Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Nơi ươm mầm âm nhạc truyền thống


Nơi ươm mầm âm nhạc truyền thống

 

CLB Tiếng hát Quê hương biểu diễn đàn tranh.  













Trong lúc một bộ phận không nhỏ giới trẻ chạy theo thị hiếu nhạc trẻ đang dần lãng quên âm nhạc truyền thống thì đâu đó còn những con người hằng ngày vẫn say mê gìn giữ và truyền dạy âm nhạc dân tộc bằng tình yêu của mình. Ðó là Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương (CLB THQH) TP Hồ Chí Minh với sự đỡ đầu nghệ thuật của GS, TS Trần Văn Khê và sự dẫn dắt của Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan... Nơi đây đã trở thành điểm hẹn của nhiều tầng lớp nhân dân yêu những làn điệu dân ca truyền thống.
Hơn 30 năm qua, vào những ngày cuối tuần, CLB  THQH tại Nhà văn hóa Lao động TP Hồ Chí Minh lại  rộn rã tiếng đàn tranh, đàn bầu, sáo trúc, đàn nhị và những làn điệu dân ca... mà những người biểu diễn là những cụ già, em nhỏ, công nhân từ khắp thành phố. Những người tham gia CLB có một mục đích chung duy nhất là tìm hiểu về các loại hình âm nhạc truyền thống. Không chỉ là nơi lưu giữ những nét đẹp của âm nhạc truyền thống mà CLB THQH còn là nơi đào tạo, truyền dạy cho nhiều thế hệ học viên. Cũng từ đó, nhiều học trò đã trưởng thành, trở thành nghệ sĩ nổi tiếng như: Hải Phượng, Kim Liên, Tố Lan, Thái Hòa... Hiện CLB còn thường xuyên mở lớp dạy dân ca miễn phí cho thiếu nhi và sinh viên, học sinh đủ mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề.
Cùng với mục đích bảo tồn và phát triển, tuyên truyền phổ biến rộng rãi âm nhạc dân tộc. Những người thầy trong CLB luôn cố gắng truyền dạy tỉ mỉ từng nốt đàn, từng làn điệu dân ca cho các học viên của mình. Chủ nhiệm CLB THQH NGƯT Thúy Hoan cho biết: "Ba tháng một lần, CLB lại tổ chức một buổi biểu diễn giao lưu, tạo cơ hội cho các học viên được rèn luyện và thể hiện những gì đã được truyền dạy. Nhờ vậy mà CLB đã có được dàn nhạc dân tộc, nhiều em trưởng thành từ CLB có trình độ chuyên môn cao, có người vừa làm phụ giảng vừa là thành viên của dàn nhạc".
Ðiều đặc biệt ở CLB THQH đó là sự đoàn kết, thương yêu nhau của các thành viên trong lớp học. Người đến trước chỉ dạy người đến sau, người biết nhiều chỉ người chưa biết... Bà  Hồng Hải, năm nay đã ngoài 70 tuổi, đều đặn theo lớp học đàn tranh suốt 20 năm qua tại CLB THQH chia sẻ: "Trước đây, vì chưa biết có lớp dạy đàn tranh cho người lớn tuổi nên tôi mướn thầy về nhà chỉ dạy để thỏa mãn niềm yêu thích. Khi biết CLB THQH có các lớp dạy đàn tranh cho mọi lứa tuổi tôi vui lắm. Tôi theo học từ lúc là học viên nhỏ tuổi nhất lớp giờ thành người cao tuổi nhất rồi. Ðây quả thực là sân chơi bổ ích vừa học tập lại vừa thỏa mãn tình yêu với âm nhạc truyền thống như chúng tôi".
Còn cô Kim Lai tham gia hai lớp đàn bầu và đàn tranh. Dù tuổi cũng đã cao nhưng đều đặn chủ nhật nào cũng bắt chuyến xe buýt sớm nhất từ Lái Thiêu, Bình Dương tới lớp học... Có được những điều này, tất cả đều xuất phát từ tình yêu đối với âm nhạc dân tộc. Là người nặng lòng với âm nhạc dân tộc, NGƯT Phạm Thúy Hoan tâm sự: "Âm nhạc dân tộc cũng như các bộ môn khác, mặc dù là tiếng nói từ trái tim đến trái tim nhưng nếu được giảng giải cái hay, cái đẹp của nó thì sự cảm nhận đó sẽ sâu sắc, thấm thía hơn".
Trong suốt 30 năm qua, CLB THQH đã thật sự trưởng thành và phát triển vượt bậc, vươn khỏi tầm một CLB nghệ thuật quần chúng. Từ những "mầm" ban đầu, giờ đây CLB THQH đã phát triển thành "cây" cao lớn với nhiều huy chương vàng các hội diễn trong nước và cùng với những chuyến lưu diễn nước ngoài như Nhật Bản, Ma-lai-xi-a tham gia Nhạc hội đàn tranh châu Á, Hội đàn tranh Xin-ga-po, Hàn Quốc... CLB đã chủ động phối hợp Ðài Truyền hình thực hiện chương trình Réo rắt tiếng đàn, dạy và giao lưu với các em nhỏ về đàn tranh... góp phần phổ cập âm nhạc dân tộc đến với đông đảo mọi người dân, nhất là thế hệ trẻ. Ðến nay, trong các chương trình giao lưu, sinh hoạt định kỳ của CLB THQH, khán giả không ngớt những tràng pháo tay dành cho các cụ già duyên dáng với tà áo dài, áo bà ba, nón quai thao ngân nga trong các làn điệu dân ca hay tiếng đàn tranh, đàn bầu... réo rắt của các em nhỏ. Ðó đích thực là một không gian âm nhạc dân tộc gần gũi và thân quen. Một không gian nghệ thuật văn hóa rất cần được mở rộng. 
GIA BẢO
(Theo Báo Nhân Dân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét