
25/07/2011 2:17:01 CH
Kính chúc GS-TS Trần Văn Khê luôn khỏe mạnh và minh mẫn để các thế hệ con cháu được nghe nhiều những bài viết, nói rất tuyệt vời của ông!NGUYỄN PHỤNG
Chúc mừng sinh nhật Bác!
25/07/2011 12:37:15 CH
Cháu có cơ hội được nghe bác nói về âm nhạc Việt Nam tại trường đại học Bình Dương. Hôm nay cháu xin gửi lời chúc mừng sinh nhật bác. Chúc bác luôn khỏe mạnh và sống lâu để truyền cho thế hệ trẻ những giá trị âm nhạc Việt Nam.CAO MAI
Chúc thượng thọ Ông
25/07/2011 12:31:59 CH
Con kính chúc ông luôn luôn "An Nhiên Tự Tại" - "Cành Thông Xanh, Lá Thông Xanh - Tiết Đông Lạnh, Cành Vẫn Xanh". Một lần nữa chúc thọ Ông và cảm ơn những cống hiến rất dân tộc của Ông.


Mừng thọ giáo sư!
25/07/2011 12:14:30 CH
Con rất ngưỡng mộ và kính trọng Giáo sư, chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe, sống thật lâu!NGUYEN KIM NGAN
Chúc Giáo sư Khê trường thọ
25/07/2011 10:45:25 SA
Tôi xin được khính chúc bác Khê luôn khỏe mạnh và còn cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà.TRẦN VĂN KHANH
Chúc ông nhiều sức khoẻ
25/07/2011 10:45:12 SA
Chúc ông sống thật khoẻ, thật lâu để giúp cho những thế hệ sau này như chúng cháu biết được kho tàng quí giá của dân tộc Việt.TIEUSINH
Chúc thọ Giáo sư Trần Văn Khê
25/07/2011 10:37:59 SA
Kính chúc Giáo sư luôn luôn mạnh khỏe. Chúng tôi rất mong được chúc mừng ngày Đại Thọ của Giáo sư.HOÀNG
Cháu chúc ông sức khỏe
25/07/2011 9:08:03 SA
Cháu không biết nói gì hơn ngoài lời chúc đến ông vì cháu cũng như mọi người rất yêu quý ông.
OC



 

Réo rắt đàn tranh

Réo rắt đàn tranh

Cơn mưa bất chợt tối 23/7 đã không đủ sức ngăn những bước chân yêu thích đàn tranh tìm đến Cung văn hóa Lao Động để thưởng thức chương trình Hội ngộ đàn tranh lần II - 2011. Không như cuộc biểu dương lực lượng năm 2010, cuộc hội ngộ lần II có ít nghệ sĩ (NS) hơn nhưng chất lượng nghệ thuật được đánh giá cao hơn nhiều - đúng như cam kết của BTC.

Xuất hiện trong chiếc áo dài xanh kiểu cổ, NS Hải Phượng đã không chỉ giới thiệu đến khán giả hai tác phẩm âm nhạc tài tử miền Nam là Song phi hồ điệp và Bình sa lạc nhạn mà còn trình bày cả một thủ pháp chơi đàn Nam bộ - thâm trầm, chững chạc, an nhiên. Kết thúc tiết mục, chị vào thay một bộ áo dài cổ thuyền hiện đại để diễn tấu Thoáng hương quê với những giai điệu mới. Chi tiết rất nhỏ đã thể hiện sự hiểu biết sâu sắc của người NS đối với dòng nhạc mình đang chơi. Rồi chị lại đổi đàn để chơi bản Cơn lốc của Minoru Miki. Bằng những động tác vỗ dây, nhấn, mổ mạnh mẽ, dứt khoát, Hải Phượng đã tái hiện trên sân khấu cả một trận cuồng phong khiến khán phòng òa vỡ những tràng vỗ tay tán thưởng. Tác phẩm được sáng tác cho đàn koto của Nhật, song đúng như Hải Phượng đã hứa - chị sẽ yêu cầu đàn tranh “nói tiếng Nhật” hầu chuyện khán giả. Đó không chỉ là câu chuyện tài năng NS mà còn cho thấy khả năng biến hóa đa dạng của cây đàn tranh.


Hai nghệ sĩ Hải Phượng - Vân Ánh song tấu Gió phương Nam trong đêm Hội ngộ đàn tranh 2011 - Ảnh: P.T.N.


Vừa hát, vừa nhảy vừa chơi tam thập lục, t’rưng, violon, cồng, các NS nhóm Mặt trời đỏ tiếp tục làm bùng nổ sân khấu bằng sự trẻ trung, sinh động của mình. Ai đã bảo nhạc dân tộc chỉ biết sầu bi, ảo não? Không! Nó hoàn toàn có thể tươi vui và rất hiện đại. Cây đàn tranh, như lời NS Võ Vân Ánh, cũng không chỉ bó hẹp trong những bài bản cổ truyền Việt Nam. Nó không chỉ biết nói tiếng Nhật như trong tiết mục của Hải Phượng. Đàn tranh còn biết nói cả ngôn ngữ châu Phi khi Vân Ánh tung tăng bản Bụi đường vó ngựa đậm chất new age của Đỗ Bảo. Vẫn với tác phẩm She’s not she (Cô ấy không là cô ấy hôm qua) từng được thể hiện trên sân khấuHội ngộ đàn tranh năm trước, lần này Vân Ánh đã thêm vào phần biểu diễn của mình những tiếng ngân nga khắc khoải khi cô ấy vẫn là cô ấy nhưng không còn là cô ấy của ngày hôm qua. Rồi chị lại tiếp tục gây ngạc nhiên cho khán giả khi hát chầu văn ngay trên sân khấu CVH Lao Động.

Bằng thủ pháp chặn dây điêu luyện, Vân Ánh tái hiện trên sân khấu Vũ điệu của nắng và cuộc “đối đầu cổ-kim” giữa Hải Phượng và Vân Ánh đã diễn ra thể theo nguyện vọng của nhiều khán giả. Tuy Hải Phượng chơi đàn bầu và Vân Ánh chơi đàn tranh (Hải Phượng giải thích đây là tiết mục ngẫu hứng, chỉ được tập luyện với nhau trong thời gian ngắn) nên “cuộc đấu” vẫn chưa rõ nét (giá như cả hai cùng chơi đàn tranh hẳn sẽ thú vị hơn nhiều) nhưng tiếng đàn hòa điệu của hai nghệ sĩ tài danh cũng đã giúp khán giả mãn nhãn, mãn nhĩ.

500.000đ mỗi chiếc vé VIP là con số không nhỏ tại một show nhạc dân tộc. Thật bất ngờ khi khán giả đến chật kín khán phòng và lưu lại cho đến tận tiết mục cuối cùng. Đó chính là thành công không thể chối cãi của Hội ngộ đàn tranh lần II - khác nhiều so với hình ảnh khán giả lục tục ra về ở gần cuối chương trình Cầm tay mùa hè diễn ra cùng đêm tại Nhà hát Hòa Bình.

Hoàng Hưng
(Theo Phụ Nữ online)

Tươi mới tiếng đàn tranh

Tươi mới tiếng đàn tranh

Tối 23-7, tại Cung văn hóa Lao động (TP.HCM) đã diễn ra chương trình Hội ngộ đàn tranh lần 2. Khán phòng với sức chứa 350 ghế ngồi đã được phủ kín, rất đông khán giả chấp nhận đứng xem từ đầu đến cuối chương trình.


Nghệ sĩ Hải Phượng (trái) cùng trình tấu tác phẩm Gió phương Nam - Ảnh: Minh SG
Sự quan tâm của khán giả đã tiếp thêm động lực để các nghệ sĩ tung tẩy với những thể nghiệm mới với đàn tranh.
Sau những giai điệu khá quen thuộc với những bài bản như Lưu thủy - Kim tiền - Xuân phong - Long hổ, Song phi hồ điệp, Bình sa lạc nhạn; không khí chương trình bắt đầu chuyển biến khi nghệ sĩ Hải Phượng trình tấu tác phẩmThoáng quê hương do chính chị sáng tác. Nét tươi mới, reo vui tràn ngập trong tiếng đàn tranh, lúc sâu lắng, lúc bừng sáng bởi cách phối hợp những giai điệu trẻ trung và những âm giai truyền thống.

Chương trình thêm hứng khởi với Cơn lốc - một nhạc phẩm của Nhật được viết cho đàn koto, những kỹ thuật đập, búng, rung, lướt... được Hải Phượng khai thác tối đa tạo thành dòng xoáy mạnh mẽ, mang lại một cách cảm nhận mới về đàn tranh.
Mừng thọ GS.TS Trần Văn Khê
Trước đêm diễn, các thế hệ học trò và nhiều khán giả đã dành thời gian chúc mừng và tặng hoa mừng thọ sớm GS.TS Trần Văn Khê nhân dịp ông tròn 90 tuổi (ngày 24-7).
GS đã xúc động nói: “Tôi không ngờ các bạn lại thương mến tôi đến vậy. Tình cảm của các bạn đã truyền nguồn sinh lực cho tôi rất nhiều, năm. Nay đã chín mươi, tôi xin vững lòng đi qua tuổi... mười mươi để còn hơi sức hoạt động phụng sự cho âm nhạc dân tộc, đặc biệt là ủng hộ cây đàn tranh!”.

Khả năng diễn tả của đàn tranh dường như là vô biên như lời nghệ sĩ Võ Vân Ánh (hiện đang định cư tại Mỹ) bày tỏ: "Có thể là giọt nước rơi xuống sau đó bắn lên, hoặc một cơn mưa rào, những đợt sóng lăn tăn hay là một cơn lốc".

Choáng ngợp trước những "tiếng nói" đa dạng của đàn tranh, Vân Ánh muốn khán giả cũng có cùng cảm xúc đó nên đã tạo sự khác biệt cho đàn tranh bằng nhiều cách có thể. Khán giả tìm thấy ở đó âm hưởng châu Phi (Bụi đường vó ngựa), âm nhạc dân gian đương đại (She’s not she, sáng tác Ðỗ Bảo - Vân Ánh) hay cả jazz, new age (Gió phương Nam, Vũ điệu của nắng, Vịnh hoa đào, Phong cảnh quê em).

Khi các nghệ sĩ mạnh dạn đưa ra những thể nghiệm trên nền nhạc cổ truyền, đâu đó trong khán phòng vẫn có tiếng thốt lên "kỳ quá!" hay "khó nghe!" từ những "tai nghe" vốn quen với cách trình tấu truyền thống. Một số bạn trẻ tỏ ra cởi mở hơn thì gật gù "lạ thật!", "nghe mới mẻ, trẻ trung".

Bạn Thương Huyền - sinh viên năm 1 khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TP.HCM - hào hứng chia sẻ: "Chương trình rất thú vị và bổ ích, chúng tôi học hỏi được rất nhiều, từ phong cách diễn tấu bài bản truyền thống đến đương đại. Giới trẻ chắc chắn sẽ thích nghi nhanh với phong cách vừa truyền thống vừa hiện đại này. Tôi đã tiếp xúc với cây đàn tranh 8-9 năm nay nhưng với chương trình này tôi hết sức bất ngờ vì còn quá nhiều khả năng từ cây đàn tranh mà mình chưa khám phá, chẳng hạn như việc nhấn nhá thang âm, thang giáng, nhịp lẻ... trong quan niệm của nhiều người là khó khăn với nhạc cụ dân tộc nhưng trong chương trình này, với sự kết hợp âm nhạc hiện đại thế giới vào cây đàn tranh thì các nghệ sĩ đã chứng tỏ không gì là không thể...".

Khởi đầu tương đối thuận lợi này có thể xem như sự gợi ý để những người tâm huyết với đàn tranh khai phá thêm những lối đi mới, đưa âm nhạc dân tộc đến gần hơn với người trẻ như lời GS.TS Trần Văn Khê phát biểu cuối đêm diễn: "Chúng ta đang đi lần tới sự hoàn hảo".

LINH ĐOAN 
(Theo Tuổi Trẻ)

Khán phòng đầy ắp khán giả dù chương trình không miễn phí như cuộc Hội ngộ đàn tranh lần 1 - Ảnh: Minh SG

Khán giả vượt xa kỳ vọng
Trong chương trình, rất nhiều tác phẩm được các nghệ sĩ trình tấu trên nền đĩa đệm. Tuy nhiên, do âm thanh không được tốt lắm nên có lúc nhạc nền quá to lấn lướt tiếng đàn tranh hoặc chưa hòa quyện một cách ăn ý.
Không ít khán giả tặc lưỡi nếu được trình tấu với dàn nhạc sống thì hiệu quả có lẽ tăng lên gấp bội.Dù vậy, theo nghệ sĩ Hải Phượng, chương trình đã “vượt xa sự kỳ vọng, đặc biệt là về phía khán giả, tuyệt không có tiếng ồn ào nào”.

Hội ngộ đàn tranh lần 2: Bước chuyển mình của tiếng đàn Việt

Hội ngộ đàn tranh lần 2: 

Bước chuyển mình của tiếng đàn Việt


Vào lúc 19h30 ngày 23/7, tại Cung Văn hoá Lao động TP.HCM, CLB Tiếng hát quê hương sẽ tổ chức đêm Hội ngộ đàn tranh lần 2. Tham gia hội ngộ có nghệ sĩ Vân Ánh (giải Nhất Nhạc hội đàn tranh châu Á, 1995) trở về từ Mỹ. Chương trình lần này có nhiều tác phẩm mới và đặc biệt bên những tác phẩm truyền thống còn có những tác phẩm đương đại.

1. Trong số những nhạc cụ âm nhạc phương Đông, đàn tranh được đánh giá là khá phổ biến. Tuy mang những tên gọi khác nhau như kayagum (Hàn Quốc) koto (Nhật Bản), guzheng (Trung Quốc) và đàn tranh (Việt Nam) nhưng đều có sức sống lâu bền, là nét đẹp văn hoá và đan hoà vào tiếng đàn là đời sống tâm linh, tinh thần của mỗi dân tộc.

Ở Việt Nam, đàn tranh có mặt trong dàn nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ và nhã nhạc cung đình Huế với những âm điệu khác nhau nhưng mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc.


Nghệ sĩ Hải Phượng - giải Nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh 1992

Cung Văn hoá Lao động TP.HCM đã tổ chức thành công 3 cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh vào các năm 1992, 1995 và 1998. Tiếp nối thành công từ 3 cuộc thi là Nhạc hội đàn tranh châu Á được tổ chức vào 2000 và 2008 đã gây tiếng vang rộng khắp trong và ngoài nước, và hiện tại, Cung Văn hoá Lao động TP.HCM đang có kế hoạch sẽ tiếp tục tổ chức Nhạc hội đàn tranh châu Á lần thứ 3 vào năm 2012 và dự kiến sẽ tổ chức định kỳ 4 năm 1 lần. 

Bên cạnh Nhạc hội là các chương trình Hội ngộ đàn tranh. Đêm Hội ngộ lần 1 đã được tổ chức vào cuối tháng 10 năm 2010. Và, vào lúc 19h30 ngày 23/7 này, chương trình Hội ngộ đàn tranh lần 2 sẽ đánh dấu bước chuyển mình của tiếng đàn Việt với những bản phối mới, mang âm hương đương đại, có tiết tấu của rock, jazz và phong cách biểu diễn phá cách của các nghệ sĩ.  

2. Chương trình Hội ngộ đàn tranh gồm 2 phần: Phần 1 gồm là những tiết mục truyền thống gồm: Hòa tấu dàn nhạc Lưu thủy Kim tiền Xuân phong Long hổ (nhạc thính phòng miền Trung) và độc tấu đàn tranh với dàn nhạcMùa Thu quê hương (sáng tác Phạm Thúy Hoan). Phần 1 còn có phần độc tấu của nghệ sĩ Hải Phượng với 4 tiết mục, đáng chú ý trong đó có Thoáng quê hương do chính Hải Phượng sáng tác và Cơn lốc của Minoru Miki (Nhật Bản). 

Phần 2 gồm tạm gọi là “đương đại” do nhóm Mặt trời đỏ biểu diễn và phần biểu diễn của nghệ sĩ Vân Ánh. Trong 6 tiết mục biểu diễn của Vân Ánh, có khá nhiều sáng tác hoặc hòa âm của nhạc sĩ Đỗ Bảo với những tác phẩm dành riêng cho đàn tranh. Đặc biệt có bài Qua cầu gió bay do Nguyên Lê hòa âm cho đàn tranh, đàn bầu và giọng hát. 

Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương sẽ hoà quyện trong ước muốn thổi lên ngọn lửa đam mê với việc thưởng thức, biểu diễn và sáng tác bằng nhạc cụ dân tộc. Các nghệ sĩ sẽ chứng minh nhạc cụ dân tộc có sức biểu cảm không thua kém các loại nhạc cụ khác. Đặc biệt, chương trình cũng vẫn được sự đồng hành của GS.TS Trần Văn Khê, dù tuổi cao sức yếu, GS vẫn sẽ đến dự và truyền lại những kinh nghiệm quý giá của mình cho thế hệ trẻ.


Vũ Thị Thùy Dương - BM

Tấm lòng một nghệ sĩ

Tấm lòng một nghệ sĩ

Lâu rồi không được tham dự chương trình sinh hoạt nghệ thuật định kỳ tại nhà GS-TS Trần Văn Khê ở quận Bình Thạnh, TPHCM, tôi tự hỏi, không biết dạo này sức khỏe của ông thế nào? Rồi tôi chợt nhớ, hôm nay 24-7 là ngày sinh nhật của ông. Ông đã bước qua tuổi 90!


Hôm rồi điện thoại đến nhà ông, tôi nghe giọng ông mới hay, dạo này ông bệnh nhiều, sức khỏe không tốt lắm! Trong tôi chợt buồn một nỗi niềm rất riêng tư mà tôi biết đó cũng là nỗi niềm chung của những nghệ sĩ cao niên: tuổi đời đã cao, sức khỏe có hạn… Nói thế thôi, những ai biết ông đều hiểu, hiện nay ông vẫn tiếp tục làm việc, ông đã và đang vượt qua những cản trở về sức khỏe để nuôi dưỡng tình yêu lớn dành cho nghệ thuật truyền thống dân tộc Việt Nam.
 
GS-TS Trần Văn Khê hòa điệu cùng các nghệ sĩ trong một buổi sinh hoạt nghệ thuật ở tư gia của ông. Ảnh: L.T.B.

Tôi không tính được những buổi sinh hoạt nghệ thuật định kỳ tại nhà ông ở số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TPHCM bao năm qua, nhưng tôi và rất nhiều người nhớ hoài những buổi sinh hoạt nghệ thuật đầy ấn tượng, bổ ích mà ông và các nghệ sĩ là đồng môn, bạn hữu, học trò, con trai ông… đem lại cho khán giả.

Các chương trình thường được tổ chức đơn giản nhưng lại đạt hiệu quả cao, thu hút đông đảo khán giả đủ lứa tuổi, du khách nước ngoài đến theo dõi, tìm hiểu, mở rộng kiến thức. Khán phòng nơi thực hiện các buổi sinh hoạt nghệ thuật thật không lớn lắm nên lúc nào cũng chật khán giả đứng ngồi. Dù vậy, ông vẫn muốn thực hiện các buổi nói chuyện tại căn phòng ấy bởi sự ấm cúng, gần gũi, thân quen.

Chính những buổi sinh hoạt nghệ thuật theo từng chuyên đề: vài nét đặc thù về hát bội, nghệ thuật bài chòi, giới thiệu các loại trống và nhạc lễ Việt Nam, nghệ thuật đờn ca tài tử trong không gian văn hóa Nam bộ, rao và ngẫu hứng trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, nhạc sư Vĩnh Bảo – người thầy lớn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam, giới thiệu công trình âm nhạc của GS Trần Quang Hải… do ông thuyết trình, kết hợp với các tiết mục biểu diễn đã giúp cho các bạn trẻ, công chúng mộ điệu mở rộng sự hiểu biết và cảm nhận sâu sắc hơn những giá trị quý giá, độc đáo của nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Nhưng, để có được những buổi trò chuyện, lý giải cặn kẽ về nguồn gốc, sự tồn tại và phát triển của các loại hình nghệ thuật dân tộc, ông thường làm việc không nề hà đến cả sức khỏe của mình. Có lúc, buổi sáng phải đi gặp bác sĩ vì những căn bệnh mãn tính đang mang, nhưng đến tối, ông đã có mặt tại căn phòng thân thương của mình để tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút bao bạn trẻ say mê dõi theo nội dung: Từ dạ cổ hoài lang đến vọng cổ 32 nhịp.

Khi khác, trước 3 ngày diễn ra chương trình chủ đề đàn tranh, ông bị gãy chân, thế nhưng, khi hội ngộ với khán giả, ông như quên cả nỗi đau, say sưa giọng diễn thuyết truyền cảm, trầm ấm, lôi cuốn.

Tình yêu nghệ thuật của người nghệ sĩ sâu sắc là thế, nó vượt qua mọi trở ngại để bay bổng, thăng hoa, giúp bao trái tim cùng rộng mở, ôm trọn những mong mỏi, ước mơ dành cho nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Và theo năm tháng, ông vẫn luôn là người nghệ sĩ tài hoa chung thủy với lý tưởng, với nghề, dành trọn cả đời vào việc sưu tầm, giữ gìn, bảo tồn, phát huy vốn văn hóa âm nhạc truyền thống của dân tộc, thông qua các công việc nghiên cứu, giảng dạy, viết báo và tham luận về đề tài âm nhạc dân tộc Việt Nam, tham dự hàng trăm hội nghị quốc tế về âm nhạc và âm nhạc học, tham dự liên hoan quốc tế về âm nhạc khắp năm châu, thực hiện các đĩa hát 33 vòng và CD về âm nhạc Việt Nam và âm nhạc một số nước châu Á…

Và mỗi khi nghĩ đến ông – người nghệ sĩ lớn, trong tôi lại đầy xúc cảm! Tôi cũng như những khán giả yêu mến ông luôn hy vọng và cầu chúc cho ông có thêm nhiều nghị lực, ý chí, niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống để vượt qua những thử thách về sức khỏe, để tiếp tục có những đóng góp quý giá cho đời, cho nghề.

THÚY BÌNH
(Theo Sài Gòn Giải Phóng online)

Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

Kỳ tài đàn tranh lại hội ngộ "chay"


Kỳ tài đàn tranh lại hội ngộ "chay"

E-mail của NSƯT Phạm Thúy Hoan ngoài tiêu đề “Hội ngộ đàn tranh lần II – 2011” chỉ vỏn vẹn tấm ảnh poster của chương trình và dòng nhắn gửi nhờ thông tin hỗ trợ. Điều đó hoàn toàn khác so với những liveshow ca nhạc tràn ngập thông cáo báo chí với lắm lời văn hoa và hình ảnh nghệ sĩ như dội bom hộp thư của giới phóng viên.

Cũng dễ hiểu, bởi xưa nay các nghệ sĩ thuộc nhánh âm nhạc dân tộc dù đã gặt hái không ít thành công trên thế giới vẫn cứ luôn khiêm tốn, nhỏ nhẹ thế. Đến mức, nếu không hiểu nhiều về nhạc dân tộc, người ta sẽ chẳng thể hình dung phía sau những cái tên nghệ sĩ, tên tác phẩm là những sáng tạo biến hóa đến mức nào.


Các nghệ sĩ tham gia chương trình Hội ngộ đàn tranh lần II

Trở lại Việt Nam trong lần hội ngộ thứ hai của các kỳ tài đàn tranh, danh cầm Võ Vân Ánh vẫn theo trường phái kết hợp nhạc dân tộc với jazz trên cây đàn mà chị đã cất công nghiên cứu cải tiến, qua nhiều sáng tác của nhạc sĩ Đỗ Bảo, hòa âm của Nguyên Lê và cả sáng tác riêng của chị. Ở phía đối trọng, nghệ sĩ Hải Phượng vẫn trung thành với những bài bản cổ theo trường phái tinh tuyền và cũng đóng góp vào chương trình bài Thoáng hương quê là sáng tác riêng. Thế nhưng, khi nghe đến cụm từ “cuộc đối đầu cổ-kim”, Hải Phượng giãy nảy: “Trời ơi, đừng có câu khách vậy cậu ơi! Cậu muốn quảng cáo thì cứ viết là cơ hội thưởng thức kỹ thuật đóng đàn của hai loại đàn (tạm gọi là) nổi tiếng nhất hiện nay - đàn Vĩnh Bảo và đàn Vân Ánh”,  rồi cười. Ừ thì là đàn Vĩnh Bảo và đàn Vân Ánh – kiểu đóng đàn, chơi đàn theo những phong cách riêng biệt của những nghệ sĩ miền Bắc và miền Nam. Âm hưởng Bắc bộ của quan họ, chầu văn như Qua cầu gió bay, Phong cảnh quê em qua phần thể hiện của Vân Ánh khi đặt bên cạnh nhạc tài tử miền Nam như Song phi hồ điệp, Bình sa lạc nhạn do Hải Phượng trình bày sẽ như thế nào có lẽ cũng chính là điều khán giả (nhiều người ở tỉnh xa) đang chờ đợi khi quyết định đặt vé tham dự chương trình.

Dẫu đêm nhạc được dự báo sẽ rất đặc sắc khi có thêm phần góp mặt của nhóm Mặt trời đỏ và CLB Tiếng hát quê hương, nghệ sĩ Hải Phượng vẫn không khỏi trầm ngâm khi nói về ước mơ quảng bá âm nhạc dân tộc. Hoàn toàn không được tài trợ, những con người đầy tâm huyết ấy đã dốc túi làm Hội ngộ đàn tranh lần I, rồi lần II với sự giúp sức đáng quý của Cung văn hóa Lao Động và toàn bộ kinh phí từ bán vé (sẽ không nhiều) cũng sẽ được dành lại để tiếp tục làm Đại hội đàn tranh châu Á - chương trình từng được thực hiện trong cảnh eo hẹp kinh phí, chưa thể tươm tất, dù người đi vận động tài trợ, xin kinh phí khi ấy là GS-TS Trần Văn Khê. “Cái hay của nhạc dân tộc thì không cần phải bàn nữa. Các chương trình nhạc dân tộc cũng rất được truyền thông ủng hộ, nhưng xin tài trợ thì gian nan quá. Mà, nếu cứ phải gồng mình như thế này, thì khó mà có những đêm nhạc trọn vẹn như mình muốn” - Hải Phượng chia sẻ. Nhưng ngay sau đó, cũng chính chị lại đầy tự tin: “Cứ làm thôi! Ai biểu yêu quá làm chi!”.

Trước khi chia tay để chị trở lại tập luyện cho đêm nhạc, Hải Phượng dặn với theo: “Khi nào báo ra cho chị xin một tờ nghen, để chị làm hồ sơ đi… xin tài trợ”.

Phạm Thành Nhân

(Theo Phunuonline)

"HỘI NGỘ" TRONG TIM...

"HỘI NGỘ" TRONG TIM...



















Chỉ còn vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi nữa thôi, tấm màn trên sân khấu "Hội ngộ Đàn Tranh" lần thứ 2 sẽ từ từ mở ra trước mắt khán thính giả mộ điệu âm nhạc dân tộc truyền thống, mà "đại sứ" được chọn để nói lên tâm tình Việt Nam chính là cây Đàn Tranh mang nhiều cung bậc cảm xúc, có khả năng xuyên qua tầng tầng lớp lớp không gian - thời gian xưa và nay để chuyển tải những thông điệp tâm hồn, những trầm tích văn hóa cũng như những nhịp thở sôi động của thời hiện đại... đến trái tim bao người.

Chỉ còn vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi nữa thôi, đôi tay búp măng của Hải Phượng sẽ rải những cung đàn trần gian đong đầy hương hoài niệm, đưa chúng ta vào bến bờ của "tiếng xưa", của "trầm tích", của "cổ truyền", của mang mang ảnh hình nếp cổ người xa, đang nâng chung trà tỏa khói mà chậm rãi ngắm đôi bướm cùng bay (Song phi hồ điệp), xem con chim nhạn đáp trên bãi cát (Bình sa lạc nhạn). 


"Hồ điệp" song phi

Hương quê thoáng rưng rưng (Thoáng hương quê) cũng đủ để người ta lấy khăn thấm giọt nước mắt đọng ở vành môi, có mùi hương nào thân quen hơn mùi vị quê nhà? Và khi đi hết hành trình truyền thống, ta lại có một cuộc "hội ngộ" với "lốc" văn hóa ngoài dân tộc. "Cơn Lốc" Phù Tang trên tơ đàn Hải Phượng đêm ấy sẽ dữ dội, mãnh liệt đến thế nào đây? Có giống như khi nhấp một ngụm rượu sake rồi vị thơm say ấy khiến xui châu thân trở nên bừng bừng trỗi dậy, hồn vút lên tận chừng trời?

Chỉ còn vài tiếng đồng hồ ngắn ngủi nữa thôi, những ngón tay gầy thon diễm ảo của Vân Ánh sẽ lướt thiết tha trên cánh nhạn đưa ta vượt ngàn trùng biên lũy đến vùng đất mênh mang của tâm thức, nơi chứa đựng nỗi niềm sâu kín tự bản ngã con người. "Bụi đường vó ngựa" đi đâu? Về đâu? "Gió phương Nam" đang thổi tình ai lồng lộng khắp bốn phương trời? Tôi mơ màng thấp thoáng giữa mộng ảo và hiện thực, giữa quá khứ và hôm nay bóng hoa đào lay hương trước gió (Vịnh hoa đào) trong tâm sự kẻ xa quê:

Đào hoa, đào diệp lạc phân phân
Môn yểm tà ghi nhất viện bần  
Trú cửu đốn vong thân thị khách   
Niên thâm cánh giác lão tùy thân
Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục
Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân
Lưu lạc bạch đầu thành để sự
Tây phong xuy đảo tiểu ô cân

(Hoa đào lá đào bay la tả
Cánh cổng xiêu vẹo, mái nhà bần bạc
Trú ngụ ở đây lâu ngày
Quên bẵng mình là khách
Trải qua nhiều năm tháng, biết tuổi già đã đến
Kẻ tục sống buổi loạn lạc
Muốn giữ toàn tính mệnh, thấy ai cũng sợ
Phiêu dạt đến đâu mà nào được việc gì đâu!
Ngọn gió tây thổi rơi chiếc khăn đen nhỏ...)



- "U Cư" của Thanh Hiên Tố Như -

Cánh đào rơi khắp mặt đàn đã bao lần đối ca cùng tuế nguyệt. Sự sống hôm nay hiện hữu ngát hương trong cánh đào mong manh, quê hương lắng đọng trong niềm rung động dạt dào. Hiện tại cho ta truy tìm dấu mộng, mà dấu mộng lay ta bừng tỉnh giữa cuộc đời. Người đã về lại cố quận chưa người ơi?


















Cánh đào rơi...

Các bạn đàn Tranh đương hồi hộp với ngày "Hội Ngộ", "Hội Ngộ" hoàn toàn với thính giác vẹn nguyên, với xúc giác tròn đầy, với thị giác rõ ràng mồn một hiển hiện phơi bày. Tay thực sự nhấn trên dây, tai thực sự được chuốc tràn tiếng nhạc, hiện tại vài tiếng đồng hồ tới đây là giây phút gần mộng, thoát trần. Còn tôi, tôi đang phiêu dạt tận nơi đâu?

Xa lắm xa lắm! Xa ý nhạc tôi mòn mỏi trông chờ, xa tiếng tơ ru ngày phiền muộn... Tôi ngồi nơi phương trời cách tiếng đàn hàng trăm cây số, cách "cơn lốc", "hồ điệp", "nhạn", "cánh đào rơi", "thạch thảo hoa"... muôn trùng tiếng xe. Tôi biết "Hội ngộ" ra sao? Thời gian không dừng lại, ngày hội ngộ gần kề...

Xuôi dòng tưởng tượng cho ngày gặp gỡ, thôi thì mình "hội ngộ" cùng nhau trong tim nghe Tranh ơi!

Viết từ phương xa, lỡ dịp "hội ngộ" thứ nhì
22/07/2011

MÂY BỐN PHƯƠNG

HẤP DẪN VỚI NGÀY HỘI ĐÀN TRANH

HAÁP DAÃN VÔÙI “NGAØY HOÄI ÑAØN TRANH”



Chương trình ca nhạc dân tộc “Hội Ngộ Đàn Tranh” sẽ diễn ra vào ngày 23-07-2011 do CLB Tiếng Hát Quê Hương và Cung Văn Hóa Lao Động tổ chức không chỉ là bước đệm để tiến tới Ngày hội Đàn Tranh Châu Á sẽ diễn ra tại TP. HCM vào năm 2012, mà còn là sự gặp gỡ giữa hai nghệ sĩ Đàn Tranh nổi tiếng: một Hải Phượng ở trong nước và một Vân Ánh Vanessa Võ ở hải ngoại. Chính sự có mặt của hai nghệ sĩ tài danh này khiến cho đêm ca nhạc dân tộc “Hội Ngộ Đàn Tranh” trở nên hấp dẫn.



Nghệ sĩ đàn Tranh Hải Phượng là một tên tuổi mà những ai yêu âm nhạc dân tộc không thể không biết đến. Sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống âm nhạc dân tộc, Hải Phượng năm bảy tuổi đã theo học đàn Tranh tại Nhạc viện TP. HCM khóa đầu tiên năm 1976, từ trung học lên đại học và cả cao học âm nhạc dân tộc. Mới đây, Hải Phượng là một trong hai thạc sĩ đầu tiên chuyên ngành sư phạm biểu diễn nhạc dân tộc của Nhạc viện TP. HCM. Hiện nay, chị là giảng viên chính thức của Nhạc viện. Ngoài những thành tích và giải thưởng trong nước, tiếng đàn Tranh của Hải Phượng còn vang lên ở nhiều nước từ châu Âu sang châu Á qua những cuộc liên hoan âm nhạc và giao lưu quốc tế. Hải Phượng cùng mẹ là nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan và em gái là nghệ sĩ Hải Yến thành lập CLB. Tiếng Hát Quê Hương từ năm 1981 nhằm bảo tồn, phát triển và phổ biến âm nhạc dân tộc. 


Còn nghệ sĩ Vân Ánh Vanessa Võ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội và cũng theo học đàn Tranh tại Nhạc viện Hà Nội từ năm bốn tuổi. Chị tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội và đã từng chiếm giải nhất trong liên hoan đàn Tranh toàn quốc 1995 (cuộc thi tài Năng Trẻ đàn Tranh). 


Vân Ánh Vanessa Võ lập gia đình và định cư tại Mỹ năm 2000, và trở thành một người chơi đàn Tranh Việt Nam rất có uy tín tại xứ người. Vân Ánh Vanessa Võ được quốc tế biết đến khi viết nhạc và thể hiện bằng đàn Tranh cho bộ phim tài liệu “Người con gái Đà Nẵng” đoạt giải Grand Jury tại Liên hoan phim Sundance năm 2002 và một đề cử cho giải Oscar năm 2003.



Sau một thời gian làm việc cùng các nghệ sĩ ở Mỹ, Vân Ánh nhận thấy khả năng chơi Jazz và new age của cây đàn Tranh nên chị trở về quê hương cộng tác với nhạc sĩ Đỗ Bảo cho ra đời album hòa tấu nhạc cụ dân tộc Việt theo phong cách Jazz và new age. Hiện Vanessa Võ đang dạy nhạc cụ dân tộc tại bang Vermont của Mỹ. 


Phần một của chương trình ca nhạc “Hội Ngộ Đàn Tranh” dành cho CLB Tiếng Hát Quê Hương qua màn hòa tấu nhạc thính phòng miền Trung và độc tấu đàn Tranh với dàn nhạc qua một sang tác của Phạm Thúy Hoan. Còn Hải Phượng với phần biểu diễn đàn Tranh qua các tấu khúc nổi tiếng như là một trong các điểm nhấn của chương trình. Bằng ngón đàn tài hoa và điệu nghệ, Hải Phượng sẽ thể hiện các bản Song Phi Hồ Điệp và Bình Sa Lạc Nhạn (nhạc Tài Tử miền Nam của Nguyễn Văn Thinh); Thoáng Hương Quê – một sáng tác của Hải Phượng và một sáng tác của Minoru Miki (Nhật).


Phần hai được dành cho nhóm Mặt Trời Đỏ với ca khúc mang âm hưởng dân ca của Trần Tiến (Ngọn Lửa Cao Nguyên)  và Thế Giới Muôn Hoa (nhạc Nhật, lời Việt của Nguyễn Minh Đạo).
Tất nhiên điểm nhấn của phần hai chương trình là của nghệ sĩ Vân Ánh Vanessa Võ. Chị thể hiện đàn Tranh theo phong cách jazz và new age với một loạt bài do Đỗ Bảo sáng tác và hòa âm, hoặc phát triển mới như Gió Phương Nam (độc tấu đàn Tranh và đàn Bầu), Qua Cầu Gió Bay, Vó Ngựa Bụi Đường, Vịnh Hoa Đào, Phong Cảnh Quê Em (độc tấu đàn Tranh) và một bản do chính Vân Ánh Vanessa Võ sáng tác: Hoa Thạch Thảo.


Chương trình không chỉ hấp dẫn với hai danh cầm thập lục của Việt Nam trong cùng một chương trình ca nhạc dân tộc “Hội Ngộ Đàn Tranh”, mà còn là một chương trình ca nhạc dân tộc lần đầu tiên bán vé. Tất cả tiền thu được trong đêm diễn này sẽ giao cho Cung Văn Hóa Lao Động để dành chuẩn bị cho Nhạc Hội Đàn Tranh Châu Á tổ chức tại đây vào năm 2012. Không như các loại hình ca nhạc khác được các doanh nghiệp tham gia tài trợ, đây là một chương trình ca nhạc tự lực cánh sinh đáng để mọi người yêu ca nhạc truyền thống dân tộc quan tâm ủng hộ. Vé có bán tại Cung Văn Hóa Lao Động hoặc đặt vé qua điện thoại số: (08) 39309778.


NGUYÊN VŨ

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn cuối tuần, số 413, 2011)