Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

[MỪNG THỌ CÔ HOAN - 70 ĐỜI CÒN XANH] - MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI CHỊ THÚY HOAN (GS Trần Quang Hải)


MỘT VÀI KỶ NIỆM VỚI
CHỊ THÚY HOAN
 

Tôi biết chị Thúy Hoan từ khi học ở trường quốc gia âm nhạc Saigon vào thập niên 50. Tôi học đàn vĩ cầm với cố GS PHẠM GIA NHIÊU năm 1955 và với cố GS ĐỖ THẾ PHIỆT từ năm 1956 tới 1961. Tôi học nhạc lý với cố nhạc sĩ Hùng Lân. Trong thời gian đó chị Thúy Hoan học phía cổ nhạc với cố giáo sư Nguyễn Hữu Ba. Tuy nhiên, tôi không có dịp nói chuyện cùng chị Thúy Hoan.
 
Mãi tới khi sang Pháp từ năm 1961 cho tới hơn 30 năm, tôi mới có dịp gặp chị Thúy Hoan tại Paris và tới dự buổi trình diễn của chị cùng Phương Oanh tại trung tâm MANDAPA, Paris quận 13. Chị có tới viếng thăm Musée de l’Homme, nơi tôi làm việc để xem 8.000 nhạc cụ dân gian thế giới. Tôi và chị cũng chỉ chào hỏi qua loa.
 
Phải đợi tới khi Bạch Yến và tôi trở về Việt Nam vào năm 2002, khi đài phát thanh BBC mời chúng tôi về Việt Nam để thực hiện hai chương trình về tình hình nhạc truyền thống và tân nhạc Việt Nam dưới mắt một nhạc sĩ Việt Nam xa quê hương trên 40 năm, tôi mới có dịp đến nhà chị để phỏng vấn chị và cháu Hải Phượng cho chương trình của đài BBC. Từ đó chị và tôi có liên lạc với nhau.
 
Tôi có dịp tới lớp dạy nhạc của chị ở Saigon vào một buổi sáng cuối năm 2007 để trình bày kỹ thuật chơi đàn môi, gõ muỗng và hát đồng song thanh. Tình bạn trở nên thân thiết hơn.
 
Rồi tôi được mời tham dự chương trình Tiếng Hát Quê Hương 37 cùng với thân phụ tôi (GSTS Trần Văn Khê). Chị có tặng tôi một món quà lưu niệm mà tôi vẫn còn lưu giữ trong tủ đựng quà kỷ niệm các nơi ghé thăm trên thế giới trong nhà của tôi.
 
Và năm 2011, tôi được chị Thúy Hoan mời dạy gõ muỗng cho các em của CLB Tiếng Hát Quê Hương ở nhà Ba tôi, quận Bình Thạnh. Gần 30 nhạc sinh đã học gõ muỗng và sau đó chị Thúy Hoan có tổ chức một chương trình sinh hoạt âm nhạc với một màn gõ muỗng tập thể khơi mào cho một thể nghiệm nhạc cụ mới cho chương trình phổ biến dân nhạc của CLB Tiếng Hát Quê Hương.
 
Tôi rất vui có dịp theo dõi sinh hoạt của chị, của cháu Hải Phượng, của gia đình chị, của các em nhạc sinh của CLB Tiếng Hát Quê Hương ngày càng lớn rộng với sự lèo lái của chị Thúy Hoan.
 
Kết quả là hiện nay CLB Tiếng Hát Quê Hương đã “trưởng thành”, đã có một nên móng vững chắc và một đội nhạc sinh hùng hậu có đủ khả năng và tài năng để nâng cấp trình độ diễn tấu trên sân khấu. Từ 1981 tới nay chị Thúy Hoan đã đào tạo hàng trăm mầm non, đóng góp tích cực vào công cuộc chấn hưng nhạc cổ truyền và nhạc đàn tranh.
 
Nhân dịp ngày sinh nhật của chị, từ phương trời Âu, tôi thành thật chung vui cùng chị và các cháu của CLB Tiếng Hát Quê Hương. Mến chúc chị nhiều sức khỏe, đầy đủ nhiệt tâm để tiếp tục làm đẹp cho nền cổ nhạc Việt Nam và đạt những thành quả tốt đẹp nhất.
 
Trần Quang Hải
Giáo sư dân tộc nhạc học tại Pháp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét