CHIỀU MƯA LƯU THỦY
Vu Lan tiết tháng bảy, trời sụt sùi đổ nước mắt muôn nẻo phố thị Sài Gòn...
Ba chị em chúng tôi trùm áo mưa chở nhau đi trên con đường sũng ướt sình lầy. Hơi lạnh của những giọt mưa tháng bảy phả rát mặt, nhưng chẳng thể xua đi một niềm háo hức sắp được bày ra trước mắt ít phút nữa đây. Dừng xe trước tiệm bán cà phê, ba chị em đứng đợi mấy người nhân viên đóng gói một hộp cà phê thơm lừng vừa mới rang và xay xong, đem theo tiếp tục cuộc hành trình (để làm gì thì... hồi sau sẽ rõ! Hihihi!). Mùi thơm len lỏi trong không gian của những hạt cà phê làm tôi quên cả trời mưa! Chị của tụi tôi kỳ công hết sức!
Xe dừng trước cổng chung cư. Chúng tôi gởi xe rồi lại tiếp tục đi bộ thêm một đoạn hẻm lắt léo nữa, trên mình vẫn trùm kín mít cái áo mưa nặng nề. Tới nơi, chị tôi gọi cửa. Chúng tôi được tiếp đón nồng hậu và đi đến nơi cần phải đến. Ở đó có một vị "tiên ông" tóc bạc phơ, áo nâu sòng đang ngồi đắm mình trong khói thuốc chiều mưa. Vị Thầy khả kính vô cùng của nhạc tài tử miền Nam mà hai đứa trẻ chúng tôi (riêng chị thì đã quen rồi!) lần đầu trực tiếp đến tận nhà và nơi làm việc để có thể học lấy bao nhiêu chuyện đời, chuyện nhạc: Thầy Vĩnh Bảo!
Đã hơn 92 tuổi rồi mà Thầy vẫn thật minh mẫn. Giọng miền Nam sang sảng mà tôi đã có ấn tượng ngay từ lúc ban đầu khi nghe những chiếc dĩa hát giới thiệu nhạc tài tử của Thầy, bây giờ đây thực sự khơi lại thêm lần nữa cái ấn tượng cũ trong lòng tôi. Thảo ơi! Thích ghê Thảo ơi! Ngươi chắc cũng như ta, hân hoan lắm, mà niềm "dzui" của ngươi chắc phải dào dạt hơn ta nữa kìa! Phải không?
Thầy Vĩnh Bảo đang sửa móng đàn cho Hải Phượng
Mưa ngoài hiên vẫn thánh thót không thôi, như đang gieo vào buổi chiều nay những xúc cảm mơ màng. Chị Hải Phượng rất dễ thương trong lúc là một cô học trò nhỏ. Vẫn chất nghệ sĩ đầy mình nhưng đã để lại bên ngoài cánh cửa nhà sự chuyên nghiệp của sân khấu, phong cách điệu nghệ trong lúc biểu diễn để giản dị làm một học trò đến thăm Thầy, học Thầy và lắng nghe những câu chuyện thú vị từ người Thầy đáng kính. Ba chị em chúng tôi đang lạc vào thế giới của âm nhạc, và nhứt là tiếng trầm tiếng bổng của giọt đàn Tranh!
Hải Phượng hồn nhiên khi là một cô học trò nhỏ...
Thử đàn...
Khói thuốc quyện bay cùng hương cà phê trong chiếc cốc nhỏ trên bàn, Thầy Vĩnh Bảo bắt đầu những câu chuyện, trước tiên là từ tiếng đàn. Thấy Thầy nhiệt tình ngồi chỉnh sửa lại bộ móng đồi mồi cho chị Hải Phượng mà mấy chị em chúng tôi vui lây! "Đồ nghề" của Thầy đã thiệt (ba chị em có lẽ đều nghĩ vậy). Trao cây đàn Tranh "trầm hùng" cho chị Phượng, Thầy với tay lấy cây đàn Kìm rồi hai Thầy trò so dây. Đây mới thật đúng là chất "tài tử" mà tôi hằng mong luôn được sống trong bầu không khí âm nhạc như thế này. Thử đàn mới, nhưng cũng là lúc "cao sơn lưu thủy ngộ tri âm". Một già, một trẻ (và hai đứa trẻ nít này nữa). Một Thầy, một trò (và hai đứa trò khác... ăn theo nữa!) ngồi trong cơn mưa chiều nặng hạt chuẩn bị tấu lên những tiếng đàn thần tình (có thêm mấy cái lỗ tai chịu khó mở thiệt to để nghe). Khi tri âm ngộ tri âm, có lẽ không gì vui sướng bằng lúc cùng sống vui trong âm nhạc, thả hồn vào ý nhạc. Kìm - Tranh hợp tấu, một thổ một kim làm say sưa hai kẻ khách đi chung. Thảo cứ há miệng ra mà nghe, còn tôi thì cứ ngứa ngáy tay chân làm sao mỗi khi đến những đoạn rung nhấn cao trào hay cách sắp ngón đàn độc chiêu của hai Thầy trò.
Đàn Kìm trên vách...
Nắn phím so dây...
Tụi mình đang chìm đắm trong điệu "Lưu Thủy Trường" với tiếng đàn Kìm gân guốc từng trải và tiếng đàn Tranh trẻ trung tươi thắm của hai Thầy trò "tiên ông" Vĩnh Bảo đó Thảo!
Tiếng nhạc vừa dứt, ta còn nghe trong tiếng mưa là lời nhận xét ân cần của Thầy Vĩnh Bảo dành cho trò Hải Phượng: "Tốt quá! Tốt quá!...". Mấy chị em cười vui vẻ, không khí thân mật ngày càng ấm áp hơn đối nghịch với từng hạt mưa nặng trĩu lạnh buốt ngoài trời.
Nhưng có lẽ đoạn sau sẽ hấp dẫn hơn khi Thầy Vĩnh Bảo "đụng" tới cây đàn Tranh - sở trường tuyệt vời của Thầy! Cẩn thận giở chiếc khăn phủ đàn ra, Thầy hào hứng so dây mà nét mặt vẫn điềm nhiên. Rít một hơi thuốc sảng khoái, hai Thầy trò rao Bắc. Thầy Vĩnh Bảo rất chịu khó thâu âm những bài đàn của mình khi dạy cho học trò, khi đàn chơi, khi ngẫu hứng một mình, khi hòa chung với bạn bè, môn sinh... bằng những chiếc máy ghi âm hiện đại mà Thầy tự sử dụng thật rành rẽ không thua chi khi sử dụng nhạc cụ. Hai đứa nhỏ đi theo quan sát thì lúc nào cũng trầm trồ thán phục. Phải rồi, sống một cuộc sống với âm nhạc như vầy thì chả trách Thầy luôn khỏe mạnh, vui vẻ, yêu đời là phải.
Hai tiếng đàn Tranh hòa quyện cũng với bản "Lưu Thủy Trường" nhưng lần này nghe thích thú hơn hắn. Cứ như là những dòng chảy của sông hồ đang nối tiếp trôi ra biển lớn, như những lớp sóng liên tục rượt đuổi nhau, khi nhẹ nhàng, khi chảy xiết, lúc "vướng cục đá" (theo lời Thầy Vĩnh Bảo) mà có những trúc trắc như thế nào... Chúng tôi càng nghe càng mở rộng hiểu biết hơn với cây đàn Tranh và việc tô điểm cho bản đờn thêm phong phú. Tiếng đàn réo rắt của chị Hải Phượng được nâng lên đẹp thêm nhiều lần bởi tiếng đàn dìu dặt, trầm tĩnh của Thầy. Mỗi lần đàn với Thầy, chắc chị chúng tôi lại học thêm được vài ngón hay nữa, và nhờ vậy mà chúng tôi cũng có cơ hội được tận mắt, tận tai thấy nghe rõ ràng hơn hẳn (còn nghe rồi mà thực hành thì lại là một chuyện khác! Hihihi). Đặc biệt, lúc quay phim hai Thầy trò đàn Tranh với bản Trường Lưu Thủy, tôi bỗng nhiên cảm động đến rơm rớm nước mắt, và cuối cùng chịu không nổi nữa làm hai giọt nước mắt trào ra, khiến cho hai tay quay phim run run lên vì xúc động. Bản này bản Bắc, không phải điệu Oán điệu Ai mà sao tôi lại trở nên như vậy? Bởi vì niềm xúc động khi nhìn thấy hai thế hệ ngồi hòa đàn với nhau, mái đầu bạc trắng và mái đầu xanh đang thả hồn theo từng chữ nhấn, câu rung, bởi vì mình tự hỏi mình rằng còn mốt mai nào có thể trở lại được khoảnh khắc này một lần nữa, và nhìn thấy hai nhân ảnh quen thuộc kia đang dạo khúc tri âm? “Không ai có thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông” (Heraclitus), và tôi cũng chẳng thể nào nhìn thấy được cảnh hôm nay, trong không khí này, trong thời gian này, trong chiều mưa tháng Bảy này, trong hương cà phê đậm đặc và khói thuốc mông lung bên triền nhạc này lần tiếp theo, dầu cho bản Lưu Thủy vẫn cứ chảy hoài trong tiếng đàn của những thế hệ tiếp sau. Sẽ có khi nào bắt gặp lại hình ảnh này với sự ríu rít hồn nhiên của Hải Phượng và cái thoải mái, tự nhiên, duyên dáng của vị Thầy nhạc sư Vĩnh Bảo? Lệ tôi chảy hôm nay, nào đâu sẽ chảy như giây phút này những lần khác nữa?
Dứt nhịp hòa âm, tiếng đàn vẫn còn vọng lại trong màn mưa mỏng. Ô hay, mình như bừng tỉnh một giấc mộng con! Rồi chúng tôi ngồi quây quần quanh Thầy nghe Thầy kể chuyện. Hết chuyện đóng đàn, kinh nghiệm trong cách học đàn, những "chiêu thức", những "ngón nghề" đàn hay đến làm thế nào bảo quản nhạc cụ và những chuyện tiếu lâm trong cuộc sống khiến cho những tràng cười cứ nổ ra nghiêng ngả... Ông Thầy của chúng tôi đáng yêu đến lạ! Chiều mưa chẳng thể nhạt phai...
Thầy Vĩnh Bảo kể chuyện
Trước khi ra về, chị Hải Phượng biếu Thầy gói cà phê khi nãy chúng tôi nói là "đợi hồi sau sẽ rõ" để Thầy dùng, giúp tăng thêm cảm hứng trong âm nhạc (vì thế mới thấy trên bàn làm việc của Thầy lúc nào cũng có cốc cà phê đen và gói thuốc lá bên cạnh). Chúng tôi cũng kịp chụp chung với Thầy tấm ảnh lưu niệm ngày đến thăm và nghe Thầy trò chuyện, chơi đàn phong cách tài tử. Chúng tôi đang thực sống trong không gian "di sản văn hóa âm nhạc tài tử Nam bộ" đây mà, dầu ngắn ngủi nhưng đượm biết bao ý vị. Nếu thực có một buổi nhạc tài tử kéo dài hơn nữa thì chúng tôi sá gì mà không thức thâu đêm, sống trọn một ngày với đàn ca?
Hai đứa trò nhỏ cùng với Thầy sau buổi trò chuyện
Trời vẫn mưa dầm dề...
Từng bước chân đi trong mưa mà tôi ngỡ mình đang đi trong điệu Lưu Thủy khi nãy...
Tiếng nhạc chiều vẫn văng vẳng đâu đó trong lòng...
Và khi nào, khi nào "lưu thủy" lại có dịp tương ngộ "cao sơn"?
Chiều mưa tháng 7 Tân Mão - Vu Lan tiết
Xúc cảm buổi tương ngộ tại nhà Thầy Vĩnh Bảo, nghe Lưu Thủy Trường song tấu 2 đợt Tranh - Kìm & song Tranh
Kính quý tặng Thầy Vĩnh Bảo
Thương quý tặng chị Hải Phượng & Phương Thảo
Khánh Vân
trantruongca wrote on Sep 22, '11
Khánh Vân ơi!
Hay quá! Thú ví quá bài con viết thật tuyệt vời. Bên ngoài trời mưa, bên trong nhà ấm áp Thầy theo dõi buổi tao ngộ con thuật lại. Thầy thổn thức từng phút từng giây, thừng câu từng chữ, thưởng thức tiếng đàn tuyệt mỹ, say sưa từng phút giây "khi tri kỷ phùng tri kỷ, Nhạc dễ thành chương rộn tiếng tơ Cả lúc mưa rơi hay nắng đổ Dầu khi trăng tỏ hoặc trăng mờ" ( Trích thơ Thầy họa vận bài Cung đàn tri kỷ tri âm" của TN Hỷ Khương cách đây hơn 30 năm! Hôn con nhiều. Khen con, cám ơn con Thầy TVK |
amnhacdantoc wrote on Sep 22, '11
Cám ơn KV đã viết 1 bài rất hay về buổi hòa đàn của Nhạc sư Vĩnh Bảo và Nghệ sĩ Hải Phượng. Đọc bài viết mà chị có cảm giác như đang được ngồi cạnh họ để nghe tiếng đàn trầm bổng hòa quyện trong chiều mưa rả rích. Thật tuyệt vời phải không em? Cầu chúc Nhạc sư thật nhiều sức khỏe để thế hệ sau có dịp hòa đàn với Nhạc Sư.
Chị HY |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét