Thứ Ba, 1 tháng 1, 2013

HỘI NGỘ ĐỜN TRANH những dư vị thấm lan... (Cảm nhận của Thầy Trần Văn Khê)

DƯ VỊ ĐÊM HỘI NGỘ ĐỜN TRANH 
lần thứ 2 – 2011


         Từ trước đến nay, đã có rất nhiều chương trình Liên hoan đờn Tranh được tổ chức. Nhưng theo tôi, lần này buổi “Hội Ngộ Đờn Tranh” lần thứ 2 – 2011 đi rất gần đến chỗ hoàn hảo từ hình thức tới nội dung. Lòng tôi bây giờ vẫn còn vẹn nguyên những cảm xúc đối với đêm “Hội Ngộ” vừa rồi. 

        Mở đầu chương trình, CLB Tiếng Hát Quê Hương khai mạc chương trình bằng các bản “Lưu Thuỷ - Kim Tiền – Xuân Phong – Long Hổ”, vừa có phong cách nghiêm trang của nhạc cung đình, vừa có tánh chất thân thuộc của bài bản trong đờn ca tài tử. Các nghệ sĩ nam – nữ đều mặc quốc phục áo dài tạo nên một hình ảnh đẹp mắt, long trọng cho buổi khai mạc chương trình. Trong sự tiến bộ về chất lượng, chúng tôi nhận thấy sự đóng góp kín đáo, âm thầm mà rất quan trọng của chủ nhiệm CLB Tiếng Hát Quê Hương là NGƯT Phạm Thúy Hoan. Kịch bản lại sắp đặt rất khéo, để cho mỗi nghệ sĩ tham dự chương trình có dịp thể hiện hết tất cả tài năng của mình trên sân khấu. 

            
Chương trình đã khéo sắp đặt cho Hải Phượng – một gương mặt thân quen của CLB Tiếng Hát Quê Hương trình diễn trước để cho khán thính giả có được cảm giác gần gũi thân thuộc. Sau màn biểu diễn của Hải Phượng mới lần lượt giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ lần đầu tiên biểu diễn trên sân khấu Cung Văn hóa Lao Động. Chính điểm đặc biệt này đã thể hiện được tinh thần hiếu khách rất cao của phía chủ nhà là CLB Tiếng Hát Quê Hương, chủ nhà ra trước tiếp đón khách, sau đó mới dành vị trí quan trọng cho các vị khách mời. 

           Mỗi nghệ sĩ tham dự đều khéo chọn lựa bài bản, trang phục và tự sắp đặt không gian biểu diễn trên sân khấu phù hợp với nội dung tác phẩm và phong cách biểu diễn của mình. Khi Hải Phượng bước ra sân khấu để biểu diễn 2 bài bản nhạc Tài Tử miền Nam (“Song Phi Hồ Điệp” và “Bình Sa Lạc Nhạn” – 2 sáng tác mới của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thinh do NGƯT Nguyễn Văn Đời ký âm), cháu đã rất khéo lựa chiếc áo dài may theo kiểu cổ của phụ nữ thời xưa, tức là không chít eo nhưng vẫn toả ra nét duyên dáng, hiền dịu của người phụ nữ Việt Nam.










Hải Phượng trong chiếc áo dài phong cách cổ biểu diễn "Song phi hồ điệp" & "Bình sa lạc nhạn"
Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm


Nhìn Hải Phượng dịu dàng trong chiếc áo dài này, tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh của má tôi, cô tôi, những người phụ nữ trong làng xóm của tôi ngày xưa mà rất xúc động. Cách ngồi đờn trang trọng, “đôi tay búp măng” nhẹ lướt trên dây đờn không chỉ diễn lại cách đờn mộc mạc, chân phương của thời xưa mà còn có những câu rao rất đặc biệt đầy thi vị và thoang thoảng thiền vị, khiến cho tôi nghĩ tới ngón đờn thâm trầm, sâu sắc của người bạn thâm giao – nhạc sư Vĩnh Bảo. 

          Khi chuyển qua sáng tác mới của Hải Phượng với tựa đề “Thoáng Hương Quê”, Hải Phượng đã thay một chiếc áo dài khác màu thăm thẳm xanh của bầu trời, với chiếc cổ thuyền và hai cánh tay áo lỡ loe rộng theo phong cách mới nhưng vẫn đậm màu dân tộc nhờ những hoa văn thêu trên áo. Sáng tác này làm tôi rất vui vì Hải Phượng đã vượt qua khỏi những quy luật khắt khe của cách sáng tác phương Tây để đi vào cách vận hành giai điệu mang một hơi thở rất Việt Nam. 



           "Cơn lốc" Phù Tang trên ngón tay Hải Phượng 
(Ảnh: Hoàng Thế Nhiệm)
           

Đến tác phẩm thứ ba, tôi rất ngạc nhiên vì bản này do một nhạc sĩ Nhựt Bổn sáng tác cho đờn Koto, có những đoạn mạnh mẽ như một cơn cuồng phong, toàn bài là một “Cơn Lốc” mà Hải Phượng đã khéo lựa cây đờn, cách lên dây để thể hiện ra sự cuồng nộ mãnh liệt của hiện tượng thiên nhiên. Nhạc phẩm này đã chứng minh rằng đờn Tranh Việt Nam không chỉ biểu diễn được những bài bản truyền thống dân tộc mà còn có khả năng biểu diễn những loại nhạc đương đại của các nước bạn. 

Tiếp theo là phần biểu diễn của nhóm nhạc “Mặt Trời Đỏ”. Các cháu nghệ sĩ trong nhóm “Mặt Trời Đỏ” đều có một kỹ thuật vững chắc, điêu luyện, phong cách biểu diễn sinh động, hào hứng. Tuy nhiên những giai điệu được chọn lựa chưa làm nổi bật được tiếng đờn Tranh trong một ban nhạc gồm nhiều nhạc khí khác khi đến với “Hội Ngộ Đàn Tranh”. Dầu vậy, tiết mục mà “Mặt Trời Đỏ” mang đến ngày hôm đó rất vui tai, đẹp mắt và đã được khán thính giả tiếp đón rất nồng hậu.

 Nhóm Mặt Trời Đỏ biểu diễn hào hứng - Ảnh Minh Châu

Sau “Mặt Trời Đỏ”, phần biểu diễn đặc biệt thứ hai được khán thính giả mong đợi cũng đã tới. Vân Ánh – người đã được giải nhứt Tài Năng Trẻ đờn Tranh 1995 – xuất hiện trong trang phục áo dài mang hơi hướng hiện đại cùng với mái tóc vấn cao, phù hợp với phong cách biểu diễn sinh động, mạnh mẽ thuộc các loại nhạc đương đại như new age, world music mà Vân Ánh đang thể nghiệm. 

Cháu cùng song tấu với Hải Phượng (sử dụng đờn Bầu) tác phẩm “Gió Phương Nam” của Đỗ Bảo. Hai phong cách khác nhau nhưng hòa hợp nhau một cách rất nhuần nhuyễn, tạo nên một sự đối thoại kỳ thú. Một lần nữa tôi có cảm giác rằng khi kỹ thuật đi đến một mức thật cao thì có thể không cần tiếng nói chen vào cũng có thể chuyển tải được niềm xúc cảm trong tim của mọi người. Khi Vân Ánh độc tấu những bản mới được viết riêng cho đờn Tranh theo phong cách đương đại thì cháu đã cho thính giả thấy rõ ràng rằng đờn Tranh có khả năng nói được những tiếng nói của nhịp sống hôm nay. Tôi đã xem Vân Ánh biểu diễn rất nhiều lần từ khi cháu còn ở trong nước. Đến khi cháu ra định cư nước ngoài thì tôi nhận thấy kỹ thuật của cháu tiến bộ rất xa nhưng nội dung âm nhạc dân tộc Việt Nam còn rất ít. Tuy nhiên, nhờ Vân Ánh biểu diễn không phải chỉ với đôi tay “gầy thon diễm ảo” mà với cả trái tim của mình, mà trong trái tim đó, Việt Nam vẫn còn có một chỗ đứng rất lớn nên những tiết mục của Vân Ánh có thể làm xúc động nhiều thính giả Việt Nam trong và ngoài nước. Vân Ánh vừa tiếp thu âm nhạc của nước ngoài mà luôn nhớ rằng làm thế nào để tiếng đờn Tranh có thể hoà nhập được với tiếng nhạc của thế giới, nhằm diễn tả những tình cảm vượt ra khỏi biên giới quốc gia đi tới quốc tế. Nhưng trong tiếng đờn đó cốt yếu còn phải giữ được tinh thần Việt Nam qua các sáng tác mới. Nhờ tình thương nước Việt Nam mà những tiết mục của Vân Ánh dầu có xa lạ trong giai điệu và tiết tấu cũng còn có thể gần gũi với mọi người bằng tình cảm và linh hồn. 

         Các nghệ sĩ mỗi người một phong cách nhưng tất cả đều đã làm nên sự xúc động trong tôi và trong tim của khán thính giả mộ điệu. Chương trình hôm nay thành công không chỉ ở phía các nghệ sĩ, mà còn là sự hội tụ của các yếu tố góp phần làm nên sự tươi đẹp, hấp dẫn cho ngày “Hội Ngộ”. Sự góp sức đó là ở cháu dẫn chương trình đã dẫn dắt buổi diễn rất có duyên, khiến cho buổi biểu diễn đã hay nay càng thêm đẹp. Là ở sự hỗ trợ rất tích cực từ ban lãnh đạo, các phòng văn hóa nghệ thuật của Cung Văn Hóa Lao Động đã giúp cho các chương trình Hội Ngộ mà cụ thể là lần thứ hai này thành công vang dội. Là ở sự cổ vũ, ủng hộ nhiệt tình của các mạnh thường quân và đông đảo quý vị khán thính giả còn yêu mến cây đờn Tranh và âm nhạc dân tộc Việt Nam… Chính tình cảm đó, sự chung tay chung lòng đó mới làm nên một “Hội Ngộ” của hôm nay. Tôi rất xúc động và chân thành cảm ơn tất cả mọi người. Nhứt là Thúy Hoan đã tạo cho tôi một bất ngờ lớn khi em cùng tất cả môn sinh trong CLB Tiếng Hát Quê Hương và các nghệ sĩ tham dự chương trình lên sân khấu mừng ngày sanh của tôi. Niềm vui nối tiếp niềm vui. Tình người kết chặt tình người. Buổi “Hội Ngộ Đàn Tranh” lần này chẳng những đọng lại kỷ niệm sâu sắc ngày hôm nay mà dư vị của nó sẽ vẫn tiếp tục lan tỏa chất men say cho những “Hội Ngộ” về sau nữa. 

Bình Thạnh, cuối hè 01.08.2011
GSTS TRẦN VĂN KHÊ

(Bài đã đăng trên báo Sân Khấu TP.HCM số 1057 tháng 08/2011)
Ảnh Hoàng Thế Nhiệm - Minh Châu





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét