Cái nhìn của tuổi trẻ về âm nhạc dân tộc Việt Nam
Có thể nói âm nhạc dân tộc Việt Nam của chúng ta đã có từ rất lâu đời, ngay từ khi còn nhỏ, điều gần gũi nhất với tôi có lẽ là những bài hát ru của bà, của mẹ. Và cải lương là một loại hình nghệ thuật được ưa chuộng nhất trong nhà tôi, lúc nhỏ, đi đâu đó cũng nghe bà con hát hò dăm ba câu vọng cổ, tối đến thì nào guitar, đàn cò, đàn bầu…bà con tập họp lại một nhà nào đó uống trà và hát như vậy đến khuya. Rồi càng lớn càng xa quê hương lên thành phố học tập, những hình ảnh ấy cứ mập mờ trong kí ức của tôi.
Bây giờ thì giới trẻ yêu thích nhạc trẻ, nhạc ngoại…mà điển hình là Vpop, Kpop. Với một người thuộc thế hệ trẻ như tôi thì việc nói không thích nhạc trẻ liệu có đáng tin không? Sức hút của dòng nhạc ấy càng ngày càng mạnh dần và nghề ca sĩ hát nhạc trẻ hiện nay được coi là một trong những nghề “thời thượng”. Nhạc trẻ đang lấn át và chiếm lĩnh thị trường là một điều mà không cần phải nói ra thì ai cũng nhận thấy được. Dưới góc nhìn của một người trẻ, một người không chuyên về âm nhạc thì với riêng tôi âm nhạc dân tộc Việt Nam rất đậm đà bản sắc, tinh tế trong từng câu chữ, qua đó giúp khán giả chiêm nghiệm được nhiều điều trong cuộc sống. Nó cũng đa dạng và phong phú với các điệu hò, điệu lý, qua các bản vọng cổ…tùy theo vùng miền địa phương mà mỗi nơi có một bản sắc riêng từ Bắc đến Nam.
Liệu việc giữ gìn nền âm nhạc dân tộc Việt Nam có quan trọng? Và câu trả lời không chỉ đơn giản là có mà là rất quan trọng vì theo tôi mỗi một quốc gia cần có một cái gì đó riêng biệt cho mình và âm nhạc cũng thế, và nhất là trong thời kì hội nhập như hiện nay thì việc tiếp thu những cái mới một cách tích cực là việc nên làm nhưng cũng không nên lơ là trong việc bảo tồn bản sắc riêng của mình.
Ảnh: Phạm Thành Nhân
Thế hệ trẻ hiện nay đa phần là không yêu thích dòng nhạc dân tộc có thể là do chưa được tiếp cận nhiều vì thế tôi thiết nghĩ cũng nên tổ chức các buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc ở các sân khấu lớn, nhỏ thường xuyên hơn nữa. Mặt khác thông qua các phương tiện truyền thông như báo chí, phim ảnh…để giáo dục cho thế hệ trẻ có một cái nhìn mới toàn diện hơn, sâu sắc hơn về nền âm nhạc dân tộc của nước ta. Ngoài ra còn có thể cho xuất bản sách, đưa vào chương trình giáo dục ở các cấp một bộ môn mới ví dụ như “Âm nhạc dân tộc” chăng? Vấn đề kinh tế là một vấn đề khá là tế nhị, có quá thiệt thòi cho những người yêu âm nhạc dân tộc, cống hiến hết mình cho âm nhạc dân tộc không? Thật vậy, vì thế nhà nước cũng nên có những chính sách ưu đãi đối với những người chuyên tâm, dốc hết sức mình cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy nét đẹp của âm nhạc dân tộc, đó sẽ là động lực giúp cho họ khẳng định được giá trị của công việc mà họ đang theo đuổi đang ngày càng được đánh giá cao.
Mỗi cá nhân, cá thể đều phải tự nâng cao nhận thức và phải có trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp và bản sắc của nền âm nhạc nước ta - đó là điều tự hào rất xứng đáng để “khoe” với bạn bè thế giới đấy!
Starfish
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét