Tôi vốn dĩ không thiết tha với đàn hát, nhất là đàn dân tộc. Ấy vậy mà duyên trời run rủi hay sao mà cô con gái lại thích học đàn dân tộc mới lạ chứ! Dù dụ khị cách nào đi nữa cô nàng cũng không chịu học organ (Nhà có con trai người anh đang học, đàn lại có sẵn và cái phong trào học đàn organ đang lan rộng, hầu như các con bạn tôi đều học cả) mà đòi học đàn tranh sau khi nhìn và nghe chương trình nhạc dân tộc trên tivi. Thế là tôi đành phải đi tìm nơi cho con học theo đúng ý nguyện của nó. May thay ở Cung Văn hóa Lao đông có lớp đàn tranh, thế là tôi cứ sáng chủ nhật lại chở con đến đây để học. Thời gian học khoảng 2 tiếng đồng hồ, quay xe về nhà rồi lên lại thì mất công quá nên tôi ở lại chờ và vô hình chung được nghe đàn miễn phí. Chiều về, 2 mẹ con cùng tập. Tôi bắt chước cách đánh nhịp và đếm của cô giáo cho con đàn lại. Nghe rồi thấy hay hay, nhất là khi thấy cô giáo tận tụy dạy từng nốt nhạc, uốn nắn tư thế bàn tay, dáng ngồi sao cho đẹp… Tôi mới thấy cái hồn quê hương mà cô gửi gắm cho học trò như thế nào, cái sự gìn giữ ấy cô đã âm thầm gieo vào lòng những học trò niềm say mê tiếng đàn dân tộc mà còn làm cho bậc phụ huynh như tôi hiểu và yêu lúc nào cung bậc ngũ âm.
Cái ngày con được biểu diễn chung với dàn nhạc, mặc áo dài đỏ, khăn đóng vàng, ngồi xếp bằng trên sân khấu tự nhiên tôi thấy cảm động rưng rưng. Cô nền nã trong tà áo dài chỉ huy gõ song lang, tay đàn lên xuống nhịp nhàng như múa trên những sợi tơ, âm thanh réo rắt của đàn tranh như kéo mọi người gần lại nhau hơn. Tôi thầm cảm ơn cánh chim đầu đàn đã truyền cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương qua tiếng đàn và làn điệu dân ca…
Tôi dù không có thời gian học đàn với cô nhưng qua những lần tiếp xúc, cô đã thổi thêm cho tôi tình yêu cây đàn dân tộc. Chính vì vậy những bức tranh tôi vẽ về sau này đều có bóng dáng những cây đàn truyền thống. Tranh vẽ con gái đang chuẩn bị biểu diễn, tranh vẽ con đang ngồi đàn tranh, đàn bầu, tranh vẽ tĩnh vật cũng có bóng dáng cây đàn tỳ bà. Thậm chí bài thi tốt nghiệp của tôi là 1 bức tranh về hình ảnh 2 ông cháu: Ông đàn kìm, cháu ngồi cạnh lắng nghe, phía sau là 2 cây đàn tranh treo trên vách… Bài vẽ được khen ngợi, điểm cao và được treo triển lãm ngày tốt nghiệp… Tôi vui biết bao vì đó là thành quả những tháng năm học tập miệt mài và cũng chính từ cô đã làm cho tôi có thêm động lực thực hiện bài vẽ về nhạc cụ dân tộc. Cô đã giúp tôi thổi hồn vào bức tranh, đem tiếng nhạc ngân nga, đánh thức tình yêu quê hương trong tôi, trong thế hệ trẻ Việt Nam.
Giờ dây, dù tuổi đã cao, cô vẫn không ngừng miệt mài nhả tơ để nuôi dưỡng những mầm non nhạc dân tộc. Cánh chim đôi lúc mỏi mệt nhưng vẫn gắng gượng vươn lên sải cánh vì nền âm nhạc dân tộc. Trong cơn bão lũ truyền thông, âm nhạc nước ngoài tràn vào như rock, rap, hip hop, Kpop, Cpop… tràn lan, giới trẻ chưa đậm đà với nhạc dân tộc thì cô vẫn là điểm tựa cho những cánh chim non chập chững bay để đón chào ngày mới sáng tươi cho đàn dân tộc: Gần gũi mà sang trọng, giản đơn mà hấp dẫn biết bao.
Kính chúc cô thật nhiều sức khỏe để mãi là nguồn động viên cho lớp trẻ tiến lên bảo tồn văn hóa, văn nghệ dân tộc Việt Nam.
Phụ Huynh Khánh Vân
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét