Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

Đêm hội ngộ đàn tranh

Đêm hội ngộ đàn tranh

Trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt của khán giả, đêm “Hội ngộ đàn tranh lần 2” diễn ra tại Cung Văn hóa Lao động Tp.HCM mới đây đã để lại ấn tượng sâu đậm trong trái tim của những người yêu nhạc cụ truyền thống. Dường như họ được trải lòng cùng tiếng đàn về cội nguồn của dân tộc với tâm hồn bồi hồi, xao xuyến.


Chương trình gồm 2 phần: phần 1 là những tiết mục truyền thống gồm hòa tấu dàn nhạc và độc tấu đàn tranh cùng phần độc tấu của nghệ sĩ Hải Phượng với 4 nhạc khúc; phần 2 là sự hòa hợp giữa châu Á và châu Âu, là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại do nghệ sĩ Vân Ánh cùng nhóm “Mặt trời đỏ” thể hiện.

Hòa tấu nhạc khúc “Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ”.

Độc tấu đàn tranh và đàn bầu của nghệ sĩ Hải Phượng và nghệ sĩ Vân Ánh ca khúc “Qua cầu gió bay”.

Độc tấu đàn tranh ca khúc “Mùa thu quê hương”.

Nghệ sĩ Hải Phượng, độc tấu đàn tranh ca khúc "Thoáng quê hương”.

Nghệ sĩ Vân Ánh độc tấu đàn tranh “Vịnh hoa đào”.

Nhóm Mặt Trời mọc mang đến đêm diễn tác phẩm “Thế giới muôn hoa”.

Chương trình Đêm hội ngộ đàn tranh lần 2 đã thu hút đông đảo công chúng tới thưởng thức.

Mở đầu là bản hòa tấu gồm 4 nhạc khúc Lưu thủy, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ của Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương. Không gian yên tĩnh bỗng bừng lên những âm thanh du dương trầm bổng, réo rắt. Các ngón đàn trau chuốt như ngón nhấn, mổ, ngón bấm, day chớp, búng, ngón phi ngón rải để cho tiếng đàn lúc khoan lúc nhặt làm nên tiết tấu xao động tận đáy hồn người. Lúc điệu Bắc mang âm sắc tươi vui, sang trọng, khi điệu Nam nghe man mác, buồn thương.

Tiếng đàn tranh của nghệ sỹ Hải Phượng đưa khán giả đến với nhiều cung bậc cảm xúc, lúc sâu lắng, thổn thức qua các nhạc khúc Song phi hồ điệp và Bình sa lạc nhạn, lúc reo vui, bừng sáng với tác phẩm Thoáng quê hương. Đặc biệt, nghệ sỹ Hải Phượng đã thể hiện nhạc khúc Cơn lốc, sáng tác của Minoru Miki một cách hứng khởi, âm vang tạo một dòng xoáy mạnh mẽ của thiên nhiên qua tiếng đàn tranh của Việt Nam.

Nghệ sỹ Vân Ánh thể hiện sự tươi mới của tiếng đàn tranh bằng nhiều âm hưởng khác nhau. Tiếng đàn tranh của Vân Ánh mang âm hưởng dân gian đương đại, kế thừa có phát triển và gần gũi với thế hệ trẻ hôm nay. Khán giả nghe thấy chất châu Phi trong nhạc khúc Bụi đường vó ngựa, âm hưởng nhạc jazz, new age trong Gió phương Nam, Vũ điệu của nắng.

Trong số những nhạc cụ âm nhạc phương Đông, đàn tranh được đánh giá là khá phổ biến. Tuy mang những tên gọi khác nhau như kayagum (Hàn Quốc) koto (Nhật Bản), guzheng (Trung Quốc) và đàn tranh (Việt Nam) nhưng đều có sự truyền cảm sâu sắc, có sức sống lâu bền, mang nét đẹp văn hóa riêng của mỗi dân tộc. Ở Việt Nam, đàn tranh có mặt trong dàn nhạc đờn ca tài tử Nam Bộ và nhã nhạc cung đình Huế với những âm điệu khác nhau nhưng đều mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc./.

Bài: Nguyễn Oanh, Ảnh: Lê Minh.
(Theo Báo Ảnh Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét