Thứ Hai, 7 tháng 1, 2013

Cảm nhận Hoa Quê Hương 42 - "Xin hát hoài, hát mãi..."


Làn điệu tiếng nước tôi,
Ngọt ngào thắm đôi môi,
Xin hát hoài, hát mãi,
Trải lòng cùng người người !

Hứa Hữu Bền 
(Lớp Dân Ca)

Nhạc hội Đàn Tranh Châu Á 2012 tại Macau (古箏音樂會中日韓越合奏) - Tin tức từ Macau Daily (Nhật báo Macau)

Nghệ sĩ Hải Phượng tham gia chương trình nghệ

 thuật "Nhạc hội đàn Tranh Châu Á" tại Macau tháng

 08/2012 vừa qua. Nhật báo Macau đăng tin ngày

 13/08/2012, sau buổi biểu diễn 1 ngày.
 


古箏音樂會中日韓越合奏 



青年古箏藝術團聯同中日韓越古箏演奏家合作舉辦國際箏薈萃音樂會

越南演奏家演奏越北情歌

秦箏大師周望演奏“姜女淚”
    藝術盛宴展各民族風情特色
    古箏音樂會中日韓越合奏
    【本報消息】澳門青年古箏藝術團昨晚假文化中心小劇院舉辦“世界箏薈萃”——古箏音樂會,分別邀請來自北京的秦箏大師周望、日本的古箏演奏家山內伊砂偉、韓國古箏演奏家金岷侹、越南古箏演奏家海鳳暢聚澳門,聯同本澳的中樂演奏家一起為澳門樂迷呈現了一場別開生面,而又充分展現各地民族風情和特色的古箏藝術盛宴。音樂會內箏音悠揚清雅,令樂迷為之陶醉。
    澳門青年古箏藝術團長期致力推廣及普及古箏藝術文化,並經常尋求進步和突破,冀望古箏藝術文化能遍地開花,綻放異彩。藝術團是次獲文化局、教青局、民署、澳門基金會、澳門霍英東基金會贊助,並獲文化中心資助部分場租,邀請到來自北京、日本、韓國、越南的古箏演奏家蒞澳,與澳門青年古箏藝術團攜手合作,於昨晚八時為澳門樂迷呈獻了一場高水平的“世界箏薈萃”古箏音樂會。
    音樂會由青年古箏藝術團聯同大提琴王思雨、指揮黃建偉的一曲“蝴蝶與藍”古箏合奏揭開序幕。緊接着由越南古箏演奏家海鳳接連以越南箏演奏了“流水”、“越北情歌”兩首越南風情樂曲,悠揚清越的琴音,餘音繚繞;黃建偉的“禪院鐘聲”如泣如訴;韓國演奏家金岷侹演奏韓國箏伽倻琴獨奏出“金竹玻流伽倻琴散調”及“宮打令之美”,明快跳脫的琴聲拍打着樂迷的心跳律動;秦箏大師周望一曲“姜女淚”更讓全場驚艷;日本演奏家山內伊砂偉則帶領樂迷重溫了經典的“櫻花”和“雲段調”;還有黃建偉的“梁祝”選段。悠美樂曲配美麗又各具特色的民族服飾,從視覺和聽覺上帶給了樂迷無限的美的享受。每曲既罷,全場即響起熱烈的掌聲。
    音樂會後,主辦單位還特別舉行簽名會,讓樂迷可近距離一睹各地古箏演奏家的風采,並索取他們的親筆簽名,樂迷反應熱烈。
    今晚八時,主辦單位繼續在文化中心小劇院舉辦“秦雁絃思、周望師生古箏音樂會”,由著名古箏演奏家、教育家、中央音樂學院民樂系教授周望及其學生傾力演出。

Nhạc hội đàn tranh: 2 câu chuyện, 1 nỗi buồn

Nhạc hội đàn tranh: 2 câu chuyện, 1 nỗi buồn


Ðó là câu chuyện từ Nhạc hội đàn tranh khu vực châu Á vừa được tổ chức tại Macau (ngày 12 và 13-8) và chuyện về Nhạc hội đàn tranh châu Á sắp diễn ra ở VN.

Theo kế hoạch, nhạc hội sẽ diễn ra vào tháng 9 tại Nhạc viện TP.HCM...

Hội ngộ đàn tranh 2011 với hai danh cầm Hải Phượng (trái) - Vân Ánh cùng nhiều tài năng nhạc dân tộc đã không kiếm đủ tài trợ để làm được những điều tốt hơn  - Ảnh: LÊ TÂN SƠN
Trong những lần hiếm hoi về nước, nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên đều nhắc đi nhắc lại khát khao đưa âm nhạc dân tộc vào học đường, ngay từ cấp tiểu học. Ðó không đơn thuần là chuyện dạy nhạc hay nâng cao khả năng mỹ học cho các em. Câu chuyện lớn hơn nằm ở chỗ nuôi dưỡng lòng yêu âm nhạc nước nhà bởi người ta sẽ không thể cảm, yêu một cái gì đó khi không biết nó là gì. Nhạc sĩ Nguyễn Lê Tuyên kể ở Úc, nơi anh dạy nhạc, trẻ em được học nhạc từ rất sớm và là học nhạc dân tộc, sau đó mới đến âm nhạc các nước khác.
Giáo sư Trần Quang Hải cùng phu nhân - danh ca Bạch Yến, trong nhiều cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ cũng cho biết điều tương tự được thực hiện ở khắp các nước: nền tảng vững chắc về nhạc dân tộc được xây dựng, củng cố từ rất sớm.
Những chuyến lưu diễn để giới thiệu cái hay, cái đẹp của nhạc Việt của GS Trần Quang Hải - Bạch Yến hay lần tham gia nhạc hội đàn tranh vừa rồi của nghệ sĩ Hải Phượng đều được ban tổ chức nước bạn "bao" hết toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại, thậm chí còn được nhận thù lao mang về.
Tại VN, Nhạc hội đàn tranh châu Á là cái tên đã được chọn từ chương trình Hội ngộ đàn tranh lần 2 năm 2011 tại Cung văn hóa Lao động với mong mỏi sẽ hội tụ những tài năng nhạc dân tộc các nước đến Việt Nam để cùng giao lưu, học hỏi. Thế nhưng đến tận hôm nay, khi chỉ còn non tháng nữa chương trình sẽ chính thức bắt đầu thì chỉ mới có đoàn Nhật xác nhận sẽ đến, các nước khác vẫn im lặng. Nguy cơ rất lớn là chương trình sẽ phải đổi tên, rút gọn thành Nhạc hội đàn tranh, không còn "châu Á". Buồn hơn nữa là ngay cả các đoàn trong nước như Học viện Âm nhạc quốc gia VN, Học viện Âm nhạc Huế... cũng chưa xác nhận sẽ tham gia hay không. Lý do? Tiền.
Không có kinh phí. Không được tài trợ, ban tổ chức nhạc hội đàn tranh không thể trả chi phí máy bay, ăn ở cho các nghệ sĩ khách mời. Ðoàn nghệ sĩ Nhật đến Việt Nam sẽ phải tự túc mọi chi phí. Khi được hỏi vì sao không nhân cơ hội sang Macau để mời nước bạn, Hải Phượng cười buồn: "Mặt mũi nào mình vừa mới cầm tiền của người ta rồi mở miệng bảo người ta tự lo chi phí qua tham gia với mình". Sự phối hợp giữa Câu lạc bộ Tiếng hát quê hương, Cung văn hóa Lao động và Nhạc viện TP.HCM cũng chỉ giúp chương trình có một khán phòng tốt hơn cho âm nhạc - khán phòng của nhạc viện thay vì hội trường cung văn hóa vốn không được thiết kế cho các đêm nhạc đỉnh cao.
Sự "lặng lẽ" của âm nhạc dân tộc, tương tự ở mảng nhạc hàn lâm Việt, đã không đủ sức thuyết phục nhà tài trợ dù ai cũng hiểu chất lượng của những đêm nhạc này cao đến mức nào. Giữa một nền âm nhạc chuộng sự ồn ào, hào nhoáng, phấn son, thật khó trách sao người ta chỉ đặt rating (tỉ lệ người xem) hay hiệu ứng truyền thông lên hàng đầu.
LÊ TÂN SƠN
(Theo Tuổi Trẻ online)
Thật vang và ngân dài
Trên chuyến bay về nhà...
...Bây giờ mới thật là nhẹ nhõm. Ngả lưng thoải mái trên ghế máy bay và hồi tưởng hai ngày vất vả mà đầy vui vẻ vừa qua, cảm xúc lâng lâng vẫn còn in đậm trong tâm hồn mình.
Nhớ mãi hình ảnh mọi người cùng loay hoay mô tả, so sánh, săm soi các cây đàn của nhau rồi cùng "ồ, à..." thích thú.
Ðầu tiên là so kích thước của các cây đàn. Cây đàn koto Nhật Bản là dài nhất: 180cm, đàn kayakeum của Hàn Quốc thì 160cm, đàn guzheng Trung Quốc dài khoảng 150cm và cây đàn tranh Việt Nam "mi nhon" nhất với chiều dài chỉ 125cm. Nói về cân nặng thì cây guzheng đứng đầu và cây đàn Việt Nam là nhẹ nhất. Bà Yamauchi, nghệ sĩ koto, xin cầm thử cây đàn tranh và cứ tấm tắc: sao mà nhẹ thế.
Rồi đến lượt thử tiếng đàn. Tuy cũng là các cây đàn cùng họ đàn tranh nhưng âm sắc mỗi cây đương nhiên khác nhau vì mỗi cây thể hiện quan điểm thẩm mỹ của từng dân tộc và bắt chước tiếng nói của dân tộc đó nên thật là phong phú. Ðàn koto có hệ thống thang âm đặc trưng riêng biệt, đàn kayakeum (Hàn Quốc) mạnh mẽ và cách nhấn thì y như cách nói nhấn âm mạnh như có dấu hỏi của tiếng Hàn, đàn guzheng Trung Quốc trầm ấm, đàn tranh Việt Nam thì âm thanh trong trẻo. Min Yung Kim nói: "Bạn nói thử một câu tiếng Việt đi". Mình mới nói rằng Min là nghệ sĩ đẹp nhất mình từng thấy, đẹp như là hoa hậu. Min chẳng hiểu gì cả nhưng nhận xét: "Cây đàn của bạn nói giống bạn". Mình sờ vô những đầu ngón tay phải của Min và cảm nhận được tất cả các vết chai cứng hình thành qua tháng năm miệt mài với nghề nghiệp. Cô ấy lại sờ ngón tay của bàn tay trái mình để cũng thấy những vết cắt thật nhỏ qua những lần miết sâu trên dây đàn.
Ông Peter Tam - thành viên ban tổ chức sau đêm diễn, đến nói rằng: "Lúc đầu tôi cứ nghĩ đàn Việt Nam giống như Trung Hoa, nhưng bây giờ thì tôi đã biết sự khác biệt rồi". Mình có thể làm gì? Ông ấy còn nói: "Chúng tôi đã rất lo lắng: liệu chúng tôi có cần phải để micro riêng cho cô không. Nhưng sau khi tổng duyệt thì tôi biết là không cần phải lo nữa, tiếng đàn VN rất vang và sắc nét đến từng ngón nhấn".
À cái này thì mình phải về cảm ơn nhạc sư Vĩnh Bảo mới được. Mẹ cứ bảo mình là "anh hùng thì phải có bửu kiếm" ... mà thầy Vĩnh Bảo thì lại bảo "thôi thầy lên núi ở ẩn rồi, thầy làm cho con mấy cây đàn đặc biệt để ra giang hồ vậy". Và thiệt không hổ danh "đàn Vĩnh Bảo", tiếng đàn thật vang và ngân dài cho đến từng nốt nhấn. "Lão sư" Hoàng Châu (người độc tấu guzheng) từ Bắc Kinh đã thử và lắc đầu thán phục: "Cây đàn guzheng không thể nào nhấn đến quãng 4 như vậy được".
Sáng nay báo Macau đăng bài về nhạc hội, có ảnh của mình và giáo sư Hoàng Châu nữa cùng với những lời nhận xét hết sức tốt đẹp.. Vui quá đi!
Lại nghĩ đến lời ông Hoàng (nhạc sĩ sáng tác bài guzheng được diễn tấu trong chương trình) đã nói: "Cây đàn Việt Nam được chú ý đặc biệt vì giai điệu phong phú, cách "chuyển hơi" của đàn Việt Nam là cực kỳ độc đáo. Chỉ sử dụng một cây đàn mà diễn tả nhiều hơi nhạc khác nhau tạo ra nhiều giai điệu khác nhau". Ông ấy còn nhận xét rất hay rằng: sau này khi kỹ thuật ngày càng phát triển và không còn xa lạ với giới chơi đàn tranh các nước, thì giai điệu chính là cái quyết định cho thành công của tác phẩm.
Chia tay và hẹn một ngày nào đó sẽ được gặp lại mọi người. Ở đâu đó trên trái đất hay ở VN chẳng hạn. Có ai cấm mình mơ đâu nhỉ!

Trích nhật ký chuyến lưu diễn "Thế giới đàn tranh" của nghệ sĩ Hải Phượng

Ra mắt thư viện GS Trần Văn Khê


Ra mắt thư viện GS Trần Văn Khê
Toàn bộ sách, báo, tài liệu của GS Trần Văn Khê tích góp được trong thời gian sinh sống và làm việc ở nước ngoài (1949 - 2005) vừa được cán bộ Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM xử lý nghiệp vụ, hình thành thư viện giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê và bàn giao cho ông vào sáng 21-8.
Bà Thế Thanh (phải) và nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tham quan thư viện Trần Văn Khê tại buổi ra mắt - Ảnh: L.Điền
Thư viện đặt tại 32 Huỳnh Ðình Hai, quận Bình Thạnh, TP.HCM, với tổng số 3.920 nhan đề sách (6.420 cuốn), 802 nhan đề báo - tạp chí (4.374 bản). Ngoài ra, thư viện còn có bài báo của GS Trần Văn Khê và bài viết về GS Trần Văn Khê, được Thư viện KHTH số hóa, tổng cộng có 2.230 file.
Ðây là kết quả của đề án "Nhà Trần Văn Khê" do ngành văn hóa TP.HCM xúc tiến khi biết GS Trần Văn Khê có nguyện vọng trở về VN sống những năm cuối đời tại đất nước.
Phát biểu tại buổi bàn giao thư viện, GS Trần Văn Khê nhắc lại những nỗ lực của ngành văn hóa TP.HCM, thư viện, bảo tàng, và cá nhân bà Nguyễn Thế Thanh - nguyên phó giám đốc Sở VH-TT (cũ) TP.HCM - đã nhiệt tình thu xếp để toàn bộ số tài liệu của ông được về VN an toàn, có không gian lưu giữ, có kỹ thuật viên xử lý và đưa vào phục vụ công chúng, giới nghiên cứu. "Tất cả sách của tôi giờ cũng có thể tra tìm mau mắn như thư viện nhà nước, quả là một giấc mơ trở thành sự thật" - GS Trần Văn Khê khẳng định.
LAM ĐIỀN
(Theo Tuổi Trẻ online)

TP.HCM: Bàn giao thư viện cho GS-TS Trần Văn Khê


TP.HCM: Bàn giao thư viện cho GS-TS Trần Văn Khê

Ngày 21/8, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM đã tổ chức lễ bàn giao thư viện Trần Văn Khê cho GS-TS Trần Văn Khê tại số 32 Huỳnh Đình Hai, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.
    Ban giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp trao “danh mục sách theo chủ đề” cho GS-TS Trần Văn Khê.
    Thư viện hiện có ba loại tài liệu chính gồm: sách, báo, tạp chí, các loại tài liệu dạng sách; văn bản, hồ sơ cá nhân; băng, đĩa, hình… mà giáo sư đã sưu tầm được. Trong đó, sách có 3.920 nhan đề/ 6.420 cuốn; báo, tạp chí có 802 nhan đề/4.374 bản; các bài viết của giáo sư đăng trên các báo, tạp chí được scan làm bộ sưu tập số hóa có 2.230 file/ 338 folder.
    Khách đang tham quan thư viện.
    Được biết, quá trình thực hiện thư viện này bắt đầu từ 23/9/2010 – 31/7/2012 do Ban giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp TP chủ động đề nghị với sự đồng ý của giáo sư và sự chỉ đạo của Sở Văn hóa-thể thao và du lịch TP.HCM. Thư viện được sắp xếp theo chuẩn nghiệp vụ thư viện quốc gia và quốc tế, thuận lợi cho việc tra cứu.
    Hoa Lài
    (Theo Phụ Nữ online)

    “Hồn Việt” chinh phục du khách quốc tế


    “Hồn Việt” chinh phục du khách quốc tế

    Sau 20 chương trình được diễn ra tại Nhà hát TP, chương trình văn hóa nghệ thuật Hồn Việt – The Soul of Vietnam đã thu hút được sự quan tâm từ phía dư luận, người dân Việt Nam cũng như khách du lịch nước ngoài.
    “Hồn” của dân tộc Việt
    Chương trình do Công ty Cổ phần Nghệ sĩ Mê Kông (Mekong Artists) tổ chức được diễn ra 2 lần định kì của mỗi tháng 15 và 23 tại Nhà hát TP
    Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền ( Nghệ sĩ Linh Huyển) – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nghệ sĩ Mê Kông cho biết: “Hồn Việt được thiết kế như một hành trình minh họa lịch sử - văn hóa Việt Nam thông qua các loại hình nghệ thuật truyền thống lẫn hiện đại của Việt Nam. Ở đây có đủ hình thức biểu diễn từ đàn đá, tuồng, chèo, hát xẩm, nhã nhạc cung đình, cải lương đến các nghệ thuật múa, rối, xiếc, nhạc hiện đại theo phong cách thịnh hành hiện nay. Toàn bộ trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số trong Hồn Việtđều là trang phục gốc của người bản địa”
     Hồn Việt giới thiệu và biểu diễn âm nhạc truyền thống và đương đại Việt Nam cũng như thể loại múa hát, kịch ở một tầm cao mới. Đặc trưng của chương trình là quy tụ được các nghệ sĩ tài năng của Việt Nam như Đỗ Lộc, Hải Phượng, Thu Thủy, Duy Đức và Linh Huyền, với dàn diễn viên hơn 60 người đến từ nhóm Xiếc Thành phố Hồ Chí Minh, các vũ công của Công ty Vầng Trăng cùng các ca sĩ mới nổi đến từ nhiều tỉnh, thành của cả nước. Cụ thể, Hồn Việt gồm 5 hoạt cảnh, kéo dài 60 phút. Khởi đầu là lịch sử về Hai Bà Trưng với âm nhạc cồng chiêng, đàn đá và hai con voi như thật có thể di chuyển được. Tiếp theo là ba hoạt cảnh Bắc, Trung, Nam mô tả văn hóa, đời sống người Việt Nam qua câu chuyện Chú cuội cây đa. Hoạt cảnh cuối cùng là một Sài Gòn năng động, quyến rũ du khách với đời sống thị dân phong phú, thể hiện qua những tiếng rao, những âm thanh rộn ràng đủ loại của Sài Gòn.
    Tổng đạo diễn chương trình là Lâm Lê Dũng. Nhạc sĩ Văn Tòng chịu trách nhiệm thiết kế sân khấu. Hai nhạc sĩ Hoàng Anh và Hoài Anh chịu trách nhiệm phần nhạc.
    Bắt đầu từ suất diễn lần thứ 21 vào ngày 15 -8- 2012, chương trình Hồn Việt sẽ có được Nhà Tài trợ mới – Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital với số tiền tài trợ cho mỗi suất 12.500.000 VND kéo dài trong vòng 6 tháng.
    Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền cho biết: “Hiện giờ, Dragon Capital là Nhà Tài trợ duy nhất cho chương trình Hồn Việt. Chúng tôi hi vọng sẽ có thêm nhiều sự hỗ trợ từ phía thành phần tư nhân để cùng với chúng tôi khích lệ, thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn và các nghệ sĩ – không chỉ là người đại diện cho sự tồn tại của di sản vô giá của nền nghệ thuật truyền thống, mà còn đảm bảo được nền nghệ thuật truyền thống ấy được tiếp tục phát triển dài lâu, đặc biệt khi họ sẽ giới thiệu và biểu diễn cho cả thế giới trong tương lai
    Được biết, Sở Văn hóa Thể thao Du lịch cũng hỗ trợ chương trình ở khâu kết nối với khán giả thông qua hơn 40 công ty du lịch, lữ hành và khách sạn ở TP HCM.
    Song Minh
    (Theo Màn ảnh sân khấu online)

    Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2013

    Cái nhìn của tuổi trẻ về âm nhạc dân tộc Việt Nam


    Cái nhìn của tuổi trẻ về âm nhạc dân tộc Việt Nam

    Có thể nói âm nhạc dân tộc Việt Nam của chúng ta đã có từ rất lâu đời, ngay từ khi còn nhỏ, điều gần gũi nhất với tôi có lẽ là những bài hát ru của bà, của mẹ. Và cải lương là một loại hình nghệ thuật được ưa chuộng nhất trong nhà tôi, lúc nhỏ, đi đâu đó cũng nghe bà con hát hò dăm ba câu vọng cổ, tối đến thì nào guitar, đàn cò, đàn bầu…bà con tập họp lại một nhà nào đó uống trà và hát như vậy đến khuya. Rồi càng lớn càng xa quê hương lên thành phố học tập, những hình ảnh ấy cứ mập mờ trong kí ức của tôi.

    Bây giờ thì giới trẻ yêu thích nhạc trẻ, nhạc ngoại…mà điển hình là Vpop, Kpop. Với một người thuộc thế hệ trẻ như tôi thì việc nói không thích nhạc trẻ liệu có đáng tin không? Sức hút của dòng nhạc ấy càng ngày càng mạnh dần và nghề ca sĩ hát nhạc trẻ hiện nay được coi là một trong những nghề “thời thượng”. Nhạc trẻ đang lấn át và chiếm lĩnh thị trường là một điều mà không cần phải nói ra thì ai cũng nhận thấy được. Dưới góc nhìn của một người trẻ, một người không chuyên về âm nhạc thì với riêng tôi âm nhạc dân tộc Việt Nam rất đậm đà bản sắc, tinh tế trong từng câu chữ, qua đó giúp khán giả chiêm nghiệm được nhiều điều trong cuộc sống. Nó cũng đa dạng và phong phú với các điệu hò, điệu lý, qua các bản vọng cổ…tùy theo vùng miền địa phương mà mỗi nơi có một bản sắc riêng từ Bắc đến Nam.

    Liệu việc giữ gìn nền âm nhạc dân tộc Việt Nam có quan trọng? Và câu trả lời không chỉ đơn giản là có mà là rất quan trọng vì theo tôi mỗi một quốc gia cần có một cái gì đó riêng biệt cho mình và âm nhạc cũng thế, và nhất là trong thời kì hội nhập như hiện nay thì việc tiếp thu những cái mới một cách tích cực là việc nên làm nhưng cũng không nên lơ là trong việc bảo tồn bản sắc riêng của mình.
     
    Ảnh: Phạm Thành Nhân

    Thế hệ trẻ hiện nay đa phần là không yêu thích dòng nhạc dân tộc có thể là do chưa được tiếp cận nhiều vì thế tôi thiết nghĩ cũng nên tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc ở các sân khấu lớn, nhỏ thường xuyên hơn nữa. Mặt khác thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, phim ảnh…để giáo dục cho thế hệ trẻ có một cái nhìn mới toàn diện hơn, sâu sắc hơn về nền âm nhạc dân tộc của nước ta. Ngoài ra còn có thể cho xuất bản sách, đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp một bộ môn mới ví dụ như “Âm nhạc dân tộc” chăng? Vấn đề kinh tế là một vấn đề khá là tế nhị, có quá thiệt thòi cho những người yêu âm nhạc dân tộc, cống hiến hết mình cho âm nhạc dân tộc không? Thật vậy, vì thế nhà nước cũng nên có những chính sách ưu đãi đối với những người chuyên tâm, dốc hết sức mình cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nét đẹp của âm nhạc dân tộc, đó sẽ là động lực giúp cho họ khẳng định được giá trị của công việc mà họ đang theo đuổi đang ngày càng được đánh giá cao.

    Mỗi cá nhân, cá thể đều phải tự nâng cao nhận thức và phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp và bản sắc của nền âm nhạc nước ta - đó là điều tự hào rất xứng đáng để “khoe” với bạn bè thế giới đấy!

    Starfish

    THƯ MỜI CHƯƠNG TRÌNH HOA QUÊ HƯƠNG 42


    THƯ MỜI 
    CHƯƠNG TRÌNH HOA QUÊ HƯƠNG 42


    PhotobucketPhotobucket

    Hồn Việt thăm dò các đơn vị du lịch

    Hồn Việt thăm dò các đơn vị du lịch

    Tối 23-7, tại Nhà hát TP.HCM đã diễn ra chương trình Hồn Việt phục vụ du khách nước ngoài lần 21. Ðây là chương trình khá đặc biệt với sự có mặt của các đơn vị du lịch trên địa bàn TP.HCM.

    Nghệ sĩ Hải Phượng độc tấu đàn bầu trong chương trình Hồn Việt tối 23-7 - Ảnh: Nguyễn Lộc

    Nghệ sĩ Linh Huyền - giám đốc Công ty Mekong Artists, đơn vị tổ chức chương trình - cho biết: "Ở đêm diễn này chính Sở VH-TT &DL TP.HCM đã đứng ra mời giùm chúng tôi, theo chỗ tôi được biết là trên 60 đơn vị, sau đêm diễn này sẽ có cuộc gặp gỡ với các đơn vị du lịch để họ đánh giá về chương trình, xem điểm nào được và chưa được. Ðây là động thái hỗ trợ tích cực khiến anh em nghệ sĩ chúng tôi thêm động lực và phấn chấn".


    Hồn Việt là chương trình văn nghệ tổng hợp dài khoảng 60 phút với nhiều hình thức ca múa nhạc dân tộc, biểu diễn định kỳ vào ngày 15 và 23 hằng tháng. Theo ban tổ chức, hiện trung bình mỗi sô bán được 60-180 vé.

    LINH ĐOAN
    (Theo Tuổi Trẻ)

    Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

    [MỪNG THỌ CÔ HOAN - 70 ĐỜI CÒN XANH] - GIAO THỜI (Thầy Minh Luận)


    GIAO THỜI
     

    Bình minh, ánh mặt trời ló dạng, những tia nắng mạnh mẽ toả rạng xuyên qua những đám mây sớm dậy, tạo nên những vầng hào quang hướng lên không gian vô tận. Khung cảnh rực hồng, những đám mây ửng đỏ như những hòn than của bếp lửa từ tạo hoá sưởi ấm một đêm dài lạnh lẽo.
     
    Giữa trưa, ánh sáng đã bao trùm khắp mặt đất, tất cả mọi vật đều được chiếu sáng, hiện ra với hình dáng và màu sắc rõ ràng của từng vật một. Khoảng thời gian ấy như đứng lại lâu hơn, như một người leo núi dốc hết sức để rồi thong thả đứng trên đỉnh núi mà tha hồ nhìn ngắm mọi vật xung quanh, thoả chí chinh phục.
     
    Hoàng hôn, những tia nắng vẫn mạnh mẽ, chói chang, chiếu lên những đám mây như những cây cọ của người hoạ sỹ tài hoa, vẽ lên những sắc hồng, xanh, tím, đỏ… tạo thành một bức tranh đầy màu sắc vừa đậm đà vừa phong phú. Dường như gom tất cả những cái đẹp trên thế gian này để làm nên một sản phẩm hoàn mỹ nhất.
     
    Đấy là ba thời khắc giao thời, mà trong thiên nhiên tự nhiên của thế giới. Nhưng thiên nhiên cũng trải qua biết bao nhiều thời tiết khó khăn mới có được cảnh quan tươi đẹp tuyệt mỹ ấy. Cũng vậy, con người đạt được những giá trị cao đẹp cho đời mình, những tài hoa để đem đến cống hiến cho công chúng, cho xã hội cũng trải qua biết bao nhiêu những khó khăn, thử thách, gian khổ của những điều từ chủ quan, đến khách quan mà chúng ta phải gặp.
     
    Ba thời điểm giao thời ấy, tựa như ba thời điểm của một nhân vật trong lòng của CLB Tiếng Hát Quê Hương và là một bức tranh vẽ lên trong không gian những sắc màu tuyệt đẹp có cả những cung bậc du dương từ tiếng đàn quê hương, từ hồn dân tộc bất hữu luôn bay cao, bay xa mãi.
     
    Nhân dịp sinh nhật lần thứ 70, kính chúc cô Phạm Thuý Hoan luôn khoẻ mạnh, hạnh phúc. Chúc gia đình cô và CLB Tiếng Hát Quê Hương ngày càng thành công.
     
    Thầy Minh Luận
    tháng 6 năm 2012

    [MỪNG THỌ CÔ HOAN - 70 ĐỜI CÒN XANH] - Cánh phượng PHƯỢNG CA mừng sinh nhật Cô Thúy Hoan (Nguyệt Ánh)

    Cánh phượng PHƯỢNG CA 
    mừng sinh nhật Cô Thúy Hoan


    Nguyệt Ánh kính chào Cô Hoan,
    Thấm thoát mà thời gian đã trôi qua thật nhanh.

    Ngày đầu tiên Nguyệt-Ánh gặp được Cô Thúy Hoan, người thầy dạy đàn tranh nổi tiếng ở Nhạc Viện Thành phố,  đến nay đã được 35 năm rồi đó Cô.

    Thuở bấy giờ, Cô Thúy Hoan thật bận bịu với nghề dạy học, và cả 2 cô bé con gái của Cô còn thật nhỏ. Em còn nhớ mãi, bước vào nhà Cô ở khu phố Hòa Hưng, 1 nàng công chúa của Cô đã gọi réo lên: "Mẹ ơi, có khách!".


    Và cứ như thế, Em đã được sự may mắn thọ giáo Cô vài buổi học, trước khi đi xa.

    Rồi mỗi người, một nếp sống, một sinh hoạt xã hội riêng biệt, nhưng vẫn giữ liên lạc với nhau.

    Mặc dù Cô và Em ở thật xa nhau, nhưng Cô thường viết thư ủng hộ tinh thần để Em có thể mang hết sức ra, cố gắng duy trì nền nhạc Dân Tộc của Việt Nam tại hải ngoại.

    Những lần về lại quê hương, đến Nhà Văn Hóa, nơi Cô và Tiếng Hát Quê Hương sinh hoạt, sự tiếp đón, chỉ dẫn tận tình của Cô làm Em rất ấm lòng.

    Em cảm nhận thấy con đường nghệ thuật văn hóa của xứ sở Việt Nam, qua nhiều thế hệ, vẫn được Cô tận tâm hướng dẫn tiến tới.

    Cô Phương Oanh thường bảo với Em: "Nước Việt Nam rất có may mắn, có được những người như Hoan, ngành nhạc dân tộc sẽ được tồn tại với thời gian”.

    Thế là năm nay Cô Hoan sẽ bước vào tuổi thất tuần... Sướng nhé... vì sẽ được gọi là "lão"!

    Nhưng "lão thành" được như Cô cũng thật là "gân"...


    Nguyệt-Ánh kính gửi đến Cô Thúy Hoan những lời chúc chân thành nhất cho ngày sinh nhật của Cô: nhiều sức khỏe, nhiều nghị lực, niềm tin để tiếp tục dìu dắt thế hệ sau đi đến thành công.

    Đỗ-Duy-Nguyệt-Ánh

    [MỪNG THỌ CÔ HOAN - 70 ĐỜI CÒN XANH] - LỜI CHÚC THỌ TỪ PHƯƠNG TRỜI XA (Việt Hải)


    LỜI CHÚC THỌ TỪ PHƯƠNG TRỜI XA

     
    12 năm trôi qua kể từ khi thành lập Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Hướng Việt. Trong khoảng thời gian đó, đoàn luôn luôn được sự ủng hộ nhiệt tình của Cô Thúy Hoan. Tuy ở xa, nhưng Cô lo cho nhóm rất nhiều, tất cả đàn tranh và các loại đàn dân tộc mà nhóm sử dụng đều do chính tay Cô chọn cho. Tụi mình bên này có Cô trợ giúp thì cứ… tung tăng học đàn một cách vô tư vì cần gì thì đã có Cô lo cho. Hết dây đàn thì gọi điện thoại cho Cô, cần quạt cho đội vũ cũng gọi cho Cô, cần bài bản đàn hay bất cứ gì đều có thể gọi Cô bất cứ lúc nào, và đều được Cô giúp đỡ ủng hộ hết mình. 
     
    Với Hải Cô Thúy Hoan là một thần tượng. Từ nhỏ đến giờ Hải chỉ có 4 thần tượng để làm gương học tập thôi, đó là Trương Trọng Cảnh, một danh Y đời Đông Hán, Thầy Nguyễn Hữu Ba, Cô Thúy Hoan, và Cô Phương Oanh. Từ Cô Hoan, Hải học được rất nhiều điều từ kinh nghiệm tổ chức đến phong thức trình diễn. Mỗi lần về thăm quê hương Hải đều ghé thăm Cô. Mà mỗi lần Hải về Việt Nam thì Cô lại phải bận rộn rất nhiều. Cô chuẩn bị nào sách, CD, đàn, v.v, Cô bảo, "các em ở xa, mỗi lần về là một khó khăn, mang được gì sang đó để bảo tồn thì cứ mang". Ngoài Cô, các thành viên của Tiếng Hát Quê Hương cũng bận rộn theo lên vì Hải.  Như chuyến về Việt Nam hồi năm 2008, Cô tổng động viên các thành viên của nhóm như chị Lý Thu Hiền, anh Thái Hòa và các anh chị khác ghi âm các bản nhạc dân ca 3 miền để Hải mang về Hoa Kỳ làm tài liệu. Từ 2008 đến nay, cũng 5 năm rồi còn gì!  Hải không có cơ hội về Việt Nam thăm Cô. Nhớ Cô rất nhiều, hy vọng năm 2013 sẽ được gặp Cô trong chương đình Đại Hội Âm Nhạc Truyền Thống lần II lại Seattle, Washington State. 
     
    Nhân nhịp sinh nhật Cô, Hải xin tặng Cô câu đối và bức tranh hoa sen.
     
    Nam Sơn lục trúc cổ tranh thanh nguyệt minh cầm
    Đông Hải phương phong sư biểu Thúy Hoan tài nữ
     
    (Trong rừng trúc biếc ở núi Nam Sơn, dưới trăng sáng có tiếng đàn réo rắt
     
    Gió ở Đông Hải, tiếng thơm của Cô Thúy Hoan là người tài đáng bậc thầy)
     
    Bức tranh hoa sen, tượng trưng cho tấm lòng của cô dành cho quốc nhạc Việt Nam.
     
    Kính chúc Cô phúc như Đông Hải, thọ tỷ Nam Sơn, tài năng mãi mãi trường tồn cùng con nước, danh vang bốn bể.
     
    Việt Hải
     
    Ngày 16 tháng 6 năm 2012

    [MỪNG THỌ CÔ HOAN - 70 ĐỜI CÒN XANH] - CÁNH CHIM KHÔNG MỎI (Phụ huynh Khánh Vân)

    CÁNH CHIM KHÔNG MỎI

             
             Tôi vốn dĩ không thiết tha với đàn hát, nhất là đàn dân tộc. Ấy vậy mà duyên trời run rủi hay sao mà cô con gái lại thích học đàn dân tộc mới lạ chứ! Dù dụ khị cách nào đi nữa cô nàng cũng không chịu học organ (Nhà có con trai người anh đang học, đàn lại có sẵn và cái phong trào học đàn organ đang lan rộng, hầu như các con bạn tôi đều học cả) mà đòi học đàn tranh sau khi nhìn và nghe chương trình nhạc dân tộc trên tivi. Thế là tôi đành phải đi tìm nơi cho con học theo đúng ý nguyện của nó. May thay ở Cung Văn hóa Lao đông có lớp đàn tranh, thế là tôi cứ sáng chủ nhật lại chở con đến đây để học. Thời gian học khoảng 2 tiếng đồng hồ, quay xe về nhà rồi lên lại thì mất công quá nên tôi ở lại chờ và vô hình chung được nghe đàn miễn phí. Chiều về, 2 mẹ con cùng tập. Tôi bắt chước cách đánh nhịp và đếm của cô giáo cho con đàn lại. Nghe rồi thấy hay hay, nhất là khi thấy cô giáo tận tụy dạy từng nốt nhạc, uốn nắn tư thế bàn tay, dáng ngồi sao cho đẹp… Tôi mới thấy cái hồn quê hương mà cô gửi gắm cho học trò như thế nào, cái sự gìn giữ ấy cô đã âm thầm gieo vào lòng những học trò niềm say mê tiếng đàn dân tộc mà còn làm cho bậc phụ huynh như  tôi hiểu và yêu lúc nào cung bậc ngũ âm.

    Cái ngày con được biểu diễn chung với dàn nhạc, mặc áo dài đỏ, khăn đóng vàng, ngồi xếp bằng trên sân khấu tự nhiên tôi thấy cảm động rưng rưng. Cô nền nã trong tà áo dài chỉ huy gõ song lang, tay đàn lên xuống nhịp nhàng như múa trên những sợi tơ, âm thanh réo rắt của đàn tranh như kéo mọi người gần lại nhau hơn. Tôi thầm cảm ơn cánh chim đầu đàn đã truyền cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương qua tiếng đàn và làn điệu dân ca…

    Tôi dù không có thời gian học đàn với cô nhưng qua những lần tiếp xúc, cô đã thổi thêm cho tôi tình yêu cây đàn dân tộc. Chính vì vậy những bức tranh tôi vẽ về sau này đều có bóng dáng những cây đàn truyền thống. Tranh vẽ con gái đang chuẩn bị biểu diễn, tranh vẽ con đang ngồi đàn tranh, đàn bầu, tranh vẽ tĩnh vật cũng có bóng dáng cây đàn tỳ bà. Thậm chí bài thi tốt nghiệp của tôi là 1 bức tranh về hình ảnh 2 ông cháu: Ông đàn kìm, cháu ngồi cạnh lắng nghe, phía sau là 2 cây đàn tranh treo trên vách… Bài vẽ được khen ngợi, điểm cao và được treo triển lãm ngày tốt nghiệp… Tôi vui biết bao vì đó là thành quả những tháng năm học tập miệt mài và cũng chính từ cô đã làm cho tôi có thêm động lực thực hiện bài vẽ về nhạc cụ dân tộc. Cô đã giúp tôi thổi hồn vào bức tranh, đem tiếng nhạc ngân nga, đánh thức tình yêu quê hương trong tôi, trong thế hệ trẻ Việt Nam.
      
               Giờ dây, dù tuổi đã cao, cô vẫn không ngừng miệt mài nhả tơ để nuôi dưỡng những mầm non nhạc dân tộc. Cánh chim đôi lúc mỏi mệt nhưng vẫn gắng gượng vươn lên sải cánh vì nền âm nhạc dân tộc. Trong cơn bão lũ truyền thông, âm nhạc nước ngoài tràn vào như rock, rap, hip hop, Kpop, Cpop… tràn lan, giới trẻ chưa đậm đà với nhạc dân tộc thì cô vẫn là điểm tựa cho những cánh chim non chập chững bay để đón chào ngày mới sáng tươi cho đàn dân tộc: Gần gũi mà sang trọng, giản đơn mà hấp dẫn biết bao.

    Kính chúc cô thật nhiều sức khỏe để mãi là nguồn động viên cho lớp trẻ tiến lên bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân tộc Việt Nam.

    Phụ Huynh Khánh Vân

    [MỪNG THỌ CÔ HOAN - 70 ĐỜI CÒN XANH] - Hồn thơ hòa biển nhạc (Minh Châu - Lạc Thư)



    Tay tạo nên suối nguồn trầm bổng
    Hồn thơ hòa biển nhạc muôn trùng
    Uống say những giọt trầm lưu luyến
    Yêu thương hòa nhịp phách lời ca
     
    Hoa cỏ đưa hương thăng theo gió
    Ong bướm vờn hoa giáng nốt trầm
    Ai oán cung đàn từng điệu khúc
    Như tiếng lòng ta gửi bay xa
     
    Kính chúc Cô bách niên thọ trường
     
    Minh Châu – Lạc Thư

    [MỪNG THỌ CÔ HOAN - 70 ĐỜI CÒN XANH] - Mừng sinh nhật Mẹ (Hải Yến)



    Năm nay Mẹ bảy chục đầy
    Công ơn dưỡng dục cao dầy xiết bao!
    Nhớ ngày còn bé thuở nào
    Nắm tay Mẹ dắt con vào đời vui
    Dạy con dù gió dập vùi,
    Luôn mang Tứ Đức - ra đời (sẽ) thành công!
    Nay con, chim nhỏ đủ lông
    Bay ra khỏi tổ, xa vòng tay yêu
    Nơi xa, trông ánh nắng chiều
    Cầu mong Mẹ có thật nhiều niềm vui
    Con thầm gọi khẽ "Mẹ ơi!"
    Sưóng thay, Mẹ vẫn bên đời cùng con.
     
    Một chiều tháng 6 - viết tặng sinh nhật Mẹ yêu!
     
    HẢI YẾN 

    [MỪNG THỌ CÔ HOAN - 70 ĐỜI CÒN XANH] - Nhật ký một ngày... và một đời của Mẹ (Hải Phượng)

    Nhật ký một ngày...
    và một đời của Mẹ












    Ngày 22 tháng 6 năm 2012.

    6h30… Mẹ xuýt xoa và la lên vì một bàn thắng bị bỏ lỡ của đội Đức khi xem phần bình luận Euro mỗi sáng của VTV3.
    7h… Chuyển đài để xem hôm nay người ta nấu món gì trên tivi, liệu mình có thể áp dụng cho bữa ăn hôm nay không?
    7h30… Vội vàng đi chợ mà không cần làm đẹp: “Ôi dào! Đi chợ cần gì trang điểm!”
    9h… Bắt đầu ngồi trên máy tính. Chat với Yến. Điểm tin của báo, viết bài.
    … giờ
    Mẹ mới chạy xuống hỏi làm cách nào lấy file nhạc trong máy ra, nó chạy đâu mất tiêu rồi?
    Sau khi nghỉ trưa...
    14h lên máy tính làm tiếp.
    Gần 18h… Trời ơi! Nãy giờ làm máy quên mất thời gian. Học trò sắp đến rồi sao?
    19h30… Lớp học đã tan rồi, mọi người đang dọn dẹp đàn, chuẩn bị ra về. Mẹ và Kim Long lại lên lầu làm máy tính. Hôm nay Long đánh thử cách sử dụng Encore (phần mềm chép nhạc) bằng cách đánh với piano trong máy. Mẹ ngồi nghe say sưa và ghi nhớ để thực hành...
    Mấy hôm nay Mẹ muốn làm gấp cuốn sách những ca khúc viết cho đàn Tranh để kỷ niệm ngày sinh nhật 70 của mình nên cường độ làm việc nhiều hơn, ngồi trên máy tính miệt mài hơn. Nếu không có hôm phải vào bệnh viện để truyền nước biển thì chắc Mẹ còn làm nhiều hơn, gấp gáp hơn. Nhiều lúc vừa thương vừa nóng ruột, con đã phải nói: “Mẹ ơi sức khỏe là quan trọng. 70 tuổi là cả năm chứ không phải chỉ một ngày. Mẹ phải nghĩ rằng Mẹ sống cho nhiều người chứ không phải một mình mình đâu ạ”.
    Đó không phải là suy nghĩ của riêng con đâu ạ. Mấy tuần nay tụi con âm thầm chuẩn bị cho ngày mừng Mẹ được “Thất thập cổ lai hy”. Học trò trong nước, ngoài nước... ai cũng muốn chung tay góp nên một buổi sinh nhật, “một lễ mừng thọ” thật ý nghĩa. Ai có thể đến thì đến, ai không có mặt thì gửi những bài viết, bài cảm nhận làm thành món quà ý nghĩa cho Mẹ. Điều đó cho thấy hình ảnh Mẹ thật thân thương trong lòng của tất cả học trò.
    Có lần con đã hỏi: Mẹ làm việc liên tục như thế nhỡ đổ bệnh ra rồi sao mà làm? Mẹ đã trả lời: “Không ngồi được thì nằm đọc cho chép”. Trời! Thế là con thua luôn!
    Ngày xưa, lên đến tuổi “vào lão” là khăn đóng áo dài, bệ vệ, già hay chưa già thì vẫn cố làm cho già hơn. Còn với Mẹ, chẳng ai có thể nghĩ là Mẹ đã đến tuổi này, vì tình yêu cuộc sống còn tràn đầy trong từng nhịp thở, tình yêu âm nhạc dân tộc còn thấm sâu trong những trăn trở mỗi ngày. Mẹ vẫn kiên nhẫn dạy từng học viên, vẫn nhiệt tình tổ chức các buổi diễn, vẫn thao thức với việc truyền bá tác phẩm cho đàn Tranh.
    Những lời chúc mừng tốt đẹp nhất sẽ đến bên Mẹ trong ngày hôm nay, những tình cảm  thương yêu chân thành nhất sẽ theo Mẹ đi suốt cuộc đời.
    Là một đứa con, con cám ơn đời vì cho con có Mẹ
    Là một học trò, con cám ơn nhạc dân tộc đã cho con có một người Thầy.
    70 mùa xuân, nhẹ trôi như lời hát
    16 dây tình, thả giọt nhạc rơi rơi
    Tóc ngả màu sương, nhưng tình yêu quê hương vẫn thắm
    Con sóng trong lòng vẫn dào dạt tiếng đàn Tranh.
    Saigon, 22-06-2012.
    Hải Phượng