SỚM SÀI GÒN NGHE ĐIỆU HOÀI LANG
Chứ không phải đêm Gành Hào.
Sáng Chủ Nhật, tôi dậy sớm (hơn thường ngày) đạp xe ra trung tâm đi cà phê để hưởng ứng tinh thần thể dục. Ngang qua nhà hát thành phố, tôi, như rất nhiều người khác, tấp lại đứng bần thần một lúc lâu. Có một dàn nhạc cụ truyền thống đang chơi trên bậc thềm nhà hát. Các nữ nghệ sĩ mặc áo dài đủ màu, nam nghệ sĩ vận đồng phục, chiếc áo hình như may cách điệu theo kiểu áo bà ba.
Chương trình phổ cập âm nhạc cho dân thành phố này, tôi không lạ. Sáng chủ nhật dậy đi cà phê, tôi hay ngang qua xem hôm nay trước nhà hát có chơi nhạc gì, flamenco, rock hay là jazz… Đứng một mình bên này đường hay hòa nhập vào đám đông lố nhố ngồi trên… yên xe trước nhà hát vào một buổi sáng mát mẻ trong trẻo thật là một trải nghiệm đáng nhớ.
Và sáng nay người ta đang chơi nhạc quê hương trên giàn hòa tấu nhạc cụ dân tộc. Nhạc quê hương, tôi không biết giải thích sao, vì cái này người ta tranh cãi cũng nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn, nó kém thu hút giới trẻ hơn pop hay rock hay bất cứ cái gì khác, thậm chí còn bị kì thị là … sến. Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên nhất, là sáng nay trong đám đông quần tụ trước nhà hát, có đến khoảng 90% là các bạn trẻ, một vài khách du lịch nước ngoài, và dăm ba người lớn tuổi dừng vội rồi đi vội. Những người trẻ này đứng lại suốt từ lúc tôi đến cho đến cuối buổi hòa tấu, vỗ tay nhiệt liệt sau mỗi tiết mục, đến nỗi đứng từ xa mà tôi vẫn cảm nhận được niềm hạnh phúc rạng ngời trên khuôn mặt của những thành viên ban nhạc. Họ vui là phải. Tôi hiếm chứng kiến được một không khí nào cảm động hơn sáng hôm nay trước nhà hát, dù là trong một thính phòng đúng nghĩa, chứ không nói đến một buổi hòa tấu ngoài trời hoàn toàn “free” như vầy.
Hóa ra nhạc cụ dân tộc, giai điệu quê hương đâu hề bị lãng quên. Vậy mà người lớn, và cả tôi (dù chưa lớn lắm) cứ lo xa quá. Chắc tại hay bị ám ảnh chuyện ở nhà, mỗi lúc tôi bật Dạ Cổ Hoài Lang hay mấy bài lý bài hò, đám em út đều rú lên cười như thể tôi là một kẻ tội nghiệp chỉ biết vẻn vẹn dăm ba bài nhạc sến.
Tôi cũng từng là một trong đám trẻ (khờ khạo) đó. Từ 10 tuổi, tôi kiên quyết từ chối dòng nhạc quê hương mà tôi cho là quê mùa, mon men làm thân với pop rock soul jazz các kiểu, nghĩ mình “sang” lắm. Mãi cho đến một buổi chiều buồn hiu năm 20 tuổi ngồi trên một chiếc xuồng ba lá len qua con rạch miệt vườn Bến Tre để đến nơi thực tập, nghe anh lái vừa chèo vừa cất giọng mênh mang buồn rũ “đường dù xa ong bướm, xin đó đừng phụ nghĩa tào khang…” tôi mới rớt nước mắt. Vì bài hát thì một mà vì cái ngu của mình thì mười. Là tại sao đến năm 20 tuổi tôi mới hiểu ra được sự vi diệu ẩn trong một nét nhạc đơn giản, một ca từ bình dị dường ấy…
Sáng nay thêm một lần nữa tôi rơm rớm nước mắt. Sớm Sài Gòn nghe điệu Hoài Lang, chứ không cần phải lặn lội xuống Cà Mau Bạc Liêu chi cả. Đám đông trẻ tuổi quanh tôi, chẳng biết có bao nhiêu bạn đang trải nghiệm cái “lần đầu tiên” rưng rưng đó. Như là đi kiếm quanh co, đột nhiên một ngày phát hiện ra cô bé giản dị nhà sát vách mới chính là người làm rung động trái tim mình, chứ không phải là mỹ nữ Ba Lê hay Trung Hoa xa xôi nào hết.
Mà cái sự choàng tỉnh ấy đến trong đời người ta không theo quy tắc nào hết. Chỉ là khi nào mình đủ quan tâm, đủ lắng đọng, đủ trải nghiệm… để biết yêu thương những điều giản dị chân sơ, thì mình mới nhận ra thôi.
Tác giả: Nguyễn Thiên Ngân
(Theo Thế giới văn hóa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét